Tại sao con người ngoại tình? Ngoại tình có thực sự làm ta hạnh phúc hơn không? Mà rốt cuộc thì ai mới là người đau khổ và hạnh phúc? Để nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, hãy cùng nhau hướng về quá khứ (và một chút tới tương lai) để nhìn lại những dấu mốc quan trọng, của lược sử ngoại tình.
Quito, Ecuador, năm 1532
Thực tế, tại vương quốc Inca, người ta ban hành hẳn một đạo luật quy định số thê thiếp tối đa cho mỗi cá nhân trong bộ máy quan lại như: Một ông đốc tỉnh có thể có 20 người hay 8 cô là đủ cho một trưởng làng. Khi ấy, ngoại tình không phải là thứ tội lỗi gì xấu xa, nó là thứ khẳng định cho phẩm giá và địa vị xã hội.
Versailles, tháng 6 năm 1745
Sau những tháng ngày yêu thương say đắm, giờ đây vua Louis XV đã dành tình cảm cho một người con gái khác – Madame de Pompadour. Nàng mới chớm 25, đài các và quyến rũ. Bất chấp sự thật rằng nàng đã có chồng, triều đình nhanh chóng tác thành cho hai người và quên bẵng sự tồn tại của nữ hoàng Marie – người giờ đây dành mọi thời gian cho thi nhạc và cũng tranh thủ có một vài cuộc tình nồng nhiệt cho riêng mình.
Câu chuyện của vua Louis cho ta thấy sự thật trần trụi rằng: Mỗi đám cưới hoàng gia là một lần cân đo đong đếm về tiềm lực chính trị và sức mạnh nội tại của quốc gia mà hai bên trị vì. Cũng tương đồng như mọi tầng lớp khác trong xã hội, đám cưới là phương thức giúp con người ta đạt được lợi ích về đất đai hay kinh tế: một cách để hợp nhất hai vùng đất hay đơn giản là biến người con rể trở thành lao động trong gia đình.
Khi ấy, hôn nhân vì tình yêu là điều gì đó xuẩn ngốc, vô trách nhiệm, làm phí phạm một cơ hội ngàn vàng. Ý tưởng một người cần phải nhất nhất chung thủy trong quan hệ vợ chồng sau khi đã có con được coi là kỳ lạ, và bệnh hoạn.
Leipzig, Đức, tháng 4 năm 1774
Tuy vậy, tác phẩm cũng thừa nhận rằng việc ngoại tình có sức cám dỗ mãnh liệt và bản năng yêu của một người không luôn luôn tuân thủ theo luật pháp hay luân lý. Nhân vật chính của tiểu thuyết – Whether - trót đem lòng yêu một người phụ nữ đã có chồng, vì nhận ra tương lai của hai người không thể ở bên nhau mà chàng đã túng quẫn đến mức tự kết liễu bản thân. Bằng ngòi bút điêu luyện của mình, Goethe đã nhấn mạnh thực tế rằng một cuộc tình vụng trộm, hay một mối tình đơn phương không đúng chỗ, luôn chứa đựng những hạnh phúc tột cùng và cả những tai ương khó tránh. Với sự thành công của Nỗi đau của chàng Whether, xã hội giờ nhìn nhận hôn nhân ở một vị thế hoàn toàn khác hẳn, chứ không chỉ là một liên minh lợi ích như nó đã từng, chỉ vài chục năm về trước.
Paris, ngày 7 tháng 2 năm 1857
Lối sống tình cảm phóng túng trong Madame Bovary đã gây nên tranh cãi gay gắt thời bấy giờ
Lúc này cũng là thời kỳ vàng của những cuộc hôn nhân lãng mạn, vốn được gắn kết trên cơ sở của tình yêu và sự ham muốn tính dục mạnh mẽ. Người bạn đời không chỉ đóng một, mà là nhiều vai trò trong cuộc đời của đối phương: đồng phụ huynh, quản lý gia đình, bạn tình và tri kỷ. Chủ nghĩa lãng mạn đã biến ngoại tình từ một thực trạng trong xã hội trở thành bi kịch khiến mọi gia đình đều phải kinh hoàng. Chủ đề ấy cũng được phản ánh trong nhiều tác phẩm văn học lớn của thời kỳ này. Từ Anna Karenina đến Middlemarch, những nhân vật nam chính/nữ chính đều bị tổn hại nghiêm trọng về thanh danh, địa vị, hoặc tệ hơn là phải tìm đến cái chết, khi trót phản bội lại lời nguyện thề họ đã trao tại nhà thờ.
Miami, ngày 3 tháng 5 năm 1987
Tại thời điểm trước khi tin tức được tung ra, ông Hart được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho cương vị tổng thống. Bê bối tình cảm đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới chiến dịch tranh cử của ông, và sau một tuần kháng cự yếu ớt cũng như xin lỗi công khai, Gary Hart đã chính thức rút lui. Cuộc lựa chọn người lãnh đạo đứng đầu cho toàn nước Mỹ, rốt cuộc đã đảo cực hoàn toàn vì chuyện tình cảm hoàn toàn riêng tư. Thế để thấy rằng ngoại tình không chỉ là vấn đề cá nhân, nó đã trở thành một bài kiểm tra nghiêm khắc nhất về giá trị đạo đức của mỗi con người.
Internet, tháng 5 năm 1992
Những ý tưởng về hôn nhân bền vững mà chúng ta vẫn thường quan niệm suốt vài thế kỷ nay đã bị xu hướng đa ái phá vỡ hoàn toàn. Công bằng mà nói, polyamory đã chỉ ra những bất đồng vốn tồn tại trong cuộc sống đôi lứa, nhất là về tính dục, nhưng chưa bao giờ được người ta thừa nhận kể từ khi chủ nghĩa lãng mạn lên ngôi.
Theo quan điểm của người đa ái, thay vì chỉ yêu một người bạn đời duy nhất và phải lừa dối họ về những ham muốn ngoài luồng, tại sao người ta không minh bạch đi tìm những đối tượng khác để thoả mãn khoái cảm? Với sự cởi mở trước những trào lưu tâm lý học mới, những ranh giới xung quanh khái niệm "ngoại tình" dường như đã bị xoá nhoà. Nhưng rất nhanh chóng, một làn sóng phản đối mới nổ ra, khẳng định Polyamory đã cố gắng lý tưởng hoá vấn đề, và họ đã cố tình lờ đi sức ảnh hưởng của một trong những bản chất nguyên thuỷ nhất của loài người: sự ghen tuông.
Toronto, Canada, tháng 7 năm 2015
Qua phân tích dữ liệu, người ta rút ra ba kết luận chính về những người đi ngoại tình:
Thứ nhất, họ vẫn dành tình cảm cho người bạn đời và mong muốn được tiếp tục mối quan hệ.
Thứ hai, họ không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của một số đối tượng. Thường thì những cám dỗ này là sự tổng hợp của cảm giác chán chường, đam mê và cả dục vọng. (Điều này thể hiện đúng với slogan của Ashley Madison: "Đời ngắn lắm, ngoại tình đi!")
Cuối cùng, họ hiểu rất rõ thực tế rằng những người bạn đời của họ chắc chắn sẽ bị tổn thương: hoặc phẫn nộ, hoặc đau đớn khi biết sự thật. Và họ không còn cách nào khác ngoại trừ việc giấu nhẹm nó đi. (Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của những người có xu hướng đa ái).
Vụ bê bối khổng lồ này góp phần tô điểm sự thực rằng: Đối với hàng triệu người dùng, ngoại tình thật sự là một lựa chọn bất đắc dĩ. Một mặt họ vẫn muốn duy trì hôn nhân, mặt khác họ khát khao được có những trải nghiệm tình ái mới lạ và mãnh liệt với một người nào khác. Trạng thái tiến thoái lưỡng nan đó không thể đạt được khi họ tiếp tục chung thuỷ, cũng như khi hoàn toàn độc thân. Giữa những luồng tranh cãi căng thẳng, một vụ việc đã bất ngờ xảy ra, đẩy mức độ nghiệm trong của sự kiện lên một tầm cao mới: Ngày 24 tháng 8 năm 2015, một mục sư và giáo sư giảng dạy thuộc trường dòng Thần học Baptist tại New Orleans đã tự tử, sau khi bị phát hiện là thành viên của cộng đồng này.
Ánh sáng của Chủ nghĩa lãng mạn đã mang tới cho chúng ta thứ tư tưởng trữ tình, nhưng cũng ngặt nghèo đến đáng sợ: Một mối quan hệ đúng nghĩa nên được hình thành trên cơ sở tình yêu. Việc con người ta ngoại tình chính là sự phủ định trực tiếp của tình yêu này, do đó phản bội bạn đời là một trong những điều tồi tệ nhất, khủng khiếp nhất mà chúng ta có thể làm.
Vụ bê bối của Ashley Madison nổ ra tại chính thời điểm mà nhiều nhân vật có sức ảnh hưởng lớn bị tiết lộ đang ngoại tình, hoặc có ý định ngoại tình. Nhân loại đang thực sự ở một thế bế tắc cực kỳ khó khăn, khi những niềm tin về tình yêu mà chúng ta đã mất rất lâu để hình thành, bỗng tan biến vụt chốc như bong bóng xà phòng.
Vậy tương lai nào sẽ xảy đến cho những cuộc tình không chung thuỷ?
Hella Basins, Sao Hoả, năm 2150
Từ những căn hộ mini trên sao Hoả, loài người sẽ cùng nhau nhìn lại một quá trình lịch sử, với ánh mắt thương hại chính họ trong thời kỳ trước kia, khi phải trải qua bao rủi ro để thoả mãn ngọn lửa tình mãnh liệt, và rùng mình trước những cuộc hôn nhân sắp đặt đầy vô cảm. Họ thoả mãn với thứ công nghệ mà họ cho là tiến bộ và nhân văn. Và họ mỉm cười nhìn chúng ta, những kẻ tầm thường yếu ớt đang sống trên Trái đất này, còn cách rất xa so với một tương lai lý tưởng, và vẫn còn phải chịu nhiều đau khổ, vì cái thứ ta gọi là tình yêu.
Theo The School of Life
Vân Anh (biên dịch)