Nick M (tên thật Nguyễn Minh Ngọc) vừa ra mắt cuốn sách thứ 4 là tập tản văn Cũ (Công ty Nhã Nam phát hành).
Trước đó, anh đã thực hiện 2 tập bút ký 1987 (2017) và tạp văn Balo trên thảm đỏ (2018). Riêng 2 tập bút ký 1987 đã bán chạy đến nỗi được in tới 21.000 bản ở 7 lần in chỉ trong vòng 1 năm.
Tác phẩm Cũ được tác giả Nick M hình thành trong những ngày giãn cách xã hội đầu tiên khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Hà Nội vào cuối tháng 3.2020. Trong Cũ, Nick M dọn dẹp lại ký ức thông qua những món đồ cũ, những thói quen cũ, những mối quan hệ cũ.
Tác phẩm Cũ hiện đã có mặt ở châu Âu thông qua Tiệm Mọt, tiệm sách đưa sách Việt đến với người Việt ở nhiều quốc gia châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Pháp, Na Uy, Bỉ, Anh và Đức.
Nhiều người trẻ thích những quán cà phê kiểu “vintage”, thời trang “vintage”. Cũ có phải là một dạng văn chương “vintage” (có thể hiểu nôm na là hoài niệm về quá khứ, những món đồ cũ…)?
Tác giả Nick M: Tôi nghĩ là đúng. Quá khứ luôn là thứ dễ để gợi mở cảm xúc dù nó có đau đớn hay đẹp đẽ. Như trong sách tôi đã viết: “Ký ức có thể cất đi, nhưng lịch sử thì không thể xóa nhòa”.
Những thứ đã xảy ra thì sẽ vẫn còn lại ở đâu đó và con người dù có muốn buông bỏ, mọi thứ sẽ luôn ở lại đâu đó trong một nhà kho, một ngăn tủ để đến khi mở ra, nó trở thành một thứ khiến chúng ta xúc động và nhớ.
Người trẻ ngày nay thích quán cà phê kiểu vintage, thời trang kiểu vintage vì trong cuộc sống hiện đại hối hả và mọi thứ đều nhanh, những thứ vintage giúp chúng ta có cảm giác chậm lại và nhìn mọi thứ một cách lâu hơn, kỹ hơn.
Những thứ hồi xưa đang trở lại và hấp dẫn nhiều người, trong đó có những người trẻ, chẳng hạn như quán cơm bao cấp. Theo bạn, vì sao nhiều người trẻ lại dành nhiều quan tâm đến những thứ hồi xưa như vậy?
Tôi nghĩ vì đơn giản, ký ức là thứ khi bất ngờ xuất hiện trở lại, bạn chỉ có thể nhớ, có thể nhìn thấy nhưng chẳng thể chạm tới. Quán cơm bao cấp có thể là nơi bạn tìm đến sau khi đã ăn quá nhiều bữa sơn hào hải vị với ẩm thực phong phú trên khắp thế giới.
Ở đó, bạn được phục vụ những món ăn dân dã, có phần đơn giản nhưng sẽ không bao giờ cảm nhận được sự đói khổ của thời bao cấp.
Theo Báo Thanh Niên