Totto-chan một cô bé 6 tuổi hồn nhiên, nghịch ngợm. Có những suy nghĩ và hành động táo bạo, kì lạ, khác với những đứa trẻ cùng trang lứa. Chính cái tính khác thường này, ngay khi vừa vào học lớp một được vài ngày, cô đã bị đuổi học. Cô giáo than phiền vì Totto-chan làm loạn cả lớp, cô cứ vào lớp là đóng mở nắp bàn gây ồn. Cô còn gọi gánh hát rong và ngước mặt lên nói chuyện với chim nhạn. Có thể thấy, tính hiếu động làm cho cô không phù hợp với môi trường truyền thống. Không còn cách nào khác, mẹ đành đưa cô đến một ngôi trường mới, trường Tomoe. Chính trường Tomoe, đã thay đổi cuộc sống của Totto-chan, từ một cô bé năng động thành người biết điềm đạm, giúp đỡ người khác.
Người thầy ôn hòa
Điều bất ngờ đầu tiên, đó chính là thầy hiệu trưởng Kobayashi. Thầy là một người tài năng, với những cách tân đột phá trong việc dạy và học. Thầy luôn hướng tới một nền giáo dục tự do, không tạo áp lực cho học sinh, chú trọng kỹ năng sống. Đặc biệt, thầy luôn luôn lắng nghe các học sinh nhỏ của thầy.
“Nào, kể cho thầy nghe đi, chuyện gì cũng được. Cứ kể hết những gì em muốn.”
Sau câu nói ấy, Totto-chan đã thoải mái hơn nhiều, cô kể hết chuyện này đến chuyện khác không ngừng nghỉ. Bắt đầu từ chuyện chuyến tàu sáng nay của hai mẹ con, chuyện bác soát vé, về cô giáo cũ rất xinh. Cô còn kể cô nói chuyện với con chim nhạn ở trường cũ, nhà cô có con Rocky màu nâu biết xin lỗi, biết bắt tay, biết cảm ơn khi được ăn. Chuyện hồi mẫu giáo, cô đưa kéo vào miệng cắt xoèn xoẹt và bị cô giáo mắng. Cô lại khoe với thầy bố cô lặn biển rất giỏi, có thể lao từ trên cao xuống. Và cuối cùng, cô kể hôm nay cô không mặc đồ mẹ may, vì những bộ đồ trước đây rách hết khi chui qua hàng rào. Đúng là nói chuyện với trẻ em thì không bao giờ có điểm dừng, chúng có thể lưu giữ những kỉ niệm rất lâu. Nhưng bù lại chúng ta có thể tìm thấy niềm vui nơi chúng. Thầy không những lắng nghe mà còn rất chăm chú, ông đã ngồi bốn tiếng đồng hồ để nghe cô kể. Đây là lần đầu tiên, có người nghe cô kể chuyện như vậy, Totto-chan hạnh phúc lắm. Giây phút ấy, cô trở thành học sinh của Tomoe.
“Nào, giờ thì em là học sinh của trường rồi”
Thúc đẩy óc sáng tạo
Vào buổi ăn trưa, thầy thường nhắc bố mẹ chuẩn bị cho mỗi bạn một cơm. Trong hộp cơm phải có đủ “món ăn của biển”, “món ăn của núi”. Nếu không đủ thì thầy sẽ đưa thêm cho đủ. Đây là sự sáng tạo trong giáo dục, thầy hiểu được trẻ em cần sự minh họa cho mọi việc nên thầy đã dùng hình ảnh của biển, của núi để miêu tả. Qua đó, các em có thể phân biệt được các món ăn, không chán ăn như trước. Ngoài ra, trẻ còn học được nhiều kiến thức bổ ích về sản vật thiên nhiên, thúc đẩy khả năng tư duy và phán đoán, đồng thời cũng hào hứng và ngon miệng hơn rất nhiều.
Tinh thần trách nhiệm
Người lớn thường nghĩ, trẻ em không làm được gì ra việc, nên làm hết cho trẻ. Chính cái suy nghĩ này, làm cho trẻ thụ động, không chịu làm việc. Nhưng đối với thầy Kobayashi, thầy hướng dẫn trẻ có trách nhiệm ngay từ nhỏ, để lớn lên trẻ tự biết mình phải làm gì.
Có lần, Totto-chan làm rớt ví xuống bể phốt, cô đào hết lên để tìm, cô bày bừa hết ra cái sân sau. Trong lúc mải tìm, cô không để ý thầy Kobayashi phía sau và thầy chỉ nói với cô một câu “Làm xong thì trả về chỗ cũ nhé!”. Cô rất ngạc nhiên khi thầy nói vậy, cô cứ tưởng thầy sẽ la cô một trận nhưng chuyện lại xảy ra khác hoàn toàn với cô nghĩ. Từ đó trở đi, cô trở nên ngoan hơn và yêu thầy Kobayashi rất nhiều.
Lắng nghe và thấu hiểu trẻ em thực sự rất khó, không phải ai cũng làm được. Trẻ con thích vui đùa trong môi trường tự nhiên. Một môi trường không bị gò bó, không âm u. Trẻ cần sự lắng nghe và thấu hiểu chúng, để có thể phát triển một cách bình thường và vui vẻ. Cách giáo dục của Thầy Kobayashi rất lạ nhưng rất cần thiết cho mọi người.
“Totto-chan bên của sổ” với phong cách văn mộc mạc, giản dị, đã thành công trong việc thu hút mọi người đến với thế giới giáo dục đầy mới lạ. Nó sẽ sẵn sàng trở thành bạn đồng hành của những người yêu nước Nhật bằng con người, nền giáo dục và bản sắc dân tộc không thể bị nhầm lẫn với bất kì quốc gia nào khác.
“Đừng ép trẻ học bằng sự bắt buộc hay hà khắc; mà hãy hướng trẻ học bằng điều thu hút tâm trí trẻ, để bạn có thể phát hiện tốt hơn năng khiếu đặc biệt của trẻ.” – Plato
Tác giả: Lương Nguyễn Xuân An – Nguồn: Văn học 365