Hình tượng nam giới gắn với sự thống trị, lãnh đạo, tự chủ và mạnh mẽ. Cuộc đời nam giới sẽ không phải chịu những bất công, ngang trái, thiệt thòi mà phụ nữ đã, đang và sẽ trải qua suốt bao năm.
Nhưng cuộc sống của những bé trai, hay chính xác hơn là của nam giới, gặp ít “bất công” hơn bởi họ phải sống trong những khủng hoảng từ khi mới sinh ra: cuộc khủng hoảng nam tính - bi kịch thay lại là một cuộc khủng khoảng không được thừa nhận.
Ba từ nguy hiểm nhất mà một người đàn ông nhận được khi anh ta là một câu bé là khi được bảo: ‘Hãy là một người đàn ông’ (Be a man) - Joe Ehrmann -
Từ khi sinh ra, các bé trai đã được hướng đến sử dụng các gam màu trầm, chơi những thứ đồ chơi như xe hơi, máy bay, khủng long,... những đối tượng được gắn liền với sự nam tính, mạnh mẽ. Thực tế, không có bất kì mối liên kết nào giữa màu sắc hay đồ chơi đến xu hướng giới tính. Cha mẹ và những người xung quanh - đối tượng trực tiếp của những định kiến là người tiếp tục áp đặt những định kiến ấy lên cho con trẻ và cho rằng đó là sự nam tính bẩm sinh.
Những bé trai thậm chí phải chịu tổn thương cảm xúc từ khi còn thơ ấu. Mọi trẻ em được sinh ra đều ngang bằng về mặt cảm xúc, nhưng có thể dễ dàng nhận ra rằng khi một đứa trẻ bị ngã, nếu là bé gái thường sẽ được nâng niu, dỗ dành nhiều hơn là bé trai, bởi con trai thì: “Phải mạnh mẽ và không được khóc”.
Như một hệ quả, dần dần khi trưởng thành nam giới sẽ nảy sinh trạng thái che giấu cảm xúc và hình thành các ức chế. Rất ít khi chúng ta bắt gặp các cô gái “cục tính” hay có thiên hướng bạo lực mà thay vào đó là đàn ông. Điều này một phần bắt nguồn do bản tính “thống trị” của linh trưởng đực, nhưng phần khác chính từ những dồn nén do cảm xúc bị che giấu và áp lực “làm đàn ông”.
Khi cùng phạm lỗi, con gái thường chỉ bị “giáo huấn” bằng lời nói, nhưng con trai thường là bạo lực. Khi lớn lên cùng đi học, con gái học lực bình thường là đủ nhưng con trai phải “thông minh”. Khi trưởng thành, con gái chỉ cần lấy chồng sinh con, nhưng con trai phải có “sự nghiệp”. Khi gặp khó khăn, con gái khóc và tìm hướng khác không sao cả, nhưng con trai phải cứng rắn và vượt qua khó khăn, con gái có thể mặc quần và áo ba lỗ, nhưng con trai lại không thể mặc áo trễ vai và váy xòe...
Sự xem nhẹ cảm xúc và sở thích của nam giới hóa ra gây ra nhiều hệ quả hơn chúng ta nghĩ. Đàn ông bị ép buộc phải che giấu những tổn thương và đau đớn của mình. Tiết lộ những yếu mềm đồng nghĩa với việc tự mình đánh mất đi sự nam tính chuẩn mực, để người khác biết mình đang khó khăn tức là mình quá kém cỏi… Đàn ông cứ bị gán mãi với hình ảnh “trụ cột”, “chỗ dựa” - những hình ảnh bản thân nó đã thể hiện sự mạnh mẽ, không gục ngã, không yếu mềm. Thậm chí, chính những bất công này còn được coi là một trong những nguyên nhân khiến tuổi thọ của đàn ông ngắn hơn phụ nữ: đàn ông mất nhiều thời gian hơn để nhận ra (và thừa nhận) rằng mình bị bệnh, tự xem nhẹ các dấu hiệu của cơ thể và không chấp nhận các phác đồ điều trị phù hợp...
Đấu tranh cho quyền bình đẳng giới không phải là đấu tranh cho phụ nữ mà là đấu tranh cho cả nam và nữ.
Đến một giai đoạn nhất định, khi nhận thức của con người dần trở nên hoàn thiện, sự “nam tính” ngày càng được mang ra mổ xẻ và bộc lộ ra những bất cập. Giới tính chỉ là một thiên hướng, và nó chỉ nên là một thiên hướng, không và không bao giờ nên trở thành một rào cản cho việc tự bộc lộ bản thân và giải phóng con người khỏi những định kiến.
Cuộc đấu tranh về nữ quyền luôn sục sôi, luôn được truyền thông PR rộng rãi, nhưng không có một ai đứng lên vì quyền nam giới: quyền được thoát ra khỏi những xiềng xích của kì vọng. Đã đến lúc người ta dạy những bé trai về việc được khóc, được buồn, được u sầu và được sống đúng với những cảm xúc thật sự của mình. Không có gì là “nam tính” hay “nữ tính”, không có gì được đong đếm bằng những giọt nước mắt hay số lượng cơ bắp, chúng ta chỉ có “nhân tính” và những giá trị được đong đếm bằng con người.
Phanh
Trạm Đọc.