Ai cũng từng một lần trải qua những chuyện tình ngây ngốc vụng dại. Nhưng hiếm người nào có thể lưu bền giữ kỹ, thậm chí mang theo nó suốt cuộc đời, dù tình cảm ấy chỉ mang đến vết thương và nhiều cơn dư chấn tinh thần.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ Mắt biếc, Cô gái đến từ hôm qua ra mắt độc giả, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh quay trở lại với phong cách và cốt truyện lãng mạn, tinh nghịch nhưng cũng không thiếu những lắng đọng, trầm buồn của những mối tình học trò.
Ngày xưa có một chuyện tình lại đi theo một dòng chảy văn chương khác, ám ảnh, lạ lẫm hơn nhưng vẫn rất thật, rất đời và đương nhiên cũng rất Nguyễn Nhật Ánh.
Đó là mạch chuyện xoay quanh ba nhân vật chính là Miền, Vinh còm và Phúc. Vinh yêu Miền còn Miền yêu Phúc, từ đó những rắc rối bắt đầu nảy sinh. Ban đầu chỉ là những tầng lớp suy nghĩ vẩn vơ, ghen tỵ của Vinh với người bạn thân thiết nối khố, nhưng mọi chuyện dần phức tạp khi các khối óc của cả ba phải lớn lên trưởng thành.
Ba đứa trẻ, ba tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, đã cùng nhau trải qua một tuổi thơ dữ dội với đủ thứ vui buồn con trẻ, chỉ vì một chữ “tình” mà các mối quan hệ rạn nứt, vẩn đục bởi vô số toan tính, lắng lo.
Vinh yêu Miền bằng một tình cảm chân thành, giản dị, không toan tính thì Miền lại yêu Phúc. Miền mang thai với Phúc trong một lần “vượt quá giới hạn” nhưng Phúc không hay biết điều này. Bất hạnh thay, Phúc và cha phải chạy trốn khỏi làng trong đêm không lời từ biệt để lại cái thai và Miền cứ thế ngẩn ngơ, bơ vơ giữa đời.
Giá mà người đi rồi thì đừng quay lại, cuộc sống của Miền lại thêm một lần nữa chao đảo khi tình cũ về làng, mang hy vọng đòi lại những điều thuộc về mình. Thêm một lần nữa, chốn làng quê thanh bình kia lại dậy sóng.
Tưởng như đơn giản là vậy nhưng Ngày xưa có một chuyện tình càng đọc, càng khơi mở những yếu tố phức tạp của chuyện đời. Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục khai thác giọng văn đã thành thương hiệu. Ở ông có được sự hài hòa của tư duy những người trẻ điểm thêm sự chín chắn, già dặn trong tư tưởng của thế hệ cha anh.
Truyện được kể ở ba góc nhìn, và cả ba nhân vật cùng lần lượt lên tiếng, để giúp độc giả hiểu được tiếng lòng của họ, nỗi oan của kẻ này được diễn giải dưới tấm chân tình của kẻ khác. Con đường hạnh phúc bỗng mọc lên một cái ngã ba, cản trở, phong tỏa suy nghĩ của Phúc, Vinh và cả Miền.
Ở Ngày xưa có một chuyện tình, ta gặp thêm một nỗi buồn, một sự day dứt khi ba cuộc đời bị số phận dập vùi, một mối tình tay ba kéo dài gần một thập kỷ khiến các nhân vật phải đấu tranh nội tâm, giằng xé với bản ngã để để đưa ra câu trả lời cho tình yêu cao thượng mà họ vẫn chưa từng có ý định buông bỏ.
Nhưng tình yêu không phải là một trận tuyến và trái tim người con gái cũng không phải là bốt đồn. Nó cũng khác với tiền bạc và quyền lực, không phải là thứ để tranh đoạt và có thể tranh đoạt.
Tình yêu đâu phải là hành động trả ơn, càng không phải là hành động từ thiện. Nó không đến với chúng ta trên xe lăn, với tay và chân bó bột, để kêu gọi sự xót thương, Nguyễn Nhật Ánh vẫn lồng ghép những tuyên ngôn tình yêu dung dị như thế, cài cắm rồi để tự người đọc ngẫm nghĩ, xót xa.
Nguyễn Nhật Ánh vẫn giữ được cách kể chuyện hóm hỉnh, hồn nhiên, văn phong trong sáng, giản dị. Những câu văn ngắn gọn, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu không mang nặng triết lý hay kiểu viết khoa chữ phô trương của các cây viết trẻ theo đuổi. Một cuốn truyện dài chất chứa nhiều cảm xúc, bạn có thể trách móc hờn ghen, nhưng liệu có đủ dũng cảm, cao thượng để tha thứ cho những lỗi lầm quá khứ.
Ngày xưa có một chuyện tình tuy hướng đến những vấn đề gai góc nhưng vẫn gần gũi dung dị, phù hợp cho những người muốn tìm lại những ký ức thủa ban đầu ngây thơ.
Trạm Đọc
Theo Zing.