Cú ngược dòng của kí ức
Ngòi bút của Julian Barnes lướt nhẹ vào phần mở đầu bằng những khung cảnh xen kẽ một cách hỗn tạp nhuốm màu kí ức. Nhà văn nước Anh khéo léo đặt những mảnh vỡ của sự thật đan xen trong từng trang sách, dẫn dụ người đọc vào mê cung của những bí ẩn. Tác phẩm được kể lại bằng lời trần thuật của nhân vật chính Tony Webster, một người giờ đã về già, hồi tưởng lại những kí ức ở tuổi thanh niên.
Những trang đầu với giọng văn bình thản miêu tả diễn biến tuổi thanh niên của Tony Webster khiến người đọc cảm thấy gần gũi và sự liên hệ tức thì đến bản thân: một tuổi trẻ với nhóm bạn “kỳ lạ”, một mối tình đầu dang dở đầy nuối tiếc, kết hôn rồi ly dị và sự “trống rỗng”,…Tất cả đều được đặt trong một bối cảnh bình yên những năm 60 của nước Anh. Lồng ghép trong đó là những cuộc trò chuyện thể hiện quan điểm về lịch sử, triết học và thời gian.
Nổi trội trong đám bạn thân của Tony Webster là Adrian, được phác họa như một chàng trai thông minh, chững chạc so với bạn đồng trang lứa. Một người yêu thích triết học, thường xuyên hỏi ngược lại thầy giáo và thể hiện quan điểm chắc nịch: “Lịch sử là tính chắc chắn được sản sinh vào thời điểm những khiếm khuyết của trí nhớ gặp những thiếu sót của tư liệu.” Một người đã chỉ trích lựa chọn của Robson, cậu bạn đã tử tự với lí do mơ hồ được đồn thổi “bạn gái có thai”. Adrian chính là móc xích quan trọng trong mạch chuyện, là chồng của Veronica – mối tình đầu chân thành của Tony Webster. Mối tình tay ba của họ đã tạo dựng nên điểm then chốt của câu chuyện.Và có lẽ Adrian cũng chẳng bao giờ ngờ được rằng, sau khi tốt nghiệp loại ưu ở Cambridge, cậu đã trượt vào vết xe đổ của Robson và đã tự lựa chọn chấm dứt cuộc đời mình trong bồn tắm.
nhưng những gì bạn cuối cùng nhớ được có phải bao giờ cũng chính là những gì bạn thấy tận mắt đâu.
Nếu phần một của cuốn sách được dẫn dụ bằng ánh sáng mềm mại của kí ức đã xa rời từ rất lâu, phần hai lại đặt ra những câu hỏi ngược dòng thời gian. Tony Webster tưởng chừng như đã có một lối sống “hiếu hòa”, luôn chọn những gì bình yên, một lối sống an toàn đến “nhàm chán”. Thế nhưng, nửa sau của cuốn sách được khắc họa qua ngòi bút lạnh lùng mà tỉ mỉ của Julian Barnes, sự thật trở nên khắc nghiệt đến tàn nhẫn. Từ mật mã trong di thư của Adrian, khoản tiền kế thừa kếch xù “từ trên trời rơi xuống” cùng với lựa chọn đi ngược sự an toàn, “hiếu hòa” của bản thân vào những năm tháng cuộc đời xế bóng, Tony Webster đã tìm kiếm những sự thật còn bỏ ngỏ. Để rồi kí ức lật lại, vỡ tan trong nỗi thất vọng.
Quá khứ không chỉ là kẻ ngoài cuộc vô tình, chính những sự kiện mơ hồ trong quá khứ đã dẫn tới một thực tại buồn thương: một Veronica u buồn cùng mối quan hệ với đứa trẻ thiểu năng bí mật về xuất thân cũng mang tên Adrian.
Sự thật ẩn lấp đằng sau lớp bụi thời gian
Điều làm nên sự đặc biệt của cuốn sách chỉ mất 31 phút để được hội đồng nghệ thuật quyết định trao giải Man Booker này chính là kết cấu rất độc đáo, tưởng chừng như lộn xộn ngẫu nhiên nhưng thực ra lại xâu chuỗi với nhau từ quá khứ đến hiện thực. Tony Webster đã thận trọng trong cả cuộc đời, hoàn toàn tin tưởng vào lối sống an toàn của mình sẽ không để lại những bất cẩn gì trong quá khứ. Nhưng cái nhìn của Tony là chủ quan, và sự thật trong kí ức của cậu chỉ là những mảnh gương vỡ mờ nhòe bởi lớp bụi của thời gian. “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật là giả dối”.
Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật là giả dối.
Tony trong một nỗ lực của những năm tháng cuối đời đã cố gắng chắp vá những kí ức để tìm ra lời giải cho sự thật. Lịch sử về thời trai trẻ được lật lại. Nhưng những gì còn đọng lại chỉ là những lát cắt của thời gian và kí ức của Tony chỉ là, sự chắc chắn quả quyết trong trí nhớ hạn hẹp của một người.
“Nghe mùi kí ức” là sự phiêu du của văn học hiện đại với lối kết cấu như một trò chơi. Nếu như Tony đi tìm sự thật bằng cách giải mã phương trình trong di thư của Adrian thì nhà văn nước Anh tài ba Julian Barnes đã buộc độc giả phải giải mã văn bản của mình. Đến cuối cùng, sự thật vẫn không có lời giải đáp và kết thúc để lại cho người đọc để họ có thể tưởng tượng và đồng sáng tạo.
Nhân vật Tony Webster khi trẻ, từng nói: “Lịch sử là lời nói dối của kẻ chiến thắng”. Phải chăng giờ đây chính kí ức của Tony đã phản bội cậu bằng lời nói dối ngọt ngào như vậy?
Bất ổn và chông chênh lùi bước cho ánh sáng nhân văn đẹp đẽ
“Nghe mùi kết thúc” đặt ra một góc nhìn đầy phản biện về lịch sử. Hành trình ngược dòng thời gian của Tony để tìm về tuổi thanh niên giống như cách nhân loại đi tìm lịch sử và nguồn cội. Chúng ta dò tìm những gì còn sót lại, dò tìm qua những trí nhớ đầy khiếm khuyết, chắp ghép những vụn kí ức để vẽ nên một bức tranh lịch sử. Sự thật qua dòng thời gian dường như chỉ là một trò chơi của tâm trí, không hơn không kém. Những câu hỏi “nếu Tony…” đặt cho chính mình phải chăng cũng giống như cách con người đặt ra những giả thuyết về lịch sử, về thời gian?
Ta sống trong thời gian - nó ôm ấp và nhào nặn ta – thế mà tôi chưa bao giờ thấy mình hiểu rõ lắm về nó.
Viết “Nghe mùi kết thúc”, cây bút gạo cội của nước Anh đã không cho phép người ta dễ dàng thỏa hiệp với những sự thật tưởng chừng là hiển nhiên. Cả câu chuyện được bao phủ bởi làn khói mờ ảo của kí ức, nhưng những câu hỏi mà Julian Barnes đặt ra lại làm độc giả phải trăn trở suy nghĩ. Về cách cộng đồng phán xét cái chết của Robson, cách đám đông đánh giá lịch sử. Phải chăng, mỗi khoảnh khắc qua đi đã thuộc về quá khứ, và đó cũng thuộc về lịch sử? Nếu chúng ta không từng ở trong thời khắc lịch sử đó, có điều gì để đảm bảo rằng chúng ta sẽ hiểu sự kiện ấy vẹn nguyên như chính nó? Có điều gì để đảm bảo rằng đám đông không tô màu sự kiện đó, vẽ nó theo cách của riêng họ?
"Trò thấy có vẻ như có - đã có - một chuỗi trách nhiệm cá nhân, mà tất cả đều cần thiết, nhưng chẳng mấy chốc trở thành một chuỗi nơi ai cũng có thể dễ dàng đổ lỗi cho mọi người khác". - Finn
Có lẽ đó chính là thông điệp nhân văn đọng lại sau những dòng tuyệt bút của ngôn ngữ văn chương bậc thầy. Độc giả hoài nghi, hoài nghi về kí ức của Tony Webster, hoài nghi tính chân thực của câu chuyện, hoài nghi về những sự kiện vốn là hiển nhiên. Nhưng rồi hoài nghi để trân trọng và thấu hiểu. Để biết rằng mỗi khoảnh khắc của đời sống trôi qua, có thể tốt, có thể xấu, nhưng đã thuộc về một phần lịch sử, mãi mãi.
Để biết thông cảm và bớt đi ánh nhìn chủ quan đầy phán xét với những gì đã qua. Để ngưng “dễ dãi” khi phán xét bất kì điều gì trong cuộc sống và biết cách nhìn cuộc đời này một cách đa chiều hơn. Khi chỉ nhìn từ một phía để đánh giá, thì ta cũng giống như đám học sinh trong trường Tony “đồn thổi” về câu chuyện một học sinh lớp Sáu tự tử, giống như cách Tony nhìn lại kí ức của mình. Sự thật nham nhở như một tảng đá tròn trĩnh và hoàn hảo ở mặt này nhưng sứt mẻ đầy rạn nứt ở phía sau.
Khép lại những áng văn được viết bằng văn phong trang nhã rất “Anh”, độc giả sẽ cảm nhận được sức ám ảnh của câu chuyện tưởng chừng đơn giản này. Bằng sự từng trải, Julian Barnes “đọc vị” con người, sự ảnh hưởng của bản năng và lí trí đến lựa chọn và sự ngẫu nhiên như trêu đùa của số phận. Không có sự làm chủ tuyệt đối của con người và cũng không có sự thật nào là tuyệt đối. Chúng ta tìm hiểu về lịch sử để trân trọng lịch sử và để trân trọng mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời này.
Minh Tâm