Là một trong những nhà văn tiên phong và nổi danh của trào lưu văn học tầm căn (tìm về nguồn cội), một trào lưu xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc thời kì đổi mới, thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Mạc Ngôn được tạo nên từ góc nhìn dân gian hết sức nhân văn. Khi ông tái hiện lên trang viết không gian nông thôn Trung Quốc, nhất là vùng đông bắc Cao Mật với những sinh mệnh bé mọn, yếu đuối bằng lập trường, thái độ bình đẳng, hết mực tôn trọng. Và tiểu thuyết Ếch là một tác phẩm tiêu biểu cho góc nhìn dân gian ấy.
Không gian văn hóa nông thôn
Mạc Ngôn viết nhiều về nông thôn, hay có thể nói, trong sáng tác của ông, không gian nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng đông bắc Cao Mật chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Không gian ấy đã chảy trong văn chương Mạc Ngôn và tạo thành một mạch ngầm xuyên suốt từ những sáng tác thuộc thời kì đầu của ông như Củ cải đỏ trong suốt, Báu vật của đời, Cao lương đỏ cho đến các tác phẩm thuộc thời kì sau khi Trung Quốc đã bước sang thế kỷ mới như Tứ thập nhất pháo, Sống đọa thác đầy, và tiểu thuyết Ếch.
Ếch, tác phẩm có không gian, thời gian trải rộng bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Mạc Ngôn, suốt những năm tháng kháng chiến chống Nhật tới tháng năm hiện đại. Vẫn là đông bắc Cao Mật đấy, nhưng không gian nông thôn có sự chuyển tiếp không ngừng theo tháng năm lịch sử. Từ một vùng quê nghèo đói, trẻ con đói ăn phải “nhai than rau ráu”, con người cạn kiệt sinh lực đến ngày Cao Mật được thiên nhiên ưu ái, người ta thay da đổi thịt. Một vùng nông thôn còn nhiều hủ tục trong cách thức sinh nở, quan niệm trọng nam khinh nữ nhưng cũng không tránh khỏi guồng quay thời gian khi Trung Quốc kết thúc nội chiến, bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội với những cuộc Đại nhảy vọt rồi tới đau thương trong Cách mạng Văn hóa.
Nhưng vùng trũng Cao Mật, lại vẫn đầy dị biệt giữa một Trung Hoa thời đổi mới, hiện đại. Bởi bao trùm lên cả mảnh đất sông nước cuộn quanh đấy, luôn là chất kì ảo, huyền thoại bàng bạc tạo lên qua bóng hình những con ếch, qua tiếng ếch vang vọng suốt từ quá khứ đến hiện tại.
Ngoài ra, Ếch còn là tác phẩm rất đặc biệt trong cách thức Mạc Ngôn tái tạo không gian nông thôn trên tác phẩm. Ở đó, có sự kết hợp của thể thư tín và thể kịch nói. Những lá thư của nhà soạn kịch Khoa Đẩu, gửi cho nhà văn người Nhật Sugitani Yoshihito chỉ có chiều đi mà không có chiều đến. Khoa Đẩu xưng tôi song đối tượng chính được nhắc đến lại là người cô Vạn Tâm của ông. Để rồi cuối cùng, vẫn là Cao Mật, vẫn là những con người khi xưa nhưng không gian thư tín đã dần chuyển hóa thành không gian kịch nói đanh sắc, gãy gọn.
Không chỉ vậy, bởi đối tượng chính xuyên suốt tác phẩm là Vạn Tâm, một bác sĩ sản phụ khoa tài ba đã dành cả một đời cho sự nghiệp đỡ đẻ lẫn sự nghiệp kế hoạch hóa gia đình, mà không gian của tiểu thuyết Ếch vừa bao quát song cũng hết sức cá nhân.
Nông thôn Cao Mật trải rộng qua cuộc đời một con người, qua con chữ, lời kể của người khác. Một không gian mang đậm nét văn hóa miền trũng sông nước, vừa hiện thực vừa kì ảo; vừa mang nét chung, rộng lớn bên ngoài, vừa đầy tính dị biệt bên trong. Nông thôn Cao Mật trải dài theo năm tháng. Thôn quê Cao Mật của Khoa Đẩu, của Vạn Tâm, của những cá nhân, đến và đi. Và tới lượt bản thân, họ lại định hình lên vùng không gian văn hóa Cao Mật riêng biệt giữa mảnh đất Trung Hoa rộng lớn trong văn nghiệp Mạc Ngôn tiên sinh.
Những sinh mệnh yếu đuối trong tiểu thuyết Ếch
Trọn sự nghiệp sáng tác, nhà văn Mạc Ngôn đã luôn dõi ngòi bút đến những sinh mệnh yếu đuối. Bất kể ai dẫu phải oằn minh với công cuộc mưu sinh hàng ngày hay sống sung túc, dư dả, là trí thức hay bần nông, kẻ có địa vị hay người sống dưới đáy cùng xã hội… Tất cả, trên trang viết Mạc Ngôn, trong tiểu thuyết Ếch, đều mang kiếp đời bé mọn, yếu đuối cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Xoay quanh cuộc đời vị bác sĩ sản phụ khoa tài ba Vạn Tâm phải chuyển công việc chuyên môn từ đỡ đẻ sang thắt ống dẫn tinh và nạo phá thai nhưng lại qua dòng tự sự, hồi tưởng của người cháu trai Khoa Đẩu, bóng hình Vạn Tâm hiện lên thực sự phức tạp. Sắt đá, kiên cường, thậm chí là bảo thủ và cực đoan. Nhưng tận cùng, con người đó thực chất lại hết sức mong manh.
Những ngày cuối đời, người bác sĩ già, vẫn mang dáng vẻ uy nghiêm thuở nào nhưng đôi vai bà, đã oằn xuống bởi dằn vặt tội lỗi, dằn vặt, hồi ức quá khứ… Sự mạnh mẽ bên ngoài, có lẽ chỉ là lớp ngụy trang của người phụ nữ, trọn kiếp đời ngỡ luôn đơn thuần đi theo một đường thẳng vạch sẵn, mà thực chất mãi sống trong mâu thuẫn, đè nén những gì là bản năng, đàn bà nhất.
Và đó còn là trọn vẹn bóng hình những ai đã, đang, sẽ sống tại vùng thôn quê Cao Mật. Dẫu thời gian có chảy trôi, không gian văn hóa nông thôn có đổi thay, nhưng tâm thức con người dường như chẳng hề thay đổi. Người ta vẫn phải gánh trên vai bao gánh nặng từ mê tín dị đoan, hủ tục văn hóa, sự trọng nam khinh nữ lẫn trách nhiệm với gia đình cùng ánh nhìn, điều tiếng từ xã hội.
Không những thế, bao số phận bé mọn ấy còn phải đối diện với khát khao rất người: xây dựng, gìn giữ gia đình. Nhưng khi khao khát vốn là bản năng truyền đời, thâm căn cố đế, ăn sâu vào nhận thức, suy nghĩ con người thôn quê gặp phải ngăn trở từ luật lệ xã hội lẫn đổi thay thời cuộc; mọi thứ lập tức hóa thành bi kịch.
Máu tươi đã đổ xuống thấm đẫm mảnh đất Cao Mật. Cái chết quẩn quanh, trở đi trở lại trong nỗi cảm thức nhức nhối của nhân vật bao trùm trang văn cùng ám ảnh về sự máu lạnh lòng người… Tất cả, càng đẩy thân phận kiếp người thêm nhỏ bé giữa dòng đời.
Người ta chẳng thể làm chủ số phận, yếu đuối cả về thể xác lẫn tâm hồn, thảm thương trước đổi thay xã hội, càng vẫy vùng càng nhận nhiều đớn đau. Con người cô đơn, sống trong hiện tại mà luôn dằn vặt về quá khứ. Nhận thức - hành động, thực tại - mộng tưởng, quá khứ - hiện thực… mọi thứ đè nén càng làm bóng người thôn quê thêm nhỏ yếu.
Ánh nhìn tôn trọng đầy nhân đạo của tác giả Mạc Ngôn
Luôn khắc họa trên trang văn những số phận yếu đuối bằng ánh nhìn đầy nhân văn, gần như, chưa khi nào, Mạc Ngôn dùng ngôn ngữ văn chương để phán xét những kiếp đời bé mọn vốn đã phải chịu đủ đớn đau, gánh nặng, trách nhiệm trên vai. Ông xót thương, cũng hết sức tôn trọng họ. Dù rằng, người dân thôn quê ấy có bảo thủ, kém hiểu biết tới đâu chăng nữa.
Và tiểu thuyết Ếch cũng không nằm ngoài tư tưởng chung đó của Mạc Ngôn.
Dưới đôi bàn tay bác sĩ Vạn Tâm, mọi cá nhân đều như nhau, mọi sinh mệnh đều bình đẳng. Con người ấy sẽ không vì đối phương quyền cao chức trọng, quen biết thân tình, thậm chí là con cháu trong gia đình, mà đối xử với người đó thiên vị hơn người khác. Vạn Tâm cực đoan, đôi tay bà đã nhuốm đầy máu của những lần bà bất chấp nạo những cái thai quá lớn. Nhưng tài năng, sự công bằng, cương trực của bà là điều mà ít ai làm được.
Tuy nhiên sự tôn trọng Mạc Ngôn khi nhìn nhận con người nông thôn đâu chỉ thể hiện qua sự bình đẳng từ ánh nhìn Vạn Tâm tới những người xung quanh mà còn đến từ chính cách ông khắc họa nhân vật trong từng chương truyện. Mỗi cá nhân ở tiểu thuyết Ếch, là một cá tính riêng, không ai giống ai. Có những người chất phác, có người lại bặm trợn thô lỗ, có người nửa tỉnh nửa mê sau đủ đau thương cuộc đời, có người lại quá trả treo, thực dụng, có người tựa cái bóng cứ lặng thầm khắp ngõ ngách thôn quê Cao Mật, có người cá tính lại như chiếc lá thả trôi theo mỗi quyết định người khác… Song có là ai, Mạc Ngôn tiên sinh cũng không né tránh, đều khắc họa lên trang viết bằng bút pháp chân thực cùng ánh nhìn tôn trọng nhất.
Bao trùm tiểu thuyết Ếch là góc nhìn dân gian tới từ mọi khía cạnh: không gian, hình tượng, con người. Đặc biệt, là hình ảnh “ếch” xuyên suốt tác phẩm.
Ếch, tựa truyện, cũng là biểu tượng mang nhiều tầng nghĩa. Chữ ếch, vừa đồng nghĩa với chữ oa, tức trẻ con; vừa đồng nghĩa với chữ oa trong tên Nữ Oa, người phụ nữ trong thần thoại Trung Quốc sáng tạo ra loài người. Và đấy, cũng là loài vật đặc trưng của miền nông thôn Cao Mật, và là loài vật, người cô Vạn Tâm luôn e sợ.
Ếch là bi kịch truyền kiếp, quá khứ ám ảnh, hiện thực nhức nhối, lẫn tương lai còn lắm mịt mờ của những ai đã, đang, và sẽ sống trên mảnh đất Cao Mật. Dù có tồn tại ở thời hiện đại, thì căn tính một thời hồng hoang như vẫn ngự trị sâu sắc.
Theo VNQĐ
Ảnh thumb (tranhueluong.wordpress.com)