PGS-TS Thái Phan Vàng Anh: Phê bình và sáng tác không nên là hai con đường song song, cũng tuyệt đối không thể trùng khít!
PGS-TS Thái Phan Vàng Anh: Phê bình và sáng tác không nên là hai con đường song song, cũng tuyệt đối không thể trùng khít!
PGS-TS Thái Phan Vàng Anh sinh năm 1980, hiện đang giảng dạy tại Đại học Sư phạm Huế. Chị được phong học hàm PGS năm 2017 và là một trong những PGS trẻ nhất ngành văn học. Thái Phan Vàng Anh là nhà phê bình chuyên sâu về văn học đương đại và có cá tính.

Bên cạnh chuyên luận “Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI – Lạ hoá một cuộc chơi” (NXB Đại học Huế 2017) và nhiều bài báo về văn học Việt Nam đương đại, chị còn có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề tiếp nhận văn học, xoay quanh quá trình sáng tác của nhà văn hay hoạt động đọc và phê bình văn học của người tiếp nhận…

* Thưa PGS-TS Thái Phan Vàng Anh. Hôm nay chúng ta sẽ trao đổi về một vấn đề mà tôi nghĩ khá thú vị là mối quan hệ giữa người nghiên cứu phê bình và người sáng tác. Tôi nghĩ chúng ta khá hiểu nhau và đang đứng đúng vai của mình nên hi vọng có thể nói thẳng, nói thật về “sợi dây” giữa người sáng tác và người nghiên cứu phê bình.

– Cảm ơn nhà văn Uông Triều. Công việc giảng dạy ở đại học khiến tôi “được” thành người nghiên cứu, phê bình từ lúc nào không hay. Và cho dẫu không tự định danh là nhà nghiên cứu/phê bình chuyên nghiệp, tôi cũng sẵn lòng từ “vai tôi” để cùng với anh, “bàn” về mối quan hệ giữa hai giới nghiên cứu phê bình và sáng tác, vốn vẫn luôn gây nhiều tranh cãi và chưa bao giờ hết thú vị này.

* Cách đây một vài hôm, tôi có đọc một bài viết về một kiểu “phê bình thù tạc” và thấy nó nhận được những phản hồi rất khác nhau. Theo chị liệu có một kiểu phê bình thù tạc không? Đứng về quan điểm người sáng tác, tôi không đồng ý nhận định này vì nghĩ rằng bất cứ cuốn sách nào được phê bình thì nhà phê bình cũng phải hứng thú với tác phẩm ấy. Cái gọi là thù tạc khá tù mù vì nếu không có cảm hứng thì người ta khó làm tốt được. Hay nhà phê bình thì làm việc không cần hứng thú?

– Có nhiều tiêu chí để phân loại và gọi tên một kiểu dạng phê bình nào đó. Phê bình thù tạc là cách gọi có phần giễu nhại, chú ý đến tính chất của mối quan hệ cá nhân giữa người phê bình và người sáng tác khi nhà phê bình “lăng xê” nhà văn qua các cuộc giới thiệu sách, hay qua mạng xã hội. Nhưng việc giới thiệu ấy vẫn cần đấy chứ và đâu có gì sai trái? Tôi không phản đối gì phê bình thù tạc khi nó vẫn góp phần làm sôi động không khí văn học của xã hội và khuyến khích việc đọc, miễn nhà phê bình viết hay; dù cho rằng đây là một kiểu phê bình không đáng bàn, bởi nội hàm tên gọi đã không chỉ ra được tính chất cũng như cách thức của bản thân hoạt động phê bình (chủ quan hay khách quan, hàn lâm hay đại chúng, là dạng phê bình lí thuyết hay phê bình vận dụng…), và nhất là không chạm đến được đối tượng của hoạt động phê bình – tác phẩm, trung tâm của mọi hiện tượng văn học. Còn, cảm hứng thì ngay cả cái bài viết về một kiểu phê bình thù tạc mà anh nói đến ấy cũng tràn đầy nhiệt huyết phê phán (có lúc hơi áp đặt) về một thực tế, không phải là không có, trong bức tranh phê bình chung của văn học nước nhà hiện nay. Như vậy, chọn đối tượng này chứ không phải đối tượng kia, tự nó đã xuất phát từ “hứng thú” của nhà phê bình. Không thể trách cứ nhà phê bình khi anh ta để cái nhìn chủ quan, thái độ yêu ghét vào hoạt động phê bình, mà ta biết rằng trước hết nó là một hoạt động đọc cá biệt, cho dẫu nhà phê bình là một người đọc đặc biệt hơn, chuyên nghiệp hơn.

* Ngoài quan điểm về kiểu “phê bình thù tạc”, nhiều người sáng tác còn cho rằng nhà phê bình không hiểu họ. Tôi cũng không đồng ý với quan điểm này. Bản thân tôi là người sáng tác và tôi cho rằng, người nghiên cứu không cần hiểu tác phẩm giống hệt như tác giả. Anh ta có quyền khám phá tác phẩm theo cách hiểu riêng. Nếu nhà phê bình chỉ hiểu một cách duy nhất theo định hướng của tác giả thì thật nguy hiểm và cũng không có đóng góp gì. Vả lại từ điểm nhìn cá nhân với rất nhiều yếu tố chi phối, mỗi người sẽ có một cách hiểu khác nhau.

– Thật vui khi nhà văn Uông Triều hiểu và đứng về phía nhà phê bình, dù có lẽ nhiều nhà phê bình chưa chắc đã hiểu anh. Nhưng tôi cho rằng khi một nhà văn nói nhà phê bình không hiểu họ là ý muốn bảo đã không hiểu như kỳ vọng của người viết. Tất cả các nhà văn đều biết họ đã đánh mất quyền với chính đứa con tinh thần của mình ngay khi trao nó cho độc giả, đương nhiên, trong đó có không chỉ một mà rất nhiều nhà phê bình. Nên tôi thấy mong muốn “được hiểu đúng” của nhà văn là chính đáng. Nếu là tôi, trong vai nhà phê bình, tôi cũng sẽ tự hào và vui nếu chạm được đến những điều cốt yếu nhất mà nhà văn đặt vào tác phẩm. Nhưng đổi lại, tôi cũng mong các nhà văn có thể thừa nhận rằng có những cách hiểu sai, hiểu khác vẫn đem đến sự thú vị, bất ngờ và cả hạnh phúc cho người viết. Phê bình và sáng tác không nên là hai con đường song song, cũng tuyệt đối không thể trùng khít. Nó là hai con đường, hai hoạt động có những điểm giao. Gặp gỡ, dĩ nhiên, đem lại niềm vui được thấu hiểu, đồng cảm. Nhưng cái nhìn khác của phía bên kia mới chính là bệ phóng cho những thăng hoa sáng tạo của cả nhà văn lẫn nhà phê bình trong những lao động thầm lặng, riêng biệt của họ.

* Tiếp tục sự phàn nàn của một số người viết, có những ý kiến cho rằng phê bình không theo kịp sáng tác. Theo tôi chúng ta cần phân tích vấn đề này, theo kịp là thế nào, có nhất thiết phải theo kịp không. Sự bắt nhịp này có cần phải sát sạt hay nên có những khoảng cách nhất định.

– Phê bình làm sao mà kịp sáng tác được, không bao giờ kịp. Về số lượng, nhà phê bình chỉ có thể chọn một trong một số, thậm chí trong rất nhiều các sáng tác làm đối tượng “soi ngắm”. Về mặt thời gian, phê bình luôn đi sau sáng tác, và chẳng ai bắt buộc nhà phê bình phải lập tức lên tiếng về một hiện tượng văn học tức thời, dẫu có khi nó là cần thiết. Bởi, một số hiện tượng phải cần có thời gian đủ nhiều để hiểu đúng. Chưa kể vô vàn tác phẩm của quá vãng vẫn bất thình lình gây hứng thú mới đối với nhà phê bình và với các hoạt động văn học đương đại. Nên tôi nghĩ nhà văn “than” như thế để thấy sự khó khăn và đơn độc của giới sáng tác trong việc đem tác phẩm đến với công chúng, nhất là khi số lượng nhà phê bình dường như quá ít so với số lượng nhà văn trong một cộng đồng văn học. Thời đại công nghệ với thông tin ồ ạt cũng khiến nhà phê bình không thể, không kịp “định hướng” cho độc giả như vai trò mà xã hội vẫn hay gán cho họ. Không lẽ phải có một “Hội nhà phê bình” bên cạnh Hội nhà văn để phân công nhiệm vụ cho một nhóm theo sát các hoạt động sáng tác? Còn không, chúng ta đành để các nhà phê bình tự chọn đối tượng cho mình. Cho dẫu rất quan tâm đến văn học đương đại, ý thức rõ việc cần lên tiếng kịp thời trước những hiện tượng văn học mới xuất hiện, cá nhân tôi vẫn thấy mình bất lực trong việc đọc, chứ chưa nói là phê bình kịp sáng tác. Nhưng điều đó không có nghĩa mọi sự “kịp thời” đều nên. Tôi tin các nhà phê bình sẽ tự biết lựa chọn đối tượng để thực hiện tốt nhất vai trò của họ, nhất là khi sự “tự quảng bá” của các nhà văn hiện nay đã thuận lợi hơn nhiều so với trước. Ngoài ra, nhiều nhà văn còn không quan tâm đến việc nhà phê bình có biết tác phẩm của họ hay không. Và tôi thấy điều này cũng hay bởi “bình thản” là một tiêu chí cần có của người viết. Nhà văn và nhà phê bình hãy cứ làm tốt công việc của bản thân, xã hội chắc chắn sẽ ghi nhận, và rồi thế nào hai giới này cũng sẽ gặp nhau, không nhất thiết phải trong cùng một không gian, thời gian, như các nhà phê bình Việt Nam hiện nay vẫn rất quan tâm đến các tác giả văn học thế giới thời tiền hiện đại…

PGS-TS Thái Phan Vàng Anh

* Nói về văn học đương đại Việt Nam thường có hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng văn học đổi mới, sau hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh thì văn học Việt hầu như không có gì đáng kể, các nhà văn đi sau không bước qua nổi hai ông lớn này. Ý kiến khác thì bảo, có chứ, bao nhiêu là hiện tượng đấy thôi. Những người như Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận… chẳng đáng kể đó sao. Và kể cả tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh cũng khó có thể gọi là những mẫu mực để lấy làm mục tiêu.

– Tôi ít khi so sánh hơn kém, nhất là với những hiện tượng cần được đánh giá từ nhiều hệ quy chiếu, hệ giá trị. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh hay Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận… là những nhà văn ít hay nhiều đều mang tâm thức hậu hiện đại. Mà hậu hiện đại thì chú ý đến cái khác biệt hơn là cái đúng sai, tốt xấu theo kiểu phân chia nhị nguyên. Vì thế, tôi cho rằng, đã có một kiểu viết khác, với những nhà văn khác sau Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và làm nên những giá trị khác. Chưa kể giá trị nào rồi cũng chỉ là giá trị lịch sử, cho dẫu âm vọng của nó kéo dài đến bao lâu. Và nếu quan niệm thế thì chẳng nên quá tin vào một mẫu mực nào, bởi mẫu mực lúc này chắc gì đã phù hợp với một thời điểm, thời đại khác. Thật bất hạnh nếu không tìm được các nhà văn đáng đọc, hay không có cách đọc phù hợp với các nhà văn, các tác phẩm “ngay lúc này” trong khi họ có lẽ vẫn có nhiều quanh ta. Không nên quá ảo tưởng về văn học nước nhà, nếu nhìn rộng ra thế giới, song cũng không nên thiếu tin tưởng vào văn học đương đại. Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Thuận… là những nhà văn rất đáng đọc sau Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp. Cũng như thế, cần phải đọc thêm Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Khắc Ngân Vy… sau các tác giả 6x, 7x kia. Dĩ nhiên, còn nhiều nhà văn với những giá trị khác nữa mà họ tạo nên, dù chúng ta chưa kịp đề cập hay chưa kịp đọc hết. Tất cả họ, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, làm nên một diện mạo văn học Việt Nam đương đại với những thành tựu rất đáng kể.

* Tôi có cảm giác bây giờ các nhà phê bình đang “thủ thế” giữ mình lắm. Chê nhiều thì mất lòng bè bạn, bị ném đá, khen thì cho rằng thù tạc, vây cánh. Đứng giữa hai lựa chọn đó thật khó khăn, các nhà phê bình bây giờ hình như đang đi trên dây. Tôi thấy bây giờ hiếm có người dám một mình đối mặt với dư luận, cũng có vài trường hợp nhưng bị bao vây, công kích quyết liệt.  Liệu có một phẩm chất gọi là “dũng cảm” của nhà phê bình không?

– Gọi “dũng cảm” thì có vẻ hơi “nâng quan điểm”, nhưng có nghề nào mà không cần đến sự dũng cảm, nhất là khi phải đối diện với công chúng, với dư luận, gắn với những lựa chọn liên quan đến vận mệnh, số phận hay cơ hội của người khác. Tôi cho rằng để trung thực với bản thân, đã phải cần đến dũng khí. Và thủ thế có khi cũng là dũng cảm, theo kiểu khác, để tránh rơi vào những lôi kéo khiến người ta có thể đánh mất mình. Thế nên, chỉ khi đủ tự tin vào chính kiến, đủ thẳng thắn để nói điều nung nấu, đủ bản lĩnh để dám “một mình một ngựa” trên hành trình đọc và đãi cát tìm vàng, nhà phê bình mới có thể một mình đối mặt với dư luận và bình thản với mọi khen chê. Và nếu có được tâm thế ấy, ắt không cần đặt ra vấn đề về sự dũng cảm của nhà phê bình nữa, bởi bình thản, an nhiên theo đuổi lựa chọn, tự nó đã là một sức mạnh nội tâm rồi. Lúc đó, đánh giá nhiều chiều của dư luận sẽ không quá gây áp lực lên nhà phê bình, và nếu có, cũng không đáng gì so với những điều anh ta nhận được (bao gồm cả việc được “yêu” từ kiểu phê bình vây cánh, hay được “chú ý” vì đã dám “đốt đền”). Chưa kể, sự dũng cảm của nhà phê bình có khi còn không thể so với sự dũng cảm cần có của nhà văn, mà có dịp ta sẽ bàn sau vậy.

* Người ta than phiền rằng vắng bóng những nhà phê bình trẻ, tôi thấy đúng như thế. Cái nghề vừa khó khăn, vừa kiếm được ít tiền mà rất dễ tai bay vạ gió thì ít người chọn là đương nhiên. Tôi có quen một nhà phê bình khá quyết liệt nhưng chị chủ yếu tập trung vào mảng văn học nước ngoài và tránh văn học Việt để… an toàn! Và như quan sát của tôi hầu như các nhà phê bình chỉ tập trung ở các trường đại học, mà sau khi họ làm xong luận văn, luận án rồi thì thấy rất ít các công trình nghiên cứu độc lập. Tôi thấy nghiên cứu phê bình cơ bản là nghề nghiệp chứ ít người đam mê và có phải đa số vừa làm vừa run?!

– Không nên tính và cũng không nên chờ mong lực lượng phê bình từ các trường đại học, bởi nhiệm vụ chính của họ không phải là phê bình. Các công trình, bài viết từ trường đại học cũng thường là sản phẩm của một quá trình nghiên cứu khoa học, phục vụ cho giảng dạy, cho sự nghiệp “thăng tiến” trong chuyên môn… vốn không nhất thiết phải gắn với các hiện tượng văn học đang diễn ra. Càng không nên trông chờ vào phê bình trẻ, bởi đa phần người trẻ đang bận làm nghề khác để kiếm sống, ấy là chưa nói đến, một nhà phê bình luôn cần đến một vốn liếng, một tầm vóc nhất định trong việc đọc, trải nghiệm, mà trẻ chưa chắc đã là lợi thế, và trẻ còn dễ “run” hơn như anh nói? Nhưng nói vậy thì bi quan quá, bởi không trông chờ cả giới đại học lẫn những người trẻ tuổi nhiều hoài bão, lực lượng phê bình vốn đã thiếu chuyên nghiệp của chúng ta sẽ còn lại gì? Nên tôi tin vào tất cả những người làm phê bình vì đam mê, bất kể họ là nhà văn, nhà báo, nhà giáo hay nhà khoa học…, bất kể họ trẻ hay già. Bởi có ai bắt đâu, chỉ vì thích, vì “nghiệp” họ mới lên tiếng. Mà đã dám lên tiếng vì những thôi thúc tự thân như thế, tôi nghĩ phần lớn họ sẽ không ngại tai bay vạ gió… Có lẽ nên nghĩ cách làm thế nào để khiến các nhà phê bình vì đam mê đó có nhiều thời gian, nhiều động lực để theo kịp các hiện tượng văn học đương đại trong nước, hơn là chỉ lo ngại hay đổ lỗi cho sự thiếu vắng các cây bút phê bình có cá tính vì sự thiếu an toàn mà theo tôi, bất cứ nghề nghiệp nào cũng ít nhiều phải đối mặt.

* Tôi từng viết rằng mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình thường là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.” Nhưng bản thân tôi, tôi lại khá thân thiết với các nhà phê bình vì nghĩ đó là những độc giả ưu tú nhất của mình. Những người viết trẻ trong thế hệ tôi nhiều người cũng nghĩ vậy. Còn với chị, theo chị “sợi dây” này nên thế nào, liệu có phải gần quá mà thiên vị hay xa quá mà lạnh nhạt không?

– Người ta hay mượn câu nói vui của Nguyễn Tuân để chỉ sự thiếu mặn nồng trong mối quan hệ giữa nhà văn và nhà phê bình (mà thường là nhà văn “ghét” nhà phê bình bởi những phát biểu “linh tinh”, không đúng mong đợi của nhà văn hơn). Từ góc nhìn bản thân, tôi nghĩ rằng nhà phê bình thường chỉ có yêu hay không, chứ chẳng ghét gì nhà văn. Nói đúng hơn, nhà phê bình sẽ quan tâm hay không quan tâm đến một nhà văn nào đó, liên quan đến công việc và cảm hứng của mình. Yêu quý, hiểu biết thì quá tốt rồi, bởi nhà văn và nhà phê bình có thể hỗ trợ nhau trong viết lách. Nhưng xa lạ có khi còn tốt hơn nữa bởi nhà phê bình chẳng có áp lực gì trong đánh giá, và nhà văn cũng không vướng bận nhiều khi gặp những ý kiến khác với cách mình hình dung. Thật ra, tôi không quan tâm nhiều đến việc gần hay xa lắm đâu. Vì việc yêu ghét nó nằm trong máu của nhà phê bình rồi – không thích, không yêu hay không bức xúc, căm phẫn chắc gì người ta đã muốn viết và thấy cần viết. Quen hay xa lạ với nhà văn đều vừa là thuận lợi vừa khó khăn cho người làm phê bình. Mỗi thứ là mỗi kiểu áp lực. Và nhà phê bình “chuyên nghiệp” thì phải vượt qua vô vàn áp lực khác nữa, trong đó áp lực gần hay xa chưa phải là áp lực lớn nhất.

* Làm nghề, ai cũng có những mảng miếng của mình. Tôi đọc ở đâu đó rằng, một nhà nghiên cứu phê bình cần theo dõi cỡ 10 nhà văn trong tầm ngắm của mình. Chị có bao giờ làm một danh sách kiểu đó không và điều đó có cần thiết. Nếu chị có một bản danh sách kiểu này thì tiêu chí chọn lựa là gì?

– Một nhà phê bình thật sự sẽ quan tâm đến các hiện tượng văn học (đã bao gồm các nhà văn trong đó), chứ không chỉ quan tâm đến các nhà văn riêng lẻ. Nên thật ra không quá cần thiết phải làm một danh sách nhà văn để theo dõi, chưa kể danh sách ấy có thể sẽ phải liên tục thay đổi, gắn với những biến động thời cuộc của văn chương. Theo dõi đến nơi đến chốn được 10 nhà văn là rất ghê rồi. Nhưng thực tế có khi anh phải biết nhiều hơn, hoặc chẳng cần dành cả đời chỉ để thật hiểu về một vài tác giả nào đó. Phê bình hướng về chiều rộng hay chiều sâu đều cần thiết và có giá trị ngang nhau. Tất nhiên, không lập danh sách thì các nhà phê bình vẫn có tiêu chí riêng khi đưa một số nhà văn phù hợp vào tầm ngắm. Cá nhân tôi thì sẽ khoanh vùng bao quát trước, bởi những bất lực của phê bình trong việc theo kịp sáng tác như chúng ta đã nói. Trước hết tôi chọn văn học Việt Nam đương đại bởi tính năng động, chưa hoàn kết của nó, nơi tôi có thể có đóng góp hơn. Tôi lại chọn văn xuôi, thế mạnh hơn của tôi, và lại chỉ chọn theo dõi sát tiểu thuyết, bởi khó có thể đọc kịp tất cả các truyện ngắn – trong khi tôi lại ưa có những cái nhìn mang tính nhận diện, đánh giá khái quát. Vậy thì phải chọn từ diện rộng đến điểm nhấn, liên quan đến việc sáng tác của các nhà văn ấy có góp phần làm nên một khuynh hướng văn học nào không, có xác lập được phong cách riêng không, có làm thay đổi nhận thức hay cách đọc của cộng đồng, có ảnh hưởng đến tiến trình vận động chung của văn học dân tộc, trong một giai đoạn nhất định? Với những nhà văn mà không có họ, lịch sử văn học Việt Nam ắt sẽ phải viết khác, tôi sẽ dành thời gian để không chỉ phê bình mà nghiên cứu sâu. Và số lượng nhà văn như thế trong hai mươi năm trở lại đây, có lẽ không đến 10 người.

* Chúng ta dự đoán một chút nhé. Tôi thì khá bi quan về tương lai của phê bình còn theo chị, trong khoảng 10 năm nữa, sự phê bình văn học của chúng ta sẽ tiến đến đâu?

– Tôi nhát gan nên ít khi tham gia những trò may rủi, trong đó có cả dự đoán, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng biến động theo nhiều hướng có khi nằm ngoài khả năng hình dung của loài người. Và tôi cũng không muốn nhìn bi quan về tương lai, trong đó có cả tương lai của phê bình, dù không phải không thấy sự mất mát khi nhiều nhà phê bình tên tuổi đã ra đi, hay sự thiếu vắng thế hệ phê bình tiếp theo, khi những nhà phê bình 8x giờ đã hết trẻ… Nên tôi chọn tin vào sự phát triển, theo quy luật tất yếu của mọi vận động, dù không biết phê bình của chúng ta sẽ tiến đến đâu. Mà tại sao phải đặt ra vấn đề đến đâu. Trả lời câu hỏi này lại phải dùng hệ quy chiếu hơn – kém để so sánh với hiện tại, hay so với thế giới và phải thống kê, khảo sát, đánh giá chứ không dễ phát biểu cảm tính. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nó sẽ khác, với sự thay đổi của các chiều kích tương tác giữa nhà văn và độc giả, giữa nhà văn và nhà phê bình, hay giữa độc giả với nhà phê bình. Có thể sẽ không có một lực lượng các nhà phê bình tương đối hùng hậu đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu như trong 20 năm vừa qua. Nhưng thế hệ độc giả mới vốn được hưởng thụ các hệ thống giáo dục khai phóng, được trang bị nhiều kiến thức về khoa học nhân văn, về văn học nghệ thuật… sẽ tham gia đáng kể vào hoạt động phê bình theo nhiều hình thức, có khi cũng chẳng cần quan tâm đến vấn đề chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Tôi kì vọng về sự tự tin và khả năng dấn thân của những con người đam mê phê bình ấy ở tương lai. Có thể họ sẽ tạo nên những thay đổi lớn trong hoạt động phê bình, dù có khi họ không còn bận tâm nhiều về mối quan hệ giữa nhà phê bình và nhà văn như chúng ta của ngày hôm nay nữa.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

UÔNG TRIỀU thực hiện

Theo Van.vn

Tags: