Vai trò của dân trí
Ở Việt Nam, thuật ngữ “dân trí” được dùng rất phổ biến trong sách vở, trên truyền thông và cả trong đời sống thường ngày. Dân trí ở đây được hiểu là “trình độ hiểu biết của nhân dân nói chung”. Mỗi khi có vụ việc không hay gì xảy ra trong xã hội hoặc khi truy tìm gốc rễ của các vấn đề đang làm cho xã hội bức xúc, người ta dễ dàng đi đến kết luận “do dân trí thấp”.
Trong tiếng Nhật, theo tôi hiểu, không có từ “dân trí”. Người Nhật dùng một từ khác dễ hiểu hơn để chỉ và có hàm ý dẫn dắt rất khác là “tiêu chuẩn giáo dục của quốc dân”. Những nơi mà người Việt coi là “dân trí thấp” thì người Nhật sẽ bình là “tiêu chuẩn giáo dục thấp”.
Cho dù hiểu theo cách nào, diễn đạt bằng từ nào thì sức mạnh, vai trò của dân trí là không thể chối cãi.
Phải mất một thời gian rất dài, nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng mới nhận ra và tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng, của số đông người dân nói chung. Dưới thời cổ đại và quân chủ, người ta-bao gồm cả những bậc trí giả cho dù nhấn mạnh phải “an dân”, “lấy dân làm gốc” cũng không thật sự nhận ra và tin vào sức mạnh của “dân trí”. Bởi thế, họ đặt tất cả sự nghiệp, tình yêu và niềm hi vọng vào quân vương và anh hùng. Khi không được quân vương sủng ái, không tìm thấy minh quân hay anh hùng để gửi phận, phò tá, làm mưu sĩ, họ sầu não hoặc chôn mình trong rượu cay, trà đắng.
Điều này phải chờ đến đầu thời cận đại, khi những tư tưởng văn minh từ phương Tây dội vào.
Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…đều nói về dân trí, về sức mạnh của quần chúng cho dù cách nhấn mạnh của hai người khác nhau.
Muốn dân trí cao lên, tất yếu phải làm sao để nâng cao trình độ hiểu biết chung của dân chúng, tức là của số đông chứ không phải chỉ là một nhóm “thượng lưu trí thức phía trên”. Đầu thế kỉ XIX, các trí thức như Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Văn Vĩnh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh… về cơ bản đều thừa nhận rằng muốn có một nước văn minh, muốn có dân trí cao thì tầng lớp trung lưu tạm gọi là trí thức phổ thông nằm giữa tầng lớp tinh hoa và những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội phải có một sự hiểu biết nhất định.
Ngày nay, trong bối cảnh của thế kỉ XXI, khi nhìn lại lịch sử và suy ngẫm ta sẽ thấy điều đó hoàn toàn đúng. Khi đại đa số nhân dân, những người tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên là lực lượng đông đảo trong xã hội, có khả năng đọc tiếng Việt tốt không có hiểu biết và óc phán xét lành mạnh, xã hội sẽ khó lòng có văn minh.
Làm thế nào để nâng cao dân trí?
Muốn nâng cao dân trí phải dựa vào văn hóa, giáo dục, truyền thông và nghệ thuật. Ở đây, xin chỉ bàn về một phương tiện là xuất bản và truyền bá xuất bản phẩm.
Thông thường, các sách được in ra trong xã hội sẽ phân thành hai dạng là “sách chuyên môn” và “sách khai sáng”. Sách chuyên môn do những nhà chuyên môn, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu viết, trong đó họ trình bày các học thuyết, các kết quả nghiên cứu của mình hoặc tổng kết thành tựu nghiên cứu của giới để trao đổi, tranh luận, phản biện với đồng nghiệp-những người có trình độ tương đương. Chính vì vậy về cơ bản sách chuyên môn thuộc dạng sách khó. Chúng chứa đựng nhiều thông tin dồn nén, nhiều kết quả được tạo ra từ một quá trình nghiên cứu, thí nghiệm lâu dài. Vì vậy, đối với bạn đọc phổ thông, chúng có thể khó hiểu hoặc rất khó đọc.
Dạng sách thứ hai là sách dành cho đại chúng. Đây là những cuốn sách được viết nhắm tới đối tượng là bạn đọc phổ thông, bình thường trong xã hội. Những vấn đề học thuật, các kết quả nghiên cứu đã được diễn đạt mềm mại, lược bỏ bớt các thuật ngữ chuyên môn khó hiểu, hạn chế trích dẫn và bổ sung thêm các ví dụ gần gũi với đời sống. Tác giả viết những cuốn sách này cũng biết cách đứng ở phía đại chúng để diễn giải một cách hấp dẫn làm cho nội dung khoa học trở nên sống động.
Trong những xã hội phát triển sẽ có riêng một lực lượng người viết chuyên viết thể loại sách “khai sáng” này. Họ là cầu nối giữa giới học thuật-chuyên môn và đại chúng. Họ có thể là nhà báo, nhà văn hoặc lý tưởng nhất họ đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu chuyên sâu.
Người có khả năng vừa viết học thuật-chuyên sâu vừa viết được các cuốn sách khai sáng phát hành rộng rãi là vốn quý nhưng hiếm hoi vì vậy xã hội luôn cần những người đứng trung gian.
Các cuốn sách phi hư cấu được liệt vào hàng “kinh điển” về cơ bản là “sách chuyên môn”. Tác giả viết ra với mục đích ban đầu là thông báo cho những người tài trợ, giới hàn lâm biết kết quả nghiên cứu của mình. Sách vở ban đầu không phải là thứ dành cho đại chúng. Vì vậy chúng thường được viết rất cô đọng bằng giọng văn nghiêm cẩn thậm chí cầu kì, rắc rối. Hơn nữa, như nhiều nhà triết học đã lý giải trong khái niệm “miền tri thức”, trong bối cảnh xã hội nhất định, con người của thời đó dễ dàng lĩnh hội kiến thức thuộc về “miền tri thức” của thời đại đó trong khi người ở thời đại khác sẽ rất khó nắm bắt, hình dung.
Thời gian trôi đi, xã hội, tâm tính con người, “miền kiến thức” đổi thay, con người hiện đại ngày nay khó có thể nắm bắt dễ dàng kiến thức trong các thời đại trước. Họ cần đến các cuốn sách phân tích, diễn giải hoặc được viết lại theo cách thức mà người hiện đại dễ tiếp thu.
Người lớn như vậy, đương nhiên trẻ em càng cần các tác phẩm viết lại các tác phẩm kinh điển, cổ điển.
Những cuốn sách được viết ra bởi các trí tuệ thiên tài, và đề cập đến những vấn đề có tính chất cơ bản nhất mà loài người đối mặt, cần lý giải.
Bốn cuốn sách kinh điển dành cho trẻ em
Ở Việt Nam, hiện chưa có nhiều các cuốn sách do nhà văn, học giả, nhà báo người Việt viết diễn giải, phân tích, bình chú hoặc là viết lại các tác phẩm kinh điển dành cho bạn đọc đại chúng và trẻ em.
Trong hoàn cảnh đó, dịch các sách dạng này của nước ngoài là một cách.
Bốn cuốn sách dưới đây, là một ví dụ. Sách được viết lại hướng đến độc giả trẻ em. Trong mỗi cuốn sách đều có phần giới thiệu về cuộc đời tác giả, bối cảnh ra đời của tác phẩm và các nội dung của tác phẩm được viết lại với văn phong phù hợp với tâm lý trẻ em hiện đại.
Bốn tác phẩm này là:
(1) Tư bản
Tác giả là Karl Marx, một người Đức. Tác phẩm này là tác phẩm rất quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về kinh tế-chính trị. Một tác phẩm đã làm đảo lộn thế giới. Nó đặt ra và đề cập đến nhiều vấn đề rất quan trọng có tính cơ bản. Tuy nhiên nếu đọc tác phẩm gốc, có lẽ rất ít người hiểu được. Phiên bản viết cho trẻ em này vì vậy cũng là một tham khảo tốt cho người lớn mới bắt đầu tìm hiểu kinh tế-chính trị.
(2) Lịch sử tự nhiên
Tác giả là bá tước Buffon. Cuốn sách sẽ dẫn người đọc vào thế giới của khoáng vật, chim thú, côn trùng, thực vật với muôn màu muôn sắc. Vì được viết lại và có tranh minh họa cho nên nó hấp dẫn và không gây cho chúng ta cảm giác nghẹt thở vì có quá nhiều thông tin, cũng như những tên gọi không thông dụng trong đời thường.
(3) Nguồn gốc của các loài
Tác giả là Darwin. Cuốn sách giúp người đọc hình dung ra bối cảnh, nội dung của những kết luận về nguồn gốc của các loài động thực vật mà tác giả đưa ra. Trẻ em sẽ hiểu được một cách cơ bản và nhẹ nhàng những khái niệm có tính chất cách mạng như “chọn lọc tự nhiên”, “di truyền”…
(4) Của cải của các dân tộc.
Tác giả là Adam Smith. Tác phẩm này giúp bạn đọc hiểu về nguồn gốc của cải, sự phân phối và lưu thông, sử dụng các nguồn của cải này. Đọc nó, trẻ em sẽ giật mình khám phá những điều bí ẩn đằng sau những vật dụng, thực phẩm, hành vi kinh tế quá quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
Sẽ rất thú vị nếu như cha mẹ cùng đọc các cuốn này và thảo luận cùng với con.
Các cuốn sách này cũng có thể trở thành giáo tài, học liệu, tài liệu tham khảo cho học sinh, giáo viên ở các trường phổ thông
Cũng cần phải nhắc lại một sự thật rằng, ở nước Nhật vào thế kỉ19, trong số các cuốn sách bán chạy thời đó, có không ít các cuốn sách thuộc dạng sách “kinh điển” như những cuốn này. Những cuốn như “Tự trợ luận”, “Bàn về tự do”, “Từ điển triết học” thậm chí còn bán được cả triệu cuốn.
Việc đọc, truyền bá, thảo luận, phân tích về chúng đã góp phần làm nên nước Nhật văn minh.
Nguyễn Quốc Vương