Chiến tranh vĩnh viễn là thứ không thể hiểu được. Thế giới hậu chiến không ngừng tiến đến một trật tự mới, nơi không có sự hiện diện của lính phục viên. Dấu vết của cuộc chiến mà tất thảy đều xem như ngu xuẩn, rốt cuộc chỉ còn lại những đài tưởng niệm hoành tráng, những nghĩa trang mênh mông phần mộ vuông vắn. Và vì thế, giờ đây, cuộc chiến thật sự mới bắt đầu.
Lật nhào những diễn ngôn truyền thống về cuộc chiến và những vị anh hùng, về chủ nghĩa ái quốc - ái quần, Pierre Lemaitre dọn đường bước vào địa hạt chiến tranh tưởng như cạn kiệt chủ đề. Với Hẹn gặp lại trên kia, Lemaitre đã thuyết phục chính mình: Kẻ thù, chiến tranh, hành chính, quân đội, tất cả những thứ ấy, đều như thế cả, những thứ chẳng ai hiểu gì và cũng chẳng ai có thể chặn lại (tr.97).
“Những ai nghĩ rằng cuộc chiến này sắp kết thúc đều đã chết từ lâu. Chết vì chiến tranh, đúng thế”. Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng hai cái chết, một già, một trẻ đầy khiêu khích, cốt chỉ để tạo nên cú hích chấm dứt mau chóng hiện thực tàn chiến uể oải.
Là người phát hiện sự thật, Albert Maillard suýt chết vì bị chôn sống. Édouard Péricourt, như một định mệnh giăng sẵn, chưa kịp hoàn hồn sau khi cứu sống đồng đội Albert đã bị mảnh pháo lao tới cướp đi toàn bộ hàm dưới, để lại một lỗ hổng hoác giữa mặt, với cổ họng khò khè những âm thanh đục ngầu. Hiệp định đình chiến đã được ký, chiến tranh kết thúc nhưng không đồng nghĩa rằng cuộc sống hậu chiến đáng để chờ đợi.
Một sự giễu nhại được vẽ ra, những quân nhân sống sót trở về biến thành gánh nặng xã hội. Tiếng kêu cứu của họ không thể thoát ra khỏi cổ họng. Vinh quang chỉ thuộc về những người lính đã vĩnh viễn bị chôn sâu. Không cần bàn cãi: “Đối với công việc kinh doanh, chiến tranh mang lại nhiều lợi ích, ngay cả khi nó đã kết thúc”.
Hẹn gặp lại trên kia cùng Phía Tây không có gì lạ của Erich Maria Remarque - hai mảnh ghép tạo nên tính chất xuyên suốt cho một tự sự chiến sự khước từ tận cùng quyền sống của con người. Paul Bäumer đổ vỡ niềm tin trước giáo sư Kantoreck, vốn đại diện cho tiếng nói giáo thuyết về tiến bộ xã hội, ngay khi trận pháo kích đầu tiên nổ ra cùng những xác người.
Albert và Édouard chỉ thực sự nhận ra những trò bịp của cuộc chiến trước khi hòa bình lập lại không lâu. Bất kể thế nào, cả Pierre Lemaitre và Erich Maria Remarque đều hiểu, những người lính trên cả hai chiến tuyến đều có chung kẻ thù là nỗi sợ chết. Remarque không ngừng tố cáo cuộc chiến ông đã tham gia.
Ở góc độ của một người đứng rất xa hiện thực cuộc chiến, Lemaitre đặt nhân vật của mình vào tình cảnh: “Đôi khi, bọn mình tự hỏi liệu trong bom đạn thì có tốt hơn không, ít nhất bọn mình còn có cảm giác phụ thuộc cho điều gì đó, cảm giác đang chiến thắng” (tr.88). Chiến tranh đã từng là một thử thách khủng khiếp nhưng so với thời kỳ phục viên thì chẳng nhằm nhò.
Mạch truyện rẽ thành hai hướng, mô tả hai cuộc sống đối lập. Giữa một bên là nỗi chật vật tiền bạc nhưng đầy ắp sự cảm thông của đôi bạn quân nhân Albert - Édouard, một bên là khung cảnh xa hoa nhưng chìm đắm trong giả tạo và tàn bạo của dinh thự nhà tài phiệt Péricourt, Lemaitre vẽ ra nhiều mối tình cờ.
Henri d’Aulnay-Pradelle, viên chỉ huy tàn bạo, kẻ đã nhúng tay vào bi kịch của hai người lính, trở thành con rể của cha Édouard. Về phần mình, Édouard quyết định chôn vùi danh tính vì không đủ dũng khí đối mặt với ánh mắt nghiêm khắc của cha bằng một thân thể tàn phế. Để trả thù đất nước dám phản bội họ, Édouard và Albert ra tay thực hiện cú lừa đảo ngoạn mục với cái tên rất kêu “Ký ức Tổ quốc”.
Chính ông Péricourt là người đã vô tình tiếp tay cho dự án lừa đảo và trở thành vị khách hàng béo bở nhất. Các nhân vật liên tục bị đặt vào những tình huống ngặt nghèo và buộc phải thay đổi nhiều lớp mặt nạ khác nhau. Sau cùng, không một ai còn tìm thấy nhân dạng ban đầu. Giọng văn hài hước, duyên dáng của Lemaitre đã chạm đến cảm xúc sâu thẳm nhất của người đọc khi nhận thức về sức hủy diệt của những gì thuộc về chiến tranh.
Kết cấu của Hẹn gặp lại trên kia bộc lộ nhiều gài cắm rời rạc. Tuyến nhân vật phụ xuất hiện và biến mất tương đối mờ nhạt khiến cho cốt truyện đôi lúc bị kéo dài ở những trường đoạn lý giải không cần thiết. Tuy nhiên, cuốn tiểu thuyết mang đến cho Lemaitre giải Goncourt danh giá của văn chương Pháp đã hé lộ nhiều bất ngờ đối với độc giả.
Tác giả thử thách mình xử lý những tình huống trong đó sự phán đoán dẫu chính xác đến đâu cũng trở nên vô nghĩa. Chính vì thế, một kết thúc tưởng chừng nhiều hi vọng và lạc quan của tác phẩm không đủ khả năng vực dậy sự thanh thản. Người đọc chỉ biết chấp nhận rằng có nhiều thứ chờ đợi chúng ta giải quyết, nhưng hãy hẹn gặp lại ở trên kia.
Trạm Đọc
Theo Tuổi trẻ cuối tuần