Một nửa của 13 là 8: Công thức độc quyền để sản xuất ra ý tưởng 
Một nửa của 13 là 8: Công thức độc quyền để sản xuất ra ý tưởng 
“Một nửa của 13 là 8” của Jack Foster không chỉ giúp bạn sáng tạo hơn mà còn gieo vào lòng bạn những cảm xúc khó quên, gợi mở cho bạn những cách nhìn mới về thế giới, để bạn có thể tỏa sáng theo cách của riêng mình và tìm kiếm được hạnh phúc đích thực.
Một Nửa Của 13 Là 8 (Tái bản)
(22 lượt)

Trong buổi nói chuyện với người trẻ Việt Nam, tỉ phú người Trung Quốc Jack Ma đã chia sẻ: “Khi người ta nói “cái này”, bạn phải hỏi mình “Tại sao không phải là cái kia?”. Bạn phải trở nên khác biệt.”. Làm thế nào để trở nên khác biệt? Đáp án hết sức đơn giản: Bạn phải sáng tạo. Sáng tạo là khả năng đưa ra ý tưởng, giải quyết vấn đề bằng những phương thức độc đáo, có trí tưởng tượng phong phú, hành vi và năng suất vượt trội hơn so với người khác. Dù bạn là ai, doanh nhân, kĩ sư, nhà thiết kế,... dù bạn đang làm trong lĩnh vực nào, sáng tạo đều là chìa khóa dẫn đến thành công.

 Nhưng tìm ý tưởng mới ở đâu? Câu trả lời nằm trong cuốn sách của Jack Foster, Một nửa của 13 là 8. 

Cuốn sách hấp dẫn chúng ta ngay từ cái tên của nó: Một nửa của 13 là 8. Bạn cầm cuốn sách lên và tự hỏi: Tại sao? Tại sao một nửa của 13 là 8?

Thông thường, chúng ta sẽ nghĩ một nửa của 13 là gì? Có lẽ đa phần chúng ta đều có cùng đáp án: 6,5

Song trong cuốn sách tác giả đã dẫn ra một câu chuyện thú vị gợi mở cho ta nhiều đáp án khác:

Tôi còn hỏi sinh viên thế này: “Một nửa của mười ba là bao nhiêu?”

Có người trả lời, “Sáu rưỡi”, tôi ghi lại trên bảng.

“Được rồi, còn gì là một nửa của mười ba nữa?”

Có người hơi rụt rè: “Sáu phẩy năm?”

“Chính xác. Còn gì nữa?”

Và tất cả bọn họ đều trơ mắt nhìn tôi như những con bò nhìn xe qua đường. “Thôi được”, lúc đó tôi nói, “Tôi muốn các bạn ghi nhớ suy nghĩ và cảm giác của mình ngay lúc này: rằng ông thầy này chắc bị điên, rằng chẳng có đáp án nào khác, rằng một nửa của mười ba là sáu rưỡi hoặc sáu phẩy năm mà thôi”.

“Còn bây giờ, hãy động não: Còn gì nữa là một nửa của mười ba?”

“Số một và số ba”, ai đó cuối cùng cũng trả lời với một nụ cười. Đó là bước đột phá.

“Chính xác. Còn gì nữa là một nửa của mười ba?”

“Bốn. Mười ba (trong tiếng anh) có tám ký tự. Một nửa của tám là bốn”.

“Chính xác. Còn gì nữa là một nửa của mười ba?”

Một sinh viên tiến về phía bảng đen và viết chữ MƯỜI BA, sau đó xóa đi nửa dưới, chỉ vào phần còn lại và nói một cách đắc thắng, “Đây là một nửa của mười ba.”

“Chính xác. Còn gì là một nửa của mười ba?”

Rồi chính sinh viên đó viết lại chữ MƯỜI BA lên bảng rồi xóa đi nửa trên và lại trả lời như trên. Thú vị ghê.

“Chính xác. Còn gì là một nửa của mười ba nữa?”

Một sinh viên khác lại lên bảng và làm y như sinh viên vừa rồi nhưng với con số 1 và 3 thay vì chữ MƯỜI BA.

“Chính xác. Còn gì nữa là một nửa của mười ba?”

Một sinh viên khác lại lên bảng và làm y như sinh viên vừa rồi nhưng với chữ mười ba viết thường.

“Chính xác. Còn gì nữa là một nửa của mười ba?”

“Tám. Số mười ba La Mã là XIII. Nửa trên của nó là số tám.”

Chắc hẳn bạn đang thấy rất bất ngờ, tuyệt thật, những ý tưởng mới. Và cuốn sách này viết ra chính là để gợi mở cho bạn những cách tuyệt vời để tìm ra ý tưởng mới, để bạn sáng tạo và thành công!

Trong lời mở đầu, Jack Foster đã đưa ra ba lí do hết sức thuyết phục về việc tại sao ta cần ý tưởng mới:

Ý tưởng mới như bánh xe của sự vận động. Không có ý tưởng sự trì trệ sẽ thống trị.

Hệ thống máy tính đã làm thay con người những công việc thường nhật, chúng ta cần làm công việc sáng tạo mà hệ thống không làm được.

Ý tưởng giúp khai sáng, tiếp sức, truyền cảm hứng, đem lại sự táo bạo cho con người.

Rõ ràng, tác giả muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng để thôi thúc chúng ta học hỏi những cách tìm ra ý tưởng. Song trước khi tìm kiếm thứ gì đó ta cần biết nó là gì. Có nhiều cách định nghĩa về ý tưởng song Jack Foster đã nhấn mạnh cách định nghĩa ngắn gọn mà hết sức đầy đủ: “Một ý tưởng mới chẳng là gì ngoài sự kết hợp mới của các nhân tố cũ.” Cách định nghĩa này cũng chính là kim chỉ nam định hướng tư duy của tác giả khi viết cuốn sách.

Cuốn sách nhỏ nhắn này gồm hai phần:

  

Phần 1: Mười cách để rèn luyện tinh thần, dọn đường cho ý tưởng  

 

Tổng thống vĩ đại người Mỹ, A.Lincoln đã từng tâm niệm: “Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu.” Phần đầu tiên cũng giống như việc “mài rìu” vậy, tác giả đã đưa  ra mười gợi ý để giúp ta có thể dễ dàng “dọn đường cho ý tưởng”. Trong phần này, bạn có thể đọc bất cứ mục nào mình thích, không cần tuân theo một trật tự nào, không hề có một quy tắc nào.

Hãy vui đùa

Sự vui vẻ là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất. Bởi người hứng thú làm việc thì sẽ làm tốt hơn. Cái gốc của hài hước cũng là cái gốc của sáng tạo, sự kết hợp tình cờ của các thành phần khác biệt để tạo ra một tổng thể mới có ý nghĩa.

Tác giả đã đưa ra một loạt các dẫn chứng về sự kết hợp tình cờ của hai “nhân tố cũ” để tạo nên một tổng thể có ý nghĩa: từ câu chuyện Johannes Gutenberg kết hợp máy đúc tiền và máy ép rượu để phát minh ra máy in dấu cho tới việc Levi Hutchins cho chuông báo động vào đồng hồ và tạo ra đồng hồ báo thức. Các dẫn chứng đa dạng, ở mọi lĩnh vực được Jack khéo léo dẫn ra giúp ta dễ hình dung ra bước chuẩn bị đầu tiên để có ý tưởng: hãy vui đùa!

Nếu không vui vẻ thì sao phải làm thế?” Jerry Greenfeild của hãng kem Ben & Jerry nói.

Tom J. Peters đồng tình: “Tiền đề số một trong kinh doanh là không được tẻ nhạt hay vô vị”, ông viết, “Công việc phải vui vẻ. Nếu làm việc mà không thấy vui thì anh đang phí phạm đời mình.”

Vậy đừng lãng phí cuộc đời mà hãy vui chơi đi.

Và tiện thể thì nghĩ ra một vài ý tưởng.

Hãy biến mình thành một đứa trẻ

Hãy thả lỏng. Chạy dọc hành lang công sở một hôm thử xem. Ăn một cái kem ốc quế ngay tại bàn làm việc. Bỏ hết mọi thứ trong ngăn kéo ra và bày trên nền nhà trong vài hôm. Sắp xếp lại đồ đạc phòng làm việc. Ngủ một chút sau bữa trưa. Vẽ hình lên cửa sổ bằng bút đánh dấu. Ghi chép bằng bút chì. Hát nghêu ngao trong thang máy. Đấm tay xuống khi chơ dương cầm. Đứng lên và nhảy nhót trên thuyền.

Hãy vui đùa.

Hãy quên đi những gì đã làm. Hãy dẹp bỏ mọi quy tắc. Hãy biến mình thành người ngốc nghếch, phi lí. Hãy giải phóng bản thân.

Hãy biến mình thành trẻ con. 

Những điều tác giả viết thật đơn giản, dễ dàng để thực hiện. Đó cũng là những gì Jack cố gắng làm xuyên suốt cuốn sách này, khiến sáng tạo trở nên đơn giản. Trong chương 2 tác giả đã chỉ ra sức sáng tạo vô tận của trẻ con và vô vàn lợi ích khi bạn sáng tạo bằng con mắt của trẻ thơ. Chỉ bằng những câu chuyện quen thuộc ông từng trải qua, những câu nói của những người thành công, Jack tiếp tục nêu lên một bước quan trọng để “dọn đường cho ý tưởng”.

Hãy trở nên có duyên sáng tạo

Bạn thắc mắc tại sao có một số người luôn dồi dào ý tưởng, một số khác lại không. Bạn băn khoăn tại sao một số người dường như lúc nào cũng có sẵn ý tưởng trong đầu, một số khác lại gặp vô vàn khó khăn trong khi sáng tạo.

Chương 3 sẽ giải đáp câu hỏi của bạn, và tất nhiên, vẫn bằng cách hóm hỉnh và dễ hiểu nhất có thể.

Người có ý tưởng nhận thức được sự tồn tại của của ý tưởng và biết họ sẽ tìm ra ý tưởng; người không có ý tưởng thì không biết đến sự tồn tại của ý tưởng và không biết rằng họ có thể tìm thấy nó.

Đặc biệt, Jack Foster đã chỉ ra cụ thể 2 bước cơ bản để trở nên có duyên sáng tạo hơn: Nhận thức sự tồn tại của ý tưởng và Hiểu rằng bạn sẽ tìm ra ý tưởng.

Hình dung về thành công

Hình dung về thành công ư? Bạn không đọc nhầm đâu.

Bạn nghĩ rằng tại sao nghĩ về kết quả lại giúp ta làm việc? Đúng, chính xác là như vậy.

Đừng nghĩ là bạn sẽ tìm ra ý tưởng. Hãy nghĩ là bạn có ý tưởng rồi. Hãy tưởng tượng lúc mình được cảm ơn, ca tụng và khen thưởng.Bạn sẽ có cơ hội được như vậy.

Hãy mỉm cười trước thất bại

Tôi cho rằng đây là một trong những chương thú vị nhất của cuốn sách này. Bạn đã nghe rất nhiều bài học về thất bại, về cách chấp nhận thất bại nhưng chắc hẳn bạn sẽ bất ngờ trước những gì tác giả viết trong chương này, một cách nhìn không mới mẻ song được trình bày đầy sáng tạo. Những dẫn chứng, những câu chuyện được tìm thấy ở bất cứ đâu mà tác giả có thể tìm, lời văn mộc mạc dễ hiểu sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta.

Tác giả đưa ra năm lí do để coi thất bại là "bạn thân" một cách logic và rõ ràng.

Những người đã từng thất bại. Họ biết rằng thất bại không phải là vĩnh viễn. Những người chưa từng gặp thất bại thường xuyên nghĩ rằng thất bại là một thảm họa. Và vì thế họ sợ đi đến tận cùng của giới hạn. Họ sợ nắm bắt cơ hội. Và vì chưa bao giờ thất bại, họ nghĩ mình biết tuốt. Tôi ghét cái loại biết tuốt. Bên cạnh đó trong nghề này, anh luôn bị từ chối, bác bỏ. Làm ăn là vậy. Tôi muốn tìm người mà tôi biết họ sẽ bật dậy sau khi nếm mùi thất bại.

Thu thập thêm thông tin

Chương 6 là một bước cơ bản của việc dọn đường cho ý tưởng. Tư tưởng cốt lõi của cuốn sách này là “Một ý tưởng chẳng là gì khác ngoài sự kết hợp mới của các nhân tố cũ”.

Đó là lý do thu thập thêm thông tin là bước cơ bản cho việc chuẩn bị để sáng tạo.

Jack Foster đưa ra hai yếu tố cơ bản để ta thu thập thêm thông tin, mở rộng tầm hiểu biết và tích lũy được thêm nhiều nhân tố cũ hơn. Đọc cuốn sách bạn sẽ nhận ra mình đang đi trên những lối mòn, đang chỉ "nhìn" sự vật mà không "quan sát", đang bỏ phí vô số ý tưởng độc đáo bằng việc lặp lại những việc làm hằng ngày, hành động theo thói quen và chẳng bao giờ cố đổi thay.

Lấy hết can đảm

Can đảm và tính hiếu kì là hai đặc điểm tính cách mà người có óc sáng tạo sở hữu. Như đã nói từ đầu, ở phần một của cuốn sách bạn có thể đọc bất cứ chương nào mình thích, không cần tuân theo trật tự. Bởi vậy sao bạn không thử đọc chương này trước, bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên khi đọc cuốn sách.

Tác giả "không thể cho bạn biết làm sao có đủ can đảm để tiến bước, phớt lờ những nghi ngờ, những cái nhíu mày và sự khinh thường bạn nhận được khi nói lên ý tưởng trong đầu mình".

Song Jack Foster sẽ đưa ra năm gợi ý cho bạn để giúp bạn đôi chút, dù chỉ là một chút can đảm để dám đưa ra ý tưởng:

Ai cũng biết sợ cả. Bất kì ai.

Không có ý tưởng nào tệ cả.

Lúc nào bạn cũng có thể tìm ra ý tưởng khác thậm chí còn hay hơn trước.

Chẳng ai bị phê phán vì có quá nhiều ý tưởng.

Thật bõ công khi tìm ra ý tưởng.

Và "được ăn cả ngã về không. Dám mạo hiểm đến cùng", bạn hãy sáng tạo, hãy phớt lờ tất cả, hãy can đảm để tìm ra ý tưởng.

Hãy cùng nhau làm để tăng năng suất

Làm việc nhóm là điều cần thiết, nó cho phép bạn có thể đổ lỗi cho người khác. (Khuyết danh)

Một trích dẫn, tôi tin rằng nó làm bạn bật cười.

Chúng ta vẫn nghĩ sáng tạo là công việc của cá nhân, đúng như vậy, song khi cần tìm ra ý tưởng lại khác. Cùng nghĩ ý tưởng với người khác sẽ tạo ra những ý tưởng tuyệt vời bởi mỗi người là một kho thông tin, một cá tính, một cách nhìn... khác nhau. Vì thế ở chương 8 tác giả tiếp tục gợi ý một cách để có ý tưởng: làm cùng nhau. Tuy nhiên vẫn có một vài lưu ý quan trọng mà tác giả đã liệt kê trong cuốn sách, hãy chắc chắn rằng bạn nắm rõ chúng trước khi áp dụng cách này.

Xem lại cách tư duy

Trước một vấn đề có nhiều cách để tư duy, ở chương 9 Jack đã liệt kê hai kiểu tư duy chính là tư duy hình tượng và tư duy định hướng. Mỗi kiểu tư duy có những đặc điểm và lợi ích khác nhau mà ta cần linh hoạt áp dụng trong những hoàn cảnh nhất định.

Điều tiên quyết là  đừng giới hạn mình trong một lối tư duy nhất định, hãy cởi mở.

Lần tới khi bạn gặp khó khăn trong việc giải quyết một vấn đề gì hãy tự hỏi:“Mình đang tự tạo ra những giả định gì không bắt buộc?”, “Mình đang tự đạt ra những hạn chế không cần thiết nào?”.

Học các hòa trộn ý tưởng

Đây là cách cuối cùng mà Jack Foster giới thiệu trong phần một của cuốn sách “Một nửa của 13 là 8” để “ rèn luyện tinh thần, dọn đường cho ý tưởng”.

Bạn vẫn sẽ nhận ra lối viết quen thuộc của tác giả, một lối viết giản dị và không bao giờ quên dẫn ra những câu chuyện trong mọi lĩnh vực từ âm nhạc, hội họa, kĩ thuật... hấp dẫn để minh chứng cho luận điểm của mình.

 

 

Phần hai: Phương pháp sáng tạo qua năm bước 

 

 

Tiếp nối phần một với mười cách rèn luyện tinh thần, dọn đường cho ý tưởng, phần hai của cuốn sách sẽ đưa ra phương pháp sáng tạo ý tưởng qua năm bước cụ thể. Phần hai được tác giả viết dựa vào quan điểm của James Webb Young trong cuốn “A technique for producing ideas” (tạm dịch: Phương pháp sáng tạo ý tưởng).

Khác với phần một, bạn có thể đọc một cách ngẫu hứng các chương, ở phần hai bạn nên đọc theo trình tự, điều đó sẽ giúp bạn xâu chuỗi tốt hơn mọi vấn đề (tuy nhiên bạn vẫn có thể phá luật, luôn luôn là như vậy đối với cuốn sách này).

Năm bước để sáng tạo ý tưởng lần lượt được kể đến là:

  • Nhận định vấn đề
  • Tập hợp thông tin
  • Tìm kiếm ý tưởng
  • Tạm lãng quên
  • Hiện thực hóa ý tưởng

Những gì được tác giả viết trong phần này đều rất cụ thể và chi tiết. Thêm vào đó ta sẽ vô cùng thích thú trước những hình vẽ minh họa rất ngộ nghĩnh của họa sĩ. Jack đã hướng dẫn cho ta cách sáng tạo ý tưởng vừa dễ hiểu, vừa thiết thực. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những câu chữ quen thuộc nay lại thôi thúc bạn hành động đến kì lạ. Ví dụ như một đoạn khi kết thúc chương “Thu thập thêm thông tin”:

Vậy nên hãy chú tâm đến điều bạn nghiên cứu, hỏi, hỏi nữa, hỏi mãi; hãy đào thật sâu những mỏ quặng thông tin kia. Hãy làm tất cả những gì bạn có thể để thu thập đủ thông tin để bắt đầu công việc.

“Một nửa của 13 là 8”, một cuốn sách nhỏ nhắn chưa đầy 300 trang  là lựa chọn tối ưu cho tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực, chỉ cần bạn mong muốn sáng tạo, tìm ra ý tưởng mới. Có lẽ nhận xét về giá trị cuốn sách, Dennis F. Holt, tổng giám đốc & CEO Western International Media đã đưa ra nhận định xác đáng hơn cả: “Nếu tôi chỉ có đủ tiền mua một cuốn sách, tôi sẽ chọn cuốn Một nửa của mười ba là tám. Nó rất hữu ích với những ai mới bước chân vào con đường sáng tạo, tiếp thêm cho bạn động lực để sáng tạo nhiều sản phẩm hơn, tốt hơn. Cứ bốn đến năm tháng một lần, bạn nên đọc lại cuốn sách này để bồi dưỡng tâm hồn mình.”

“Một nửa của 13 là 8” của Jack Foster không chỉ giúp bạn sáng tạo hơn mà còn gieo vào lòng bạn những cảm xúc khó quên, gợi mở cho bạn những cách nhìn mới về thế giới, để bạn có thể tỏa sáng theo cách của riêng mình và tìm kiếm được hạnh phúc đích thực.

Tags: