“Người ta chỉ nhìn thấy rõ với trái tim. Điều gì cốt lõi thì vô hình với đôi mắt”
- Hoàng tử bé
Điều tôi thích trong các tác phẩm của Haruki Murakami, là mọi nhân vật đều có khoảng không gian riêng toàn vẹn cho mình. Họ là những cá nhân có nhân cách, quan điểm sống đã được định hình sẵn và chẳng bao giờ thay đổi. Họ lướt qua nhau, trao đổi với nhau về quan điểm sống, và chỉ thế thôi, rồi chào tạm biệt. Bạn có thể thấy các nhân vật đó gặp nhau, nói chuyện với nhau, “va đập” vào nhau, nhưng không ai có xu hướng muốn lấn áp xúc cảm, hay khuyên nhủ, hay gây sự ảnh hưởng lên người khác. Nếu bạn là người không muốn giao thiệp, bạn muốn rúc vào một góc nào đó, đọc sách qua ngày qua tháng, thì sẽ chẳng có ai đến khuyên nhủ bạn phải ra ngoài hít thở khí trời đâu. Bạn sẽ chỉ tự chui ra vỏ bọc của mình, khi bạn nhận thấy rằng mình muốn làm như vậy.
“Điều gì cốt lõi thì vô hình với đôi mắt”
Và truyện của Haruki Murakami – đó là cái thế giới lý tưởng nhất để người đọc thực tập được cái nhìn như vậy.
Bản thân những người thích đọc Haruki Murakami, tôi nhận thấy họ có đặc điểm chung là không có nhu cầu lây lan “sự hâm mộ Haruki Murakami” sang những người đọc khác. Đôi khi, họ chỉ muốn giữ những cảm xúc khi đọc Haruki Murakami, chỉ riêng mình là đủ.Có thể người ta thường tìm đến cuốn “Rừng Nauy” vì lời bạt:
“Cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc “Rừng Nauy””
Hoặc bạn đọc nó chỉ vì nghe phong thanh là trong truyện có những đoạn mô tả sex rất bạo liệt và ghê gớm. Khi gấp sách lại, bạn chỉ có cái nhìn vẹo vọ thêm về cuộc sống, hay ác cảm, hay rút ra được vài thứ bề nổi liên quan đến sex để trao đổi với những người chưa đọc “Rừng Nauy” khác.
Tôi đã tiếp xúc với “Rừng Nauy” theo cách thức như vậy, 4 lần cố tiếp cận, 3 lần mua mới sách, và bây giờ là n lần mở ra và đọc lại, đôi khi chỉ để rút được một câu nào đó làm cảm hứng cho mình trong cả một ngày:
Lần 1, năm 3 đại học, tôi đọc được một đoạn trong cuốn truyện “Rừng Nauy” của thằng bạn.
Lần 2, năm cuối Đại học, tôi đã mua hẳn một cuốn, nhưng đọc đến những đoạn sex chằng chịt, loạn xà ngầu, tôi tức giận và xé tan tành cuốn sách.
Lần 3, sau khi ra trường được 2 năm, tôi mua lại “Rừng Nauy”, sống lầy lội được 2 năm, đọc nó, và thấy nó hay. Tôi mất cuốn sách đó khi cho một đồng nghiệp cùng công ty mượn. Công ty phá sản, và chúng tôi không gặp lại nhau.
Lần 4, trong cái chuỗi ngày khủng hoảng giữa tháng 3 của mình, tôi đã đến sống trong một căn hộ trống chỉ có 4 bức tường trong 2 tuần. Trong phòng chỉ có ít đồ đạc, quần áo, một chiếc giường, và cuốn sách duy nhất tôi mua để mang đến đó, là “Rừng Nauy”.
Lần lượt, tôi đọc hết “Người tình Sputnik”, “Phía nam biên giới, phía tây mặt trời”, “1Q84”, “Biên niên ký chim vặn giây cót”, “Kafka bên bờ biển”, “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”…và nhận thấy rằng cái nhân vật nam chính (Đôi khi chỉ đơn giản là “Tôi” trong truyện) 50% đều giống nhau. Họ có những sở thích, tài năng và sự hạn chế của riêng mình. Tôi đã rất giống họ ở một điểm nào đó trong quá khứ nhiều năm trước đây. Nhưng họ khác tôi ở điểm, khi tôi cố thay đổi mình trở thành một con người khác để thích nghi với môi trường này, thì các nhân vật “Tôi” của Haruki Murakami không bao giờ có nỗ lực trở thành ai đó mà không phải chính mình. Họ xấu xí, họ ích kỷ, họ nhàm chán, cô đơn, thất vọng, thất bại và cố gắng vật lộn với xã hội xung quanh họ.
Tôi khác họ ở chỗ:
Tôi đã cố gắng trở thành một loài hoàn toàn khác
Còn họ thì cố gắng tiến hóa từ bản thân mình.
Nhưng có lẽ tất cả những thứ hổ lốn đó đã làm nên cuộc sống. Người ta sẽ không thể vui hay tỏ ra tốt đẹp, hòa đồng với thế giới này mãi được.
“Xét cho cùng, trái đất này quay quanh mặt trời không chỉ để để con người có những ngày vui vẻ trong cuộc sống.”
– Người tình Sputnik –
Một ngày mưa
Theo iffect.vn