Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Gánh gánh gồng gồng
(Đồng dao Việt Nam)
Bạn trẻ có cảm xúc gì khi đọc bài đồng dao này? Nếu đọc đi đọc lại, độc giả sẽ cảm nhận được những giọt mồ hôi lấm lem của gia đình sau buổi làm nương dài, sự vội vã để về nhà thổi cơm chín thật nhanh lúc cả nhà cũng vừa về tới, bữa cơm cần được chia ra nhiều phần duy trì lương thực đủ cho những ngày sau… Tuy thật thiếu thốn, vất vả, nhưng bài đồng dao này lại chẳng có lấy một lời than phiền, oán thán, mà đó là sự chấp nhận, lạc quan, ý chí sống mãnh liệt luôn tiến về phía trước. Cả cuộc đời của tác giả Xuân Phượng là những chuỗi ngày học tập, lao động, cống hiến hết mình vì những người thân yêu và Tổ quốc.
Tác giả Xuân Phượng - Người kết nối hồn dân tộc Việt với bạn bè Quốc tế
Bắt nguồn từ những lời nói của người cậu và nhìn thấy hoàn cảnh người làm thuê của nhà ông bà ngoại bị bỏ rơi tự sinh tự diệt khi đau ốm. Năm 1945, cô bé Xuân Phượng lúc này vừa 16 tuổi đã nhảy lên chiếc đò, bỏ lại chiếc xe đạp bên bờ sông, ngôi nhà rộng rãi, từ bỏ cuộc sống được ăn no mặc ấm và học tập tại trường tu viện Pháp, để quyết định ra đi bắt đầu hành trình kháng chiến.
Đạo diễn Tô Hoàng - Người khai sinh ra tên Gánh Gồng cho cuốn sách này, nói rằng: “Cuộc đời gồng gánh chồng con, gia đình thì phụ nữ thời ấy cũng có nhiều. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, chị gồng gánh một gia tài văn hóa tương đối nghèo nàn lúc bấy giờ của Việt Nam, ra thế giới.”
Trải qua hơn 70 năm kể từ khi rời xa gia đình, bà đã có quá trình nghề nghiệp vô cùng phong phú và để lại nhiều thành quả giá trị cho đất nước. Một số nghề bà đã làm như: kỹ thuật viên thuốc nổ, phóng viên chiến trường, bác sĩ nhi khoa, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, đạo diễn phim tư liệu chiến trường đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.
Nổi bật trong đó là bộ phim “Vĩ Tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân” - tác phẩm tiêu biểu về Chiến tranh Việt Nam được công chiếu tại nhiều nước trên thế giới. Bà hỗ trợ đạo diễn nổi tiếng thế giới người Hà Lan Joris Ivens quay thành công trên “miền đất thép” Vĩnh Linh, thời điểm Mỹ thả bom vào Việt Nam mạnh mẽ nhất.
Bên cạnh đó, khi về hưu, bà tự sáng lập phòng tranh Lotus, đem rất nhiều tác phẩm tranh Việt Nam triển lãm và bán chạy tại nhiều nước trên thế giới.
Về gia đình, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và kết nối lại với gia đình thất lạc từ năm 16 tuổi, vào năm 60 tuổi bà mới gặp lại người thân. Trong không khí trùng phùng đó, mẹ bà bỗng hỏi rằng: Sao bà lại chọn kháng chiến để gia đình phải chia ly đã khiến?
Cảm giác khó diễn tả và bộc bạch khiến bà muốn viết cuốn sách này như lời tâm sự mà bà dành cho gia đình, để họ có thể hiểu được nỗi lòng của bà.
Tác phẩm Gánh gánh gồng gồng được nhận hai giải thưởng giá trị: Giải thưởng Văn học năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội Nhà Văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020. Tác phẩm này đã làm rung động rất nhiều trái tim nhà văn và độc giả yêu văn học việt Nam.
Gánh Gồng - Kéo tâm hồn người trẻ về với giá trị thấm đẫm văn hóa dân tộc
Nhiều người trẻ tuổi của thế hệ gen Z mỗi ngày tiếp xúc với công nghệ kể từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho tới khi chìm vào giấc ngủ cuối ngày. Sự bận tâm phần lớn cũng phóng theo việc cập nhật của các tin tức mới nhất, tin dramma hot, người nổi tiếng,... Vòng lặp cuộc sống tưởng chừng như là lẽ dĩ nhiên của người trẻ trong kỷ nguyên công nghệ, liệu rằng các bạn có đang cảm thấy thiếu đi điều gì đó rất quan trọng?
Nhạc sĩ Thụy Kha có nói rằng:
“Cuốn sách này rất cần cho tất cả các thế hệ, mà nhất là thế hệ trẻ, nhất định đọc và phải đọc rất kỹ. Nếu như không có văn bản này, chúng ta sẽ không biết ai vào với ai, chúng ta không biết sống như thế nào, tại sao chúng ta dấn thân vào cách mạng? Chúng ta dấn thân như thế nào?... Và cuộc đời của chị Phượng, tình cờ, mang chứa được cuộc đời của dân tộc mình ở trong đó.”
Thật vậy, hồi ký Gánh gánh gồng gồng mang đến nhiều dư vị cảm xúc đan xen hiện tại và lịch sử, như sợi dây kết nối thế hệ cha ông, những lớp người truyền thống thời màn hình đen trắng, với thế hệ trẻ sinh ra trong sự bùng nổ công nghệ và mạng Internet đa sắc màu. Những bạn trẻ sẽ thấu hiểu hơn những ngày tháng kháng chiến thật sự gian khổ khó mà tưởng tượng được.
“Chúng tôi còn rất trẻ, luôn luôn đói ăn. Mỗi ngày hai nắm cơm, một chai nước, chẳng thấm vào đâu… chúng tôi ăn bốc, ngồi chồm hổm dưới đất. Nồi cơm cháy của bác ngày nào cũng bị chúng tôi cạo không còn một hột.” (Trích Gánh gồng)
Đây không phải là những lời than thở, âm thầm trong từng câu văn là sức mạnh tinh thần vượt qua gian khó trùng trùng của những lớp người đi trước. Đó cũng là ý chí, là quyết tâm cống hiến và hy sinh vì niềm tin vào tương lai được hòa bình, độc lập, ấm no cho tất cả mọi đồng bào, mọi tầng lớp trong xã hội.
Gánh gồng - Tình yêu, tình bằng hữu, tình đồng đội đượm vẻ đẹp Việt Nam
Cuốn hồi ký này thể hiện tình yêu đằm thắm của một cô thiếu nữ xứ Huế, tình bằng hữu trong trẻo, tình đồng đội keo sơn khi gian khó có nhau. Tất cả được hiện lên qua giọng văn êm dịu như lời tâm sự với một người bạn của bà Xuân Phượng. Loạt tình tiết được mô tả rõ ràng, liền mạch, tượng hình một cách sống động, khiến bạn đọc như đang trực tiếp chứng kiến câu chuyện của bà.
Độc giả trẻ tuổi chắc chắn sẽ kinh ngạc trước cách thể hiện tình yêu hoàn toàn khác của “người xưa” trong tác phẩm này. Ví dụ như: khi biết tác giả Xuân Phượng đã kết hôn, anh Nam - người yêu cũ của bà không tin đó là sự thật, anh đã vừa đạp xe, vừa đi bộ,... qua hàng trăm km từ Nghệ An đến Cao Bằng để gặp bà. Tại Cao Bằng, khi nghe tiếng gõ cửa theo “tín hiệu bí mật” của hai người, tác giả đang ở trong phòng vô cùng bất ngờ và ngồi dậy để mở cửa. Sau cuộc trò chuyện, nước mắt lã chã, tác giả tiễn người yêu cũ rời đi. Cuốn sách này sẽ dẫn lối cho độc giả tới miền cảm xúc sâu thẳm bên trong, khiến độc giả hiểu về về tình yêu, tình bạn dung dị bằng cả trái tim và sức lực.
Một trong những cảnh gặp gỡ vô cùng xúc động khi tác giả đang sống tạm tại nhà em chồng. Đó là khi anh bộ đội tên Trần Kỳ Doanh, bạn thân cùng đơn vị với vợ chồng tác giả Xuân Phượng và Chú Hoàng, tới đưa quà từ phương xa của chú Hoàng gửi cho hai mẹ con tác giả. Anh Doanh được tiếng hiền lành và nho nhã, nhưng khi thấy cảnh sống trong “căn phòng thảm hại, chiếc giường chỏng chơ” của hai mẹ con, cùng những lời “nức nở không đầu không đuôi” của tác giả, “anh bỗng đứng vụt dậy, rút khẩu súng ngắn, lao sang phòng của em chồng, anh gào lên, đập cửa liên hồi,…” để đòi lại công bằng cho tác giả.
Chỉ bằng những mô tả giản đơn, tác giả khéo léo lồng được cảm xúc bùng nổ của anh bộ đội. Chính giọng văn mộc mạc nhưng rất sâu lắng, đã chạm tới trái tim của từng độc giả. Có lẽ độc giả ở bất kỳ độ tuổi nào cũng sẽ như hòa làm một với mạch chuyện trong Gánh gánh gồng gồng, vui với niềm vui của bà, xót xa với nỗi đau của bà, phẫn nộ với những bất công mà bà gặp phải.
“Chị đã trải qua bốn thập niên kinh khủng của nước Việt Nam, mà sao khi tưởng nhớ về cuộc đời lại vô cùng khoan dung, không ghét một ai, không bới móc một ai.” Nhà thơ Thụy Kha chia sẻ.
Chắc chắn rằng, tác phẩm Gánh gánh gồng gồng sẽ giúp những người trẻ tuổi thêm chan chứa tình cảm dành cho quê hương, luôn ghi nhớ, thấu hiểu những giá trị và nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc. Cuốn sách này là sự lựa chọn hoàn hảo truyền cảm hứng và động lực cho những bạn trẻ, hay bất kỳ ai đang lênh đênh giữa nhiều ngã rẽ trong cuộc sống.
Châu Sasara