Hiểu được kiểu gắn kết của mình sẽ giúp ích cho bạn như thế nào trong các mối quan hệ?
Hiểu được kiểu gắn kết của mình sẽ giúp ích cho bạn như thế nào trong các mối quan hệ?
Nghệ thuật "Chọn bạn mà chơi"
(6 lượt)
Omri Gillath, lớn lên ở Israel, từng gặp khó khăn trong việc kết bạn và luôn tự hỏi tại sao người khác lại làm điều đó một cách dễ dàng. Khi chuyển đến Mỹ để tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ về tâm lý học, ông càng cảm thấy khó khăn hơn khi thiết lập mối quan hệ mới, nhận ra rằng nhiều người coi tình bạn là thứ có thể dễ dàng từ bỏ, rằng khi chuyển đi, họ sẽ quên hết bạn bè. Khi đã trở thành một người nhập cư ở Mỹ và di chuyển thường xuyên, ông lo lắng rằng mình không có nhiều cơ hội để kết bạn lâu dài.

Tuy nhiên, Omri có một lợi thế là tính tò mò. Hiện tại, dù đã 50 tuổi và hói đầu như Sigmund Freud, nhưng ngay từ khi còn đại học, bạn bè đã gọi ông là Freud do sự quan tâm sâu sắc của ông đến lý do mọi người làm những gì mà họ làm. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc trong lĩnh vực tư vấn và nghiên cứu về tự tử cũng như ý nghĩa cuộc sống để thỏa mãn trí tò mò của mình về con người thông qua nghiên cứu về các kiểu gắn kết. 

Lý thuyết về sự gắn kết đã giúp ông nhận diện được những người là chuyên gia trong việc kết bạn và duy trì tình bạn. Những “người bạn siêu phàm” này không chỉ giỏi trong việc kết bạn mới mà tình bạn của họ cũng sâu sắc và bền chặt hơn. Họ sẽ không do dự giúp bạn giải quyết một tình huống khẩn cấp dù là lúc nửa đêm. 

Những người này không chỉ phát triển trong các mối quan hệ của họ mà còn trong mọi mặt của cuộc sống, cho thấy khả năng kết nối với người khác có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Họ có sức khỏe tinh thần tốt, cảm thấy mình quan trọng, cởi mở với các ý tưởng mới và có ít định kiến hơn. Họ hài lòng hơn trong công việc và được đồng nghiệp đánh giá cảm thấy hối tiếc và đối phó tốt với khó khăn. Trong tình huống căng thẳng, họ giữ được bình tĩnh và ít có khả năng mắc các bệnh liên quan đến stress như đau tim hay đau đầu. Khi tôi trò chuyện với Omri Gillath, Tiến sĩ, hiện là giảng viên tại Đại học Kansas trong đại dịch COVID-19, ông nhận định rằng những người bạn siêu phàm này thích nghi tốt hơn với sự hỗn loạn.

Những “người bạn siêu phàm” này phản ứng rất khác biệt trong các tình huống như vụ đổ sữa được nhắc tới ở đầu chương. Trong một số nghiên cứu, trẻ em được hỏi về cách nhìn nhận hành động của bạn bè trong hoàn cảnh tương tự và ít nghiêm trọng hơn. Một số trẻ cho rằng bạn của chúng có ý đồ xấu, cố tình làm chúng xấu hổ, dẫn đến cảm giác tức giận khi sữa bị đổ vào người. Một số trẻ muốn trả đũa bằng cách đáp lại hành động đó. Tuy nhiên, những “người bạn siêu phàm” lại xem sự việc chỉ là một tai nạn, họ tha thứ và không trách móc Eric, thậm chí còn an ủi Eric rằng mọi thứ đều ổn.

Điểm khác biệt chính của những người bạn siêu phàm này là họ cảm thấy an toàn. Theo lý thuyết gắn kết – lý thuyết đã làm thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Gillath – gắn kết an toàn là một trong kiểu gắn kết cơ bản:

  1. Gắn kết an toàn: Những người này cảm thấy xứng đáng được yêu thương và tin tưởng người khác sẽ yêu thương họ. Niềm tin này trở thành một mẫu mực vô thức trong mọi mối quan hệ của họ, giúp họ không nghi ngờ người khác, dễ dàng mở lòng, yêu cầu và nhận được những gì mình muốn, nâng đỡ người khác và đạt được sự thân thiết. 
  2. Gắn kết lo âu: Những người này lo sợ rằng người khác sẽ bỏ rơi họ. Để tránh bị bỏ rơi, họ có xu hướng níu kéo, hy sinh quá mức cho người khác hoặc lao vào mối quan hệ thân mật quá nhanh.
  3. Gắn kết lẩn tránh: Những người này cũng sợ bị bỏ rơi nhưng thay vì níu kéo, họ lại giữ khoảng cách với người khác. Họ coi thân mật là một dấu hiệu của sự tổn thương tiềm tàng và do đó đẩy người khác ra xa, gạt bỏ sự thành thực và rời bỏ các mối quan hệ quá sớm. Các mối quan hệ từ thời thơ ấu với người chăm sóc chính là nền tảng cho các kiểu gắn kết này. Nếu những người chăm sóc tình cảm và hào phóng, chúng ta sẽ cảm thấy an toàn. Ngược lại, nếu họ lạnh lùng, xua đuổi, hoặc can thiệp quá sâu – ví dụ như la mắng chúng ta không được khóc khi buồn, bỏ rơi khi chúng ta cần chơi, hoặc trừng phạt vật lý khi chúng ta làm rơi thức ăn – chúng ta sẽ phát triển một kiểu gắn kết bất an, coi thế giới đầy rẫy nguy hiểm và tin rằng người khác sẽ bỏ rơi hoặc đối xử tệ với mình. Để bảo vệ bản thân khỏi sự ngược đãi mà chúng ta cho là mình sẽ phải chịu đựng, chúng ta có thể hành động theo cách lo âu hoặc lẩn tránh. Cũng có một kiểu gắn kết vô tổ chức, dùng để miêu tả những người dao động giữa hai kiểu trên một cách cực đoan hơn.

Tuy nhiên, gắn kết không chỉ do cha mẹ quyết định. Một nghiên cứu chỉ ra rằng 72% người giữ nguyên kiểu gắn kết từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, nhưng nghiên cứu khác lại cho rằng tỷ lệ này chỉ là 26%. Cả hai nghiên cứu đều có phạm vi hẹp, vì thế cần có thêm nghiên cứu để xác định rõ ràng hơn.

Everett Waters, giáo sư tại Đại học Stony Brook và là người tiến hành một trong hai nghiên cứu kể trên, chia sẻ với tôi rằng những trải nghiệm gắn kết khi còn nhỏ với người chăm sóc đặt nền móng cho kỳ vọng về các mối quan hệ sau này, nhưng những kỳ vọng này có thể thay đổi qua các mối quan hệ khác. Ông giải thích rằng khi chúng ta tích lũy kinh nghiệm qua các mối quan hệ bạn bè, những kỳ vọng ban đầu sẽ dần được thay thế bởi những kỳ vọng dựa trên trải nghiệm thực tế với bạn bè. Nói cách khác, mỗi mối quan hệ mới có khả năng thay đổi kiểu gắn kết của chúng ta.

Dù kiểu gắn kết có thể thay đổi dựa trên các mối hệ hiện tại, lý thuyết gắn kết vẫn cho thấy chúng ta nhìn nhận các mối quan hệ một cách không khách quan; quan điểm của chúng ta bị ảnh hưởng bởi quá khứ và cách người chăm sóc hoặc người khác trong đời đối xử với ta. Phần lớn chúng ta không nhận thức được điều này và cho rằng cái nhìn của mình – được hình thành qua kiểu gắn kết – là sự thật. Tôi từng có những người bạn nghi ngờ rằng một người bạn chung không ưa họ, trong khi thực tế người đó đã khen ngợi họ rất nhiều khi nói chuyện với tôi. Tôi cũng từng nhận được tin nhắn từ nhiều người đang tìm kiếm lời khuyên về tình bạn, những người đã để mất đi các mối quan hệ tiềm năng chỉ vì nghĩ rằng “nếu họ không chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện, họ không muốn lắng nghe tôi.” Vậy những định kiến này xuất phát từ đâu? Không phải từ cách mọi người nhìn nhận chúng ta, vì chúng ta không thể biết chắc chắn suy nghĩ hay động cơ của họ. Thay vào đó, chúng ta chỉ đang vô thức sử dụng quá khứ để hiểu thế giới hiện tại của mình.

  • Khi chúng ta tin tưởng mà không có bằng chứng rõ ràng rằng ai đó chỉ liên lạc với ta vì họ buồn chán và cô đơn, đó là do sự gắn kết đang tác động.
  • Khi chúng ta lo sợ điều tồi tệ sẽ xảy ra trong một mối quan hệ bạn bè tốt đẹp, sự gắn kết đang tác động.
  • Khi chúng ta cảm thấy khao khát mạnh mẽ và bí ẩn muốn rút lui, sự gắn kết đang tác động.
  • Khi chúng ta tin rằng người khác sẽ làm ta thất vọng, phán xét ta khi ta dễ bị tổn thương, hoặc từ chối ta khi ta cần sự hỗ trợ, sự gắn kết đang tác động.
  • Khi chúng ta tin rằng bạn bè ngay từ đầu đã không thích chúng ta, sự gắn kết đang tác động.
  • Khi chúng ta cho phép người khác thấy những ưu điểm, mặt vui vẻ hoặc mặt mỉa mai của mình, sự gắn kết đang tác động.
  • Khi chúng ta tiếp tục quan hệ với những người đối xử tồi tệ với chúng ta, sự gắn kết đang tác động.

Sự gắn kết là cách chúng ta hiểu và giải thích những điều mơ hồ trong các mối quan hệ. Đó là “cảm giác” mà chúng ta dùng để đoán xem điều gì đang thực sự xảy ra trong mối quan hệ đó. Tuy nhiên, cảm giác này không dựa trên việc bình tĩnh phân tích các sự kiện mà lại bị ảnh hưởng bởi cách chúng ta đã trải qua trong quá khứ và áp đặt nó lên hiện tại.

Hiểu được kiểu gắn kết của mình rất quan trọng không phải để tự trách mình vì nhìn nhận mọi thứ một cách thiên lệch, mà để giúp chúng ta hiểu bản thân và phát triển hơn trong các mối quan hệ bạn bè. Nếu bạn từng tự hỏi: “Tại sao tôi không thể kết bạn hoặc duy trì tình bạn?” việc nhận diện kiểu gắn kết đang định hình cách bạn đối xử với người khác, nó có thể đem lại những hy vọng mới và đặt nền móng cho những bước tiến trong tương lai.

- Trích: “Nghệ thuật ‘chọn bạn mà chơi’” của Tiến sĩ Marisa G. Franco

 

Tags: