“-Khi nào thì có người yêu?
“-Đoán xem?"
“-Sao, giờ vẫn chưa lập gia đình à?”
“-Cuộc sống mà.”
Có một lần tôi đi taxi đỗ gần nhà chứ không gọi grab, tài xế bắt chuyện và hỏi tôi hết chuyện này đến chuyện khác về tôi (tôi bị hỏi nhiều thứ đến nỗi tôi có cảm giác như bị hỏi về toàn bộ cuộc đời!). Có những câu hỏi tôi thấy không sao, có những câu hỏi làm tôi bực mình; và cái bực mình hơn cả là sau khi hỏi anh ta còn phán xét câu trả lời của tôi và đưa ra lời khuyên mang tính mệnh lệnh “em phải thế này thế kia chứ”. Thực tình lúc đấy tôi chỉ muốn cáu: “Thôi anh im mồm và hoàn thành nhiệm vụ đưa em đến đúng chỗ đi, đấy có phải chuyện của anh đếch đâu!”. Tôi thì bực thế, nhưng có thể anh tài xế kia chẳng có ác ý gì, anh ấy có thể chỉ muốn góp chuyện cho vui dọc đường; và hôm sau lần khác chúng tôi đi thì tôi thấy rất thoải mái, anh ấy nói chuyện lại rất dễ chịu và chẳng đả động gì đến một loạt câu hỏi cũ nữa, anh thấy là người tốt. Vậy thì cái gì không ổn ở đây, văn hóa Việt Nam không ổn, sự xởi lởi quan tâm đan cài với sự bất lịch sự không tôn trọng đời tư ở người Việt chăng? Có thật vậy không?
Mới đây Trạm Đọc có đăng một bài về câu hỏi “vấn nạn” “Khi nào lấy chồng”, do tìm hiểu về các khả năng của công nghệ ảnh hưởng lên sự tập trung của con người, tôi có một chút suy nghĩ, liên tưởng và giải pháp cho các bạn. Các nhà “xã giao học” đang tích cực nghiên cứu cho vấn nạn này, một trong những việc khó khăn nhất trên đời là tìm ra những câu trả lời thông minh hài hước cho một câu hỏi nông cạn mà đôi khi ta chỉ muốn hất một ly nước vào họ. Chúng ta phải làm sao?
1. Giải pháp kỹ thuật:
“Tôi đang bận chút nhé”. Nếu bạn không đủ thẳng thắn và dịu dàng để nói rằng “tôi không thích câu hỏi đó, từ sau bạn đừng hỏi câu ấy nữa nhé” một cách không… cục súc thì thường chỉ còn giải pháp bận rộn. “Tôi đang bận nhé” là một trong những cái cớ được chấp nhận trong hầu hết các nền văn hóa, người ta ít khi hỏi tiếp bạn đang bận gì. Điện thoại thông minh là một trong những công cụ tối tân để yểm trợ cho giải pháp “tôi đang bận” dù đang rảnh quá đỗi. “Em đang bận chút nhé”, úp mặt vào điện thoại. Xong. Goodbye kẻ khủng bố quyền riêng tư.
2. Giải pháp tâm lý:
Sở dĩ bạn phiền muộn vì những câu hỏi, có thể một phần là vì câu hỏi vi phạm quyền riêng tư nên nó đáng ghét, nhưng một phần có thể chính bạn cũng mâu thuẫn với chính mình ở những vấn đề đó; bạn đang tạm quên đi mâu thuẫn ấy, người ta lại khơi lại, bạn đau đầu, bạn bực bội. Chạm vào vết thương thì đau, chứ có ai than phiền người khác gãi đúng chỗ ngứa đâu? Nếu bạn thực sự tự tin với việc độc thân, đơn thân thì chắc hẳn cũng ít khó chịu hơn với câu hỏi ấy. Mâu thuẫn với người khác, với xã hội đôi khi là phản chiếu của mâu thuẫn trong chính mình. Bạn cần tự nhìn lại mình xem mình thật sự cần gì, bạn phải giải quyết mâu thuẫn với chính mình trước khi giải quyết mâu thuẫn với người khác, hay đi …cải tạo xã hội. Tâm bình thì thế giới bình, khi ta bình tĩnh …tình hình tự yên.
Rồi, về cơ bản, tác giả cũng chỉ biết giải pháp sơ sài như thế. Nếu không muốn đào sâu thêm và xét rộng ra, bạn có thể ngừng đọc. Nếu vẫn hứng thú, ta thử đi sâu vào một vài hàm ý ẩn chứa trong “vấn đề” này.
Đâu là giới hạn của quyền riêng tư để mà tôn trọng?
Câu hỏi dường như vi phạm đời sống riêng tư, quyền riêng tư. Nhưng thực ra thì những cái gì thực sự là riêng tư, và đâu là giới hạn của quyền riêng tư?
Một câu hỏi tưởng dễ mà thực ra khó trả lời, bạn có thể liệt kê một số điều mà bạn cảm thấy là riêng tư, nhưng thực sự giải thích vì sao nó lại là riêng tư thì không dễ. Đôi khi một vấn đề là riêng tư với người này, nhưng lại không phải là riêng tư trong quan niệm của người khác. Một số điều riêng tư trong hoàn cảnh này nhưng lại không riêng tư trong hoàn cảnh khác hay một thời điểm khác của bản thân bạn, hay của lịch sử mỗi nền văn hóa.
Năm 1998, Yahoo Messenger (Y!M) ra đời, Y!M là một công cụ trò chuyện trực tuyến mà người sử dụng có thể ẩn danh và thay vào đó bằng một biệt danh bất kỳ. Tư tưởng có thể được trao đổi tự do mà không cần căn cước, người ta có thể tâm sự với nhau hàng giờ mà không biết mặt nhau, không biết tên tuổi của nhau; oái oăm là người ta có thể nói những chuyện riêng tư nhất, thầm kín nhất, nhưng tên – tuổi – địa chỉ - việc làm, những thứ người ta hay hỏi nhau ở ngoài như là thứ không riêng tư, thì lại là riêng tư trong trường hợp này. Có một sự đảo ngược kỳ lạ ở đây. Sự đảo ngược này có thể tóm tắt trong một câu: “Chẳng có gì là riêng tư trừ danh tính của tôi.”
Tất nhiên Y!M không phải là tiền lệ, trong các ấn phẩm báo chí, các cuộc khảo sát nghiên cứu khoa học; cái cần được gói trong bí mật không phải là nội dung mà lại là danh tính người cung cấp thông tin và các vấn đề, các vấn đề được đưa lên truyền thông hay nghiên cứu khoa học có thể là những vấn đề nhạy cảm nhất với đa số mọi người, nhưng rất nhiều người cảm thấy tên họ là thứ cần giữ kín hơn so với vấn đề của họ.
Dần dần Facebook và các mạng xã hội ra đời và thay thế Y!M, đòi hỏi con người cung cấp danh tính, vì những lý do khác nhau. Một cuộc tranh luận về quyền riêng tư lại nổ ra.
Nếu không có tiêu chuẩn khách quan để xác định cái gì là riêng tư cái gì không thì sự riêng tư là do mỗi người tự quy định? Phải chăng điều riêng tư chính là điều bạn không muốn chia sẻ; hoặc có thể nói đảo lại: Điều bạn không muốn chia sẻ chính là phạm vi riêng tư mà bạn tự định nghĩa. Thế nhưng làm sao để người khác biết bạn không muốn chia sẻ gì để mà …không hỏi? Lỡ họ muốn giới thiệu con trai/con trái hay ai đó cho bạn thì sao?
“Khi nào có người yêu” có khi lại là một câu hỏi rất ý nhị và đáng yêu, khi người hỏi là một chàng trai/cô gái rất vừa ý bạn mà lại đang tỏ ra lân la muốn tiến tới với bạn, khi đó bạn “Ôi anh em ơi chưa, anh ơi, em chưaaaaa”, hoặc “Anh còn bận sự nghiệp hoặc học nốt tiến sĩ” với khuôn mặt cố giấu sự hớn hở.
Ngay những điều bình thường nhất, nếu bạn không thích nói về nó, cũng đều trở thành riêng tư. Cả câu hỏi “bạn có khỏe không?” nữa, thực ra cảm giác cá nhân là thứ rất riêng tư và khó diễn đạt. Khó mà diễn đạt được hết các sắc thái của... mệt và khỏe
Mối quan hệ với họ hàng và bạn bè thực sự có ý nghĩa gì?
Các câu hỏi trên chủ yếu gặp ở mối quan hệ họ hàng, và bạn bè nửa thân nữa không phải không? Nếu trên taxi, bị hỏi bạn có thể không trả lời, hoặc dùng biện pháp “tôi/em bận” như đã nói, nhưng trong các cuộc gặp đại gia đình (họ hàng), bạn có bận nổi không?
Vậy thì các mối quan hệ huyết thống và bạn bè của chúng ta thực sự có ý nghĩa gì, để mà chúng ta không thể cởi mở, hoặc không có gì ngoài những thứ nông cạn và nhàm chán để hỏi? Những chuyện gì cần nói khi phải gặp họ hàng? Và có cần thiết phải gặp họ hàng không? Thậm chí, có cần thiết phải duy trì mối quan hệ với họ hàng không?
Trong nền văn hóa Á Đông, gia đình và đại gia đình là những yếu tố rất quan trọng. Nhưng trong quá trình tư bản hóa và thị trường hóa, điều này đang dần thay đổi, gia đình hạt nhân và gia đình rộng mở đều lỏng lẻo dần. Trong những người họ hàng, có những người chúng ta thích và những người chúng ta không thích, chúng ta chỉ chơi và tâm sự với một số người, một số thì gần như có cũng như không, vậy phải chăng tình họ hàng cũng dần giống như tình bạn? Chúng ta cần những ai là bạn? Chúng ta cần bao nhiêu bạn? Hay chúng ta cần cô đơn?
Phép lịch sự thật ra là gì?
“Con người không chịu nổi quá nhiều sự thật” –T.S. Eliot đã nói thế. Phép lịch sự là sự tránh né những sự thật hay những ý nghĩ không tích cực về tha nhân. Một câu hỏi có thể hàm ý một phán xét, một phán xét thì có thể là đúng, hoặc có thể đúng là suy nghĩ của một người.
Việc nhận xét rằng “Cái áo của bạn xấu tệ” hay “Bài báo mới đăng của bạn thật thiếu logic và không có gì mới” có thể hủy hoại một quan hệ. Søren Kierkegaard, một triết gia mà muốn viết đúng tên ông thì thường phải copy paste vì tên ông thật khó nhớ, có nhận định tinh tế rằng, sống trên đời, mọi mối quan hệ thực sự đều mang tính rủi ro, và chúng ta phải chấp nhận rủi ro mở lòng mình ra ít nhiều, nếu muốn xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa, không chỉ là việc có người yêu hay có gia đình mà trong tất cả các mối quan hệ, thật ra chúng ta sinh ra đời đã bị phơi nhiễm ít nhiều rồi. Ta với thế giới là một, muốn tách ra một góc hoàn toàn riêng có lẽ cũng chỉ là ảo ảnh thôi.
“Tha nhân là địa ngục”, J. P. Sartre nói vậy, nhưng địa ngục trong lòng mình xuất hiện trước tiên. Bây giờ chúng ta cấm xã hội hỏi han nhau, có khi họ lại buộc tội mình vi phạm …tự do ngôn luận.
Tác giả để ngỏ vấn đề cho các bạn suy nghĩ về chính mình, và về các vấn đề gợi ra trong bài viết. Dù sao, hy vọng mua vui cũng được một vài trống canh, hy vọng sẽ có dịp trao đổi thêm với các bạn; còn các bạn không vui thì cũng chịu, cuộc sống mà.
Các bạn nghĩ tác giả đã có người yêu/gia đình/con cái chưa? Đoán thử xem?
(Thôi, vi phạm quyền riêng tư quá đi!)