Khủng hoảng Hà Giang và góc nhìn của một người đã từng nâng điểm
Khủng hoảng Hà Giang và góc nhìn của một người đã từng nâng điểm
Câu chuyện của một người đã từng được nâng điểm
Những ngày vừa qua, cả xã hội đang sôi sục vì scandal tự ý nâng điểm trong kì thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang. Hơn 100 em học sinh và hơn 300 bài thi với mức nâng từ một vài đến hơn 20 điểm đã bị phát hiện. Làn sóng phẫn nộ dâng cao, người ta giận dữ, khinh miệt, chửi rủa từ Bộ Giáo Dục, Sở Giáo Dục Hà Giang, chửi tới những ông lãnh đạo, những bậc phụ huynh đã chi và nhận không ít tiền, chửi đến cả những em học sinh được nâng điểm. Cá biệt còn có em được phỏng vấn lên báo với dòng title: "Để đạt điểm cao, trước hết em làm chắc những câu dễ", nhưng khi rà soát lại thì cũng được nâng tới mười mấy điểm.

Đi đâu cũng nghe người ta chửi Hà Giang, chửi Giáo Dục. Tôi buột miệng: "Khổ thân các em".

Bạn tôi vặc lại:

- Khổ gì cái lũ ấy. Được nâng một phát mười mấy hai chục điểm chả sướng bỏ xừ ra. Rồi cái ngữ ấy lại làm những ông nọ bà kia, bác sỹ kỹ sư. Đúng là nhà dột từ nóc.

Đột nhiên tôi thấy chạnh lòng và xấu hổ, vì tôi - cũng đã từng được "nâng điểm".

Related image

Ngày thi lên cấp 3, tôi học giỏi Văn nhưng bố mẹ chỉ muốn tôi học ban A (Toán, Lý, Hóa). Theo lý luận của bố mẹ, học ban Xã hội ở quê là "không có tương lai". Ngày ấy, cô dạy văn cấp 2 đã gọi điện về tận nhà để thuyết phục bố mẹ tôi cho thi chuyên Văn nhưng không được. Tôi khóc lóc có, cãi vã có, nhưng lúc ấy, tôi chỉ mới 15 tuổi, làm gì để chống lại quyết định của bố mẹ đây?

Điểm thi Toán (là tiêu chuẩn xét lớp chọn ban A khi ấy) tôi được 7.75, mà điểm tối thiểu để được xét tuyển vào lớp chọn là 8, chưa nói điểm đỗ. Và dĩ nhiên, bố mẹ tôi "đi cửa sau". Học sinh giỏi Tỉnh môn Văn nghiễm nhiên ngồi lớp chuyên ban A. Và dù sự thật là tôi học không hề dốt, suốt 3 năm cấp 3 luôn đứng top trong lớp, thi Đại học cũng được 8 điểm Toán khối A và 9 điểm Toán khối D (cái này là thi thật chứ không nâng), thì kí ức "đi cửa sau" để vào lớp Chọn năm lớp 10 cũng theo tôi đến tận bây giờ.

Tôi luôn có cảm giác rằng, mình đã cướp đi cơ hội của người khác. Lớp chọn và lớp không chọn có những sự khác biệt nhất định, đặc biệt là ở môi trường học. Không thể phủ nhận rằng học với người giỏi bao giờ cũng tiến bộ hơn là học với người dốt, thà làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Tôi biết bố tôi đã đúng phần nào, khi nói rằng không học lớp chọn ngày ấy, tôi không được như bây giờ (mặc dù thi Đại học tôi thi chính khối D chứ không phải khối A như hồi đi học). Nhưng rõ ràng, có gì đó không đúng ở đây.

Related image

Đúng, tôi đã sai. Và tôi cực kì xấu hổ. Tôi luôn né tránh nhắc đến chuyện điểm thi mỗi khi có ai đề cập đến. Dù sâu thẳm trong tim tôi biết rằng, mình không phải là người có lỗi. Lỗi duy nhất của tôi, nếu có, có lẽ chỉ là học không giỏi đúng cái mà bố mẹ tôi muốn. Tôi không cầu xin được nâng điểm, tôi không van vỉ để được vào lớp chọn, tôi không lạy lục ai để trở thành kẻ dối trá! Không, tôi không làm thế, cũng chưa bao giờ làm thế!

Nhưng, tôi vẫn làm gì đó không đúng. Và tôi cố gắng sửa chữa nó bằng cách cố gắng học mọi thứ, học để an ủi mình rằng: "Mình cũng xứng đáng ở đây mà, chỉ là khi đó mình thi hơi đen chút thôi." Nhưng, rõ ràng là có gì đó sai rồi.

***

Chính bởi thế, tôi mới thốt lên rằng: "Khổ thân các em". Khổ thân các em như cách đây hơn chục năm tôi đã từng khổ.

Related image

Có lẽ là sự thiên vị cá nhân, vì thực ra các em bây giờ khác tôi khi ấy: tôi chỉ mới 15, còn các em 18. Tôi dám chắc các em biết chuyện bố mẹ mình làm (rõ là bố mẹ các em làm chứ các em chả đủ tầm làm cái việc ấy), nhưng biết rồi thì làm sao đây?

Nằng nặc không chịu?

Hay gửi thư kiến nghị?

Chả em nào dám. Dũng cảm mấy cũng chả dám, trung thực mấy cũng chả dám. Em có không đồng ý thì bố mẹ em vẫn chạy chọt cho em. Chẳng lẽ tố cáo bố mẹ mình. Chung quy lại, cũng vì một chữ hèn. Bố mẹ thì tham lam, còn lũ trẻ thì dù có tốt cũng quá hèn mọn giữa cuộc đời này.

Từ chính những cái hèn như thế, mà dần dần các em trở thành một thế hệ hèn trong xã hội. Những kẻ hèn ấy làm ông nọ, bà kia, và tiếp tục khiến con cái mình cũng trở thành những kẻ hèn giống thế.

***

Chửi những kẻ làm sai là đúng. Cả xã hội đứng lên chống tiêu cực là đúng. Nhưng hãy chửi đúng người, đúng tội. Những kẻ sửa điểm sai rồi, bố mẹ chạy chọt sai rồi, nhưng các em thì vừa sai, vừa chẳng sai. Đừng lôi cả dòng họ gia phả người ta lên để chửi cho sướng mồm, chửi như thể tất cả đều phải chết.

"Cho chúng mày chết"

"Giờ vào rọ cả lũ nhé"

"Cho đáng đời hết, lũ ấy phải tử hình"

...

Một đợt sóng chửi đầy hằn học và căm thù. Mọi dồn nén, uất ức, căm phẫn với chế độ dạy học thi cử như ngon lửa âm ỉ suốt bao lâu giờ bùng lên dữ dội. Và đám đông thì độc ác. Họ sẵn sàng đẩy mọi thứ xuống bờ vực nếu có thể. Của đáng tội, được bao nhiêu người đang gân cổ chửi ngoài kia chưa từng tiêu cực trong học hành và bây giờ không hề làm gì trái với đạo đức?

Related image

Tôi ủng hộ việc xử phạt nghiêm minh những sai phạm trong giáo dục vì giáo dục là nền móng của đất nước. Giáo dục hỏng thì xã hội cũng sẽ ngày càng tệ lậu hơn. Nhưng xử xong rồi, người ta vẫn phải sống, đặc biệt là các em. Mười tám tuổi, các em còn một tương lai thật dài phía trước, nên các em vẫn cần một con đường sống. Phải sống, để biết mình hèn mọn, sống để con em sau này sẽ không hèn mọn như thế.

Nhân chi sơ tính bản thiện, và tôi mong các em được sống với đúng những gì mình có, để không sai thêm lần nào nữa, như tôi đã từng.

N.T

Trạm Đọc

Trạm Đọc đăng tài bài viết trên quan điểm tác giả nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Mong các bạn đọc và tranh luận với tinh thần khai phóng.

Tags: