Phản ứng chiến hay chạy, còn được biết đến như là một loạt các phản ứng khi đối mặt với nguy hiểm, là cách cơ thể giúp ta sống sót trong những thời điểm khó khăn. Khi các giác quan của con người nhận thấy có mối đe dọa, hạch hạnh nhân - “trung tâm báo động” của bộ não, gửi tín hiệu đến vùng dưới đồi – “trung tâm chỉ huy” nhằm kích hoạt hệ thần kinh tự chủ nhằm chuẩn bị trước cho tình huống xấu có thể xảy ra. Nhịp tim tăng, hít thở nhanh sẽ giúp cơ thể có nhiều oxi, gia tăng sự tỉnh táo; máu di chuyển đến các cơ bắp giúp ta hoạt động nhanh hơn, và lòng bàn tay đổ mồ hôi để làm mát cơ thể. Tất cả đều là điều kiện lý tưởng cho việc chiến đấu hoặc là chạy trốn.
Michelle Pearce, trợ lý giáo sư Khoa y học gia đình và xã hội tại Đại học Y tế Maryland cho biết: “Trong xã hội nguyên thủy, con người có thể dễ dàng chống lại các tác nhân gây stress hoặc có thể lựa chọn chạy trốn khỏi chúng. Đó là phương thức hiệu quả để loại bỏ căng thẳng ra khỏi cơ thể.” Xã hội hiện đại lại khác, nó không giúp con người có cơ hội trốn tránh thông qua phản ứng vật lý – điều đó có nghĩa là sẽ không có tín hiệu rõ ràng trong cơ thể khiến phản ứng vật lý nảy sinh, dẫn đến việc bạn bị stress kéo dài đồng thời còn gặp phải các vấn đề về sức khỏe.
Trong những trường hợp đó, cố gắng bình tĩnh không phải là phương pháp đúng đắn. Thay vào đó, một số chuyên gia khuyên bạn nên bộc lộ hết cảm xúc của mình. Họ cho rằng cách tốt nhất để làm giảm stress là bạn phải giải phóng hết tất cả cảm xúc tiêu cực ra khỏi cơ thể.
Vào những năm 1970, nhà tâm lý học Peter Levine, chuyên gia về chấn thương, đã bắt đầu nghiên cứu lý do tại sao các loài động vật có thể quên đi trải nghiệm bị tấn công một mất một còn trong tự nhiên mà không phải chịu những ảnh hưởng lâu dài. Ông lập luận rằng phản ứng tự nhiên của động vật khi bị nguy hiểm như run rẩy sợ hãi, chạy trốn khỏi kẻ săn mồi là cách thức cho phép chúng “giải phóng” năng lượng xấu, giúp chúng dễ dàng thoát khỏi trạng thái kích động sau trải nghiệm kinh hoàng ấy. Dựa trên thuyết này, Levine đã phát triển một dạng liệu pháp được gọi là “Trải nghiệm xô-ma”, khuyến khích mọi người tập trung vào biến đổi của cơ thể để chuyển hóa năng lượng xấu bị dồn nén thành năng lượng tích cực.
Liệu pháp này yêu cầu bản thân phải tái tạo cảm giác kích thích trong một môi trường không hề nguy hiểm. Khi tôi bị lo lắng kéo dài, chuyên gia trị liệu của tôi đề nghị tôi tập theo bài Giải phóng cơn đau, bao gồm một chuỗi các động tác được tạo ra bởi David Berceli, giúp cơ thể không còn mệt mỏi và làm dịu đi các chấn thương cơ bắp. Bài tập này tập trung vào việc ép các nhóm cơ phải hoạt động hết mức thông qua động tác như ngồi dựa lưng vào tường – động tác sẽ gây ra sự rung lắc mạnh cho người tập.
Bercelo tin rằng sự chấn động này, cũng giống như phản ứng ở động vật hoang dã sau khi bị tấn công, có thể hóa giải những căng thẳng mãn tính hoặc chữa lành những chấn thương nặng. Ngoài ra trong một cuộc điều tra, những người tham gia với chứng bệnh lo âu, sau khi trải qua bài tập, đã thuật lại rằng họ cảm nhận được “những cảm xúc tích cực hơn đối với bản thân và tự tin hơn nếu phải đối phó với nghịch cảnh.”
Shanna Donhauser, nhà trị liệu tâm lý cho trẻ nhỏ và những cặp đôi mới lên chức cha mẹ ở Seattle, nói rằng có nhiều hoạt động giúp giải tỏa rất đơn giản như la hét hoặc đấm vào gối. Cô ấy gợi ý cho khách hàng lớn tuổi nên học theo lũ trẻ và thể hiện cảm xúc của mình. Danhauser nói rằng: “Trẻ nhỏ thường rất giỏi thể hiện cảm xúc tiêu cực nhưng cha mẹ lại vô tình ngăn cản chúng bằng cách khuyên chúng bình tĩnh lại. Khi cha mẹ đề nghị con cái đánh vào gối hoặc la hét, thậm chí khuyến khích chúng thể hiện cảm xúc thật để giải phóng năng lượng, chính là họ đang khai thác bản năng của chúng ta theo cách hoàn toàn mới mẻ.”
Thử làm những việc điên rồ như chơi tàu lượn hay xem phim kinh dị cũng có hiệu quả trong việc giải tỏa cảm xúc. Nghiên cứu chỉ ra rằng đẩy bản thân vào nguy hiểm có thể giúp bạn rất nhiều nhờ việc tái cấu trúc lo âu thành cảm xúc tích cực. Giải phóng adrenaline trong môi trường được kiểm soát sẽ khiến bạn nghĩ rằng dù có đang ở trạng thái nguy hiểm thì thật ra, bạn vẫn đang an toàn.
Để tận dụng tối đa việc khiến bản thân bị kích thích trong các môi trường đặc thù, Donhauser nhắc lại mục đích ban đầu với mọi người: “Vấn đề quan trọng là loại bỏ cảm giác stress chứ không phải chỉ giải phóng andreline. Muốn đạt được mục đích, bạn phải stress hơn nữa, trải nghiệm các hoạt động kích thích thần kinh rồi sau đó hít thở thật sâu, suy nghĩ tích cực và tự nhắc nhở bản thân rằng mình đang vô cùng an toàn.” Cuối cùng, hy vọng rằng sau tất cả, bạn có thể bỏ lại hoàn toàn nỗi phiền muộn ở phía sau.
Theo Medium
Kim