Biến tiềm năng thành tài năng: Hướng dẫn để không bỏ phí tiềm năng phát triển ở mỗi cá nhân
Biến tiềm năng thành tài năng: Hướng dẫn để không bỏ phí tiềm năng phát triển ở mỗi cá nhân
Năm 1991, đội cờ vua ưu tú của trường tư thục Dalton đã vô địch giải cờ vua Mỹ liên tiếp 3 năm. Vậy, liệu đội Raging Rooks, một nhóm các bạn trẻ từ trường công lập Harlem, có thể làm được gì để đạt được mục tiêu vô địch giải cờ vua này không?
Biến Tiềm Năng Thành Tài Năng
(17 lượt)
Những "kẻ yếu thế" đã khởi đầu mạnh mẽ nhưng sau đó rơi xuống vị trí thứ 5. Huấn luyện viên Maurice Ashley đã khích lệ họ, và đội trưởng Kasaun Henry đã đánh bại người chơi giỏi nhất của Dalton để giành danh hiệu! Làm sao một đội thiếu nhân lực và tài nguyên lại có thể đánh bại những chuyên gia trình độ Olympic? Theo Adam Grant, đó là tiềm năng tiềm ẩn.

Trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, Grant giải thích rằng chúng ta không nên tập trung vào thiên tài bẩm sinh hay những thành tựu lớn lao. Thay vào đó, chúng ta nên ưu tiên các kỹ năng có thể học được và đánh giá dựa trên tiến bộ của mỗi người. Khi làm như vậy, bất kỳ ai cũng có thể đạt được những thành tựu lớn hơn. 

Grant là nhà tâm lý học tổ chức tại Trường Kinh doanh Wharton. Sách của ông đã bán được hàng triệu bản. Có thể kể đến những cuốn sách nổi bật của ông như: “Dám nghĩ lại”, “Tư duy ngược dịch chuyển thế giới”, “Cho và nhận”...

Cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng” không chỉ khuyến khích độc giả xem xét tài năng và thành công dưới góc nhìn mới mẻ, mà còn đưa ra một góc tiếp cận độc đáo để phát triển khả năng bản thân. Thay vì xem thiên tài và thành tựu to lớn là tiêu chí đo lường, Grant tập trung vào cách con người có thể đạt đến những mục tiêu lớn qua quá trình học hỏi và cải thiện liên tục. Grant  chia cuốn sách thành ba phần chính với 40 chiến lược thực tiễn hàng đầu để khai mở tiềm năng còn đang ẩn giấu và đạt được thành tựu lớn lao hơn:

  1. Kỹ năng nhân cách (Character Skills): Các kỹ năng như kiên nhẫn, kỷ luật và khả năng vượt qua khó khăn là yếu tố không thể thiếu trong việc biến tiềm năng thành tài năng thực sự.
  2. Cấu trúc động lực (Sustaining Motivation): Grant nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ động lực dài hạn trong mọi nỗ lực phát triển bản thân, bất kể thành công ngắn hạn hay thử thách.
  3. Hệ thống cơ hội (Systems of Opportunity): Grant cũng nhấn mạnh rằng môi trường và hệ thống hỗ trợ xung quanh có vai trò lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển cá nhân.

Grant sử dụng nhiều câu chuyện thực tế để minh họa cho những khái niệm này, từ việc học sinh trường công lập đánh bại đối thủ mạnh trong các cuộc thi cho đến việc các cá nhân tự vượt qua giới hạn bản thân và đạt thành công bền vững.

Trong mỗi người luôn ẩn giấu một viên kim cương chờ được khám phá (Ảnh minh họa: Medium)

 

Kỹ năng nhân cách: Bắt đầu trước khi bạn sẵn sàng

Chúng ta thường sử dụng từ “nhân cách” và “tính cách” một cách đồng nghĩa, nhưng theo Grant, có sự khác biệt: “Tính cách thiên về khuynh hướng, là những bản năng cơ bản trong cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Trong khi đó, nhân cách là khả năng ưu tiên các giá trị bạn xem trọng hơn những thôi thúc bản năng.”

Grant giải thích rằng “nhân cách” không chỉ là những đặc điểm vốn có mà chúng ta thể hiện mà là khả năng ưu tiên giá trị bản thân hơn những bản năng hay xu hướng tự nhiên. Đây là yếu tố quan trọng giúp mọi người vượt qua nỗi sợ hãi và bước vào vùng thoải mái mới, điều mà Grant gọi là “chịu đựng sự khó chịu”. 

Một điểm nổi bật mà Grant nhấn mạnh là việc bắt đầu trước khi bạn sẵn sàng. Những người thành công không chờ đợi đến khi có đầy đủ công cụ hoặc điều kiện hoàn hảo; họ bắt tay vào công việc ngay từ những bước đầu tiên và điều chỉnh qua từng bước đi. 

Để giải thích cho điều này, Adam Grant đã lấy ví dụ về việc học một ngoại ngữ mới, cho thấy rằng càng chờ đến khi cảm thấy chuẩn bị đầy đủ, tiến bộ càng chậm lại.

Grant viết: “Bạn không thể thực sự thoải mái với một kỹ năng chừng nào bạn chưa thực hành đủ để thành thạo. Nhưng vì công đoạn luyện tập trước khi thành thạo vốn không thoải mái nên bạn thường né tránh. Việc tăng tốc trong học tập đòi hỏi hình thức can đảm thứ hai: đủ dũng khí để sử dụng kiến thức mà bạn đã tiếp thu.” 

Những cách khác để bạn “chịu đựng sự khó chịu” và bắt đầu trước khi sẵn sàng có thể là: 

  • Thay đổi phong cách học để phù hợp với điều bạn đang cố gắng học, ngay cả khi đó không phải là phong cách ưa thích của bạn.
  • Vượt qua giới hạn của bản thân và khám phá các thách thức mới khi tiến lên.
  • Đặt mục tiêu tối thiểu về số lỗi mắc phải mỗi tuần hoặc mỗi ngày. Khi đó, thất bại sẽ trở thành một phần của kế hoạch, nó sẽ ít gây tổn thương hơn.

Bên cạnh đó, câu chuyện về việc Grant thể hiện các trò ảo thuật trong cuộc phỏng vấn với cựu sinh viên Harvard là một minh chứng sinh động cho nguyên tắc này. Grant chứng minh rằng dù có tài năng đến đâu, việc liên tục tự tạo cơ hội thử thách mới sẽ giúp chúng ta trưởng thành nhanh chóng và vượt qua giới hạn của mình.

 

Cấu trúc động lực: Tiếp tục dù cảm thấy bế tắc, dù phải đi đường vòng

 

Trên con đường đi đến bất kỳ mục tiêu nào, những rào cản là điều không thể tránh khỏi. Khi vấp phải những rào cản bên ngoài, chúng thường gây ra những rung chấn bên trong. Công việc lặp đi lặp lại bắt đầu khiến chúng ta buồn chán và cuối cùng dẫn đến kiệt sức. Sự trì trệ khiến chúng ta nản chí. Những nhiệm vụ khó khăn dẫn đến thất bại, chán nản và nghi ngờ. Chúng ta bắt đầu tự hỏi liệu mình có thể vượt qua được không, chứ đừng nói đến việc tiến về phía trước. 

Grant thừa nhận rằng quá trình phát triển tài năng hiếm khi là một đường thẳng. Thay vào đó, chúng ta thường cảm thấy như mình đang đi vòng, hoặc thậm chí đôi khi quay lại từ đầu. Tuy nhiên, ông gọi đó là "con đường vòng dẫn đến tiến bộ" – những nỗ lực đôi khi chậm chạp nhưng vẫn đang tiến dần đến thành công.

(Ảnh minh họa: Medium)

Grant kể lại câu chuyện của R. A. Dickey, một cầu thủ ném bóng chày, đã chìm nổi ở Giải đấu phụ trong nhiều năm. Ở tuổi 31, khi đã qua thời kỳ đỉnh cao, anh ấy bắt đầu hoàn thiện kỹ thuật ném bóng xoáy. Sau khi luyện tập cú ném của mình hơn 30.000 lần, ở tuổi 35, anh ký hợp đồng nhiều năm, trị giá hàng triệu đô la với đội New York Mets.

Trong cuốn sách, Grant đã viết: “Sa lầy không phải là dấu hiệu cho thấy bạn đã thất bại. Sự ổn định cũng không phải là dấu hiệu cho thấy bạn đã đạt đến đỉnh cao. Đó là những tín hiệu cho thấy đã đến lúc bạn phải quay lại và tìm một lộ trình mới. Khi bạn bị mắc kẹt, nguyên nhân thường là do bạn đi sai hướng, sai đường hoặc hết năng lượng. Để lấy đà, việc cần làm thường là lùi lại và điều chỉnh hướng đi về phía con đường khác - ngay cả khi đó không phải là con đường bàn đầu bạn dự định đi. Nó có thể xa lạ, quanh co và gập ghềnh. Sự tiến bộ hiếm khi diễn ra theo một đường thẳng mà theo đường vòng.” 

Grant nhận định sự tiện bộ hiếm khi có thể nhận thấy tức thì mà nó diễn ra trong thời gian dài. Nếu cứ tập trung chú ý vào một thời điểm khó khăn cụ thể, bạn sẽ dễ cảm thấy bế tắc. Chỉ khi nhìn vào quỹ đạo của bản thân trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm, bạn mới trân trọng quãng đường mình đã đi được. 

Từ trường hợp của mười ba sĩ quan Hải quân “Golden Thirteen” - nhóm đàn ông da đen đầu tiên ở Mỹ được đeo sao vàng và mang quân hàm sĩ quan. Golden Thirteen đã từng bị nhiều người xung quanh nghi ngờ. Họ cũng đã có lúc nghi ngờ chính mình. Nhưng họ tin tưởng lẫn nhau và quyết tâm mở đường cho người khác. Qua câu chuyện của họ, Grant muốn gửi gắm lời khuyên để chúng ta tìm kiếm sự tự tin và kỹ năng tiềm ẩn bên trong mình. Ngoài kỹ năng “tự thân vận động”, chính việc hướng ngoại, tận dụng nguồn lực để cùng nhau đạt được mục tiêu mới giúp chúng ta khám phá và phát triển tiềm năng còn đang bị chôn vùi. Khi mọi thứ chống lại chúng ta, chính việc cố gắng hướng ra bên ngoài là điều giúp ta bắt đầu cất cánh. 

 

Hệ thống cơ hội: Mở ra những cánh cửa và chân trời mới

 

Kỹ năng nhân cách và giàn giáo có thể giúp chúng ta khai mở tiềm năng ẩn giấu trong bản thân và những người xung quanh. Nhưng để mang lại cho nhiều người cơ hội đạt được những điều lớn lao hơn, chúng ta cần điều gì đó có sức ảnh hưởng hơn. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải xây dựng hệ thống tốt hơn trong trường học, nhóm và tổ chức.

Phần thứ ba của cuốn sách tập trung vào việc xây dựng hệ thống để mở rộng cơ hội. Chính những cánh cửa mà lẽ ra xã hội phải mở ra cho những người có tiềm năng to lớn lại thường bị đóng chặt một cách vô lý trước những ai đối mặt với vô vàn khó khăn. 

Tương ứng với mỗi câu chuyện hy hữu về một cá nhân tạo được sự đột phá sau khi bị đánh giá thấp hoặc bị coi thường là hàng ngàn người chưa từng có cơ hội vươn lên. Chính vì thế, tác giả sẽ hướng dẫn bạn cách thiết kế mô hình trường học, nhóm và tổ chức có thể nuôi dưỡng thay vì làm lãng phí tiềm năng. 

Grant nhấn mạnh tầm quan trọng của hoàn cảnh sống đối với việc hình thành nên một con người. Theo đó, gia đình khá giả, vị trí địa lý thuận lợi, môi trường sống có nhiều tấm gương tốt… sẽ tạo ra các hệ thống cơ hội cho tất cả mọi người tiến xa hơn. Khi xây dựng hệ thống để giải phóng tiềm năng đang ẩn trong cộng đồng, chúng ta sẽ giảm thiểu nguy cơ mất đi những tài năng như Einstein, Curie…

(Ảnh minh họa: Medium)

Cuốn sách cũng sẽ dẫn bạn ghé thăm một quốc gia nhỏ bé nhưng đã xây dựng được một trong những hệ thống giáo dục thành công nhất thế giới, đó là Phần Lan. Grant đã chỉ ra rằng bí quyết thành công của nền giáo dục Phần Lan chính là nhờ câu thần chú phổ biến là “Chúng ta không thể lãng phí bất kỳ chất xám nào”. Tư duy này khiến văn hóa giáo dục của họ trở nên khác biệt. Họ biết rằng chìa khóa để nuôi dưỡng tiềm năng không phải là đầu tư vào những học sinh sớm bộc lộ những dấu hiệu có tài năng đỉnh cao, mà đầu tư vào mọi học sinh, bất kể tài năng họ thể hiện ra bên ngoài thế nào. 

Thiết lập các hệ thống sẽ đầu tư và cơ hội cho tất cả mọi người, không chỉ những học sinh có năng khiếu và nhân viên có tiềm năng cao. 

Để khơi dậy trí tuệ tập thể trong nhóm, chúng ta cần tập trung vào 4 điểm chính:

  • Chuyển nhóm thành đội
  • Chọn người lãnh đạo dựa trên kỹ năng xã hội
  • Chuyển từ các buổi động não sang động não bằng hình thức viết
  • Thay thế hệ thống thứ bậc bằng hệ thống mạng lưới

Grant cũng đề xuất 5 phương pháp để tìm kiếm nhân tài ẩn giấu trong các cuộc phỏng vấn xin việc và tuyển sinh đại học: 

  • Loại bỏ yêu cầu về bằng cấp và kinh nghiệm
  • Xem xét các mức độ khó khăn
  • Sử dụng quỹ đạo thành tích trong đánh giá
  • Tái thiết buổi phỏng vấn hướng ứng viên đến thành công
  • Xác định lại thành công

‘Biến tiềm năng thành tài năng’ sẽ khiến bạn nghĩ lại về cách học tập và phát triển năng lực, dù bạn đang là một người học, đã đi làm, một giáo viên hay một phụ huynh. Tôi tin rằng không chỉ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mà cả những người làm giáo dục, người làm chính sách đều nên đọc cuốn sách này.” - Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, trường Đại học FPT.

Nhiều người mơ về việc đạt được các mục tiêu của mình, đo lường sự tiến bộ của bản thân bằng địa vị và những lời khen ngợi, nhưng những thành quả quan trọng nhất lại là thứ khó đong đếm nhất. Sự phát triển có ý nghĩa nhất không phải là xây dựng sự nghiệp mà là xây dựng nhân cách của chúng ta. 

Thành công không chỉ là mục tiêu sống theo các giá trị chúng ta coi trọng. Không có giá trị nào cao cả hơn việc khao khát trở thành một người tốt hơn so với phiên bản của ta ở hiện tại. Không có thành tựu nào vĩ đại hơn việc giải phóng tiềm năng còn đang ẩn giấu trong ta. Và “Biến tiềm năng thành tài năng” sẽ giúp bạn đạt được điều đó. 


- Trạm Đọc

Tags: