"Người anh em thiện lành" trong Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung
Thiên Long Bát Bộ được đánh giá là một bộ kỳ thư của Kim Dung, điều đặc biệt của bộ tiểu thuyết này chính là xây dựng được 3 nhân vật đại hiệp song song, và kết nối mối huynh đệ của họ lại như mạch chảy ngầm của cuốn sách, đó là Tiêu Phong – Đoàn Dự - Hư Trúc.
Thiên Long Bát Bộ được đánh giá là một bộ kỳ thư của Kim Dung, điều đặc biệt của bộ tiểu thuyết này chính là xây dựng được 3 nhân vật đại hiệp song song, và kết nối mối huynh đệ của họ lại như mạch chảy ngầm của cuốn sách, đó là Tiêu Phong – Đoàn Dự - Hư Trúc. 
 

Trong 3 nhân vật trên, Tiêu Phong anh dũng nhất đời, bi kịch, oan ức không nửa câu biện hộ, sống đời hào sảng, là người thập toàn được yêu quý nhất. 

Đoàn Dự là gã công tử si tình rong chơi, với những mối tình và phong cách sống không biết ngày mai, với những pho võ công ai ai cũng mong mỏi. Đặc biệt, dù khù khờ ghét học võ, nhưng tư chất võ học của Đoàn Dự lại rất cao, có thể xem cũng là kẻ kỳ tài trong lĩnh ngộ. 

Chỉ có Hư Trúc là tầm thường và nhàn nhạt hơn so với hai người anh em kia. Tướng mạo đến xuất phát điểm, Hư Trúc đều thua hẳn so với Đoàn Dự và Tiêu Phong. Tài năng lớn nhất của Hư Trúc có lẽ là sự nhân từ. Hư Trúc như bước ra từ chuyện cổ tích chứ không phải truyện kiếm hiệp, một kiểu “người thiện gặp điều lành”.

Không biết khi đọc Thiên long bát bộ, bạn có nhận ra điều đó hay chăng? Vốn dĩ cuộc đời Hư Trúc được xây dựng theo chuyện cổ tích. 

Đầu tiên, bạn có thể gặp câu chuyện một anh chàng tốt bụng vô tình cứu một quái vật và được ban điều ước. Vậy thì Hư Trúc cứu sống “ác quán mãn doanh” Đoàn Diên Khánh rồi được Diên Khánh bày cho cách phá giải bàn cờ Trân Lung, nhờ thế mà hấp thụ hết võ công của Vô Nha Tử, mở ra chặng đường mới. 

Hay là sau này cũng vì lòng nhân từ mà Hư Trúc cứu Thiên Sơn Đồng Mỗ, rồi trở thành chưởng môn nhân phái Tiêu Dao. Câu chuyện cổ tích "chàng ngốc may mắn cưới được công chúa", bạn cũng có thể thấy được qua cách Hư Trúc cưới công chúa Tây Hạ bằng cách trả lời 3 câu hỏi ngớ ngẩn.

Tóm lại, đời Hư Trúc là đúng chuẩn “người anh em thiện lành” mà ông Trung Nguyên mong mỏi.

Tuy nhiên, cuộc đời Hư Trúc có một điểm nhấn, đó là nét chấm phá đẹp nhất đời anh: trường đoạn kể về một trong những trận đánh sảng khoái nhất, oanh liệt nhất của các thiên tiểu thuyết Kim Dung, câu chuyện về 3 anh em Tiêu Phong – Đoàn Dự - Hư Trúc đại chiến quần hùng trên Thiếu Lâm Tự.

“Sao không rủ ta?”

"...Tiêu Phong nói với mười tám tên võ sĩ: 

- Này các huynh đệ, vị Đại Lý Đoàn công tử đây, là anh em kết nghĩa của ta. Hôm nay chúng ta bị hãm trong trùng vây, quả thực bất địch chúng, thế quả khó mà thoát thân.

Ông mới rồi cùng bọn Mộ Dung Phục trao đổi một chiêu, tuy đã chiếm được thượng phong, nhưng cũng biết ba đại cao thủ đều là những người thân mang tuyệt kỹ, ba người đánh một, mình ắt không thể địch nổi, huống chi ngoài những kẻ đang hầm hè kia bên cạnh còn hàng nghìn hàng trăm hào kiệt đứng chờ sẵn đó. Ông nắm tay Đoàn Dự nói: 

- Huynh đệ, ta với ngươi sống chết có nhau, quả không uổng một trường kết nghĩa, chết cũng được mà sống cũng được, chúng mình uống với nhau một trận cho thống khoái đã nào! 

Đoàn Dự bị hào khí của ông khích động, cũng cầm ngay lấy bao da nói: 

- Phải lắm, đang muốn cùng đại ca uống một phen đây. 

Bỗng nhiên, từ đám tăng nhân Thiếu Lâm một người mặc áo màu tro chạy ra, dõng dạc nói: 

- Đại ca, tam đệ, hai người uống rượu, sao không rủ ta?

Người đó chính là Hư Trúc. 

Y ở trong đám đông thấy Tiêu Phong cưỡi ngựa chạy lên, quả nhiên anh khí hơn người, coi quần hùng chẳng đáng vào đâu, không khỏi quý mến, lại thấy Đoàn Dự nghĩ tình kết nghĩa, nguyện cùng nhau chết chung một chỗ, nhớ tới hôm trước trên ngọn Phiêu Miểu cùng Đoàn Dự kết bái, cũng đã từng đem cả Tiêu Phong vào. 

Đại trượng phu một lời nói ra, sinh tử chẳng nề hà, nghĩ đến hào khí khẳng khái cùng Đoàn Dự một trận say mèm nơi cung Linh Thứu, bao nhiêu an nguy sinh tử, thanh qui giới luật, bèn bỏ hết qua một bên. 

Tiêu Phong chưa từng gặp Hư Trúc bao giờ, bỗng nghe y gọi mình đại ca không khỏi sững sờ. Đoàn Dự bèn bước qua cầm tay Hư Trúc, nói với Tiêu Phong:

- Đại ca, đây là kết nghĩa ca ca của tiểu đệ. Khi y xuất gia pháp danh là Hư Trúc, hoàn tục gọi là Hư Trúc Tử. Khi hai người chúng em kết bái cũng có để luôn cả đại ca vào. Nhị ca, mau mau bái kiến đại ca.

Hư Trúc lập tức tiến lên, quì xuống rập đầu nói:

- Đại ca ở trên, tiểu đệ khấu đầu ra mắt. 

Tiêu Phong mỉm cười, nghĩ thầm: “Nghĩa đệ ta có phần gàn dở nên khi cùng người kết bái đem luôn cả ta vào. Ta sống chết trong khoảnh khắc, tình thế cực kỳ hung hiểm, vậy mà người này không sợ nguy nan, dám xông ra, đủ biết là bậc đại trượng phu, hảo hán tử trọng nghĩa khinh sinh. Tiêu Phong được kết nghĩa với những người như thế này, quả không uổng một đời.”

Ông lập tức quì xuống nói: 

- Huynh đệ, Tiêu mỗ được kết nghĩa với một bậc anh hùng hảo hán như ngươi, quả thật vui mừng. 

Hai người lạy nhau tám cái, ngang nhiên trước mặt anh hùng thiên hạ kết nghĩa kim lan...”

Hãy đặt mình vào đó và tưởng tượng:

Bạn chứng kiến một người dẫu là anh hùng cái thế, dẫu bất khuất hơn đời, nhưng vẫn là kẻ thù của cả Võ Lâm Trung Nguyên, trong đó có cả Thiếu Lâm Tự. Và bạn, một nhà sư đang làm tất cả để được quay trở lại Thiếu Lâm Tự. Nếu đứng về phía người ấy, là chuẩn bị tinh thần bị trục xuất khỏi sư môn. Bạn thấy người đó đang bị “thập diện mai phục”, đứng về phía người ấy, là xác định cái chết ở trong tay. Bạn, chỉ mới gặp người đó lần đầu, lời thề hẹn kết nghĩa chỉ trong cơn say vì nhớ người yêu. Bạn không bay ra, cũng chẳng ai trách bạn.

Vậy mà, bạn bước ra và hét lớn “Sao không rủ ta”.

Thật là, gây xúc động cho người xem nhất chính là 4 chữ “Sao không rủ ta” đấy thôi. Nơi đó, có cái chết nhẹ tựa lông hồng, có kẻ dẫu đại nạn lâm đầu vẫn phải lao ra vì huynh đệ để đòi uống rượu cùng. Và ở đó, bạn hãy tưởng tượng sự xúc động của bậc anh hùng kia khi thấy có người lao ra và nói câu ấy. 

Bạn sẽ hiểu, nếu bạn đi qua rất nhiều sóng gió, hứng chịu một ít cảm giác của “thế thái nhân tình”, chứng kiến cảnh Công Phượng bị vùi hoa dập liễu và hiểu rằng “Khi khó thì chẳng ai nhìn / Phất lên một cái cả nghìn anh em”, hay bạn như Tiêu Phong, một "hùm dữ sa cơ" trước những kẻ nói chuyện nhân nghĩa mà làm việc như rắn độc, bạn sẽ hiểu rằng cuộc đời có được người huynh đệ như Hư Trúc xứng đáng cả gia tài, bạn sẽ nhớ và biết ơn vô cùng Hư Trúc. 

Ở cạnh Tiêu Phong khi ông là bang chủ Cái Bang thì dễ, ở cạnh Tiêu Phong khi ông ở trên Thiếu Thất mới là khó.

Hư Trúc ơi là Hư Trúc, ai cũng nói người nhàn nhạt, khờ khạo, và may mắn đến phi thực tế. Nhưng khi lâm đầu, ai cũng mong có một kẻ như ngươi, lao vào vòng vây giáo mác và hét lớn "Sao không rủ ta?"

 

Theo Ipick

Tags: