Những năm 80 của thế kỷ 20 là thời kỳ bất ổn chính trị của Hàn Quốc. Bắt đầu từ vụ ám sát tổng thống Park Chung Hee, đảo chính quân sự liên tiếp xảy ra và cuối cùng, chính quyền thuộc về Tướng Chun Do-Hwan. Ông thiết lập chính phủ quân sự độc tài đẩy Hàn Quốc bước vào thời kỳ hỗn loạn đen tối. Các phong trào dân chủ do thanh niên trí thức dẫn dắt nổi lên khắp nơi, ngày càng gia tăng về quy mô và sức mạnh ảnh hưởng. Tại các trường Đại học, phong trào dân chủ hoạt động mạnh mẽ, sinh viên cùng giáo sư đại học phản đối luật thiết quân luật của Tướng Chun đưa ra nhằm đàn áp và dập tắt phong trào này. Nhiều thủ lĩnh liên hiệp sinh viên của 55 trường Đại học đã bị bắt trong một cuộc họp lên kế hoạch cho cuộc biểu tình. Và còn rất nhiều sự mất tích bí ẩn khác của những thanh niên yêu nước. Nếu bạn từng theo dõi bộ phim Reply 1988 hoặc A Taxi Driver, bạn sẽ thấy rõ được bối cảnh chính trị và xã hội của Hàn Quốc lúc đó.
Đây chính là bối cảnh diễn ra tác phẩm Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi của nhà văn Shin Kyung Sook. Nơi những biến động chính trị đã đẩy cuộc sống người dân vào sự khốn cùng và chia cắt. Cuốn sách được viết vào năm 2011 và là cuốn sách thứ hai của tác giả có mặt tại thị trường Hoa Kỳ (sau Hãy chăm sóc mẹ).
Cuốn sách mở đầu bằng một cuộc điện thoại sau 8 năm, khi giờ đây Myeong Seo là một phóng viên ảnh, còn Jeong Yun làm giáo sư văn học, anh thông báo rằng Giáo sư Jun đang rất yếu và khó qua khỏi. Cuộc gọi khiến Yun suy ngẫm và hồi tưởng về quá khứ.
Câu chuyện được kể qua bộ ba nhân vật: Yun khi đã trưởng thành (người đang phân vân có đến thăm giáo sư Jun đang hấp hối trong bệnh viện hay không?), Yun khi còn là sinh viên và Myeong Seo lúc trẻ (kể câu chuyện của mình qua những trang nhật ký trong cuốn sổ tay màu nâu). Kể lại câu chuyện tuổi trẻ của ba người Jeong Yun, Myeong Seo và Yun Miru trong những năm Hàn Quốc biến động. Họ gặp nhau lần đầu trong lớp học của giáo sư Jun và sau đó là phòng làm việc của ông. Trong một lần dạo quanh thành phố, Yun bị cuốn theo đoàn người biểu tình dẫn vào trung tâm. Tại đây, cô lại được họ giúp đỡ. Bộ ba nhanh chóng thân thiết, cùng nhau khám phá thành phố, ghé thăm các hiệu sách, nghe Beethoven, tranh luận về ảnh hưởng của nghệ thuật đối với chính trị … Jeong Yun và Myeong Seo dành cho nhau những tình cảm đặc biệt.
Khi càng thân thiết và tình yêu dành cho Jeong Yun trở nên sâu đậm, Myeong Seo bắt đầu lo sợ “những rắc rối trong cuộc sống của mình và Miru” sẽ ảnh hưởng đến cô. Và rắc rối đó cũng bắt đầu từ sự mất tích bí ẩn và đầy ẩn khuất của bạn trai Mirae - chị gái Miru (thành viên của phong trào sinh viên). Nhằm mục đích kêu cứu cho nạn nhân khác và đòi lại công bằng cho người mình yêu, cô ấy tự thiêu. Để ngăn cản chị Mirae, mồi lửa đã lan sang tay Miru và để lại vết sẹo lớn. Sau cái chết thảm thương đó, Miru mang sang chấn tâm lý và điên cuồng lao vào cuộc tìm kiếm người con trai mất tích kia. Myeong Seo chứng kiến nỗi mất mát tột cùng đó và anh không muốn Yun dính vào câu chuyện bi ai này nên anh chủ động rời xa cô.
Cuốn tiểu thuyết là sự cắt ghép câu chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ, giữa các nhân vật nhưng nó đã làm mờ đi sự phân cách thời gian của các sự kiện. Yun từng nói, cô có xu hướng nhầm lẫn giữa những điều xảy ra ngày hôm qua với những điều đã xảy ra cách đó 10 năm. Đối với Jeong Yun, thời gian như ngưng đọng, và mọi nỗi đau, vết thương, mất mát vẫn vẹn nguyên. Điều này như ngụ ý cho việc Myeong Seo và Jeong Yun đang phủ định lại niềm tin rằng, thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương của họ.
Nhà văn Shin Kyung Sook tái hiện xuất sắc bối cảnh hiện thực trong tác phẩm. Một Seoul được qua hai góc nhìn: một là sự cổ kính của thành phố lâu đời và là biểu tượng của đất nước Hàn Quốc giai đoạn này; một thông qua những chặng đường đi bộ khám phá thành phố mỗi ngày của Yun, có một Seoul rất khác được hiện ra. Tác giả miêu tả một đô thị phát triển được quy hoạch chắp vá giữa những khu phố mang phong cách khác nhau như bị mắc kẹt trong các thời đại khác nhau. Khu phố Yun sống được bao quanh bởi những ngọn đồi nhỏ, mạng lưới giao thông quanh co, nhỏ hẹp đến mức chỉ đủ cho một người đi nhưng lại hoàn toàn tách biệt với cuộc bạo loạn đang diễn ra ở phía trung tâm bên dưới. Có một cây thông sơn mài trắng 600 năm tuổi ở Tongui-dong mà người dân đồn rằng, nó đã không phát triển trong suốt giai đoạn Nhật Bản chiếm đóng. Nó đóng vai trò như một chứng nhân cho giai đoạn lịch sử đen tối và bi ai nhất của Hàn Quốc. Hay sự xuất hiện những ngôi nhà truyền thống tồi tàn trong khu phố Bukchon bị đóng băng từ thế kỷ 19. Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi, thời gian không phải là quá trình tuyến tính, các nhân vật được xây dựng không theo chu trình phát triển và trưởng thành. Thay vào đó, thời gian dãn nở theo không gian của thành phố Seoul, các biểu tượng được dùng để đánh dấu các mốc thời gian của câu chuyện.
“Ngày hôm đó, giáo sư Yun đã hỏi một câu: Vào thời đại này, nghệ thuật có thể làm được gì? Tôi không hiểu giáo sư đang hỏi đám sinh viên chúng tôi hay tự hỏi chính mình, chỉ thấy ánh mắt sáng ngời của giáo sư đầy đau khổ. Giây phút dõi theo ánh mắt ấy, trong tim tôi cũng sượt qua một nỗi buồn sắc nhọn, như bị đâm bởi vật gì lạ lẫm.”
Các chi tiết ẩn dụ đan cài rất nhiều lần trong tác phẩm. Giác sư Jun đã từng hỏi các sinh viên rằng: Vào thời đại này nghệ thuật có thể làm được gì?; Bài giảng về Christopher; cuốn sách Chúng ta thở; cuốn sổ tay ghi chép của Miru; căn phòng dán kín của Yun,... Các biểu tượng nhằm gợi mở những câu chuyện, những bài học như sự trăn trở, tiếc nuối, bất lực về một thực tế mà những người trẻ trong tác phẩm đang đối diện và chiến đấu.
Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi là tựa đề đã được dịch sát nghĩa nhất với bản gốc tại Hàn Quốc. Cái tên cũng ngụ ý rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ở một nơi nào đó, cũng có những người thân yêu đang ngóng chông, đang quan tâm và đang hướng về bạn. Cuốn tiểu thuyết thể hiện mối liên kết mạnh mẽ của con người trong bối cảnh hiện thực. Không chỉ có tình yêu nam nữa giữa Myeong Seo và Jeong Yun, Miru và GS.Jun, chị gái Mirae và người bạn trai mất tích mà đó là sự gắn kết của tình bạn, tình thân và tình thầy trò. Cái tên cũng phản ảnh nỗi cô độc của những con người trong xã hội Hàn Quốc. Xuyên suốt câu chuyện là những cuộc điện thoại bị bỏ lỡ, họ liên tục quay số, gọi cho nhau, có lúc quay số sai, có lúc phải nhờ người lạ gọi, rồi gác máy hoặc đơn giản là từ chối nhận một cuộc gọi. Điều này vừa thể hiện niềm hy vọng, vừa sự tuyệt vọng.
Các nhân vật trong tác phẩm đều mang nỗi bi quan trước thời cuộc, đã cho thấy cái nhìn trực diện nhất về lịch sử Hàn Quốc giai đoạn này, điều đã được miêu tả rất nhiều qua văn học, điện ảnh và truyền thông. Shin Kyung Sook với vai trò là một chứng nhân, được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn hỗn mang của Hàn Quốc, muốn bạn đọc không quên và không được quên những ngày ấy thông qua tác phẩm của mình. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, các nhân vật trong Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi dù mạnh mẽ, dù tự lập, dù kiên cường nhưng vẫn phải bất lực vì không thể cứu nhau khỏi tổn thương.
#Xanh