Các tiểu thuyết gia kiếm tiền từ đâu? Có phải làm văn là dễ “ĐÓI”?
Các tiểu thuyết gia kiếm tiền từ đâu? Có phải làm văn là dễ “ĐÓI”?
Muôn người, muôn nghề, nghề nào cũng đòi hỏi chúng ta phải trải qua giai đoạn “nằm gai nếm mật”. 

Tuy nhiên, “Nghề viết” lại mang nét rất đặc thù. Trong khi không ít nhà văn thành danh, thậm chí trở thành triệu phú, người ta vẫn thường chẹp miệng quan ngại cho những “người cầm bút” với nguồn thu nhập không đều đặn và bấp bênh. 

 Vậy, “Các nhà văn có đủ sống hay không?”, “Làm thế nào để có cuộc sống ổn định, không lo toan với nghề viết lách?

 

Truyền thống và phi truyền thống 

 

Các nhà văn thường có nguồn thu chính từ việc viết, xuất bản và phát hành sách đến tay người đọc qua hai hình thức: tự xuất bản hoặc hợp tác với các nhà xuất bản trong và ngoài nước. 

So với trước kia, khi đa số việc xuất bản sách đều do các đơn vị, cơ quan nhà nước hoặc công ty tư nhân đảm nhận, ngày nay, các tác giả có nhiều lựa chọn hơn, và thực tế cho thấy rằng xu hướng tự xuất bản đang trở nên ngày càng phổ biến. 

  • Phương thức hợp tác truyền thống

Xuất bản truyền thống thường bao gồm một quy trình bài bản với nhiều giai đoạn, bắt đầu từ lúc mua bản quyền, ký kết hợp đồng hợp tác. Sau khi các ấn phẩm được in, công ty xuất bản sẽ hỗ trợ các tác giả phân phối tác phẩm của họ đến người đọc qua nhiều hình thức, từ điểm bán trực tiếp đến trực tuyến một cách dễ dàng. 

Lợi ích từ phương thức truyền thống này là gì? 

Thông thường, trong các trường hợp này, nhà văn không cần phải làm quá nhiều công việc vì đã có sự trợ giúp của bên thứ hai trong tất cả các khâu cần thiết. Mặc dù quá trình này đôi khi có thể cồng kềnh và mất thời gian, nhưng lại tiện lợi hơn rất nhiều khi có một công ty xuất bản cung cấp mọi dịch vụ, bao gồm cả một nhóm chuyên gia từ dịch thuật, biên tập  và nhà thiết kế, đơn vị tiếp thị, bán hàng. 

Ngoài các lợi ích về khâu sản xuất và phân phối nêu trên, hợp tác với nhà xuất bản truyền thống cũng là một phương thức tiết kiệm chi phí và hạn chế rủi ro. Điều này được lý giải bởi việc những tác giả này sẽ không phải mạo hiểm tự bỏ ra một số tiền lớn cho chi phí đầu vào và chi phí vận hành sau đó.

Quan trọng hơn nữa là, mặc dù các nhà văn có thể phải từ bỏ quyền nắm giữ bản quyền sáng tác đối với tác phẩm của chính mình, nhưng một nhà xuất bản nổi tiếng sẽ vẫn là lựa chọn tốt vì thông thường, các đơn vị này sẽ dễ dàng quảng bá sản phẩm hơn, nhờ có mối quan hệ rộng khắp và chất lượng trong ngành. 

Ngoài ra, đây cũng là cách tiếp cận phù hợp để các nhà văn xây dựng tên tuổi trong ngành. Ở các nước phát triển, nhiều cây bút nổi tiếng, chất lượng thường có cơ hội ký kết hợp đồng độc quyền với các nhà xuất bản nổi tiếng. Khi đó, nguồn thu của họ thưởng lớn và ổn định hơn rất nhiều. 

Lợi nhuận từ cách làm truyền thống. 

Thực tế, nhuận bút có mức dao động nhất định dựa trên tên tuổi, mức độ nổi tiếng của nhà văn. Tại Việt Nam, với mỗi tác phẩm của mình, các nhà văn, tác giả thường sẽ nhận được nhuận bút từ 10 đến 12 phần trăm (tính trên giá bìa nhân số lượng bản in). Với các tác giả mới, thường lượng sách in ban đầu rơi vào khoảng 2000. Một số trường hợp có thể lên đến 4000-5000, khi đó nhuận bút có thể tăng lên mức từ 15 đến 20 phần trăm. 

Như vậy, với giá bìa sách ngày nay dao động từ 80.000 đến 200.000VND, mỗi nhà văn với tác phẩm in lần đầu thường sẽ nhận được khoảng từ 20.000.000 đến 40.000.000 VNĐ cho một cuốn sách của mình.

Ngoài ra, khi sách tái bản, các tác giả có thể tiếp tục nhuận khoản tiền được cộng dồn vào sau đó. Tuy nhiên, không phải nhà văn nào cũng có các tác phẩm được in liên tục. Thông thường, vòng đời của một bản in sẽ trong khoảng từ một đến vài năm, sau đó mới có thể được tái in, tất nhiên là trong trường hợp tác phẩm đó được đón nhận và phân phối tốt trên thị trường. 

  • Phương thức tự xuất bản

Tự xuất bản là việc các nhà văn tự cho xuất bản tác phẩm của mình mà không thông qua một công ty xuất bản truyền thống. So với cách làm thứ nhất, quá trình tự xuất bản sẽ nhanh gọn,  hơn và đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích.

Lợi ích từ việc tự xuất bản sách

Lợi ích thứ nhất phải kể đến, là các tác giả sẽ có toàn quyền kiểm soát cuốn sách của mình, từ phong cách biên tập đến thiết kế bìa và tiêu đề. Là một nhà xuất bản độc lập, họ chịu trách nhiệm về tất cả các khía cạnh của việc xuất bản, bao gồm việc thuê đội ngũ biên tập, thiết kế, truyền thông quảng bá và cả bán hàng. Hoặc, họ cũng có thể thuê riêng một công dịch vụ phụ trách toàn bộ các khâu này. 

Thời gian trước, các nhà văn tự xuất bản sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối sản phẩm đến tay độc giả. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của internet, giờ đây,  họ có thể dễ dàng quảng bá sản phẩm qua các kênh mạng xã hội và phân phối chúng trên các nền tảng trực tuyến. Chưa kể, khi tải sách của mình lên các trang trực tuyến, tác phẩm của họ có thể sẽ được mua chỉ trong vòng vài giờ. Điều đó có nghĩa là họ có thể nhận được doanh thu nhanh hơn nhiều so với phương pháp xuất bản truyền thống.

Có thể nói, mặc dù không phải là cách làm chính thống, nhưng việc tự xuất bản cũng đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu thực sự nghiêm túc trong việc tham gia các cuộc thi sách hàn lâm, có thể bạn sẽ cần sự hỗ trợ của một nhà xuất bản. 

Nguồn thu nhập từ việc tự xuất bản sách. 

Vì không phụ thuộc vào một bên thứ hai, lợi nhuận về tay người viết sẽ ở mức cao hơn. Tất nhiên, họ vẫn sẽ cần chi trả các khoản nhất định cho các bên in ấn, thiết kế, các sàn phân phối, vân vân, nhưng con số sau cùng nhận được theo giá bìa, có thể giao động từ 40 đến 50 phần trăm tuỳ vào quy mô, độ nổi tiếng của sách. 

Như vậy, quay lại với phép tính  phía trên. Với các tác giả mới, thường có số lượng in lần đầu rơi vào khoảng 2.000, với giá bìa sách ngày nay dao động từ 80.000 - 150.000VNĐ, mỗi nhà văn tự xuất bản với tác phẩm in lần đầu thường sẽ nhận được khoảng 80.000.000 - 150.000.000 cho một cuốn sách của mình.

Nhìn qua thì đây là con số cao hơn nhiều so với xuất bản truyền thống, nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rủi ro của việc tự xuất bản khi không thực sự đảm bảo đầu ra của sách. 

Tất nhiên, mỗi phương thức đều có mặt lợi, hại và mỗi tác giả nên có sự đánh giá kỹ lưỡng trước khi chọn cho mình cách làm phù hợp. 

 

Các phương thức kiếm tiền khác từ viết lách 

 

  • Thu nhập từ tiền bản quyền chuyển thể thành phim

Kể từ sự thành công vang dội của hàng loạt các tác phẩm chuyển thể, ngày càng có nhiều cuốn sách truyện được dựng thành phim. Từ phim điện ảnh đến phim truyền hình, từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á, việc phát triển nội dung ở cả dạng sách và phim ảnh đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho các tác giả trên toàn thế giới. 

Điển hình phải kể đến nền điện ảnh Trung Quốc, khi phần nhiều các bộ phim được chuyển thể đều gây tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn lan rộng ra toàn châu Á. Ví dụ tiêu biểu là bộ “Tam sinh Tam thế”, “Bộ bộ Kinh tâm” hay thậm chí bộ đam mỹ chuyển thể “Trần Tình Lệnh”. 

Tại thị trường Việt Nam, các tác phẩm chuyển thể cũng dần xuất hiện và được đầu tư sản xuất kỹ lưỡng, như các tác phẩm “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hay xa hơn nữa là “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. 

Trên thế giới, có không ít nhà văn có nguồn thu khổng lồ lên đến hàng triệu đô nhờ sự thành công của tác phẩm chuyển thể, như J.K.Rowling với bộ “Harry Potter”, George R. R. Martin. với “Trò chơi Vương quyền” 

  • Làm biên tập viên, viết bài cho các tờ báo lớn

Ngoài xuất bản sách, việc viết cho các tờ báo, tạp chí lớn trong và ngoài nước cũng là một nguồn thu tương đối ổn định với các nhà văn, đặc biệt là những người đã có tên tuổi trong nghề.

Đối với các tác giả trẻ, cũng không thiếu cơ hội để có thêm thu nhập từ nguồn này. Nhờ sự phát triển của Internet và các phương tiện truyền thông đại chúng, rất nhiều các đầu báo điện tử từ nhỏ đến lớn có xu hướng thu hút các cây bút từ chuyển đến không chuyên.

Tuỳ vào số lượng chữ, nội dung, độ sâu và chủ đề cũng như khả năng chi trả của các tờ báo, các nhà văn sẽ nhận được thù lao, nhuận bút theo từng bài viết, số báo. 

  • Nhận tiền thưởng từ các giải thưởng, danh hiệu hàng năm

Đối với các nhà văn nước ngoài, mức thưởng từ các giải thưởng danh giá như Pulitzer, Man Booker hay Nobel Văn học là khá lớn. Trong đó, tiền thưởng cho giải Nobel văn học có thể lên đến hàng triệu đô, các giải thưởng nhỏ hơn như Pulitzer hay Man Booker cũng giao động trong khoảng từ 10.000 đến 60.000 USD. 

Còn ở nước ta hiện nay, các giải thưởng văn học thường khá ít và mức độ phổ biến không cao. Chính vì vậy mức tiền thưởng so với mặt bằng chung là thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc tham gia và đem về các giải thưởng hàng tiêu biểu như “Dế Mèn”, “Văn học tuổi 20”, “Giải thưởng Hội Nhà văn” sẽ là cơ hội tốt để các tác giả xây dựng tên tuổi, mở rộng quan hệ để phát triển sự nghiệp sau này.

Thực tế, không có ngành nào là toàn hoa hồng, thảm đỏ và nghề viết lách cũng không phải ngoại lệ trong số đó, thậm chí nó còn được đánh giá là có mức độ rủi ro cao. Tuy nhiên, vẫn sẽ luôn tồn tại nhiều cách khác nhau để các nhà văn tâm huyết với nghề được nhận lại nguồn thu xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Điều quan trọng là họ cần phải hiểu đúng, hiểu đủ và hiểu rõ để chọn ra con đường phù hợp với chính mình. 

Vượng Hoàng dịch | Tham khảo Indeed.com

 
Tags: