2020 hẳn là một năm khá tệ, mở đầu cho một thập kỷ mà chúng ta còn không biết điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Nhưng nếu nhìn vào mặt tích cực, một năm vừa qua cũng mang đến cơ hội quý báu cho những ai muốn sống chậm lại, quan tâm nhiều hơn, và thay vì ca cẩm về cách ly xã hội, họ luôn biết cách để tạo niềm vui cho mình ngay cả khi ở một mình, một chỗ. Có lẽ một trong những vấn đề của thế giới hiện đại đó là thiếu phong cách sống thật sự, và thiếu kết nối với bản thân. Chúng ta không ngừng đi tìm những thú vui bên ngoài, với những người xung quanh, bởi khi ở một mình, chúng ta chợt không biết phải làm gì với bản thân.
Tâm trí con người thời nào cũng có những vấn đề tương tự: làm sao để hiểu bản thân? đi đâu để tìm hạnh phúc? Chúng ta nên đối mặt với nỗi sợ của mình như thế nào? Nếu ai đó ghét mình?... Trong khi ngày nay chúng ta thường bỏ qua để chạy đua cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4, thì các ngôi trường triết học thời cổ đại lại tập trung vào những chủ đề rất nhân bản này. Những trường học do trường phái Khắc kỷ thành lập từng có thời kỳ nở rộ ở Hy Lạp và La Mã cổ đại. Họ dạy về cách sống, cách xác lập mục tiêu lớn của cuộc đời và những bài tập thực hành để duy trì sự bình thản cho tâm trí. Nhiều người ở thời cổ đại đã đầu tư cho cuộc đời mình như thế.
William B. Irvine - giáo sư triết học tại ĐH Wright State từng đặt một câu hỏi rằng: “Nếu các nhà Khắc kỷ cổ đại đảm nhận trọng trách viết một cuốn sách hướng dẫn cho những người sống ở thế kỷ 21 - một cuốn sách chỉ cho chúng ta cách có được một cuộc sống tốt đẹp - thì cuốn sách đó sẽ như thế nào?” Và kết quả cuộc hành trình tìm ra câu trả lời đó của giáo sư Irvine chính là tác phẩm: Chủ nghĩa Khắc kỷ: Phong cách sống bản lĩnh và bình thản.
Ngày nay chủ nghĩa Khắc kỷ không còn phổ biến như trước. Khi mới nghe đến hai chữ ‘khắc kỷ”, ta dễ liên tưởng đến những người ép mình sống kham khổ, từ chối những thú vui, hay thậm chí là ngược đãi bản thân. Nhưng đó không phải là những gì các triết gia Khắc kỷ hướng tới khi họ xây dựng nên trường phái này. Ngược lại, họ hiểu cuộc đời có nhiều nỗi khổ và họ tránh những điều đó bằng cách sống một cuộc đời có triết lý, có mục tiêu.
Điều cốt lõi mà những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ hướng đến, theo Irvine, là xác định được triết lý sống của cuộc đời mình. Nó bắt nguồn từ câu hỏi “Bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này?” Và đó không chỉ là một ngôi nhà, một chuyến du lịch hay một mối tình lãng mạn mà bạn hằng mơ ước. Hơn tất cả, câu hỏi này muốn bạn tìm ra một mục tiêu lớn mà không gì có thể thay thế, một giá trị mà bạn có thể dành cả đời để theo đuổi. Các nhà Khắc kỷ cho rằng việc này vô cùng quan trọng bởi nếu không có triết lý sống, bạn sẽ dễ dàng sao nhãng và lầm lạc - bất kể bạn đã làm gì, bất kể mọi niềm vui thú mà bạn đã thụ hưởng - bạn vẫn có nguy cơ sống những ngày còn lại trong hối hận và tiếc nuối. Bằng cách này, các nhà Khắc kỷ không phải là những người từ chối thú vui cuộc đời nhưng chúng ta nghĩ, mà hơn ai hết, họ mới là những người truy cầu niềm vui chân chính và lâu dài.
Tuy nhiên, chỉ xác định mục tiêu lớn trong đời vẫn chưa đủ. Bên cạnh những bài học triết lý luôn có nhiều phương pháp và chiến lược để đạt được mục tiêu đó. Điều ngạc nhiên là những phương pháp khá quen thuộc và hầu như ai cũng từng áp dụng một vài thủ thuật trong đó cho dù có biết về Khắc kỷ hay không. Ví dụ như khi một chuyện tồi tệ xảy đến, chúng ta có thể nói do “số trời” để giảm cảm giác đau khổ và tự trách, hay khi chúng ta tự nhủ “hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng” để bản thân sống hết mình hơn… Chúng ta sẽ gặp rất nhiều thủ thuật tâm lý tương tự như vậy trong cuốn Chủ nghĩa Khắc kỷ của Irvine, nhưng với phân tích đầy đủ và sâu sắc hơn. Nếu như chỉ do “số trời” thì trong nhiều trường hợp đó có thể một lý do trốn tránh trách nhiệm, dù chúng ta sẽ cảm thấy bớt nặng nề hơn vào thời điểm đó thì sau đó chúng ta rất có thể sẽ phạm phải sai lầm tương tự. Thay vào đó, chủ nghĩa Khắc kỷ khuyên chúng ta nên tìm hiểu xem nếu: chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát - hãy rút ra bài học và làm tốt hơn; hoàn toàn không thể kiểm soát - không nên quan tâm đến những thứ này để tránh phiền não vô ích; có thể kiểm soát một phần - quan tâm đến những thứ này nhưng thận trọng trong việc đặt ra mục tiêu cho bản thân. Và “sống như hôm nay là ngày cuối cùng” cũng có mặt tiêu cực bởi nhiều người sẽ nghĩ tới việc sống buông thả mà không cần chịu trách nhiệm cho ngày mai. Có rất nhiều lời khuyên và thủ thuật tâm lý mà chúng ta đang dùng thường xuyên nhưng lại không hoàn toàn hiểu về nó. Irvine sẽ làm rõ những điều này trong Chủ nghĩa Khắc kỷ.
Cuốn sách của William B. Irvine khá mỏng, gần 400 trang, nhưng bao gồm một lượng thông tin lớn và tư tưởng của các triết gia Khắc kỷ từ nhiều thế kỷ trước. Trường phái Khắc kỷ do Zeno xứ Citium sáng lập từ khoảng thế kỷ III TCN. Nhưng Zeno không phải là triết gia Khắc kỷ nổi bật nhất trong cuốn sách này. Irvine cho rằng những nhân vật quan trọng của chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã mà ngày nay chúng ta có thể học hỏi được nhiều nhất là Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius. Ông cũng cho rằng đóng góp của bốn người này có thể bổ trợ nhau một cách hoàn hảo trong chủ nghĩa Khắc kỷ.
Trong đó:
Trên thực tế, cả Seneca, Musonius, Epictetus, Marcus và nhiều triết gia Khắc kỷ khác đều là những con người thành công, uyên bác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bất kể đó là xuất thân nô lệ của Epictetus hay thân phận hoàng đế La Mã của Marcus. Triết học của chủ nghĩa Khắc kỷ cũng vậy, bất kể bạn là ai, làm gì, trong hoàn cảnh nào, đều có thể tham khảo chủ nghĩa Khắc kỷ như một cách để rèn luyện tâm trí và xây dựng cuộc sống tốt hơn. Để thấy được kết quả này vốn không dễ dàng, bởi chắc chắn bạn sẽ phải vô cùng cố gắng và kiên định. Nhưng giống như Marcus Aurelius đúc kết trong cuốn Meditations: “Nghệ thuật sống giống như bộ môn đấu vật hơn là khiêu vũ,” quá trình này hoàn toàn xứng đáng nhận được sự cố gắng của bất cứ ai mong muốn có một của sống ý nghĩa và trọn vẹn
Thanh Trần
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: