Thực tế đang cho thấy, tổng số lượng sách xuất bản hàng năm không phải quá ít. Nhưng nếu nhìn vào dân số của Việt Nam đã xấp xỉ 100 triệu dân mà mỗi đầu sách chỉ in từ 1.000-2.000 cuốn thì điều đó phần nào nói lên sức hấp dẫn của việc đọc sách đã không còn như xưa. Theo thống kê, người Việt hiện nay đọc sách không nhiều so với một số quốc gia trong khu vực; trong khi đó số người sử dụng các nền tảng mạng xã hội lại có xu hướng tăng…
Có một thời gian, con số thống kê trung bình mỗi năm người Việt đọc 0,8 cuốn sách khiến nhiều người bày tỏ nỗi lo âu. Gần đây, một số liệu khác làm người ta có phần lạc quan hơn: mỗi năm người Việt đọc 4,2 cuốn sách. Tuy nhiên, trong số này, có 2,8 cuốn là sách giáo khoa. Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hơn 400 triệu bản sách phát hành trong thời gian qua, nhưng trong đó có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho dân số của Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xông xênh 1 đầu sách / người. Chỉ số này nói lên rằng sức đọc của người Việt rất thấp.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng dẫn một bảng xếp hạng, theo đó, trong Top 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, không có Việt Nam. Ông chỉ ra tỷ lệ đọc của một số quốc gia Đông Nam Á cao vì có chính sách phát triển thói quen đọc. Chẳng hạn ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Ở Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Ở Thái Lan, một khảo sát trên 55.000 người chỉ ra thời gian đọc trung bình ở các độ tuổi lần lượt là: 71 phút/tuần với trẻ em, 94 phút/tuần với thanh niên, 61 phút/tuần với người lao động...
Trong khi đó, một thống kê cho thấy người Việt dành gần 7 tiếng một ngày để truy cập Internet. Một thống kê khác của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) năm 2022 cho thấy, tỷ lệ người dùng dành ra 5-7 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet giảm từ 28% vào năm 2020 xuống mức 23% vào năm 2021.
Tuy nhiên, tỷ lệ người dùng dành ra hơn 9 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet trong năm 2021 có xu hướng tăng mạnh so với năm 2020, từ 9% lên 22%. Khảo sát cũng cho biết, có đến 69% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ truy cập Internet để nghiên cứu và học tập; 61% người dùng Internet để xem phim, nghe nhạc; 59% truy cập Internet để mua sắm trực tuyến...
Không phải tới thời điểm này, văn hóa đọc mới bị thử thách mạnh mẽ bởi các nền tảng số, trong đó phổ biến là mạng xã hội và các thiết bị điện tử, nghe nhìn. Từ cuối thế kỷ XX, xu hướng đọc trên bình diện rộng đã bắt đầu suy giảm. Nhiều người đã không duy trì thói quen đọc sách giấy.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhìn nhận chúng ta đã đánh mất văn hóa đọc trong một vài thế hệ. Đến khi chúng ta nhận ra điều ấy thì cũng là lúc công nghệ truyền thông của thời đại mới ùa vào và mang theo sự đe dọa với văn hóa đọc. Trước kia chạm vào cuốn sách là tràn ngập cảm hứng. Còn bây giờ cầm một cuốn sách lên cảm hứng đó còn lại rất ít, thậm chí vô cảm.
Đó là chưa kể, nhiều chuyên gia ngành xuất bản đã phân tích, văn hóa đọc ngày nay còn bị chi phối bởi cách đọc đã thay đổi. Ngày càng có xu hướng người trẻ không đủ thời gian để đọc trọn vẹn một tác phẩm, thay vào đó, họ đọc vì mục tiêu, cách ứng dụng sách vào thực tế cuộc sống. Bên cạnh đó, ebook (sách điện tử), audiobook (sách nói) cũng phát triển hơn.
Xu hướng đọc ebook, hay audiobook dẫu sao vẫn đáng khích lệ, bởi rõ ràng, không nên áp thói quen đọc của thế hệ này với thế hệ khác. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng khi quá đa dạng lựa chọn sẽ khiến con người ta lười và thay vì dành thời gian đọc sách, các bạn sẽ dành thời gian lướt mạng, xem phim, giải trí.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu quan điểm việc đọc nên chia làm hai loại: Đọc để tiếp cận thông tin và đọc để hưởng thụ. “Để hưởng thụ trọn vẹn tinh thần một tác phẩm văn học nghệ thuật sâu sắc, tôi nghĩ ebook hay audio book không thể thay thế được sách in truyền thống”, ông Thiều nêu quan điểm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - cho rằng điều quan trọng nhất để đọc nhiều sách là bản thân mỗi người phải yêu thích sách và tìm được cảm hứng mỗi khi cầm cuốn sách, tiếp đến mới là kỹ năng đọc. “Chúng ta phải xem đọc là một công việc mang tính chất chủ động. Con người có những thói quen tự nhiên, không cần cố gắng như ăn uống, hít thở, quan sát xung quanh. Nhưng để có được thói quen đọc, phải trải qua thời gian, sự kiên trì và nỗ lực”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng như các lĩnh vực khác, ngành xuất bản (bao gồm 3 lĩnh vực: xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm) hiện cũng đang bước vào chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TTTT), chuyển đổi số đang là câu chuyện thời đại. Từ năm 2020, Bộ TTTT đã giao Cục Xuất bản, In và Phát hành xây dựng chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, chuyển đổi số trở thành 1 trong 7 giải pháp trọng tâm của ngành xuất bản.
Cũng theo ông Nguyên, với ngành xuất bản, có 4 giai đoạn của chuyển đổi số. Đầu tiên là các đơn vị tiến hành số hóa dữ liệu. Thứ hai là triển khai ứng dụng các nền tảng cho những hoạt động đơn giản. Thứ ba là ứng dụng nền tảng vào hoạt động phức tạp, quy trình xuất bản (quản lý, biên tập, phát hành, truyền thông…). Thứ tư là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình làm việc.
Bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc NXB Trẻ, nhìn nhận ngành xuất bản của Việt Nam luôn đi cùng những xu hướng của ngành xuất bản trên thế giới. Khi thế giới phát triển ebook (sách điện tử) thì ở Việt Nam nhiều công ty ebook ra đời. Khi thế giới nóng sốt vì audiobook (sách nói) thì ở Việt Nam audiobook cũng đang phát triển.
Tuy vậy, nhìn nhận chung, các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản đều thừa nhận, việc chuyển đổi số trong ngành xuất bản ở nước ta diễn ra còn chậm. Hiện nay tài nguyên nội dung của xuất bản nước ta vẫn còn phân tán, mức độ tập trung thấp, chưa được đưa vào dữ liệu chung để cùng khai thác, sử dụng, chưa tích hợp để hình thành lượng thông tin khổng lồ nên đã hạn chế quá trình chuyển đổi từ xuất bản truyền thống sang xuất bản kỹ thuật số. Vì thế chưa thể đem lại lợi nhuận cao cho các nhà xuất bản và chưa phục vụ đắc lực cho nhu cầu tìm kiếm, tiếp cận hệ thống dữ liệu nội dung cho người dùng.
Trong đó, có lẽ dấu hiệu chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản dễ nhận thấy nhất đó là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử. Hầu hết nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh phát hành truyền thống với các hệ thống phát hành trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện.
Tuy vậy, đâu đó, vẫn còn lối tư duy và lo ngại rằng chuyển đổi số sẽ làm “tiêu diệt” sách giấy. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, chuyển đổi số và giữ lối xuất bản truyền thống là hai việc cần thực hiện song song. “Chuyển đổi số không có nghĩa là triệt tiêu sách giấy. Tôi cũng như nhiều người, vẫn thích cảm giác được chạm vào trang sách, nghe nó phát ra tiếng kêu sột soạt, ngửi được mùi mực in và đọc những con chữ bằng đôi mắt của mình. Tất cả cộng lại, cho chúng ta một không gian trọn vẹn để hưởng thụ trang sách”, ông Thiều bày tỏ.
Theo Zingnews