Muốn thu hút người bạn crush, hãy nhuộm đỏ avatar facebook
Muốn thu hút người bạn crush, hãy nhuộm đỏ avatar facebook
Đó chính là màu bạn cần mặc cho bức ảnh đại diện trên profile của mình.

Hãy tưởng tượng có 6 cô gái 23 tuổi là chị em sinh sáu, họ sinh ra và lớn lên cùng nhau trong một thị trấn hẻo lánh ở nước Mỹ. Thị trấn ấy nhỏ đến nỗi không có đủ 6 người đàn ông độc thân dành cho các cô, vậy nên các cô phải đăng hình ảnh của bản thân lên một trang hẹn hò trực tuyến có tầm phủ sóng toàn quốc. Những bức ảnh của họ gần như giống hệt nhau, chỉ khác là 6 người họ mặc 6 chiếc áo phông trơn với 6 màu khác nhau. Chỉ nhìn những tấm ảnh đại diện này, bạn sẽ nghĩ họ chắc chắn sẽ nhận được sự chú ý ngang nhau – nhưng không, bạn đã ăn một quả nhầm to rồi.  

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ khi mặc đồ đỏ có xu hướng thu hút sự chú ý về mặt tình dục nhiều hơn hơn khi cô ấy mặc quần áo có các màu sắc khác.

Con người đã luôn luôn tán tỉnh lẫn nhau trong suốt hàng thiên niên kỷ cho đến 1 ngày Gary Kremen phá vỡ truyền thống đó. Kremen đã tạo ra Match.com, trang web hẹn hò trực tuyến đầu tiên trên thế giới, vào tháng 1 năm 1995. Match đã dân chủ hoá thế giới hẹn hò, tặng cho những kẻ đang cố gắng tìm kiếm một mối quan hệ nhưng lại luôn nhút nhát và lo lắng đến biến đổi cả giọng nói một cơ hội tỏa sáng trong trò chơi vốn chỉ độc tôn bởi những người đàn ông đích thực và những tay sát gái phòng bar chính hiệu.

Trái ngược lại với guồng quay nhanh chóng của việc hẹn hò trực tiếp, những người hẹn hò trực tuyến có nhiều thời gian để chọn ra những bức ảnh lừa tình, tâng bốc bản thân trên profile, và hoa mỹ hóa các tin nhắn được gửi đi. Tuy nhiên, khi việc hẹn hò ngày càng đòi hỏi những kĩ năng cao cấp hơn ngày xưa, nó vẫn yêu cầu ta cần phải biết làm chủ những quy tắc bất thành văn, điều này giúp ta có một số lợi thế để vượt lên so với người khác.

Theo Christian Rudder từ OkTrends - một trang web nghiên cứu của OkCupid nay đã ngừng hoạt động, 32% trong số tất cả các tin nhắn gửi đi lần đầu tiên đều nhận được phản hồi. Nói cách khác, cứ 3 tin nhắn đầu tiên thì có 2 trong số đó không nhận được phản hồi gì. Tuy nhiên, tỷ lệ phản hồi sẽ khác nhau một cách rõ rệt dựa trên một cách lựa chọn một vài từ ngữ then chốt.

Ngôn ngữ mạng thường xuyên thất bại một cách thảm hại (tỷ lệ trả lời cho các tin nhắn sử dụng teencode là dưới 10%), trong khi gần 50% các tin nhắn có các cụm từ như "bạn có nói là" hoặc "tôi nhận thấy rằng" chắc chắn sẽ nhận được một lời hồi đáp. Một từ "Chào" vô thưởng vô phạt sẽ chỉ chiếm 23% trong khi các tin nhắn có câu hỏi trực tiếp như "Dạo này thế nào?" thu hút tỷ lệ trả lời lên đến 53%.

Dĩ nhiên những người khác nhau sẽ có những cách khác nhau để bắt đầu 1 cuộc nói chuyện vì còn dựa vào nhiều yếu tố khác nữa, nhưng những con số trên cũng đã cho thấy kết quả của việc hẹn hò trực tuyến có thể bấp bênh như thế nào.

 


Nhưng trong khi người ta mải mê chăm chút cho những tin nhắn đó, một yếu tố quan trọng khác lại đã bị bỏ qua. Cách đây vài năm, Andrew Elliot, giáo sư tại Đại học Rochester, và các đồng nghiệp đã bắt đầu thí nghiệm bằng cách yêu cầu các nam sinh viên dị tính bỏ ra 5 giây để nhìn bức ảnh của một cô gái trẻ lạ mặt và đánh giá sự hấp dẫn của cô ấy theo thang điểm từ 1 (không hề hấp dẫn) đến 9 (vô cùng hấp dẫn). Tất cả các sinh viên này đều nhìn thấy cùng một người phụ nữ đang mặc một bộ quần áo giống nhau - tuy nhiên các giáo sư đã ngẫu nhiên thay đổi màu sắc của đường viền dày bao quanh khung ảnh một cách xen kẽ giữa các màu: trắng, đỏ, xanh dương và xanh lá cây.

Các nhà tâm lý học biết rằng: xanh dương là màu phổ biến nhất trên thế giới; đen đi liền với sự thanh lịch, giàu sang, quyền lực và sức mạnh; xanh lá cây giúp xoa dịu và kiềm chế; đỏ là màu của tình yêu và sự lãng mạn. Nhưng Elliot và các đồng nghiệp của ông đang cố gắng tìm hiểu liệu màu sắc thực sự có thể thay đổi sự hấp dẫn của một người hay không?

Trải qua năm cuộc thí nghiệm, kết quả đưa ra đều tương tự.

 

Những nam sinh viên đã đánh giá bức ảnh có viền đỏ cảm thấy thấy người phụ nữ đó hấp dẫn hơn, họ có mong muốn mời cô ấy đi hẹn hò hơn và sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền hơn trong buổi hẹn. Các nhà nghiên cứu cũng cẩn thận chỉ ra rằng hiệu ứng này đặc biệt liên quan đến sự thu hút về tình dục.

 

Ví dụ, họ cũng cho thấy rằng khi những phụ nữ dị tính đánh giá sức hấp dẫn của cùng một người phụ nữ, họ không bị ảnh hưởng bởi màu sắc của đường viền. Thêm vào đó, đàn ông không hề nghĩ rằng người phụ nữ trong khung viền đỏ có vẻ dễ chịu, tử tế, hay thông minh hơn - mà chỉ là cô ấy trông hấp dẫn và khêu gợi hơn mà thôi.

 


Nicolas Gueguen, một nhà tâm lý học tại Đại học Southern Brittany ở Tây Bắc nước Pháp, không hài lòng với các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của mình, do đó ông chuyển nghiên cứu của mình sang lĩnh vực này, để xem liệu những kết quả thí nghiệm có được áp dụng trong thế giới thực hay không. Gueguen đã thuê 5 cô gái tóc nâu trong độ tuổi từ 19 đến 22 đóng vai một người vẫy tay xin quá giang.

Các cô gái mặc quần jean, đi giày thể thao cùng với áo phông trơn ôm sát cơ thể - giống chiếc áo phông của nhân vật 6 chị em sinh sáu được kể hồi nãy. Họ thay phiên nhau xuất hiện lần lượt suốt những ngày đầu hè sáng sủa, mỗi cô gái sẽ đứng bên lề đường gần một bán đảo nổi tiếng ở Brittany, và giơ ngón tay cái ra để chứng tỏ cô đang cố gắng vẫy xe. Khi đã có 80 xe đi qua, cô gái phải trốn đi thay áo phông và chọn ngẫu nhiên màu áo từ danh sách các màu: đen, trắng, đỏ, vàng, xanh dương và xanh lá cây (Có 2 người quan sát đứng trong góc để theo dõi tình hình và đảm bảo các cô gái được an toàn.)

Sau vài ngày cùng với 4800 chiếc xe máy đi qua, Gueguen quay trở lại phòng thí nghiệm.

Giống như những phụ nữ trong nghiên cứu của Elliot, những tay lái nữ của Gueguen không bị ảnh hưởng bởi màu sắc những chiếc áo phông của người xin đi quá giang - họ vẫn sẽ dừng lại cho dù cô gái ấy đang mặc màu đỏ hay bất kì màu nào khác. Ngược lại, những tay lái nam thì kén chọn hơn, chỉ dừng lại khoảng 12 đến 15% thời gian - ngoại trừ khi cô gái ấy mặc áo phông đỏ sẽ là 21% thời gian. Giống như các nam sinh viên trong nghiên cứu của Elliot, những tay lái nam cũng ưa màu đỏ hơn.

Hai năm sau, Gueguen và đồng nghiệp của ông, Céline Jacob, lặp lại thử nghiệm với những người hẹn hò trực tuyến. Trong khoảng thời gian 9 tháng, 64 phụ nữ - những người đang tìm kiếm cơ hội gặp gỡ một người đàn ông đã đồng ý đăng ảnh của họ lên một trang web hẹn hò trực tuyến. Gueguen và Jacob sử dụng phần mềm kỹ thuật số để tạo ra 6 bức ảnh giống hệt nhau cho mỗi người ngoại trừ màu sắc của chiếc áo họ đang mặc. Cứ 2 tuần 1 lần họ sẽ thay ảnh đại diện trên web và yêu cầu các những người phụ nữ đó đếm xem liệu có bao nhiêu người đàn ông đã liên lạc với họ.

Cũng giống như thí nghiệm chị em sinh sáu, 6 người phụ nữ trông giống hệt nhau (ngoại trừ màu áo phông) rõ ràng đang tranh giành sự quan tâm của hàng nghìn các đối tượng nam phù hợp một cách hiệu quả. Giống như những người vẫy xe đi nhờ, những người phụ nữ này cũng nhận được nhiều email hơn khi họ mặc áo thun màu đỏ. 21% email của họ là vì họ mặc màu đỏ, trong khi các màu khác - đen, trắng, vàng, xanh lá cây và xanh dương - tổng cả chỉ chiếm 14 đến 17%.

 


 

Tại sao màu đỏ có thể đánh bại các màu khác trong trò chơi ghép cặp này?

 

Có ít nhất 2 lí do có thể xảy ra, và một lí do thì nghe thuyết phục hơn lí do còn lại. Lí do còn lại ấy đó là chúng ta đã quen với việc kết hợp màu đỏ với tình yêu, đam mê và lãng mạn. Đỏ là màu sắc của trái tim và hoa hồng, son môi và phấn má, những khu phố “buôn hương bán phấn” và các cô nàng xinh đẹp luôn gây rắc rối.

Nhưng sự liên kết này rốt cuộc từ đâu mà ra? Tại sao không phải vàng, đen, xanh dương, hoặc xanh lá cây được kết hợp với tình yêu?

Nguồn gốc thực sự của quá khứ lãng mạn của màu đỏ có thể phản ánh lí do thứ hai: Các loài động vật, từ con người đến khỉ đầu chó hay chim họ sẻ, đều sẽ đỏ mặt khi đang quan hệ tình dục. Làn da của phụ nữ có xu hướng đỏ lên khi cô sắp rụng trứng, và rồi trắng sáng lên trong khoảng thời gian giữa chu kỳ kinh nguyệt. Việc máu lưu thông vội vã khi chúng ta tán tỉnh lẫn nhau cũng làm đỏ phần mặt, cổ và ngực trên, điều này đang nhấn mạnh mối liên hệ giữa sắc đỏ và quan hệ tình dục.

Có 1 tin vui cho nam giới đó là quần áo màu đỏ cũng khiến họ trở nên hấp dẫn hơn (nam giới cũng đỏ mặt khi họ cảm thấy phấn khích về tình dục), và tất cả đàn ông trên toàn thế giới - từ Mỹ đến Trung Quốc đến Đức - đều có thể áp dụng quy tắc màu đỏ này. Vì tác động của nó không chỉ dừng lại trong một nền văn hoá hay ở một loài nhất định, rồi sau đó biến mất khi những phụ nữ từng được đánh giá cao kia bước vào thời kì hậu mãn kinh (do đó không còn khả năng sinh sản), nên ta có thể thừa nhận rằng sinh học động vật giúp giải thích ít nhất một phần của tác động này.

Màu sắc cũng ảnh hưởng đến cách phán đoán của chúng ta trong các ngữ cảnh khác nữa. Cuối những năm 1980, Mark Frank và Tom Gilovich đã phân tích hồ sơ về đá phạt của 21 đội khúc côn cầu và 28 đội bóng đá tham gia giải đấu quốc gia. Trong mỗi giải đấu sẽ có 5 đội mặc đồng phục đen, và vì màu đen có liên kết với cái ác và sự hung hăng, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những đội đó đã phải chịu đá phạt nhiều hơn đối thủ của họ.

Vào cuối những năm 1970, Pittsburgh Penguins và Vancouver Canucks đã đổi những bộ đồng phục NHL không phải màu đen sang những bộ đồng phục màu đen, và gần như ngay lập tức đã phải nhận nhiều cú đá phạt hơn. Frank và Gilovich cũng cho thấy các sinh viên hành xử hung hăng hơn khi họ mặc đồng phục đen, và tin rằng các sinh viên khác cũng trở nên hung hăng hơn khi thấy những sinh viên này mặc đồ màu đen.

Ở một góc nhìn khác, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào một màu hồng sáng vào cuối những năm 1970, màu mà dường như đã giúp xoa dịu các tù nhân hung dữ. Gene Baker và Ron Miller, 2 sĩ quan hải quân tại một trung tâm cải tạo ở Seattle nhận ra rằng những tù nhân hung dữ vẫn tiếp tục hung dữ ngay cả khi đã bị giam tách biệt. Nhà tâm lý học Alex Schauss đã giới thiệu một phương pháp mới lạ cho 2 vị sĩ quan.

Trong một loạt các thí nghiệm, Schauss nhận thấy rằng những người đàn ông trẻ tuổi khỏe mạnh sẽ trở nên mềm yếu hơn sau khi nhìn chằm chằm vào một tấm bìa bong bóng màu hồng. Baker và Miller đồng ý với phương pháp này và đi sơn lại tường bên trong của một trong số các phòng giam bằng màu hồng tươi sáng. Theo đó, các tù nhân khi bước vào phòng giam ban đầu vốn vô cùng tức giận, nhưng ngay sau 15 phút đã trở nên bình tĩnh và thư thái hơn. Cơ sở này thường xuyên chứng kiến ​​hàng chục sự cố về gây hấn, nhưng không một tù nhân nào - những người đã từng ở trong căn phòng màu hồng có biểu hiện cư xử bạo lực trong vòng 9 tháng sau đó.

Hiệu ứng này nhanh chóng liền trở nên phổ biến, các huấn luyện viên bóng đá ở bang Colorado và Đại học Iowa bắt đầu sơn hồng phòng thay đồ của đội khách với hi vọng điều này sẽ làm giảm đi sự hăng máu của đối thủ. Các cuộc hội nghị vận động viên địa phương cũng dần dần can thiệp, khéo léo yêu cầu rằng phòng thay đồ của đội nhà và đội khách phải được trang trí giống hệt nhau. Sắc hồng nổi tiếng nhất, được gọi một cách trìu mến là Baker-Miller pink, hay Drunk Tank Pink, nhận được cơ số những lời phản đối, nhưng Schauss và những người ủng hộ của ông vẫn cho rằng hiệu ứng màu sắc là có thật.

 


Ba màu đen, đỏ và hồng có khả năng đặc biệt trong việc định hình suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta trong những ngữ cảnh thách thức niềm tin. Có vẻ sẽ rất điên khùng khi mà nói rằng 1 người nào đó có thể may mắn hơn trong tình yêu vì cô ấy mặc 1 chiếc áo phông màu đỏ, 1 cầu thủ bóng đá trở nên hung dữ hơn vì anh ấy mặc một bộ đồng phục màu đen và những người đàn ông mạnh mẽ trở nên yếu đuối hơn khi có sự hiện diện của màu sơn hồng xung quanh - nhưng, ít nhất là theo như những bằng chứng thực nghiệm, những hiệu ứng ấy là có thật.

Và tất nhiên màu sắc không phải là những yếu tố ngẫu nhiên duy nhất của thế giới xung quanh gây ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và cư xử. Điều mà các ví dụ này chỉ ra, đó là: Phần lớn cuộc sống tinh thần của chúng ta vẫn tiếp tục, giống như nguyên lý tảng băng trôi, bên dưới phần nổi trên bề mặt là sự nhận thức một cách có ý thức - một điều gì đó để suy ngẫm về lần tới khi bạn cạnh tranh cho một slot tình yêu trong không gian quá tải của Match.com, OkCupid và eHarmony.

Trạm Đọc 

Theo Slate