Haruki Murakami: Chạy bộ có lợi cho những người viết văn như thế nào?
Haruki Murakami: Chạy bộ có lợi cho những người viết văn như thế nào?
“Hầu hết những gì tôi biết về viết lách tôi đều học được từ việc chạy bộ hàng ngày. Đó là những bài học thực tế và tự nhiên."

Một điều về Murakami là cách viết của ông luôn thực tế, đơn giản, và thái độ bình dân, nhưng ông vẫn thành công trong việc tìm ra những cách thức đặc biệt để làm chủ từ ngữ nhằm diễn đạt các suy nghĩ, tình cảm, và các hoàn cảnh tưởng như không thể diễn tả bằng ngôn từ. Không cần kéo dài các ý tưởng, chẳng một chút tự mãn về năng lực trí tuệ. Đó là cách ông viết. Tuy vậy, ta vẫn có thể thấy bàn tay lao động văn chương cẩn trọng và nghệ thuật trong từng trang sách. Bạn có thể đang nghĩ đây là lời tán dương lớn với một người viết sách về chạy bộ, nhưng những gì được viết trong cuốn sách xứng đáng với những lời ngợi khen đó.

 


Ngay ở phần đầu cuốn sách, Murakami viết về cách mà chạy bộ giúp ông chống chọi với sự cô đơn, yếu tố đến cùng với việc trở thành một nhà văn tận tụy. Ông viết:


“Có những khoảng nhất định trong cuộc sống của mình, tôi tích cực tìm kiếm sự cô độc. Đặc biệt với những ai cũng là nhà văn, ít hay nhiều, sự cô độc là hoàn cảnh không thể tránh được. Dù vậy, đôi lúc, cảm giác cô độc này như thứ axit tràn khỏi chiếc bình, nó có thể ăn mòn và làm mục nát trái tim của một người trong vô thức. Bạn cũng có thể thấy đây như kiểu một con dao hai lưỡi. Nó vừa bảo vệ tôi, vừa từ từ cắt tôi từ bên trong. Trong suy nghĩ của mình, tôi nhận ra được sự nguy hiểm này – có thể từ kinh nghiệm – và đó là lý do tôi phải liên tục giữ cho cơ thể mình vận động, đẩy cơ thể mình đến giới hạn trong một số trường hợp nhằm chữa lành sự cô quạnh tôi cảm thấy tự bên trong lẫn bên ngoài bản thân để đánh giá nó một cách đúng đắn. Không hẳn là một hành động có chủ đích, mà như một phản ứng bản năng.”


Trong lối viết hùng hồn, Murakami đã rất tỉ mỉ với khái niệm của việc viết văn như một thói quen không lành mạnh, nó đã đào sâu vào cách mà xã hội có những thiên kiến trong viết lách. Nó thách thức, khuyến khích độc giả nghĩ về cách mà viết lách ảnh hưởng đến nhà văn.


“Khi đang chạy, một số suy nghĩ về viết tiểu thuyết đến với tôi. Đôi lúc, mọi người sẽ hỏi: 'Ông Murakami, hàng ngày ông đều sống thật lành mạnh, ông có nghĩ rồi sẽ đến một ngày nhận ra mình không thể viết văn nữa không?’. Người ta không nói điều này nhiều khi tôi ở nước ngoài, nhưng nhiều người ở Nhật Bản có vẻ giữ quan điểm cho rằng viết tiểu thuyết là một hoạt động không lành mạnh, các tiểu thuyết gia là gì đó kiểu như suy đồi và phải có cuộc sống mạo hiểm để viết. Nhiều người cho rằng bằng phong cách sống không lành mạnh, một nhà văn có thể đưa bản thân y rời khỏi thế giới trần tục và đạt tới một thế giới thuần khiết có giá trị nghệ thuật. Ý kiến này đã hình thành qua một khoảng thời gian dài. Phim điện ảnh và phim truyền hình đã duy trì khuôn mẫu này – hoặc, phóng đại thành hình ảnh huyền thoại của người nghệ sỹ.


Về cơ bản, tôi đồng tình với góc nhìn cho rằng viết tiểu thuyết là loại công việc không lành mạnh. Khi chúng tôi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, khi chúng tôi sử dụng ngòi bút để tạo nên một câu chuyện, nó có thể giống hoặc cũng không giống như một loại độc tố nằm sâu dưới bản chất con người được thể hiện ở vẻ bề ngoài. Tất cả mọi nhà văn đã đối mặt với chất độc này và cảm nhận rõ ràng sự nguy hiểm đi cùng, họ phát hiện ra cách để giải quyết nó, bởi nếu không, chẳng hoạt động sáng tạo nào thực sự có thể thay thế. (Xin hãy bỏ qua cho suy luận kì lạ này của tôi: với con cá fugu, phần ngon nhất nằm gần chất độc – đây có thể là điều gì đó tương tự như những gì tôi đang hướng đến). Cho dù bạn có nghĩ như thế nào, đây không phải một hoạt động lành mạnh.”


Xuyên suốt cuốn sách, Murakami đã đưa ra lời gợi ý thẳng thắn và khôn khéo. Ông cho rằng các nhà văn cần phải hài hòa sự hao tổn do viết lách với những điều như sự thỏa mãn. Với sự thiếu minh mẫn và việc không thể chăm sóc bản thân tốt, bạn sẽ không thể kéo dài nghiệp viết và/hoặc tạo ra bất kì một nhân vật lớn lao nào. Ông nói điều này mà không một chút thích thú hay thái độ tự mãn. Một trong những thông điệp sâu sắc nhất xuyên suốt cuốn sách là việc viết lách đòi hỏi nhiều hơn là chỉ ngồi xuống và viết một kiệt tác, đó là lối sống cực nhọc hơn rất nhiều so với những gì được chiếu trên tivi. Không có sự nỗ lực và cẩn trọng, những thói xấu của việc viết lách sẽ nhanh chóng chiếm lấy bạn.


“Nhưng chúng tôi, những nhà văn với hy vọng có một sự nghiệp viết văn chuyên nghiệp dài hơi buộc phải phát triển một hệ thống miễn dịch tự động của bản thân để có khả năng kháng cự với các tính chất nguy hiểm (trong một số trường hợp có thể dẫn đến cái chết) đến từ việc viết văn. Làm điều này và chúng tôi có thể loại bỏ một cách hiệu quả hơn các chất độc mạnh hơn. Nói theo cách khác, chúng tôi thậm chí có thể tạo ra các câu chuyện kể có sức mạnh lớn hơn để đối phó với chúng. Nhưng bạn cần nhiều năng lượng để tạo ra hệ thống miễn dịch và duy trì nó trong khoảng thời gian dài. Bạn phải tìm năng lượng đó ở nơi nào đó, và đó là đâu ngoài việc giúp đỡ cơ thể mình về mặt thể chất?


Để giải quyết một thứ không lành mạnh, một người cần phải khỏe mạnh nhất có thể. Đó là châm ngôn của tôi. Nói theo cách khác, một tâm hồn yếu đuối cần một cơ thể khỏe mạnh.”

 


Sự minh mẫn mà Murakami đề cập ở đây có thể đạt được bằng nhiều cách và chắc chắn không chỉ giới hạn ở các hoạt động thể chất. Thiền định, viết nhật ký, nghe hoặc chơi nhạc, giải ô chữ chỉ là một số ít các cách giúp bạn có thể tìm thấy sự thanh bình và lối thoát cần thiết.


Càng đến giữa tự truyện, Murakami đã công nhận việc chạy bộ trong sự nghiệp viết văn chuyên nghiệp của mình. Nó càng chứng tỏ quan điểm rằng, đối với nhà văn, chạy bộ không chỉ mang ý nghĩa với việc tìm kiếm sự cân bằng, mà đó còn là sức mạnh dẫn dắt ngòi bút.

 

“Hầu hết những gì tôi biết về viết lách tôi đều học được từ việc chạy bộ hàng ngày. Đó là những bài học thực tế và tự nhiên. Tôi có thể thúc đẩy cơ thể mình đến độ như thế nào? Nghỉ bao lâu là hợp lý – và bao lâu là quá nhiều? Tôi có thể làm một thứ đến mức độ nào và vẫn giữ nó khuôn phép, kiên định? Khi nào thì nó sẽ trở nên thiển cận và cứng nhắc? Tôi nên nhận thức về thế giới bên ngoài trong mức độ như thế nào, và tôi nên chú tâm vào thế giới nội tâm của mình ở mức độ ra sao? Tôi nên tự tin về năng lực của mình đến chừng mực nào, và khi nào tôi nên tự nghi ngờ chính mình? Tôi biết rằng nếu tôi không phải là một người chạy bộ cùng lúc với việc làm một tiểu thuyết gia, các tác phẩm của tôi sẽ rất khác. Khác như thế nào? Thật khó để nói. Nhưng thứ gì đó chắc chắn sẽ khác.”


Đáng kể hơn, có nhiều nội dung cảm động trong cuốn sách, nhưng chắc tôi sẽ là kẻ vô trách nhiệm khi cố gắng và tóm tắt từng trích đoạn đáng suy ngẫm. Cách duy nhất để chấm dứt vừa đủ sự trớ trêu này là một đoạn nhỏ ở đầu cuốn sách. Ở đó, Murakami đã nói về cách mà viết lách, cũng như chạy bộ không phải là thứ bạn có thể “thắng”. Một lời nhắc nhở với tất cả chúng ta, rằng cuộc sống là để đạt được những mục tiêu chúng ta tự đặt ra cho bản thân mình chứ không phải là chiến thắng hay trở nên tốt hơn người khác.


“Hầu hết những người chạy bình thường đều có một động lực cá nhân hơn hết thảy: đó là thời gian họ muốn vượt qua. Miễn là có thể vượt qua mức thời gian đặt trước, y sẽ cảm thấy đã đạt được mục tiêu mình đặt ra, nếu không thể, y sẽ cảm thấy mình chưa làm được. Kể cả khi không đạt được như kỳ vọng, miễn là y có cảm giác thoải mái rằng mình đã cố hết sức – và, có thể có một số phát hiện đầy ý nghĩa về bản thân mình trong quá trình chạy –như thế, tự quá trình đó là một việc đã hoàn thành, một cảm xúc tích cực mà y có thể giữ ở lần chạy tới.


Điều này cũng tương tự với công việc của tôi. Trong giới văn chương, đối với tôi, không có thứ gì là thắng hoặc thua. Có thể con số bản thảo được bán, giải thưởng chiến thắng, lời ngợi khen của các nhà phê bình được coi như các tiêu chuẩn bề ngoài cho các thành tựu trong văn học, nhưng không gì trong chúng thực sự đáng để quan tâm. Thứ quyết định chủ yếu là liệu ngòi bút của bạn có đạt được đến các chuẩn mực bạn đã đặt ra cho bản thân. Thất bại trong việc đạt tới định mức đó không phải là điều bạn có thể dễ dàng biện minh. Khi nó xảy đến với người khác, bạn luôn luôn có thể đưa ra lời giải thích chính đáng, nhưng bạn không thể lừa bản thân mình.Điều này nghĩa là, viết tiểu thuyết và chạy toàn bộ quãng đường marathon rất giống nhau. Về cơ bản, nhà văn có một động lực âm thầm, nội tại và không tìm kiếm sự công nhận ở những thứ có thể nhận thấy qua vẻ bề ngoài”.


Murakami, và tự truyện về việc chạy bộ/viết văn của ông hoàn toàn tuyệt vời. Tôi đã từng luôn nghĩ rằng chạy bộ thật là việc ngớ ngẩn, nhưng chắc chắn, giờ tôi đang đi tìm giày chạy của mình.

 

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Bustle

 

Tags: