Những tiệm sách cổ ẩn mình giữa lòng Hà Nội
Những tiệm sách cổ ẩn mình giữa lòng Hà Nội
Ẩn mình giữa lòng thủ đô qua bao nhiêu thế hệ, những hiệu sách cổ ở Hà Nội không chỉ là những kho tàng tri thức quý giá mà còn là nơi lưu lại những hoài niệm đẹp về tuổi thơ của biết bao người lớn lên tại Hà Nội. Cùng Trạm dạo một vòng thủ đô điểm lại những hiệu sách lâu đời nhất nhé!

1. Nhà sách Mão - 5 Đinh Lễ

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Đinh Lễ thoát mình ra khỏi cái ồn ào, hối hả của Hà Nội, Nhà sách Mão có lẽ đã chẳng còn là cái tên xa lạ đối với những “mọt sách”  Nội. Nơi đây là hiệu sách đầu tiên ở Đinh Lễ, bắt đầu hình thành từ một hàng sách vỉa hè của ông Luy và bà Mão bên cạnh Bưu điện ngay ngã ba Đinh Tiên Hoàng - Đinh Lễ vào những năm 90. Sau đó, ông bà đã tìm mua được một phòng bán sách trên gác 2 số 5 Đinh Lễ. Và cứ như thế cùng niềm đam mê với sách cho tới nay nhà sách đã được mở rộng và lưu truyền đến 3 đời. 

Không gian “Nhà sách Mão” yên bình, cổ kính, bước chân vào nhà sách, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào xứ sở cổ tích với muôn vàn câu chuyện, sắc màu khác nhau khi xung quanh chỉ toàn sách. Sách ở khắp mọi nơi, trên bàn, giá sách, dưới đất đến gầm cầu thang cũng toàn là sách. Nhà sách có 5 gian với đủ loại sách phân theo các chủ đề khác nhau từ văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, sách thiếu nhi, sách kỹ năng sống, sách nghiên cứu và cả những cuốn sách về Hà Nội… đủ để làm thỏa mãn bất cứ độc giả nào.

Ngày nay, nhà sách Mão không chỉ là điểm dừng chân lý thú cho những người đến đọc sách, mà còn trở thành địa điểm vô cùng “ăn hình” của giới trẻ.

2. Nhà sách cũ - 5 Bát Đàn

Nhà sách cũ số 5 Bát Đàn của vợ chồng ông giáo già Phan Trác Cảnh – Đào Thị Mão được biết đến như một "kho tàng Văn học Việt nam giữa lòng Hà Nội", bởi nơi đây sở hữu hơn một tấn sách chủ yếu là những cuốn sách về văn học Việt Nam, từ bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam Dân gian, Hán nôm... đến những cuốn sách vô giáo bằng tiếng Pháp như: Souvernirs de Hue, Hán văn tân khoa thư xuất bản năm 1928, Ngũ thiên tự xuất bản 1929. 

Đến nay, ông bà đã mở hiệu sách được hơn 20 năm, với nhiều đối tượng khách khác nhau, từ sinh viên, giáo viên, người nghiên cứu đến cả những học giả, nhà ngoại giao, khách du lịch nước ngoài... Khách đến đây vừa vì mê sách, mê văn hoá, văn học Việt Nam, nhưng cũng vừa vì muốn được đàm đạo, trò chuyện cùng ông giáo để hiểu thêm về những kiến thức còn thiếu.

3. Tiệm sách cũ ông Dư - 180B Bà Triệu

Nằm giữa mặt đường Bà Triệu xa xỉ với cơ man các thương hiệu nổi tiếng có một “thư viện già” đã hơn 40 năm tuổi đời với “gã Dư ngông” bán hàng rất khó mà dân mê sách Hà Thành xưa nay không ai là không biết đến.

Sách ở đây được xếp chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp cao đến sát tận trần nhà. Lối đi trong tiệm thì nhỏ hẹp, san sát chỉ đủ lách thân người. Những đầu sách ở đây cũng rất đa dạng, phong phú, nhiều cuốn thậm chí trông còn rất lạ lẫm khó hiểu vì là sách cổ xưa quý hiếm. Tuy nhiên, khách đến thăm tiệm không được tự do sờ vào sách, mà cần quyển gì thì hỏi cụ thể, không nhớ chính xác tên sách thì phải nói được lĩnh vực quan tâm, ông Dư sẽ gợi ý vanh vách từng cuốn của tác giả nào, viết năm bao nhiêu, giá trị nội dung ra sao. Khách ưng thì chờ ông lấy cho xem. Có lẽ đối với những người yêu thích sách cũ, tiệm sách ông Dư là một điểm đến tuyệt vời để ta tìm về những khung giá trị xưa cũ của sách cổ.

Tags: