Vừa qua, trong buổi trả lời phỏng vấn với Trạm Đọc, Lê Di đã chia sẻ về lý do khiến cô quyết định xuất bản “Cửa tiệm hạnh phúc”, những thông điệp cô muốn chuyển tải đến độc giả thông qua tác phẩm của mình. Không những vậy, cô còn đưa ra gợi ý thú vị về các tựa sách mà nhiều bạn trẻ nên đọc.
Dưới đây là bài phỏng vấn với Lê Di do Trạm Đọc thực hiện.
Trước hết, cảm ơn Lê Di đã đồng ý trả lời phỏng vấn của Trạm Đọc.
Bạn có thể chia sẻ về lý do nào khiến bạn quyết định xuất bản cuốn sách này được không?
“Cửa tiệm hạnh phúc” khởi đầu từ những dòng tự sự về hạnh phúc vào tháng 10 năm 2016. Khi đó, mình bắt đầu quay trở lại với đam mê viết lách hồi nhỏ, sau 10 năm bỏ dở để theo đuổi nghiệp quản lý.
Mình lập fanpage Lê Di để bắt đầu “tập viết”. Mình hứa với độc giả sẽ viết đều đặn mỗi ngày 500-chữ-về-hạnh-phúc. Mình muốn mang tới cho độc giả những góc nhìn chân thực nhất về hạnh phúc, mang hình ảnh hạnh phúc đến thật gần trước mắt, không cần cầu kỳ, không cần hoa mỹ. Đó có thể đơn giản là một bữa cơm nhà, một cái mỉm cười trao nhau hay thậm chí là một giọt nước mắt.
Sau một năm, lượng nội dung về hạnh phúc mình có khá nhiều. Ban biên tập Sống khi ấy có liên hệ và mời mình viết sách về hạnh phúc. Mình nghĩ đó là thời điểm thích hợp để mình lưu lại một món quà nhỏ cho bạn bè, người thân cũng như cho độc giả của mình.
Mình đã đồng ý cùng Sống xây dựng một cuốn sách về những góc nhìn hạnh phúc giản đơn trong cuộc sống. Và từ đó, “Cửa tiệm hạnh phúc” ra đời.
Qua “Cửa tiệm hạnh phúc”, mình muốn nhắn nhủ tới độc giả rằng, mọi việc đều có hai mặt của nó. Giống như Xuân Diệu từng nói “Trong hạnh phúc đã có mầm ly biệt” và như mình vẫn hay đùa rằng “Nỗi buồn đôi khi cũng là một dạng hạnh phúc”. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn có lựa chọn nhìn vào mặt hạnh phúc của những điều trước mắt để xây dựng tương lai tươi đẹp cho mình hay không mà thôi. Để tâm một chút tới những điều thật nhỏ ngay trước mắt, bạn sẽ thấy hạnh phúc vẫn luôn tồn tại quanh mình.
Nếu tóm tắt về cuốn sách trong vài câu, thì vài câu đó theo bạn là gì?
“Cửa tiệm hạnh phúc” là một bức tranh đẹp về hạnh phúc qua góc nhìn của một-người-mộng-mơ-như-mình. 80% trang sách đều xuất hiện từ “hạnh phúc” dù là trong hoàn cảnh vui vẻ hay buồn rầu. Bạn có thể sẽ không hiểu cặn kẽ từng trải nghiệm ngây ngô, lãng đãng của mình trong cuốn sách. Nhưng chắc chắn, khi gấp sách lại, bạn sẽ thấy hân hoan một phần nào đó bên trong chính mình. Như vậy thôi, bạn đã hạnh phúc hơn rồi. Hẳn vậy!
Bạn được biết là người thích đọc và học hỏi, bạn có thể chia sẻ là loại sách nào bạn thích đọc và những cuốn nào bạn tâm đắc và nghĩ là người trẻ Việt nên đọc?
Nếu được, có lẽ mình sẽ gợi ý luôn cuốn “Cửa tiệm hạnh phúc”!
Đùa thôi. Bình thường thì mình đọc khá đa dạng thể loại và tác giả, nên không có dòng nào mình tâm đắc hẳn, mà sẽ tùy vào tình trạng của từng bạn, mình sẽ có những gợi ý sách khác nhau.
Nói riêng mình thì mình thích đọc truyện của Marc Levy. Đây cũng là tác giả ảnh hưởng nhiều nhất lên văn phong và chất liệu văn học của mình.
Tuổi thơ của mình thì gắn với Tô Hoài, Grim, Andexen, cổ tích Việt Nam, ngụ ngôn, các sách về vũ trụ, khoa học,... À, mình cũng rất thích các chất liệu trong tác phẩm của Thạch Lam nữa.
Do từng học quản trị nên mình cũng có một số đầu sách tâm đắc về quản lý, kỹ năng. Ví dụ như: Crunch Point của Brian Tracy, bộ E-myth để xây dựng doanh nghiệp hiệu quả và E-myth: để trở thành nhà quản lý hiệu quả của Michael E. Gerber,... Còn nhiều lắm. Mà bạn nào có vấn đề, tìm đến với mình, thì mình mới có thể gợi ý được đầu sách sát sườn và phù hợp nhất cơ!
Một lần nữa, xin cảm ơn Lê Di!
Trạm Đọc xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của các nhà tài trợ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Thư viện sách điện tử Waka, Công ty Cổ phần Văn hoá và Truyền thông Sống và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam; sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng bình chọn và các tác giả và nhà xuất bản, công ty phát hành sách.
Độc giả có thể tìm đọc bài review sách “Cửa tiệm hạnh phúc” của tác giả Lê Di tại đây.
Hãy bình chọn cho cuốn sách khiến bạn cảm thấy được truyền cảm hứng tại Cổng bình chọn online chính thức của Giải thưởng Chạm – 2018.
Thời gian bình chọn: từ 30/3/2018 đến 15/4/2018
Minh Phương