Isabelle Müller: Mẹ là người đáng để thế giới biết đến
Isabelle Müller: Mẹ là người đáng để thế giới biết đến
Isabelle Müller – người phụ nữ đang chảy dòng máu của một người mẹ Việt Nam tên Đậu Thị Cúc (tự Loan) – từ năm 2016 đã lập Quỹ từ thiện LOAN Stiftung, dốc lòng cho những dự án giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng núi miền Bắc Việt Nam.

Mẹ Loan là nhân vật chính của Isabelle Müller trong tác phẩm Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng (NXB Trẻ, 2018). 

 

Tác giả Isabelle Müller – Ảnh: NVCC

 

 Giờ đây, Isabelle Müller trở lại Việt Nam với câu chuyện của “đứa con gái” – câu chuyện của chính bà: Con gái của chim Phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2022). 

Cuốn sách viết về những thương tổn của một cô gái lai châu Á sống ở trời Âu đã thoát ra khỏi nghịch cảnh và thành công. Toàn bộ nhuận bút, tác giả sẽ tặng cho Quỹ LOAN (LOAN Stiftung).

Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với Isabelle Müller nhân dịp bà về Việt Nam giao lưu cùng độc giả tại Đường sách TP.HCM vào ngày 19-3 tới.

Những đau khổ tạo nên tôi: Một con người hạnh phúc và mạnh mẽ

* Đến những năm 1990 chị mới thăm Việt Nam nhưng có lẽ Việt Nam thường xuyên được mẹ chị nhắc đến. Trong hình dung của cô bé Isabelle hồi đó, Việt Nam là một đất nước như thế nào?

– Khi còn nhỏ, tôi đã tưởng tượng Việt Nam là đất nước xinh đẹp, nơi hầu hết mọi người đều tươi cười, thân thiện và yên bình. Trong đầu tôi hiện lên phong cảnh đồng quê tươi xanh. Có những cánh đồng lúa mà người lớn chăn trâu trong không khí ẩm ướt ấm áp và con nít nô đùa.

Theo lời mẹ kể, thành thị rất khác trong hình dung của tôi. Chúng đầy người buôn bán la hét để bán được hàng. Và các cửa hàng cung cấp đồ sành sứ, vải thêu và đồ trang sức thủ công.

Tôi thích hình dung Việt Nam giống vậy. Những trải nghiệm đáng sợ mà mẹ tôi kinh qua khi còn nhỏ như một thiếu nữ hay một người đàn bà, mà mẹ nhấn mạnh lúc cho tôi xem vài vết sẹo của bà theo yêu cầu của con, tôi khắc cốt ghi tâm. 

Những câu chuyện của mẹ cứ khơi gợi trong tôi niềm khao khát Việt Nam mãnh liệt, trước khi ảo tưởng lớn tan vỡ theo câu duy nhất: “Nhưng bây giờ đang có chiến tranh trên quê hương mẹ…”. 

Khi tôi lớn hơn, cách nhìn về đất nước trong tôi đã thay đổi. Những hình ảnh cũ về một đất nước thịnh vượng với người dân hạnh phúc đã được thay thế một phần bằng những hình ảnh mới về đau khổ qua chiến tranh.

* Còn những truyện cổ tích, chị có được mẹ kể truyện cổ tích Việt Nam nào không? Chị thích nhất truyện nào?

– Mẹ tôi thỉnh thoảng nhắc đến một vài truyền thuyết. Tôi thích nhất truyện về con rùa hồ Hoàn Kiếm đã mang gươm cho người đánh cá và thanh gươm đã được dâng lên Lê Lợi. 

châu Âu, chúng tôi có một câu chuyện tương tự: Truyền thuyết vua Arthur được trao cho thanh kiếm Excalibur.

* Từ khi nào chị có ý định kể câu chuyện của mình?

– Tôi chưa bao giờ có ý định viết tiểu sử và chia sẻ câu chuyện của mình với bất kỳ ai trên đời. Tôi không nghĩ cuộc sống của tôi lại đặc biệt và thú vị với người khác. 

Ưu tiên của tôi luôn là viết tiểu sử mẹ Loan như khi còn nhỏ tôi hứa với bà. Chính mẹ mới là người đáng để cả thế giới biết cuộc đời của mình chứ không phải tôi.

Nhưng vào năm 2007, tôi được Nhà xuất bản S. Fischer Verlag nổi tiếng ở Đức yêu cầu viết tiểu sử của chính tôi trước. 

Thay vì xuất bản cuốn tiểu sử về người mẹ Loan – Từ cuộc đời của một con phượng hoàng như tôi đã đề nghị, nhà xuất bản muốn có một “nhân vật chính còn sống”. 

Mẹ Loan mất năm 2003. Họ đề nghị vậy không chỉ vì lý do tiếp thị. Thế giới Đông Nam Á lúc bấy giờ còn quá xa lạ với họ, và tốt hơn hết tôi nên kể câu chuyện với tư cách là một cô gái lai Âu – Á sống ở châu Âu.

Vì vậy, tôi viết ra câu chuyện của mình với động lực duy nhất là để nhìn thấy tiểu sử của mẹ được xuất bản vào ngày nào đó.

* Con gái của chim Phượng hoàng không phải một tác phẩm êm đềm. Không phải tác giả nào cũng dễ chịu khi đối diện ký ức của mình; có lúc nào trong quá trình viết, chị cảm giác mình không thể vượt qua được và muốn dừng lại?

– Tôi tìm thấy bình an trong cuốn sách, chủ yếu là vì tôi đã làm hòa với chính mình. Tất nhiên có những cuốn sách có cách viết điềm tĩnh hơn, nhưng để viết được một cuốn sách như vậy, lẽ ra tôi nên theo đuổi một cuộc đời tĩnh lặng thay vì một cuộc đời bất thường. 

Với tôi, nó bình yên bởi vì bản chất của cuốn sách này không phải là những đau khổ tôi đã trải qua trong đời, mà là những đau khổ tạo nên tôi: Một con người hạnh phúc và mạnh mẽ. Tôi muốn chia sẻ sự chuyển hóa đau khổ thành hạnh phúc với độc giả, vì vậy tôi không có lý do gì để dừng lại.

Trong quá trình viết, lần duy nhất tôi dừng lại là khi phải quyết định xem sẽ tiết lộ bao nhiêu về vài nhân vật chính của cuốn sách. Tôi phải tôn trọng sự riêng tư của họ. 

Và khi tôi chấp nhận kể câu chuyện của mình, tôi quyết định chia sẻ thật lòng từng cảm xúc và suy nghĩ. Viết lách có cảm giác như một sự bóc trần tâm hồn. Tôi phải sẵn lòng chia sẻ những điều riêng tư nhất trước công chúng. 

Điều này thật khó nhưng đó là quyết định của tôi. Khi hoàn thành, tôi rất ngạc nhiên thấy tác động của câu chuyện đối với người khác và xã hội, họ được truyền cảm hứng như thế nào sau khi đọc.

Hai cuốn sách của Isabelle Müller – Ảnh: H.T.K.

Mẹ Loan là nguồn cảm hứng cho tôi

* Trong Loan, tác phẩm kể về cuộc đời thân mẫu chị được thuật lại ở ngôi thứ nhất. Tôi có cảm giác, theo một cách nào đó, chị thấy cuộc đời của người mẹ tiếp tục tái sinh trong đứa con gái?

– Trong Loan, tôi chủ ý viết ngôi thứ nhất. Tôi muốn hòa tan cùng tính cách của mẹ và cảm nhận cảm xúc của mẹ sâu sắc hơn. Tôi muốn độc giả có cùng cảm xúc khi đọc.

Thật vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời của mẹ Loan có rất nhiều điểm chung với tôi. Các thử thách trông khác nhau và diễn ra vào thời điểm khác với các điều kiện khác nhau. Nhưng giống như mẹ, tôi gặp rất nhiều thử thách và tôi đã rút ra được những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.

Trong cuộc đời mình, mẹ là người quyết định xem mọi thứ có cần thay đổi, cải thiện hay không. Trong cuộc sống, tôi noi gương mẹ nhưng tôi là người quyết định điều gì là tốt nhất cho mình. Mẹ tôi luôn là nguồn cảm hứng cho tôi.

* Chị có dự định xuất bản một cuốn sách mới trong thời gian tới không?

– Có, tôi dự định xuất bản một cuốn sách dành cho trẻ em, Hip Hop in the Land of Ellsaby – Hip Hop ở xứ sở của Ellsaby. Câu chuyện này sẽ an ủi trẻ nhỏ sau khi mất đi những người thân yêu, sau đại dịch COVID-19 chẳng hạn, và giúp các em đối phó tốt hơn với những đau buồn.

Tôi cũng dùng thời gian tự cách ly vào năm ngoái để viết tiểu thuyết đầu tay: một câu chuyện tình đương đại mang nội dung tâm linh, một cuốn sách 350 trang với những câu hỏi sâu sắc về khả năng của sự sống sau cái chết và câu hỏi về Chúa.

Isabelle Müller (nhũ danh Isabelle Gaucher) sinh năm 1964 tại Tours (Pháp). Chị là con út trong gia đình, cùng năm anh chị sinh trưởng ở một ngôi làng nhỏ của Pháp trong điều kiện khó khăn.

Từ năm 1985, Isabelle Müller chuyển đến Đức làm công việc biên phiên dịch. Hiện tại, chị đang sinh sống cùng chồng và hai cô con gái.

Ở Đức, Con gái của chim Phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi là tác phẩm được xuất bản trước, nhưng ở Việt Nam, Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng mới là tác phẩm đầu tiên giới thiệu chị đến độc giả Việt Nam. 

Bản thảo Loan được viết năm 2005 và nằm trong ngăn kéo nhiều năm cho đến khi được xuất bản lần đầu tiên ở Đức vào năm 2015. Bản thảo được gửi tới cuộc thi Kindlestoryteller Award 2015 ở Đức và lọt ngay vào chung khảo, trở thành sách bán chạy trên Amazon khoảng hai năm.

Theo báo Tuổi Trẻ

Tags: