Xuất bản thế giới đối mặt tình trạng thiếu giấy
Xuất bản thế giới đối mặt tình trạng thiếu giấy
Giá giấy ở Italy, Mỹ tăng, trong khi Nga thiếu giấy. Tình trạng này đe dọa lợi nhuận của các nhà xuất bản, dẫn tới giá sách tăng, sách mới chậm ra mắt.

Mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói trên Fox News về sự chậm trễ trong việc in thêm các bản sao cuốn Our Journey Together - sách ảnh về nhiệm kỳ tổng thống của ông. Donald Trump kể công nhân nói với ông rằng nhà in không thể lấy được giấy, mực, keo, da - những nguyên liệu để làm sách.

 Không riêng gì nhà xuất bản in sách của ông Donald Trump, ngành xuất bản ở nhiều nơi đang phải đối mặt tình trạng khủng hoảng giấy in.

Hình ảnh tại hội sách ở Quảng trường Đỏ vào tháng 6/2020. Ảnh: Chesnokova/dpa.

Giá giấy tăng ảnh hưởng lợi nhuận của nhà xuất bản

Brian O'Leary, Giám đốc điều hành Book Industry Study Group, nơi đang phân tích các vấn đề về chuỗi cung ứng của ngành xuất bản, cho biết giấy đang trở nên khó tìm hơn. Các nhà máy đã cắt giảm sản xuất giấy cho sách và tạp chí, thay vào đó sử dụng bột giấy để làm bìa cứng, bao bì và các loại giấy khác sinh lợi hơn.

Trước đây, người mua giấy chiếm ưu thế trên thị trường, có thể đặt mua từ nhà máy sản xuất bao nhiêu khi cần. Giờ đây, các nhà máy sản xuất cho các nhà in biết rằng họ có thể bán bao nhiêu giấy.

Trong một số trường hợp, việc thiếu giấy làm thay đổi kích thước sách. Các loại giấy khác nhau sẽ quyết định độ dày của một cuốn sách. Một người dùng Twitter đăng hình ảnh hai bản sao cuốn The Secret History của Donna Tartt, một bản mỏng hơn đáng kể so với bản thứ hai, mặc dù cả hai đều có cùng mức giá.

Ngành xuất bản ở một số nơi đang rơi vào tình trạng thiếu giấy, giá giấy tăng cao. Tại một hội thảo dành cho người bán sách diễn ra tại Venice gần đây, Hiệp hội các nhà xuất bản Italy (AIE) coi giấy là một trong hai cuộc khủng hoảng mà ngành sách nước này phải đối mặt.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà xuất bản Italy, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là chi phí nguyên liệu giấy tăng mạnh, đe dọa thị trường. Điều đó dẫn tới nguy cơ giảm nguồn cung sách và tạp chí, chậm trễ trong việc giao hàng, có thể tăng giá sách và các vấn đề nghiêm trọng hơn ở lĩnh vực xuất bản học liệu, tài liệu trong giáo dục.

Ông Ricardo Franco Levi, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất bản Italy, gọi giá giấy tăng cao là “tình trạng khẩn cấp, một mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới sách”.

“Những đợt tăng giá không thể chịu nổi này đang đè bẹp lợi nhuận của tất cả nhà xuất bản”, ông Levi nhận định trên Publishingperspective. Điều này dẫn đến nguy cơ tăng giá bìa đối với sách, đặc biệt ảnh hưởng tới các nhà xuất bản học thuật.

Để khắc phục tình trạng này, AIE đang làm việc với hai đơn vị liên quan là Hiệp hội Xuất bản Quốc gia (ANES) và Liên đoàn Giấy và Đồ họa. Ba tổ chức đang kêu gọi Rome miễn giảm thuế đối với việc mua giấy để xuất bản sách. Khoản miễn giảm thuế đó nhằm bù đắp chi phí giấy tăng nhanh.

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội các nhà xuất bản Italy chú trọng việc xuất bản phục vụ trường học, cam kết đảm bảo cho nhà trường, gia đình có sẵn sách giáo khoa.

Cùng một tác phẩm nhưng hai cuốn sách có kích cỡ khác nhau. Việc khan hiếm giấy làm thay đổi kích thước sách. Ảnh: Alex/Twitter.

Người mua sách chịu thiệt

Tình trạng thiếu giấy đã xảy ra trong thời gian dài, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2021, Nga đối mặt thách thức thiếu giấy in offset và giá giấy tăng tới 10%.

Thị trường sách của Nga nhập khẩu 80% giấy từ nước ngoài. Hầu hết sản phẩm giấy in của Nga do đối tác từ Trung Quốc và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cung cấp. Đại dịch xảy ra khiến biên giới đóng cửa, sau này là chính sách hạn chế tiếp xúc khiến nguồn cung giấy vào Nga giảm. Điều đó tác động tiêu cực đến thị trường xuất bản.

Konstantin Lun, Giám đốc sản xuất của Nhà xuất bản Alpina có trụ sở tại Moscow, nói: “Vì sự thiếu hụt giấy và giá giấy tăng đáng kể đã dẫn đến việc tăng giá sách. Tất nhiên, tăng giá là vấn đề rất nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp xuất bản, nhưng cuối cùng, hậu quả sẽ chuyển thẳng tới khách hàng”. Giá sách tại Nga đã tăng khoảng 10% trong năm 2021.

Tình trạng thiếu giấy ở châu Âu vào cuối năm 2021 được phản ánh trên Independent. Báo này cho rằng phần lớn sự thiếu hụt do các nhà máy giấy châu Âu đang vật lộn để tìm công nhân khi hoạt động trở lại sau khi ngừng hoạt động do Covid-19.

Bà Mariel Deegan, Tổng giám đốc New Island Books, có trụ sở tại Ireland, cho hay tình trạng thiếu giấy đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp. Với đơn đặt trước (đặt mua trước khi sách ra mắt), các nhà in và nhà xuất bản phải chật vật tìm giấy in. Trong khi giá sách đặt trước đã được định, giá giấy lại tăng cao khiến doanh nghiệp xuất bản gặp khó.

Trang Bookseller đánh giá sự thiếu hụt bột giấy trên toàn cầu đang gây ra sự gián đoạn lớn cho ngành công nghiệp xuất bản. Cuối năm 2021, một số nước châu Âu phải đối mặt tình trạng các nhà cung cấp chậm giao giấy 2-3 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng việc tái bản sách.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu hụt giấy được chỉ ra trên Bookseller là Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy giấy. Quốc gia này sản xuất lượng lớn nguyên liệu cho ngành giấy, đã thực hiện chính sách cắt giảm nhà máy giấy để giảm tiêu thụ năng lượng, đạt các mục tiêu về bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, giá giấy cũng tăng ảnh hưởng hoạt động của các nhà xuất bản, làm tăng giá sách bán ra thị trường. Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền Công ty Nhã Nam - cho biết trong khoảng 6 tháng đầu năm 2021, tình trạng khan hiếm giấy khiến nhà in 3 lần điều chính giá.

Ông Trần Việt Anh - Phó giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - thông tin các nhà in tăng giá do giấy nhập khẩu tăng. Giấy trong nước sản xuất cũng tăng giá, có loại giấy tăng 20%, đặc biệt có loại tăng tới 50% so với năm 2020.

“Nếu giá sách tăng, người tiêu dùng sẽ thiệt thòi hơn”, ông Trần Việt Anh nói.

Với các nhà xuất bản, công ty phát hành, khi chi phí sản xuất tăng họ sẽ điều chỉnh giá sách. Có đơn vị sẽ chuyển mức tăng giá giấy, chi phí sản xuất vào giá sách nhưng cũng có nơi chọn tăng vừa phải để chia sẻ với người mua.

Theo Zing News

Tags: