Chúng ta là những con tắc kè hoa: Môi trường sống quyết định bạn là ai
Chúng ta là những con tắc kè hoa: Môi trường sống quyết định bạn là ai
Những nghiên cứu dưới đây hé lộ một sự thật đáng ngạc nhiên vể yếu tố thật sự làm nên nhân cách mỗi người.
Phi Lý Trí
(363 lượt)

Vào đầu thập niên 70, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Mỹ đã thả hàng trăm lá thư đã dán tem, ghi địa chỉ vào khu ký túc xá dọc Bờ Đông và ghi chép lại số lượng những lá thư đi lạc được đem trả lại hòm thư chính xác. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc gửi lại lá thư đến đúng địa chỉ là một hành động nhỏ cho thấy tấm lòng lương thiện và khám phá ra một điều: sinh viên ở một số tòa nhà cư xử tử tế hơn số còn lại.

Gần như tất cả số thư được thả xung quanh khi ký túc vắng người – nơi mà mỗi tầng chỉ có khoảng vài sinh viên sống – được mang tới đúng địa chỉ. Trái lại, chỉ khoảng 6/10 số thư được thả gần khu kí túc đông người đến được tay người nhận.

Rõ ràng, sinh viên sống ở nơi đông đúc hơn, nơi mọi người gần gũi với nhau hơn lại ít quan tâm hơn tới bạn học của mình, và việc này rõ ràng làm giảm lòng rộng lượng của họ.

Sau đó, khi các nhà nghiên cứu hỏi sinh viên họ sẽ phản ứng thế nào nếu tình cờ thấy một lá thư đi lạc? 95% trả lời rằng họ sẽ đem trả lại, không kế đang sống ở khu vực nào.

Thật ra đa số mọi người đều nghĩ mình tử tế. Trong một nghiên cứu về việc tự đánh giá bản thân, mọi người thường cho rằng bản tốt bụng, thân thiện và chân thành. Chúng ta tưởng tượng những đặc điểm này là một tập hợp thuộc tính bền vững làm nên con người của mình. Nhưng sự thật là, chúng ta giống như những con tắc kè hoa, hành vi của ta thay đổi một cách bản năng và không chủ đích, dựa vào ngoại cảnh.

Hãy cùng suy xét một thí nghiệm khác được tiến hành năm 2000. Một nhóm nhà thầu ở Glasgow, Scotland đã lắp đèn màu xanh dương tại một số địa điểm nổi bật trong thành phố. Mục đích của việc này là khiến cho những quận kém xinh đẹp tại thành phố trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách du lịch, nhưng sau vài tháng, số liệu về tội phạm của thành phố cho thấy một xu hướng đáng chú ý: tỷ lệ tội phạm tại những nơi có ánh đèn xanh giảm đáng kể. 

Ánh sáng xanh gợi liên tưởng đến đèn trên mui xe cảnh sát, khiến mọi người cảm thấy như có cảnh sát đang theo dõi mình. Vào năm 2005, cảnh sát tại quận Nara, Nhật bản, đã cho lắp đèn xanh tại những trọng điểm tội phạm và thu được kết quả tương tự: tỉ lệ tội phạm nhìn chung giảm đi. Khi những nơi khác áp dụng cách này, họ nhận thấy việc xả rác và tự tử cũng giảm đi dưới ánh sáng màu xanh dương.

Có nhiều lý giải được đưa ra cho việc ánh đèn xanh dương ngăn cản tội phạm: có lẽ nó chói lóa hơn và thu hút chú ý hơn, khiến cho những nơi tối tăm bị phơi bày và rõ ràng hơn – hay ánh đèn xanh có một hiệu quả thần kỳ khiến con người bình tĩnh. Nhưng thậm chí những can thiệp quy mô nhỏ hơn cũng có kết quả tương tự.

 

Mọi người cư xử tử tế và trung thực hơn ở những nơi cho họ cảm giác đang bị theo dõi.

 

Một nhóm nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Newcastle phía đông nam nước Anh phát hiện ra rằng, nhân viên trong trường sẽ trả tiền trà và café nếu trên hộp thu tiền phía dưới bảng giá có dán ảnh một đôi mắt, còn nếu trên hộp thu tiền là hình bông hoa thì có ít người tự giác trả tiền hơn. Các nhà khoa học đã thay đổi ảnh những con mắt và loại hoa khác nhau trong suốt 10 tuần thực hành thí nghiệm, dùng ảnh đôi mắt của cả đàn ông và phụ nữ, để đảm bảo rằng không một hình ảnh đặt biệt nào ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng. Vào những tuần chiếc hộp được dán ảnh đôi mắt, số tiền trong hộp sẽ nhiều hơn.

Credit: Olimpia Zagnoli

Nghiên cứu này đã khiến cho cảnh sát tại West Midlands, Anh, đặt những tấm áp-phích lớn vẽ hình đôi mắt quanh thị trấn, theo như báo cáo cho biết, việc này đã làm giảm tỉ lệ tội phạm.

Gương cũng có tác dụng tương tự và được cho là thậm chí còn hiệu quả hơn, vì nó có nghĩ ẩn dụ là buộc ta phải nhìn thẳng vào tâm hồn mình.   

Những tín hiệu khác từ ngoại cảnh ảnh hưởng đến hành động của ta vì chúng ra tín hiệu cho phép ta cư xử tệ hại. Theo như lý thuyết đang gây tranh cãi về những khung cửa sổ vỡ, những người sống trong khu phố có nhiều cửa sổ bị vỡ sẽ có xu hướng phạm pháp, dù họ có là người tử tế. Vì cửa sổ vỡ là tín hiệu ám chỉ rằng dân cư nơi đây không quan tâm đến tài sản của họ.

Tác giả của lý thuyết này, James Q. Wilson và George L. Kelling, giả định trong bài báo viết năm 1982 cho tờ The Atlantic Monthly rằng, nếu ô cửa sổ vỡ trong một tòa nhà không được sửa chữa, mọi người sẽ có xu hướng phá hoại thêm những ô cửa khác. Và điều này dẫn dần sẽ càng khuyến khích thêm sự phá hoại.

Chuyện tương tự cũng xảy ra trong thí nghiệm hầm đi bộ đầy rác. Càng có nhiều rác trong hầm, sẽ càng có nhiều người xả rác hơn. Cuối cùng, mọi người bắt đầu vứt túi hoặc giấy ăn từ nhà hàng mang ra tại đó, và dần dần tội phạm sẽ xảy ra trong những khu vực bị bỏ quên.

Từ năm 1982, khi hai giáo sư Wilson và Kelling đưa ra lý thuyết của họ, lý thuyết về việc xả rác đã được củng cố với nhiều bằng chứng thực tế. Trong một nghiên cứu, những nhà tâm lý học xã hội đặt tờ rơi lên 139 ô tô trong hầm đỗ xe của một bệnh viện và theo dõi chủ xe sẽ làm gì với tờ rơi này.

Một lần nữa, ngoại cảnh định hình hành vi. Khi những lái xe bước ra từ bệnh viện và thấy hầm để xe toàn rác, tờ rơi, giấy gói kẹo và cốc café đã hết (tất nhiên đều được sắp đặt bởi nhà nghiên cứu), gần nửa số người vứt tờ rơi từ xe của mình xuống đất. Trái lại, khi các nhà nghiên cứu quét sàn sạch sẽ, chỉ có 1/10 người vứt tờ rơi xuống sàn.

Một cách tự nhiên, lái xe lựa chọn cách cư xử dường như phù hợp nhất với nhận thức của họ về môi trường xung quanh.

Những nghiên cứu này cho thấy một điều sâu sắc, và có lẽ khó chịu một chút, về thứ làm nên con người chúng ta: tôi và bạn không chỉ có một bản thế. Dù chúng ta có những cá tính riêng biệt, nhưng tín hiệu ngoại cảnh đôi khi khiến ta cư xử khác với tính cách vốn có của mình đến mức đôi khi thật khó để xác định bản thân thật sự là ai, hay ít nhất, ta sẽ làm gì trong một hoàn cảnh nhất định.

Ta vẫn luôn thoải mái với niềm tin rằng mỗi người có một bản chất riêng biệt: người tốt cư xử tử tế, người xấu hành động xấu xa và xu hướng tốt hay xấu đều do ta quyết định.

Nhưng những bằng chứng ngày càng chứng minh rằng, ở một mức độ nào đó, bản chất của chúng ta – một công dân tốt hay một kẻ vô trách nhiệm – sẽ thay đổi tùy lúc, phụ thuộc vào môi trường lúc ấy.

Những tín hiệu từ môi trường có thể định hình và thay đổi ta thậm chí cả khi ta di chuyển từ một địa điểm trong thành phố đến một nơi khác cũng trong nội thành.

Về tác giả: Adam Alter, trợ lý giáo sư khoa marketing tại New York University’s Stern School of Business, là tác giả của cuốn “Drunk Tank Pink: And Other Unexpected Forces That Shape How We Think, Feel, and Behave.”

Trạm Đọc (Read Station)

Theo NYTimes

Tags: phi lý trí