Khi buồn, hãy ăn thật nhiều: Nghệ thuật
Khi buồn, hãy ăn thật nhiều: Nghệ thuật "vỗ béo" tinh thần của đồ ăn
Thịt bò khô là một món ăn đại diện cho khả năng trị liệu của thức ăn. Thịt dai khiến ta phải nghiến răng nghiến lợi mà dứt, vị cay khiến ta không khóc nhưng nước mắt ròng ròng. Thưởng thức xong mọi stress sẽ bay biến.

Hiện nay, đồ ăn đang vô cùng được coi trọng. Những đầu bếp nổi tiếng, những lời khuyên về chế độ ăn, các nhà hàng mới mở và các show truyền hình về nấu nướng thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng. Dường như tất cả chúng ta đang ngày càng bị ám ảnh về những gì mình ăn.

Tuy nhiên hiếm ai lại đặt câu hỏi rằng chúng ta cần điều gì từ thức ăn ngoài mục đích duy trì sự sống. Vấn đề này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng rõ ràng thức ăn đâu chỉ đơn giản là “nhiên liệu”. Nó cũng giúp thỏa mãn một số nhu cầu tâm lý nhất định của chúng ta. Nói cách khác, thức ăn có thể sử dụng cho trị liệu.

Mọi loại thức ăn đều có thứ gọi là giá trị tâm lý bên cạnh giá trị dinh dưỡng (thường nhìn thấy trên nhãn bao bì). Giá trị này xuất phát từ tính chất của đồ ăn. Mọi loại đồ ăn đều gợi lên một cá tính, một định hướng, một cách hiểu về thế giới, hay một con người (nếu có một phép thuật nào đó có thể biến đồ ăn thành con người)). Bạn có thể gán đồ ăn một giới tính, một cách nhìn, một linh hồn, thậm chí một quan điểm chính trị. 

Ví dụ về quả chanh. Về mặt dinh dưỡng, 100g chanh có chứa 29 calo, trong đó 2.8g là chất xơ, 2.5g là đường v.v. Nhưng về mặt tâm lý học, chanh cũng có các “thành phần” nhất định. Đó là một loại quả “lên tiếng” (dù lặng lẽ nhưng trôi chảy) nói về những đặc điểm như: phía nam, mặt trời, sự khỏe mạnh chắc chắn và sự hi vọng, buổi sáng và sự đơn giản. Nó khích lệ hành động, thôi thúc chúng ta thực hiện những gì quan trọng và tập trung vào những điều chúng ta biết mình cần phải làm. Nó hoàn toàn không chút ủy mị: nó chân thật đến mức phũ phàng, nhưng tử tế.

Hay ví dụ về quả hạnh. Nó cũng có đầy đủ các giá trị dinh dưỡng, nhưng đồng thời giống như một cái hộp chứa đựng những yếu tố như: không khí mát mẻ trong lành của mùa thu, sự chín chắn, điềm đạm, tính độc lập, và ngăn nắp theo kiểu trẻ con (giống như cách một đứa trẻ 10 tuổi sắp xếp quần áocủa nó gọn gàng…)

 

 

Thức ăn có chứa những triết lý cuộc sống đáng suy nghĩ, những điều chúng ta có lẽ đang cố gắng tiếp cận theo cách trực diện và dễ hiểu nhất: ăn. Về mặt thể chất, chúng ta tiêu hóa thức ăn, nhưng ngoài ra, chúng ta còn đang hấp thụ những nguồn “dinh dưỡng” tinh thần thông qua trực giác.

Chúng ta hi vọng đồ ăn có thể giúp cải thiện những mặt nhất định trong bản chất và bù đắp một vài nhược điểm về tinh thần. Đó là lý do tại sao ăn uống không chỉ là việc nạp năng lượng và phục hồi cơ thể, mà còn là sự cân bằng lại những tâm hồn đang bị méo mó của chúng ta.

Chúng ta muốn ăn những gì giúp bản thân ngày càng giống với giá trị tinh thần món ăn đó truyền đạt; chúng ta muốn có được sự trầm lặng tự tin của quả bơ, sự thả lỏng trong khoái lạc của quả vả, sự riêng tư cao quý của sò điệp, xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân của măng tây. Chúng ta đặt vào miếng thịt nướng một cam kết mới về sự dũng cảm và mãnh liệt, chúng ta quay sang mật ong với mong muốn bản thân bằng lòng với sự tối giản nhiều hơn. Chúng ta có thể uống một ly sữa lạnh đầy để tạo nên ranh giới giữa hiện tại và sự phóng túng nhục dục cách đó vài ngày.

Hãy cùng điểm lại ngắn gọn những mức độ ảnh hưởng tâm lý khác nhau của đồ ăn:

 

 

1. Đồ ăn giúp tái cân bằng

 

 

Tất cả chúng ta đều bị mất cân bằng dù ít hay nhiều. Chúng ta có thể quá lý trí hoặc quá cảm tính, quá nam tính hoặc quá nữ tính, quá điềm đạm hoặc quá kích động. Món ăn chúng ta yêu thích thường là món giúp bù lại những gì chúng ta thiếu: chúng giúp chúng ta cân bằng lại.

Khi chúng ta phát cuồng với một món ăn, có lẽ đó là bởi vì món ăn đó cô đọng những phẩm chất chúng ta cần bổ sung trong cuộc sống. Có thể nó chứa đầy sự thanh bình chúng ta hằng ngưỡng mộ, nhưng chúng ta vẫn thiếu (món ngũ cốc bircher muesli). Có thể nó có sự dịu dàng chúng ta luôn mong chờ, nhưng điều này lại không hiện diện trong công việc và các mối quan hệ hiện tại của chúng ta (như quả đào).

Những món ăn chúng ta cho là “ngon” không chỉ cho thấy dạ dày của chúng ta đang thiếu gì, mà còn thể hiện sự thiếu thốn về tâm lý. Chính sức mạnh của thức ăn giúp chúng ta trở thành chúng ta trọn vẹn hơn.

 

 

 

2. Thức ăn kết nối con người với những phần quan trọng nhưng còn mờ nhạt của chính chúng ta

 

 

Chúng ta là những sinh vật phức tạp với nhiều lớp tính cách. Không phải phần nào trong chúng ta cũng biểu hiện ra bên ngoài. Có quá nhiều điều trong quá khứ và có quá nhiều thứ đang diễn ra trong hiện tại khiến chúng ta không nhận ra điều đó. Vì vậy mà mặt hài hước của chúng ta có thể bị ẩn đi. Cảm xúc kinh ngạc và xúc động một cách lặng lẽ nhưng sâu sắc bởi những điều đơn giản có thể bị phớt lờ cùng với những nhu cầu, đòi hỏi hằng ngày.

 


Khả năng gợi lên liên tưởng mạnh mẽ của một số loại đồ ăn nhất định trở thành chất xúc tác tuyệt vời giúp ghi nhớ và liên kết. Nếu bạn ăn đúng loại thức ăn, bạn có thể tiếp cận vào đúng vùng tâm trí vốn bị bỏ qua. Món cá rán và khoai tây chiên bơ của một xạp hàng bên đường có thể giúp bạn kết nối với cái tôi 8 tuổi, nhớ lại cảm giácsảng khoái và thích thú của chính mình vào thời điểm đó.

Nhờ có thức ăn, chúng ta có thể kết nối với những thời khắc quan trọng - nhưng dễ dàng bị lãng quên - trong quá khứ của mình.

 

 

3. Thức ăn có thể giúp thay đổi cuộc sống của chúng ta

 

 

Thức ăn chứa đựng tính triết lý (như dạy chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, nhớ tới sự ngọt ngào, học cách cam đảm…)

Khi chúng ta cố gắng thay đổi cuộc sống của mình (và chúng ta nên làm như vậy một cách thường xuyên), thức ăn cũng có vai trò nhất định. Đương nhiên chúng ta cần những thứ khác xung quanh, như sách vở để giúp định vị đúng hướng đi, bạn bè, công việc, những điểm đến du lịch… Nhưng thức ăn cũng có vai trò trong sự biến đổi từ bên trong này.

 

 

Việc này không đơn giản là chuyện “ăn kiêng” như thể điều duy nhất chúng ta cần làm để thay đổi cuộc sống chỉ là thay đổi cân nặng. Chúng ta có thể nhờ tới sự hỗ trợ của thức ăn trong sứ mệnh theo đuổi một cuộc sống bớt lộn xộn hơn, hoặc kết nối nhiều hơn với người khác, hoặc gắn bó hơn với tổ quốc.... Cách chúng ta ăn sẽ bổ trợ cho ước vọng về con người chúng ta muốn trở thành.

 

 

4. Thức ăn có thể bù đắp cho sự xuống dốc của tôn giáo

 

 

Một trong những chức năng tốt đẹp của tôn giáo chính là việc đưa ra các nghi lễ; khiến chúng ta đặt ra một ngày nhất định để thực hiện những ý tưởng và tạo ra những trải nghiệm quan trọng một cách đầy hứng khởi - những nghi lễ tôn giáo này thường xoay quanh những loại thức ăn được lựa chọn cẩn thận vì nó đại diện cho những đức hạnh, phẩm chất mà tôn giáo đó muốn nhấn mạnh.

Ví dụ, các Phật tử được khuyến khích ghi nhớ giá trị của tình bạn thông qua một cốc trà được pha ủ tỉ mẩn và rồi thưởng thức chậm rãi. Trong những năm đầu đạo Thiên Chúa ra đời, những tín đồ sẽ tập hợp để nhớ tới Chúa cứu thế qua loài cừu, những sinh vật cao quý nhưng dễ bị tổn thương. Người Do Thái sử dụng bánh mì không lên men và cây cải ngựa đắng để ghi nhận sự dũng cảm của những tín đồ trốn chạy khỏi Ai Cập.

Những điều các tôn giáo muốn nói với chúng ta về cách dẫn lối cho cuộc sống (với sự hỗ trợ của thực phẩm) có thể không còn thuyết phục trong lúc này. Nhưng ý tưởng nền tảng về việc sử dụng thức ăn để khuyến khích con người suy nghĩ và cảm nhận theo những cách nhất định trong những thời điểm nhất định, vẫn còn nguyên giá trị.

Chúng ta cần tìm ra những loại thực phẩm tương ứng với những món ăn tô vẽ bởi tôn giáo, như trà, thịt cừu hay cây cải ngựa. Điều đó nghĩa là, chúng ta nên xác định các giá trị tuyệt đối quan trọng rồi gắn kết nó với những loại thức ăn chúng ta thấy gần gũi nhất - và cuối cùng, thường xuyên ăn những món ăn đó theo nghi lễ tôn giáo.

 

 

5. Nấu ăn là con đường đi tới chủ nghĩa cá nhân

 

 

Trong cuộc sống, mọi thứ thường bắt đầu bằng việc ai đó đưa cho chúng ta những món ăn họ cho là chúng ta sẽ thích. Nhưng họ thường hiểu sai. Vì thế trong một thời gian rất dài, chúng ta đã ăn những món không yêu thích, những món chỉ giúp chúng ta sống qua ngày.

 


Một phần của việc trở thành một “cá thể chân chính” thay vì đơn thuần là một sự tồn tại sinh học, chính là học cách sắp xếp từng chút cái thế giới bên ngoài bao quanh chúng ta cho hài hòa với thế giới bên trong. Vì vậy việc học cách nấu ăn rất quan trọng, vì nó thể hiện cam kết sắp xếp những gì cơ thể hấp thụ phù hợp với đúng niềm tin và hi vọng của chúng ta.

Chúng ta không còn là kẻ bị động cho gì ăn nấy, tiêu hóa mọi thứ được sắp sẵn, mà học cách xác định thứ mình cần và chắc chắn biết làm sao để đảm bảo điều đó.

 

 

6. Thức ăn là một hình thức giao tiếp

 

 

Không phải tất cả chúng ta đều giỏi giao tiếp. Chúng ta thường lúng túng khi truyền đạt để người khác hiểu, thí dụ như thể hiện sự biết ơn với ai đó, hay cho họ thấy những cảm xúc phức tạp hơn của bản thân. Chúng ta muốn họ biết về sự tưởng tượng, sự khéo léo, hay sự cam kết đối với lối sống đơn giản mà quý phái.

 

 

Nhưng những điều khó có thể diễn đạt bằng lời, chúng ta có thể bày tỏ thông qua đồ ăn trên bàn. Món mỳ penne với húng quế tươi có thể là một lời tỏ tình dành cho ai đó, món nấm nướng có thể trở thành lời chào đón người thân về nhà với ý nghĩa sâu sắc nhất, món gà quay có thể trở thành sự cầu khẩn bình yên cho gia đình, món kem xoài ăn kèm một vài miếng sô cô la đen có thể tái hiện viễn cảnh thiên đường.

Giống như âm nhạc, thức ăn có khả năng biểu đạt trực tiếp phi thường. Nó có thể nói lên những điều quan trọng nhất mà không cần một câu một chữ nào.

 

 Trạm Đọc

Theo The Book of Life