Nhà văn Vũ Hạnh qua đời
Nhà văn Vũ Hạnh qua đời
Nhà văn Vũ Hạnh - tác giả truyện ngắn nổi tiếng "Bút máu" - qua đời ở tuổi 95 vì tai biến, sáng 15/8.
Nhà văn Triệu Xuân nhận tin đàn anh qua đời từ bà Minh Thuận - con thứ sáu của Vũ Hạnh. Ông gặp tai biến, cấp cứu từ ngày 11/8 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (quận Bình Thạnh). Triệu Xuân nói: "Được chữa trị kịp thời, do tuổi cao, sức yếu, ông ra đi nhẹ nhàng". Chiều 15/8, linh cữu được an táng ở Củ Chi.

Nhà văn Vũ Hạnh tự lái xe mỗi khi đi công việc ở tuổi ngoài 90, trước khi sức khỏe suy giảm. Ảnh: NXB Văn hóa Văn nghệ

Ông Trần Văn Tuấn - Nguyên Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM - cho biết từng lo lắng vì thấy sức khỏe nhà văn Vũ Hạnh giảm sút khoảng một năm gần đây. Năm ngoái, khi cùng nhau ra Hà Nội chấm giải ở Hội nhà văn, ông thấy đàn anh bước đi loạng choạng, giao tiếp khó khăn. Với ông, cố nhà văn là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học miền Nam. "Văn chương ông thường giàu tính chính luận và tinh thần dân tộc, có nhiều tác phẩm tạo ảnh hưởng xã hội", ông Tuấn nói.

Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh năm 1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, trong gia đình nho học. Sau 1975, ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ TP HCM trong 10 năm. Năm 2007, nhà văn nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật với các tác phẩm: Bút máu (truyện ngắn 1958), Người Việt cao quý (truyện ngắn 1965), Đọc lại Truyện Kiều (1966), Lửa rừng (tiểu thuyết 1994)... Trong đó, tác phẩm Bút máu được xem như tuyên ngôn nghệ thuật của ông bởi cốt truyện đơn giản nhưng ngôn từ hàm súc, giàu triết lý.

Nhà văn Vũ Hạnh tham gia Cách mạng năm 19 tuổi, bền bỉ đấu tranh bằng ngòi bút trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Ảnh: NXB Văn hóa Văn nghệ

Ông còn có các tác phẩm đã xuất bản như: Tìm hiểu văn nghệ (1970), tập truyện Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Sông nước mênh mông (1995), hồi ký Cái tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000). Năm 2020, ở tuổi 94, ông vẫn ra sách mới - Người nhà trời, lấy bối cảnh miền Nam thời Pháp thuộc với những người nhà quê không chịu áp bức cường quyền, mang khát vọng cứu nước. Nhân vật chính Tư Bạch - anh nông dân Cần Thơ - có tính giang hồ hào hiệp, chuyên trừng trị kẻ xấu, giữ triết lý sống nhân nghĩa. Tác giả viết trong ba năm, dựa trên trải nghiệm bản thân kết hợp các câu chuyện góp nhặt từ bạn bè, đồng nghiệp. Ông còn ấp ủ viết hồi ký Cũng một kiếp ngườ- ghi lại thăng trầm trong cuộc đời ông - nhưng chưa kịp ra mắt.

Theo Vnexpress

Tags: