Sao em buồn đến thế? - Cuốn thơ đừng đọc ngày thất tình
Sao em buồn đến thế? - Cuốn thơ đừng đọc ngày thất tình
Một sự kết hợp đầy quyến rũ và dịu êm của ngôn từ và hình ảnh, đồng thời cũng là sự hòa quyện tuyệt đẹp của nỗi buồn và hy vọng của người trẻ về tình yêu và cuộc sống giữa thành thị cô đơn. 
Có những mối quan hệ trong đời dần theo thời gian mà biến mất, không hẳn là có người vô tâm mà là ai cũng phải thay đổi. Không phù hợp nữa sẽ dần nhạt phai, thực tế mà nói tình cảm so với đồ vật còn dễ biến mất hơn cả, vì đồ vật không dùng nữa còn có thể cất làm kỷ vật.

Còn người cùng tình cảm chỉ có thể tồn tại trong ký ức, quá khứ, rồi dần dần chẳng thể tránh được mà sẽ lãng quên.

Ảnh Skybooks

Đọc "Sao em buồn đến thế?" rồi mới hiểu bản thân đã bỏ lỡ những gì, suy cho cùng con người có bao tuổi đi chăng nữa vẫn là trẻ dại trong tình yêu. Luôn là tổn thương rồi mới hiểu được cách đối xử với tình cảm một cách đúng đắn. Sao em buồn đến thế, một cuốn thơ buồn để bạn thêm trân trọng tình yêu, dù nó chỉ còn tồn tại trong quá khứ, hay đang ở hiện tại với rất nhiều băn khoăn!

Sao em buồn đến thế? Còn là tập sách - ảnh đánh dấu sự kếp hợp trở lại của Trịnh Nam Trân – Kỳ Anh Trần – chàng nhiếp ảnh và nàng thơ, như là sinh ra dành cho nhau. Nếu thơ của Nam Trân đẹp và buồn, thì ảnh của Kỳ Anh Trần luôn có hồn, thơ mộng, đẹp như những thước phim.

Tương đồng với “Năm thương tháng nhớ không ngày gửi đi” - cuốn sách xuất bản năm 2020 đầy thành công của nàng thơ Trịnh Nam Trân và nhiếp ảnh gia Kỳ Anh Trần, NXB Skybooks mang đến cho độc giả cuốn thơ “Sao em buồn đến thế?” là sự kết hợp hoàn hảo - bổ trợ cho nhau bởi chữ và hình. Nhưng không chỉ dừng lại ở đề tài tình yêu quen thuộc, “Sao em buồn đến thế?” là hành trình xúc cảm đầy thú vị để bạn đọc có thể thấu hiểu câu chuyện của những người trẻ giữa thành thị hoa lệ với tâm hồn đầy hoài bão, đam mê nhưng cũng mang trong mình đầy nỗi cô đơn, bất an cùng những nỗi đau giấu kín, từ đó mà độc giả có thể cảm nhận và lý giải thế giới nội tâm của chính mình.

Hy vọng qua cuốn sách “Sao em buồn đến thế?” của Trịnh Nam Trân, với những nỗi buồn có mộng mơ cũng có chân thật tới nhói lòng nhưng luôn ấn chứa màu nắng của hy vọng và tình yêu được bày ra trong từng trang sách, bạn có thể sớm nhận ra điều trân quý của bản thân và nâng niu nó thật cẩn thận. Bởi rốt cuộc chúng ta ai cũng đều cất giấu một chút hoài niệm, mất mát sâu thẳm trong lòng không phải là để buồn bực mãi, chỉ là để thêm hiểu được sự quan trọng của hiện tại, của những hiện diện dù nhỏ bé nhưng vẫn luôn đủ đầy sức mạnh để khiến bạn nỗ lực sống vui.

Điều đặc biệt hơn, phần cuối cuốn sách, tác giả dành một chương để viết những tản văn tản mạn về cuộc đời. dẫu đôi khi chỉ là những dòng viết ngắn, nhưng lại để lại ấn tượng mạnh mẽ về cuộc sống và tình yêu đôi lứa. Để mỗi chúng ta, sau khi khép lại trang sách, sẽ hiểu ra rằng, sau mỗi cuộc tình, không ai cần định nghĩa sống trọn vẹn là như thế nào, lỗi lầm ra sao. Mà chỉ cần đối xử với cuộc đời này như thể lần cuối chúng mình được ôm hôn nhau, bạn nhé!

“Sao em buồn đến thế?” - xuân này, bạn hãy đọc và chậm rãi lắng nghe tâm tình mình qua từng trang giấy, khép lại cũng là đóng lại những sầu muộn không nên…

Tặng bạn một chiếc ôm ấm áp và một nụ hôn ngọt ngào, mong bạn rạng rỡ và lấp lánh giữa những ngày mùa xuân ngọt ngào.

VỀ TÁC GIẢ:

Ảnh Skybooks

Kỳ Anh là một nhiếp ảnh gia được biết đến với hàng loạt những bộ ảnh thời trang, bìa báo cũng như những lần cộng tác với các tên tuổi lớn như Hồ Ngọc Hà, Bích Phương, Quang Đại, Chi Pu, Châu Bùi, Decao, Helly Tống... 

Trịnh Nam Trân - một cô gái đang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo nhưng lại khiến nhiều người xuyến xao bởi hình ảnh đúng chuẩn "nàng thơ" cùng những bài chia sẻ về sách, về thơ trên Instagram của mình. Trịnh Nam Trân là một cô gái trẻ đang chơi đùa và thử sức mình với văn học, cô chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà thơ, nhưng những vần thơ của cô: những mềm mại dịu dàng, những mãnh liệt tiềm tàng. Cô đã có một số tác phẩm gây ấn tượng với người đọc như "Em đang giấu gì vậy, cho tôi xem được không?" hay “Năm thương tháng nhớ không ngày gửi đi”.

Tags: