Trần Tuấn là một nhà nhơ, một nhà báo, một nhà văn, bởi thế mà cuốn sách sách của anh thường có sự hòa trộn mượt mà giữa câu từ gãy gọn, rành mạch, thời sự mang hơi hướng của báo chí và sự bay nhảy, bồng bềnh thấm đượm chất thơ ca - một “chất” viết đặc trưng và khó có thể nhầm lẫn với bất kì ai.
Với tông màu trung tính, bình lặng và khách quan đặc trưng kiểu nhà báo, Uống cà phê trên đường của Vũ như cơn mưa dầm thấm vào lòng đất, len lỏi vào sâu những khát khao khám phá và trải nghiệm của con người, để lại cho người đọc cái háo hức, rạo rực, hồi hộp chỉ muốn xách ba lô lên và đi.
“Uống cà phê trên đường của Vũ” là tập bút kí kể về những những hành trình của tác giả Trần Tuấn trên mọi miền trong và ngoài nước, những nơi ông đã đi qua, đã cảm, đã ngấm, đã yêu, đã nhớ. Đằng sau mỗi chuyến đi là một câu chuyện khắc sâu vào tâm trí. Đằng sau một chuyến đi là những con người đã in sâu vào hồi ức. Một cách tự nhiên và dung dị, những câu chuyện, con người ấy ngấm vào trang viết của ông và rồi chúng trở thành những miền tâm tưởng dạt dào trên trang viết. Chuyến hành trình về miền tâm tưởng của Trần Tuấn dường như là vô tận.
Trần Tuấn viết về những con người trên khắp mọi miền Tổ Quốc, từ Hoàng Sa xa xôi hiểm nguy đến đỉnh núi Cà Tang khó nhọc, từ nơi văn minh hiện đại nhất trong con đường hầm tân tiến Hải Vân, đến những bữa ăn lầm lụi rau rừng với vài con cá bé bằng ngón tay nơi rừng sâu nước độc tận cùng hốc núi của đồng bào Chứt… Những con người, sự kiện dưới ngòi bút của Trần Tuấn đều là người thực, việc thực, là những gì bản thân anh đã tự mình trải qua.
Kế đến là những kí ức của tác giả trên mọi nẻo đường anh qua. Đó có thể là một tách cà phê giản dị trên đường Lưu Quang Vũ, những cung đường nắng cháy hay mưa dầm, những đêm dài ngủ nơi núi rừng hoang vu hay những chuyến đi đến tận nước Nhật xa xôi thưởng trà, thưởng đạo. Những nơi anh đến, những cung đường anh đi rất thật, thậm chí có những nơi rất gần, nhưng qua những chiêm nghiệm, nghiền ngẫm, suy tưởng lại trở nên rất hùng tráng, trữ tình và đậm chất thơ.
Trần Tuấn sinh năm 1967 tại Hà Nội. Anh là Trưởng Ban đại diện báo Tiền Phong miền Trung tại Đà Nẵng.
Trần Tuấn được biết đến với vai trò một nhà báo, nhà thơ và nhà văn mẫu mực, đã từng xuất bản các tác phẩm như Ma thuật ngón (thơ, 2008), Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà (ký sự nhân vật, 2008)...