Không những vậy, người đọc còn cảm nhận được sự nồng nhiệt, chân thành cùng tâm hồn nhân hậu, da diết của người dân Ý sau khi gấp cuốn sách này lại.
Sau hai ấn phẩm gây tiếng vang lớn, "Nước Ý, câu chuyện tình của tôi" (2012) và "Phút 90++ (2013)", "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu" (2017) là cuốn sách thứ ba viết về nước Ý của nhà báo Trương Anh Ngọc.
Vừa qua, Trạm Đọc đã có cuộc trò chuyện cùng anh Trương Anh Ngọc về nguồn động lực khiến anh quyết định xuất bản "Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu" cũng như những thông điệp ý nghĩa anh muốn chuyển tới độc giả thông qua cuốn sách này. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng sẽ tìm thấy lời khuyên bổ ích của anh Trương Anh Ngọc về những cuốn sách hay mà bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời.
Dưới đây là bài phỏng vấn với nhà báo Trương Anh Ngọc do Trạm Đọc thực hiện.
Trước hết, xin cảm ơn anh đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Trạm Đọc.
Thưa anh, lý do gì khiến anh quyết định xuất bản cuốn sách này?
Tôi xuất bản cuốn sách này chỉ vài tháng sau khi kết thúc nhiệm kỳ phóng viên thường trú của Thông Tấn Xã Việt Nam ở Ý. Đấy là tập hợp của những bài tản văn và những tấm ảnh tôi đã chụp trong nhiều năm sống và làm việc trên mảnh đất này, tự “nhúng sâu” mình vào cuộc sống, con người, xã hội và lịch sử ở đó, ngỡ ngàng nhận ra rằng, với tình yêu và lòng chân thành, tôi có thể yêu đất nước và con người này đến thế, như đấy là quê hương thứ hai của mình vậy. Cuốn sách, do đó, có thể coi là món nợ tình phải trả với mảnh đất đã cho tôi rất nhiều này, bởi ở đó, tôi trưởng thành lên nhiều về mọi mặt, và cũng ở đó, tôi thấy chính mình gắn bó với nước Ý hơn.
Ở đấy, tôi có những người bạn Ý, những người cùng chia sẻ với tôi về cuộc sống, những trăn trở của họ, những niềm vui và nỗi đau của họ. Ở đấy, có mái trường mà con tôi đã gắn bó trong nhiều năm, và tôi chứng kiến nó lớn lên trên mảnh đất ấy. Ở đấy, có những thành phố và thị trấn mà cứ cuối tuần tôi lại lái xe đến chơi và chụp ảnh, ăn tối, đi dạo trên những con phố lát đá dốc. Ở đấy, tôi đã thấy biết bao niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và nước mắt, những câu chuyện thường nhật của đời mà các du khách qua đây dăm ba ngày không thể thấy được. Ở đấy, tôi đã thấy nhiều mặt của cuộc sống, đất nước, con người và tôi hiểu rằng, cuộc sống là như thế.
Nhưng trên hết, bao trùm tất cả là tình yêu. Không ngạc nhiên khi tựa đề cuốn sách này có chữ “yêu”. Cuốn sách đầu tay của tôi, “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” (2012), từng được coi là một trong những hiện tượng sách du ký truyền cảm hứng, cũng tràn ngập tình yêu. Nhưng cuốn “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” này, tình yêu sâu lắng hơn, trầm lặng hơn, thể hiện trên nhiều mặt của cuộc sống đất nước này, yêu đồ ăn, yêu cà phê, yêu những khoảnh khắc ngắm nhìn cuộc sống qua những khuôn cửa sổ, yêu đời và yêu người. Có một câu chuyện xuyên suốt từ cuốn “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” tới cuốn “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” là chuyện tình của người nghệ sĩ già Marcel Gorgone.
Tôi không thể tin được rằng, “Nước Ý, câu chuyện tình của tôi” đã tạo cầu nối cho tình yêu của ông với một cô gái trẻ người Việt. Câu chuyện ấy được viết trong cuốn “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu”.
Nếu tóm tắt về cuốn sách trong vài câu thì vài câu đó theo anh là gì?
Tiêu đề của cuốn sách đã nói lên tất cả rồi, chỉ một chữ “yêu”. Bạn đọc cuốn sách này và bạn sẽ thấy hiện lên trước mắt chữ đó, được viết hoa, và bạn sẽ hiểu tại sao người Ý lãng mạn đến thế, yêu đời đến thế. Đất nước ấy được trời ban tặng quá nhiều thứ đẹp đẽ và lãng mạn, và con người sống ở đó cũng thế. Tôi đã đến đó, sống cùng với họ, nói cùng ngôn ngữ và thở cùng bầu không khí với họ, nên cũng bị “lây” sự lãng mạn ấy.
Anh được biết là người thích đọc và học hỏi, anh có thể chia sẻ là loại sách nào anh thích đọc và những cuốn nào anh tâm đắc và nghĩ là người trẻ Việt nên đọc?
Tôi đọc rất nhiều từ khi tôi còn nhỏ, chủ yếu là các tác phẩm văn học cổ điển của Pháp, Anh và Nga. Tôi rất mê mẩn những tác gia như Alexandre Dumas cha hay Victor Hugo, tôi cũng đọc đi đọc lại không biết bao lần, đến mức thuộc nhiều đoạn trong “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoy. Tôi đọc trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, trong các chuyến đi, bên bờ biển, trước khi đi ngủ, hoặc đơn giản là khi có thời gian rỗi. Đến bây giờ, khi đã ở tuổi trên 40, tôi vẫn đọc bất cứ khi nào có thể và tự tạo ra cho mình và gia đình một thư viện nho nhỏ gồm hàng nghìn cuốn sách bằng nhiều thứ tiếng khác nhau mà tôi đọc được mang từ Châu Âu về.
Tôi đã mở rộng diện đọc của mình ra, vì nhiều năm qua, tôi quan tâm đến nhiều đề tài khác nhau, như tôi đọc các sách chuyên khảo về lịch sử thế giới, về các vĩ nhân như Napoleon hay Stalin, các sự kiện làm thay đổi lịch sử thế giới, như về Cách mạng Pháp và các cuộc chiến thời Napoleon, vốn là chủ đề ưa thích của tôi (tôi cũng dành rất nhiều thời gian nghiên cứu và sưu tầm về chủ đề này, đồng thời lái xe đến nhiều chiến trường xưa của Napoleon). Tôi cũng đọc các sách về thiên văn học và khoa học vũ trụ cũng như các sách du ký của những tác giả nước ngoài.
Tôi nghĩ, những gì tôi đọc được thì các bạn trẻ cũng đọc được. Chính những gì tôi đã đọc trong những năm tôi còn nhỏ đến giờ đã tạo nên con người của tôi ngày hôm nay, luôn khao khát đi, khao khát ra thế giới và không ngừng học hỏi.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn anh!
Trạm Đọc xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Thư viện sách điện tử Waka, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Sống và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam; sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng bình chọn và các tác giả và nhà xuất bản, công ty phát hành sách.
Độc giả có thể tìm đọc bài review sách “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” của nhà báo Trương Anh Ngọc tại đây.
Hãy bình chọn cho cuốn sách khiến bạn cảm thấy được truyền cảm hứng nhất tại Cổng bình chọn online chính thức của Giải thưởng Chạm – 2018.
Tú Anh - Minh Phương