Chiến lược đối phó với những người họ hàng “lắm chuyện”
Chiến lược đối phó với những người họ hàng “lắm chuyện”
Phải thật nhẹ nhàng, và quan trọng nhất là phải giữ được sự bình tĩnh.
Có nhiều người rất sợ hãi những ngày nghỉ lễ, bởi nghỉ lễ về quê sẽ phải đối mặt với cơ số những người họ hàng cùng với hàng vạn lời chỉ trích trên tinh thần dạy bảo trong khi hai bên có sự khác biệt rõ ràng về trình độ cũng như cách ứng xử. Dưới đây là năm cách có thể giúp bạn giữ được sự bình tĩnh của mình trong khi đối phó với những “người thân lắm chuyện”.

 

Hãy đồng cảm

 

Bạn phải tự dự đoán gặp ai thì sẽ đối mặt với những câu hỏi hoặc lời nói vô duyên để chuẩn bị tâm lý thoải mái, phản ứng bình tĩnh và đơn giản dựa trên việc đặt mình vào vị trí của người ta chứ không phải xù lông nhím lên tự vệ.

Giả sử bạn đang ăn kiêng và chế độ ăn khiến bạn không thể ăn được một số món, bạn nhất định sẽ phải gánh một vài lời trách móc từ họ hàng, thậm chí sẽ có người mỉa mai cơ thể bạn. Thế nhưng thay vì tức giận và nghĩ rằng họ không tôn trọng mình, hãy thử đặt địa vị vào họ và xem xét liệu họ có bị tổn thương khi nghĩ rằng bạn đang từ chối món ăn họ nấu hoặc chê bai cách mà họ đã nuôi nấng con cái lớn lên bằng những món ăn đó hay không. Bạn có thể thay đổi tình huống khó xử bằng cách nói vui vẻ: "Chỉ nhìn thôi cháu cũng biết là món […] ngon như thế nào dù cháu không ăn được. Với cả việc cháu đang ăn kiêng thì cũng đâu có liên quan gì đến chuyện cháu rất thích ngồi ăn cùng với mọi người đâu, mọi người đừng đặt nặng quá làm gì."

 

Thay đổi chủ đề

 

Nếu bạn biết về nhà mình sẽ nhận được những lời chỉ trích về ngoại hình, giới tính, khuynh hướng tình dục hay bất cứ điều gì khác chăng nữa, bạn có thể chuẩn bị trước các câu nói và dập tắt những tia lửa nhen nhóm có thể khiến tất cả nổi khùng lên. Hãy gửi tin nhắn với giọng điệu thật mềm mại, dễ chịu. Ví dụ như “Bố, đó không phải là vấn đề lựa chọn lối sống, mà đó là con người con. Vậy nhưng con nghĩ chúng ta nên gạt mọi chuyện qua một bên và tận hưởng kỳ nghỉ của cả nhà một cách thoải mái”. Hoặc là “Con không thể nói là con đồng ý với lời bố được, nhưng con vẫn muốn chúng ta bỏ qua chuyện này để có kỳ nghỉ thật vui vẻ.” Ngoài ra còn “Con biết là bố muốn tốt cho con nên mới bảo con phải […] và con thật lòng biết ơn sự quan tâm ấy. Nhưng chuyện này nhạy cảm quá, mà hôm nay thì con chỉ muốn mọi người vui vẻ ở cạnh nhau mà thôi”.

Đừng cố gắng nói tiếp nếu đối phương cứ kiên trì với chủ đề đó. Thay đổi hoặc nếu không, hãy lựa chọn không tham gia vào kỳ nghỉ một cách lịch sự.

 

Bỏ ngoài tai mọi thứ

 

Sẽ là không công bằng nếu tất cả mọi người đều phải trải qua kỳ nghỉ với một người chỉ biết gây tranh cãi, vậy nên tốt nhất là nếu người ta có nói gì quá quắt, cứ xem như gió thoảng qua tai.

Mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn không để tâm vào những nhận xét khiến bản thân cảm thấy bị xúc phạm. Tự nhắc bản thân hãy xem như những câu nói đó không phải là nói về bạn. Thở thật sâu để giữ bình tĩnh và tự thôi miên bằng những câu này thử xem sao. “Bác ấy đang say rượu nên mới nói những câu lẩn thẩn như vậy và đương nhiên là không nói về mình rồi”, “Bác ấy lớn tuổi rồi nên mình sẽ không tranh cãi, đi ra chỗ khác và kệ bác ấy thôi.” Nếu thấy đối phương càng nói càng hăng, và bạn cũng dự đoán được câu mình sắp phải nghe thì có thể tự nhắc nhở mình như “Mình biết thừa là cô ấy lại sắp nói về cân nặng của mình nhưng chẳng sao hết, mình thấy cân nặng thế này quá ổn rồi nên không cần thiết phải quan tâm.”

 

Tìm anh chị em thân thiết

 

Hãy dính lấy anh chị em của bạn, đó là người sẽ giúp bạn tránh phải những cuộc gặp không cần thiết với những người họ hàng khác, đồng thời cũng có thể giúp bạn vui vẻ trong khoảng thời gian ở quê.

 

Tránh những buổi tụ họp gia đình

 

Đúng là ngày nghỉ thì phải về với quê hương, họ hàng, nhưng bạn vẫn có thể chọn lựa không đi. Để biết xem bản thân không về quê có phải là quyết định đúng đắn không, hãy tự hỏi bản thân “Nếu bị họ hàng nói nhiều câu gây khó chịu, mình có thể bình tĩnh giải quyết mà không tức giận hay không? Liệu bên cạnh mình có bố hay mẹ hay anh chị em ruột có khả năng giải vây trong tình huống đó hay không? Mức độ căng thẳng hiện tại là bao nhiêu và thời gian nghỉ lễ là lúc nghỉ ngơi thoải mái hay là lúc đi lo chuyện gây hấn với mọi người?”

Cuối cùng, tránh tuyệt đối việc để bản thân bị say rượu. Hãy hành xử thật chín chắn, chọn từ ngữ cẩn thận, và không để bản thân vướng vào những tranh cãi, rắc rối do rượu bia gây nên.

 

Theo Psychology Today
Kim

Tags: