Sức mạnh của lời tuyên ngôn
Sự cởi mở hiếm hoi này của Paul McCartney này mang nhiều thông điệp. Đối với các fan hâm mộ trung thành và độc giả nói chung, nó là một tiết lộ thú vị và đầy hấp dẫn. Còn đối với chính bản thân Paul, người đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi cái tên của ông mang ý nghĩa như một biểu tượng hơn là mang tính cá nhân, đó là một phút trải lòng để người hâm mộ được thực sự bước vào thế giới của ông.
Nhưng không phải câu chuyện có sức ảnh hưởng nào cũng được thể hiện một cách rõ ràng và chân phương như thế. Số báo tháng 9 của tạp chí Vogue - với hình ảnh bắt mắt của siêu sao Beyoncé ngoài bìa - là một ví dụ điển hình. Bức ảnh đi kèm với một tiêu đề gây nhiều chú ý: “Beyoncé tự thuật”. Thực tế thì bài viết không phải là một tiểu sử hay bộc bạch gì chi tiết, mà là một tập hợp những chú thích ngắn (hiếm khi được chia sẻ), về nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc đời cô: từ chuyện làm mẹ, làm vợ; về việc chấp nhận và yêu thương ngoại hình của bản thân, cho đến những chuyến lưu diễn.
Trong lá thư viết ngay đầu tạp chí, tổng biên tập Anna Wintour đã nhắn nhủ rằng bài viết này là một “bài luận đầy quyền lực” do “Beyoncé tự tay chắp bút”, cứ như thể đây là thứ đặc ân gì đó được ban phát cho độc giả, thay vì một trách nhiệm hiển nhiên khi một ngôi sao phô bày hình ảnh của mình trước công chúng. Thực tế, vẫn có một nhà báo tham gia trong quá trình thực hiện bài viết, người mà ở cuối bài được chú thích với cụm từ “Được kể bởi…”, nhưng tuyệt nhiên người đọc không thể nhận ra điều đó trong phần nội dung bài.
Điều này có vẻ không ảnh hưởng gì mấy tới các fan hâm mộ trung thành của Queen Bey (dù nhẽ ra nên là ngược lại). Nhưng đối với độc giả, những bài báo được thêm thắt nội dung cho sâu sắc - nhằm lăng xê các ngôi sao và cổ súy cho nền kinh tế dựa từ danh vọng - kiểu như trên, đã dự báo một kết cục chẳng mấy tốt đẹp cho các tạp chí chuyên về người nổi tiếng.
Và đây cũng không phải là hiện tượng nhất thời. Trong nền công nghiệp âm nhạc, đặc biệt là nhạc Pop, có khá nhiều nghệ sỹ nổi tiếng đang dần xa lánh giới truyền thông. Taylor Swift không hề có lấy một cuộc phỏng vấn hay lần xuất hiện trang bìa nào trong vòng hai năm trở lại đây. Sau lần xuất hiện ì xèo từ hơn một năm trước, hình ảnh của Drake hoàn toàn vắng bóng trên tạp chí. Rapper Frank Ocean cũng trong tình trạng tương tự.
Điều này khó có thể khiến người hâm mộ cảm thấy hào hứng. Song song với việc từ chối xuất hiện trên tạp chí, họ hoặc im ắng hoàn toàn, hoặc đăng tải những chia sẻ khá… một chiều qua tài khoản mạng xã hội của mình. Các ngôi sao ngày nay gần như đang “độc thoại”, thay vì cố gắng kết nối và trò chuyện với người hâm mộ như từ trước tới nay. Động thái của họ cho thấy vai trò của báo chí đối với người nổi tiếng, sắp thay đổi hoàn toàn.
Khi các tạp chí trượt ngã khỏi ngôi vương
Đồng thời, các cuộc phỏng vấn (đặc biệt là những bài gây nhiều tranh cãi) cũng giúp các ngôi sao củng cố hình ảnh của mình trước công luận. Ice Cube và Madonna là những người vận dụng công cụ này khá thành công. Họ mang tới hình ảnh của một ngôi sao thâm trầm trong một thế giới bóng bẩy và hào nhoáng. Họ không ngại ngần trước khó khăn, thử thách và luôn giữ được “lửa” của riêng mình trên con đường làm nghệ thuật.
Nhưng đó là cái thời mà các tạp chí truyền thống vẫn còn giữ một tỷ trọng cực lớn trong thị trường xuất bản phẩm, khi chúng chưa bị lấn át bởi sự bùng nổ ồn ào của Internet, báo mạng lá cải và TMZ. Khi từng diễn biến của người nổi tiếng được cập nhật đến từng giây từng phút, họ dần trở nên kín đáo và thận trọng hơn trước công luận.
Dù sự đe dọa này chưa đủ để đánh hồi chuông báo tử cho báo giấy về người nổi tiếng, nhưng cũng đủ khiến các tổng biên tập phải đau đầu trăn trở. Ngoài ra, họ còn phải chịu một áp lực lớn hơn cả việc cạnh tranh với báo mạng, đó là sự lên ngôi của chính những ngôi sao trẻ: các Youtube vlogger, ca sỹ SoundCloud hay hàng triệu người trẻ tài năng khác đang xuất hiện trên mạng xã hội. Những người tưởng chừng phải cầu cạnh để được xuất hiện trên các tạp chí ngoài quầy báo, nay đã tự làm truyền thông theo cách riêng của mình. Không cần định hướng của nhà báo hay những “tay to” chống lưng, họ có thể tự do chia sẻ quan điểm của mình qua mạng xã hội, bất cứ khi nào họ muốn.
Ranh giới mong manh trong sáng tạo nội dung của ban biên tập các tạp chí cũng là con dao hai lưỡi khiến các ngôi sao phải dè chừng. Đôi khi, những ý tưởng được cài cắm tinh vi đến nỗi người đọc khó có thể phân biệt được đâu là dẫn tin đơn thuần, đâu là nội dung quảng cáo, đâu là chia sẻ thật và đâu là lời nói dưới bàn tay của những biên tập viên chuyên nghiệp. Điều này làm các ngôi sao trẻ ngày càng có xu hướng xa rời báo chí truyền thống, vì họ không thể kiểm soát được nội dung được ra mắt cuối cùng.
Trong thời đại ngày nay, chúng ta tiếp cận với thông tin quá dễ dàng, nên những lời giật tít trên tạp chí kiểu “khám phá đời tư” hay “vén màn hậu trường” dần đánh mất đi sức hấp dẫn của nó. Twitter, Instagram hay Tumblr đã trở thành địa điểm mới để các ngôi sao chia sẻ những góc khuất trong cuộc sống hào nhoáng của mình. Người ta đọc những lời tiếc thương của Ariana Grande dành cho người bạn trai cũ xấu số Mac Miller trên một bài post Instagram, và lắng nghe lời xin lỗi muộn màng của Logan Paul qua video Youtube, sau làn sóng phẫn nộ vì những hành vi vô văn hóa của anh trong những ngày ở Nhật Bản.
Các ngôi sao này đã lựa chọn cách truyền thông một chiều, khi những chia sẻ họ tự đưa ra không có sự kiểm chứng nào khác ngoài những bình luận ở dưới mục Comment. Đây là một hướng đi an toàn cho những ngôi sao trẻ, khi họ có thể chủ động định hướng luồng dư luận về mình qua mạng xã hội - nơi sở hữu lượng người tiếp cận vượt xa bất kỳ một tạp chí ăn khách nào - và dễ dàng định vị cộng đồng người hâm mộ của mình.
Tất cả những điều trên khiến cho tương lai của các tạp chí về người nổi tiếng trở thành một câu hỏi khó có lời giải đáp. Những cái tên lớn và nổi tiếng nhất như People, OK! hay InStyle đã phải chấp nhận “sống chung với lũ”. Còn hàng ngàn tạp chí sinh sau đẻ muộn vẫn đang loay hoay đi tìm chỗ đứng cho riêng mình. Dần dần, những gì không tạo được dấu ấn sẽ trở thành thừa thãi, và những gì thừa thãi, sẽ sớm bị loại bỏ.
Một nỗ lực mạo hiểm?
Khi cán cân quyền lực nghiêng về phía những ngôi sao, truyền thông báo chí buộc phải nhường quyền kiểm soát để giành được sự xuất hiện của họ. Đây là một sự đảo cực hoàn toàn.
Dạo gần đây, người ta có thể thấy nhiều ngôi sao quyền lực xuất hiện trên báo và tạp chí, nhưng ở một vị thế hoàn toàn khác. Điển hình là Taylor Swift - người từng xuất hiện trên bìa báo Harper’s Bazaar tháng 8 vừa qua. Dù là gương mặt trang bìa, Swift lại là người đi phỏng vấn nàng thơ nhạc rock Pattie Boyd. JLaw cũng từng đích thân phỏng vấn cô bạn thân Emma Stone trên tạp chí Elle. Và còn nhiều cuộc trò chuyện khác đã và đang diễn ra giữa ngôi sao và những người thân cận, như Sia được người bạn thân trực tiếp đặt câu hỏi, hay Katy Perry được chính trợ lý của mình phỏng vấn.
Đây là những dấu hiệu cho thấy các cuộc phỏng vấn người nổi tiếng dần phổ biến trở lại, theo một cách thức có phần “tự nhiên” hơn. Dĩ nhiên là nghe bạn thân của sao nói về họ thì sẽ chân thực hơn là một ông nhà báo nào đó tường thuật lại, đúng không?
Nhưng chính những nguồn tin thân mật này, lại một lần nữa khiến truyền thông sai hướng. Nó đi ngược lại vai trò trung lập của những đơn vị báo chí.
Một quy tắc ngầm trong thực hiện các bài viết về một cá nhân cụ thể là: Người viết (nhà báo) chỉ là người được ủy nhiệm thực hiện, chứ không phải là chủ thể trong bài. Nhưng trước cơn khát thông tin từ những nguồn cung cấp “độc quyền”, nhiều báo và tạp chí đã nhắm mắt làm ngơ điều này. Thẳng thắn mà nói, các mối quan hệ thân thiết nên là những yếu tố cuối cùng được đem ra để làm mồi câu cho báo giới, thay vì là điều kiện tiên quyết để săn tin.
Xét cho cùng, kẻ thiệt thòi nhất lại là độc giả chúng ta - những fan hâm mộ ngày ngày đọc hàng tá thông tin về thần tượng của mình nhưng chẳng thể biết được trong số đó có bao nhiêu phần trăm là trung thực. Nhiều người đã ước ao về một cuộc phỏng vấn đích thực và sâu sắc với Beyoncé về album “Lemonade” hay Taylor Swift với “Reputation”, để hiểu thấu nội tâm phức tạp của những ngôi sao quyền lực. Nhưng hỡi ôi, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước, và các nàng ấy chẳng hé răng lấy một lời. Tiếc thay, có những điều chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được câu trả lời, nếu không có câu hỏi nào được đặt ra.
Theo The New York Times
Vân Anh (biên dịch)