Hiệu ứng Dunning-Kruger và sự mù quáng của người kém năng lực
Hiệu ứng Dunning-Kruger và sự mù quáng của người kém năng lực
Kẻ ngu ngốc là kẻ làm điều ngu ngốc
Chấm Dứt Thói Trì Hoãn
(4 lượt)
Câu chuyện Wheeler bôi nước chanh đã kích thích các nhà nghiên cứu David Dunning và Justin Kruger tìm hiểu chi tiết hơn hiện tượng này. Các nhà nghiên cứu thích thú nhìn thấy sự khác biệt rõ ràng giữa khả năng thực tế của mọi người và cách họ cảm nhận khả năng này. Dunning và Kruger đưa ra giả thuyết rằng người không đủ năng lực gặp phải hai vấn đề: 
  • Do không đủ năng lực, họ đưa ra quyết định sai lầm (chẳng hạn như ngụy trang bằng nước chanh để cướp ngân hàng).
  • Họ không thể nhận ra thực tế rằng mình đã quyết định sai lầm. (Ngay cả đoạn phim an ninh cũng không thuyết phục được Wheeler rằng gã không có khả năng tàng hình; gã cho rằng đó là giả mạo)

Các nhà nghiên cứu kiểm chứng giả thuyết này trên một nhóm người tình nguyện. Đầu tiên, người tham gia điền vào phiếu khảo sát tự đánh giá khả năng của mình trong một lĩnh vực nhất định (suy luận logic, năng lực ngữ pháp và khiếu hài hước). Sau đó, người tham gia được kiểm tra xem khả năng của họ tốt đến đâu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra hai điều thú vị:

  • Những người kém năng lực nhất (các nhà nghiên cứu gọi là ‘Người kém năng lực') có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của họ. Trên thực tế, càng kém năng lực, họ càng đánh giá quá cao bản thân. Ví dụ, một người càng nhạt nhẽo đến đau đớn thì càng nghĩ rằng họ hài hước. Hiệu ứng này đã được Charles Darwin miêu tả một cách tao nhã từ nhiều năm trước: "Không phải kiến thức, mà thiếu hiểu biết mới hay sinh ra tự tin".
  • Phát hiện thú vị thứ hai là những người có năng lực cao nhất có xu hướng đánh giá thấp khả năng của họ. Có thể giải thích rằng sở dĩ họ tự đánh giá thấp mình là do nếu có một nhiệm vụ mà họ thấy là dễ, họ sẽ cho rằng với người khác nhiệm vụ đó cũng dễ nốt.

Trong một phần khác của thí nghiệm, người tham gia được cho xem kết quả kiểm tra của người khác. Sau đó, họ được yêu cầu tự đánh giá lại. Người có năng lực nhận ra rằng họ làm tốt hơn họ nghĩ. Vì vậy, họ sửa đổi cách tự đánh giá và bắt đầu nhìn nhận bản thân một cách khách quan hơn. Tuy nhiên, khi người kém năng lực phải đối mặt với thực tế, họ vẫn không thay đổi cách tự đánh giá thiếu khách quan của mình. Họ không thể chấp nhận rằng khả năng của người khác tốt hơn họ. Theo cách nói của Forrest Gump thì: “Kẻ ngu ngốc là kẻ làm điều ngu ngốc".

(*) Nguyên văn “Stupid is, as stupid does”: Ý câu này của Forrest Gump là việc đánh giá một người cần thông qua hành động của người đó.

Tóm lại, nghiên cứu này phát hiện ra rằng người thiếu hiểu biết không biết rằng họ thiếu hiểu biết. Người không đủ năng lực có xu hướng đánh giá quá cao khả năng của mình; họ không chịu nhìn nhận năng lực của người khác, và ngay cả khi phải đối mặt với thực tế, họ cũng không thay đổi nhận thức về bản thân. Trong cuốn sách, khi nói về những người mắc phải vấn đề này, chúng tôi sẽ chỉ nói rằng họ “mắc hiệu ứng Dunning-Kruger" (gọi tắt là DK). Nghiên cứu này chứng minh rằng khi con người rút ra kết luận không khách quan và sai lầm, chính sự không khách quan đó ngăn cản họ nhận ra và thừa nhận sai lầm.

 

Sự thiếu hiểu biết ngọt ngào: Người bảo vệ bộ não của chúng ta

 

Tình trạng bệnh lý có tên là anosognosia (mất nhận thức về bệnh tật của mình) chỉ ra rằng hiệu ứng Dunning-Kruger có thể là một cơ chế bảo vệ tự phát triển trong não người. Đây là một dạng tổn thương não thường gặp ở người bị mất một chi. Người mắc chứng anosognosia nghĩ rằng họ vẫn còn phần chi đó, và không ai có thể thuyết phục họ rằng thực tế không phải.

Khi bác sĩ nói chuyện về bàn tay trái khỏe mạnh của bệnh nhân, họ vẫn giao tiếp bình thường. Nhưng khi cuộc trò chuyện chuyển sang bàn tay phải đã mất, bệnh nhân giả vờ không nghe thấy bác sĩ đang nói gì. Bản scan não chỉ ra rằng đây không phải là một phản ứng có ý thức; thay vào đó, bộ não bị tổn thương của bệnh nhân đã vô thức chặn thông tin về phần chi mất đi.

Thậm chí có trường hợp người mù không tin rằng họ bị mù!! Những ví dụ cực đoan như vậy về chứng anosognosia ủng hộ lý thuyết cho rằng não chúng ta có thể bỏ qua thông tin nào chỉ ra sự khuyết thiếu của chúng ta.

Với bộ não của tên cướp ngụy trang bằng nước chanh, cứ khăng khăng rằng người ta làm giả chứng cứ buộc tội mình thì dễ hơn là thừa nhận sự kém cỏi và thiếu khách quan của chính mình.

Đối với bộ não của tên cướp dùng nước chanh, sẽ dễ dàng hơn cho gã khi khăng khăng rằng bằng chứng bị làm giả mạo thay vì thừa nhận sự kém cỏi và thiếu khách quan của chính mình.

Tương tự như chứng anosognosia, bộ não con người thường chọn cách phát lờ thông tin nào chứng minh rằng mô hình tư duy của chúng ta là sai. Do đó, bộ não khiến chúng ta cứ mãi nằm trong trạng thái không khách quan và thiếu hiểu biết đầy ngọt ngào. Nhưng có phải cứ sống chủ quan thì đời sẽ luôn ngọt ngào không? Nếu cứ như vậy thì rồi sẽ sinh ra những rủi ro nào? Tại sao chúng ta phải cố trở nên khách quan?

 

Vì sao phải chiến đấu chống sự thiếu khách quan?

 

Ngày trước tôi có người bạn cùng lớp hơi thiếu hài hước. Nói đúng ra, nhiều người cho rằng anh ấy không có duyên tí nào. Mỗi khi anh kể chuyện cười, rất nhiều người cười. Thật không may, họ không cười vì câu chuyện mà cười nhạo anh. Bạn cùng lớp của tôi vô tư cho rằng tiếng cười này cho thấy rõ anh có khiếu hài hước lắm. Vì vậy, anh càng tiếp tục kể chuyện cười.

Dù đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn sẽ không ngạc nhiên nếu tới tận hôm nay anh vẫn cư xử như vậy. Bạn có muốn giống như anh bạn này không? Liệu bạn có muốn rằng suốt cả đời mình, tất cả mọi người đều thấy khuyết điểm của bạn, hiệu ứng Dunning-Kruger ở bạn, ngoại trừ chính bạn? Tại sao chiến đấu để đạt được sự khách quan ở chính mình là việc quan trọng đến như vậy?

  • Mô hình tư duy của ta càng khách quan hơn, thì quyết định của ta càng thường hay đúng đắn hơn. Mô hình tư duy khách quan giúp bạn dự đoán chính xác hơn hậu quả hành vi của mình. Ngược lại, nếu bạn có mô hình tư duy không khách quan và lại còn chịu tác động của hiệu ứng Dunning- Kruger, thì hành động của bạn sẽ không mang lại kết quả như dự định. Tự tin thái quả không đảm bảo cho thành công. Nước chanh không bao giờ làm cho bạn trở nên vô hình.
  • Thiếu khách quan sẽ cản trở sự phát triển cá nhân. Đôi khi, tôi gặp những người quản lý tin chắc mình là nhà lãnh đạo giỏi nhất thế giới. Thật không may, họ thường là những người duy nhất ở các công ty đang trên đà thất bại nghĩ như vậy. Một lý do khác để bạn cần phải tăng cường tính khách quan ở mình là, chỉ khi nào tự nhận ra khuyết điểm của mình, bạn mới có thể bắt đầu sửa chữa nó được. Do đó, tự nhận ra hiệu ứng Dunning- Krugers có lẽ là một trong những việc quan trọng nhất bạn cần làm để cá nhân mình có thể phát triển.
  • Thiếu khách quan có thể gây hại cho người khác, cho dù mục đích của ta là tốt. Chẳng phải vô lý mà người ta nói: “Đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt." Lý do thứ ba, cũng là lý do chính vì sao cần phải đấu tranh chống lại sự thiếu khách quan, một lần nữa được Bertrand Russell bày tỏ qua câu nói: “Người ta gây nhiều đau khổ nhất cho người khác bởi họ tin chắc vào những điều hóa ra không đúng sự thật."

Ví dụ, nhiều kẻ sát nhân hàng loạt, mãi rất lâu sau khi gây tội ác kinh hoàng, vẫn nghĩ mình đã làm điều đúng và chưa bao giờ coi bản thân là người xấu. Hãy xem Anders Breivik cư xử ra sao tại phiên tòa. Gã tin chắc mình đã làm điều đúng. Mô hình tư duy của gã không hề thay đổi.

Làm thế nào để chiến đấu chống lại sự thiếu khách quan của chính mình? Làm thế nào tránh được hiệu ứng Dunning-Kruger? Làm thế nào để tìm ra khuyết điểm của mình và tăng cường tính khách quan về lâu dài? 

 

Làm thế nào để tăng cường tính khách quan?

 

Tính khách quan và sự thật là một trong những giá trị quan trọng nhất để xã hội vận hành và phát triển. Hiệu ứng Dunning-Kruger là kẻ thù của hai đặc tính này. Nó đặc biệt nguy hiểm vì có thể trực tiếp ngăn chặn sự khách quan trọng trí óc chúng ta. Đừng để mình rơi vào cái bẫy này. Các nguyên tắc sau đây sẽ giúp bạn chống lại hiệu ứng Dunning-Kruger và sự thiếu khách quan.

  • Nâng cao năng lực thông qua giáo dục – Trong một thí nghiệm khác, Dunning và Kruger phát hiện ra rằng quá trình đào tạo và giáo dục có thể giúp người kém năng lực đánh giá bản thân và người khác chính xác hơn. Nếu cải thiện được khả năng của mình trong một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ có thể nhận ra mình đã từng kém năng lực như thế nào. Socrates diễn đạt về tầm quan trọng của giáo dục bằng câu, “Điều tốt duy nhất là kiến thức và điều xấu duy nhất là sự thiếu hiểu biết."
  • Xây dựng nền tảng dựa trên nguồn thông tin chất lượng – Kiểm chứng chất lượng của nguồn tin trong thời đại dữ liệu ngày nay là điều rất quan trọng. Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể đưa bất kỳ thông tin nào lên Internet một cách dễ dàng; do đó, bạn cần học cách đánh giá chất lượng của dữ liệu hiện có. Kiến thức trong tạp chí khoa học và nghiên cứu thường đáng tin cậy hơn so với thông tin từ báo lá cải hoặc blog ẩn danh. Tác giả muốn tỏ ra khách quan thì thường dẫn nguồn mỗi khi cung cấp sự kiện. Ví dụ, Wikipedia khuyến khích người góp bài cung cấp cả danh sách nguồn tham chiếu cho mỗi bài. Bộ não người không thể hiểu chi tiết và chính xác toàn bộ cách vận hành của thế giới. Do đó, mô hình tư duy nào thì cũng chỉ là sự đơn giản hóa và do đó luôn có phần không chính xác. Như Bertrand Russell từng nói: “Tôi nghĩ, khi ta thừa nhận rằng không có gì là chắc chắn thì ta cũng phải thừa nhận rằng có một số thứ gần như chắc chắn hơn nhiều so với những thứ khác.
  • Đừng đưa ra quan điểm cực đoan về những điều bạn không nắm chắc – Thiếu thông tin, hoặc thông tin bị truyền thông bóp méo là mảnh đất màu mỡ cho hiệu ứng Dunning-Kruger. Chỉ cần nhìn phần bình luận trên các trang tin tức mạng là đủ rõ. Bạn sẽ thấy người đăng quảng cáo luôn nghĩ họ là chuyên gia về mọi thứ. Nếu muốn tránh sự thiếu khách quan, hãy chia sẻ ý kiến chỉ về lĩnh vực nào bạn thực sự nắm rõ mà thôi. Đừng đem hiểu biết ở lĩnh vực này sang lĩnh vực kia. Bạn là nhà động vật học thành công không có nghĩa là bạn hiểu về thiết kế đồ họa. Bạn không cần phải bày tỏ ý kiến về mọi thứ. Tốt hơn là thừa nhận mình không biết hoặc không có gì để nói. Richard Feynman, người đoạt giải Nobel vật lý, từng tuyên bố "Tôi nghĩ sống mà không biết thì thú vị hơn nhiều so với có lắm câu trả lời song chúng có thể sai."
  • Đặt nghi vấn về trực giác của mình – Đừng chỉ băn khoăn, hãy chủ động đặt câu hỏi. Bản thân sự băn khoăn không đưa bạn đến đâu cả. Tuy nhiên, nếu liên tục đặt câu hỏi về mọi thứ, bạn đang tích cực tìm kiếm những điểm không hoàn hảo trong mô hình tư duy của mình và tìm cách cải thiện nó. Như nghiên cứu của nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely đã chứng minh, trực giác của chúng ta thường sai. Ông nói như sau về vấn đề này: “Chúng ta – ý tôi là Bạn, Tôi, các Công ty và Nhà làm luật – cần phải nghi ngờ trực giác của mình. Nếu cứ tiếp tục nghe theo trực giác và hiểu biết chung chung hoặc làm những gì dễ nhất hay người khác hay làm nhất chỉ vì ‘ờ thì thiên hạ vẫn luôn làm theo cách đó mà’, chúng ta sẽ tiếp tục mắc sai lầm”. Ngày ngày, bạn đều hãy can đảm nghi ngờ quan điểm của chính mình. Chủ động tìm kiếm sai lầm của chính mình là một trong những việc khó chịu nhất.
  • Tìm kiếm phản hồi bên ngoài – Hãy bắt đầu tích cực đặt nghi vấn về ý kiến chủ quan của bạn. Hãy thu thập ý kiến của những người xung quanh. Sau mỗi buổi hội thảo, tôi đều yêu cầu người tham gia phản hồi và đánh giá, nhưng giấu tên. Có lần, tôi cảm thấy đó là một trong những hội thảo tốt nhất tôi từng tổ chức, nhưng phản hồi của người tham gia lại cho thấy nó chỉ ở mức trung bình. Lần khác, tôi nghĩ rằng hội thảo này thật tệ, nhưng đánh giá tôi nhận được lại cho thấy điều hoàn toàn trái ngược. Điều này củng cố cách nghĩ rằng đôi khi chúng ta nên tin vào phản hồi bên ngoài hơn là ý kiến chủ quan của riêng mình. Kể cả nếu lúc đầu ban không đồng ý với phản hồi nhận được, hãy luôn cố gắng rút ra điều gì đó từ nó. Đừng nhắm mắt làm ngơ.
  • Rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện – Cách tư duy này khiến bạn có khả năng tự mình suy nghĩ chứ không mù quáng tiếp nhận ý tưởng của người có thẩm quyền và người khác. Nó cũng chỉ ra biết liệu thông tin này hoặc kia có đúng hay không. Nếu nó dẫn bạn đến một quan điểm khác với mọi người, hãy can đảm chia sẻ quan điểm đó. Bertrand Russell mô tả như sau về khí chất anh hùng cần có để rời bỏ vùng an toàn và bày tỏ quan điểm của mình: “Để cứu thế giới, cần có niềm tin và dũng khí: niềm tin vào lý trí, và dũng khí để tuyên bố những gì lý trí cho thấy là đúng.”
  • Cố gắng tự bác bỏ ý kiến của mình cũng quyết liệt như khi bạn cố gắng khẳng định nó – Cách đây không lâu, một người quen khoe với tôi rằng anh thường xuyên “nhìn vào mặt trời lúc giữa trưa" mỗi lần vài phút. Anh tuyên bố nó cải thiện tầm nhìn của mình. Ngoài ra, anh cũng giải thích cho tôi các công ty dược phẩm đã ỉm phương pháp “thần kỳ” này đi để có thể làm giàu từ việc bán thuốc. Tìm trên Internet, bạn có thể tìm thấy thông tin xác nhận hầu như bất cứ tuyên bố nào, kể cả ý kiến cho rằng nhìn trực diện vào mặt trời có thể cải thiện sức khỏe. Mọi người có xu hướng chỉ tìm thông tin nào xác nhận niềm tin của họ! Họ tìm những gì xác nhận mô hình tư duy của mình. Để đấu tranh chống lại hiệu ứng Dunning-Kruger, điều quan trọng là phải tìm những lập luận bác bỏ ý kiến của bạn. Bạn phải cố gắng thấy được sự sai lệch trong niềm tin của mình bằng cách tìm ra những sự thật trái ngược với điều bạn nghĩ. Khi xem xét cả lập luận ủng hộ lẫn lập luận bác bỏ một niềm tin, bạn sẽ có quan điểm khách quan hơn. Richard Dawkins, giáo sư sinh vật học tại Đại học Oxford nói: “Bằng mọi cách, chúng ta hãy cởi mở, nhưng đừng cởi mở đến mức bộ não của chúng ta bị rơi ra ngoài."
  • Áp dụng nguyên tắc dao cạo Occam – Nguyên tắc logic có đến 700 năm tuổi này khẳng định rằng nếu có nhiều hơn một cách giải thích cho một hiện tượng nhất định, thì rất có thể cách giải thích đơn giản nhất là cách giải thích đúng nhất. Những kẻ khủng bố có thực sự chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 11 tháng 9 không? Hay chính phủ Mỹ mới là kẻ đứng đằng sau âm mưu thâm sâu này, trong đó mọi thứ được sắp đặt sao cho cứ như thể bọn khủng bố mới là người thực hiện? Nếu chúng ta muốn đưa ra ý kiến theo nguyên tắc dao cạo Occam, thì lựa chọn đầu tiên, ít phức tạp hơn có nhiều khả năng đúng hơn. Dao cạo Occam rất tốt để ta có thể nhanh chóng đưa ra ý kiến sơ bộ về các vấn đề. Tuy nhiên, để có tính khách quan cao hơn, bạn luôn cần tìm kiếm thông tin và dữ kiện đáng tin cậy hơn.
  • Cảnh giác với hiệu ứng Dunning-Kruger tập thể – Năm 1978, hơn 900 người thuộc giáo phái Peoples Temple đã chết trong cuộc tự sát tập thể lớn nhất trong lịch sử. Đây có thể là một trường hợp cực đoan, nhưng sự thiếu khách quan tập thể rất hay xảy ra ở quy mô nhỏ hơn. Đôi khi người cá tính mạnh có xu hướng giao du với những người có mô hình tư duy tương đồng. Họ dần dần bó hẹp mình trong một nhóm nhỏ thiếu khách quan, trong đó họ không nhận được phản hồi tiêu cực nào về ý tưởng của mình. Điều này xảy ra trong gia đình cũng như công sở. Kết quả là hình thành một nhóm nhỏ những người có chung ý tưởng về một điều gì đó, và rủi ro thay, đó lại là một ý tưởng không tương ứng với thực tế. Sự thiếu khách quan tập thể là một trong những rủi ro xã hội lớn nhất hiện nay. Ngay từ thế kỷ 19, tác giả Julius Zeyer đã có một quan điểm tương đối không khoan nhượng về rủi ro này: “Đám đông luôn mù quáng.” 
  • Đừng giáo điều – Giáo điều nghĩa là những sự thật không được phép nghi ngờ, thường là nguyên nhân dẫn đến không khách quan. Vì vậy, bạn phải luôn sẵn sàng thừa nhận rằng ý kiến của mình có thể sai. Chấp nhận sự thật rằng mình có thể đang chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Dunning-Kruger. Nếu niềm tin của bạn vào một điều gì đó quá vững chắc, hãy thử thừa nhận rằng bạn có thể không đúng. Ví dụ, giả như Adolf Hitler hoặc Anders Breivik thừa nhận điều này với chính mình thì có lẽ họ đã không cực đoan đến thế. André Gide, nhà văn đoạt giải Nobel, mô tả những rủi ro của bệnh giáo điều như sau: “Hãy đi theo người tìm kiếm sự thật; hãy chạy khỏi người đã tìm thấy sự thật.

Bài viết được trích lược từ cuốn Chấm dứt thói quen trì hoãn của bộ đôi tác giả Petr Ludwig & Adela Schicker

Tags: