Nhạc Jazz trong văn chương Haruki Murakami
Nhạc Jazz trong văn chương Haruki Murakami
Trong các sáng tác của Haruki Murakami, dường như không có tác phẩm nào thiếu việc trích dẫn một giai điệu nào đó, đặc biệt là những bài nhạc Jazz. Từng là ông chủ một quán café nhạc Jazz, có thể khẳng định văn chương Murakami chịu ảnh hưởng sâu đậm dòng nhạc này.

Tôi học viết nhờ nghe nhạc

Chỉ cần search tên tác phẩm của Murakami trên Youtube, bạn sẽ dễ dàng tìm được hàng trăm… playlist nhạc được người hâm mộ tổng hợp theo các tác phẩm. Nhiều bản nhạc rất xa xưa nhưng bỗng nhiên gây sốt trở lại và được nhiều người tìm nghe khi trong tác phẩm của Murakami có đề cập đến. Ông cũng chịu ảnh hưởng bởi nhiều nét văn hóa và âm nhạc phương Tây, có tên tác phẩm trùng với tên bài hát như Norwegian Wood (Rừng Na Uy) của The Beatles, hay Dance Dance Dance (Nhảy nhảy nhảy) của ban nhạc The Steve Miller. Trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, người đọc cũng nhận ra việc nghe nhạc đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần hằng ngày của Murakami, tạo cảm hứng để hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ và giúp ông sáng tạo hơn.

Khi nói chuyện với nhạc trưởng Seiji Ozawa về âm nhạc, Murakami chia sẻ: “Tôi đã nghe nhạc kể từ khi lên mười, nhưng sau này tôi nhận thấy rằng giờ đây mình hiểu âm nhạc hơn – có lẽ vì tôi có thể nghe thấy những khác biệt tinh tế trong âm nhạc – và dần dần việc viết tiểu thuyết đã tự nhiên mang lại cho tôi khả năng nghe tốt hơn. Chưa từng có ai dạy tôi viết, và tôi chưa bao giờ học kỹ thuật viết. Thế thì tôi đã học viết thế nào? Nhờ nghe nhạc đấy. Và điều quan trọng nhất khi viết là gì? Đó là nhịp điệu. Sẽ không ai đọc cái anh viết nếu nó không có nhịp điệu. Nhịp điệu ngân lên từ sự kết hợp của các từ, các câu và đoạn văn, sự ghép cặp giữa cứng và mềm, nhẹ và nặng, cân bằng và mất cân bằng, cách chấm câu, sự kết hợp giữa các tông khác nhau. Khi viết một câu, tôi tự động đọc nó lên trong đầu và một nhịp điệu xuất hiện, kiểu như trong Jazz ấy: anh ứng tấu một đoạn điệp khúc, và rồi hoàn toàn tự nhiên nó dẫn đến đoạn điệp khúc tiếp theo”.

"Khi viết một câu, tôi tự động đọc nó lên trong đầu và một nhịp điệu xuất hiện, kiểu như trong Jazz..."

Người truyền cảm hứng của nhạc Jazz

Jazz là một thể loại âm nhạc bắt nguồn từ cộng đồng người châu Phi ở Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Do đời sống gặp nhiều khó khăn nên nhạc của họ ban đầu có nội dung khá đau buồn với nhạc cụ chỉ có một cây đàn guitar hay một cái kèn đồng. Dần dần, Jazz lan ra khắp thế giới với nhiều phong cách riêng biệt. Nhịp điệu trong Jazz thường khá tuỳ hứng, phóng khoáng, được xem là nhạc dân ca phối hợp với hoà tấu, chú trọng việc phô trương kỹ thuật trình diễn cá nhân, thường là do sự tự cải biến trong lúc trình diễn. Đối với nghệ sĩ chơi Jazz, loại nhạc cụ họ sử dụng không quan trọng bằng cách họ biến tấu nhịp điệu, giai điệu.

Trong một bài phỏng vấn với tờ báo New York Times, phóng viên đã đặt tên bài viết liên tưởng Murakami như một “Jazz Messenger” – Người truyền cảm hứng nhạc Jazz. Ông chia sẻ: “Tôi làm chủ một câu lạc bộ Jazz 7 năm và nghe nhạc Jazz hàng ngày từ sáng tới tối. Tôi thích cảm giác nhịp điệu và những khúc ứng tấu trong Jazz. Vào năm 1964 khi 15 tuổi, lần đầu tiên tôi đi xem nghệ sĩ Art Blakey và nhóm Jazz Messengers biểu diễn tại Kobe mà tôi được người thân tặng một chiếc vé vào dịp sinh nhật. Tôi nghĩ đây là một trong những ban nhạc hay nhất trong lịch sử nhạc Jazz. Chưa bao giờ tôi được nghe một thứ âm nhạc kỳ diệu đến thế. Cho dù âm nhạc hay văn chương, điều cơ bản nhất là nhịp điệu. Nhịp điệu của bạn cần phải hay, tự nhiên và liên tục nếu không mọi người sẽ chẳng đọc tiếp. Tôi học được tầm quan trọng của nhịp điệu chính từ âm nhạc và chủ yếu là Jazz”.

Art Blakey và nhóm Jazz Messengers.

Thật hiếm có nhà văn nào lại có thể truyền cảm hứng về nhạc Jazz như Haruki Murakami. Lời bài hát, giai điệu được lồng ghép hết sức tự nhiên và từng tác phẩm. Âm nhạc và văn chương hoà quyện để tạo thành một phong cách Haruki Murakami độc đáo. Dù chỉ nghe nhạc và không phải là một nhạc công chuyên nghiệp, nhưng bản thân ông cũng chính là một nghệ sĩ, bằng việc liên tục biến tấu những “giai điệu ngôn từ” của mình, đem đến một “màn trình diễn” văn chương đầy mới mẻ đối với độc giả khắp nơi trên thế giới.

Hãy thử tìm mua hoặc đọc lại một tác phẩm bạn yêu thích của nhà văn Haruki Murakami, và nghe thử các bài hát trong tác phẩm, thêm một vài bài nhạc Jazz, chầm chậm cảm nhận giai điệu, việc đọc sách sẽ thi vị hơn. Và biết đâu, bạn sẽ yêu thích nhạc Jazz…

Theo Kilala

Tags: