Tất nhiên, vẫn có những cuốn sách self-help có tính sáng tạo và mới mẻ. Nhưng phần lớn chỉ là triết học trong bộ cánh mới. Đó có thể là Aristotle trong dạng podcast, hoặc Lão Tử đang thực hiện một bài TED Talk.
Điều này không có gì sai cả. Những ý tưởng lớn được thể hiện bằng ngôn ngữ phức tạp đòi hỏi rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm. Hầu hết các ý tưởng triết học đều đi kèm với bối cảnh phức tạp gồm các thuật ngữ mới, khái niệm lạ, và các cách nhìn khác biệt về thế giới. Tôi từng dạy triết học của Friedrich Nietzsche cho những học sinh 16 tuổi. Thường thì các em thực sự hứng thú với ông. Và tôi bảo các em hãy đọc “On The Genealogy of Morals” (tạm dịch: Về lai lịch của đạo đức). Khi đó, các em không còn yêu thích ông nữa.
Triết học là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trên thế giới — nó có thể thay đổi và định hình cuộc đời. Nhưng nó thường rất khó tiếp cận. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những triệu phú được tạo ra nhờ giải thích hoặc cô đọng các ý tưởng triết học phức tạp cho những độc giả hiện đại.
Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi khi bạn đơn giản hóa, bạn mất đi sự tinh tế. Nếu đơn giản hóa thêm lần nữa, bạn lại đánh mất một phần ý nghĩa. Và khi đơn giản hóa quá nhiều, nó trở nên nhạt nhẽo và kém giá trị. Vì vậy, dưới đây là ba ví dụ cho thấy triết học giàu giá trị nhất khi ở nguồn gốc của nó. Đây là ba cuốn sách đáng giá hơn cả một nhà sách đầy sách self-help.
1/ “Đạo đức học” của Aristotle
Một trong những dấu ấn của thiên tài là họ không được nhìn nhận như một thiên tài. Khi họ tạo ra điều gì đó quá rõ ràng, hiển nhiên và đơn giản đến mức khi bạn gặp nó lần đầu, bạn cảm thấy như mình đã biết nó từ rất lâu rồi. Ví dụ, một nhà phát minh có thể trở nên giàu có nhờ hàng tỷ người nói: “Tôi không thể tin là chưa ai nghĩ ra điều này trước đây.” Tương tự, một tiểu thuyết gia, nhà văn hay nghệ sĩ có thể tạo ra một tác phẩm cuốn hút đến mức bạn không nhận ra được công sức trong việc lập kế hoạch, thực hiện và chỉnh sửa. “Đạo đức học” của Aristotle là một tác phẩm thiên tài bởi vì bạn không nhìn thấy thiên tài trong đó.
Khi lần đầu đọc Aristotle lúc còn trẻ, tôi đọc nó như cách đọc bất kỳ cuốn sách hay bài viết nào. Tôi bị cuốn hút bởi lập luận của ông. Tất cả những gì ông nói dường như thật hiển nhiên. Tôi cảm thấy như mình đang được dẫn dắt trên một con đường, và không thể tưởng tượng ra một lối đi nào khác. Tôi rút ra sự khôn ngoan từ những ý tưởng của ông và đi theo các kết luận của ông, nhưng tôi cảm giác như có điều gì đó lớn lao hơn ẩn sâu bên dưới bề mặt. Nó giống như tôi đang chèo thuyền theo gió, nhưng bên dưới biển cả lại ẩn giấu một con quái vật triết học khổng lồ, bởi vì tác phẩm của Aristotle được xây dựng quá tinh vi. Đây không phải là một công việc vội vàng trong đêm với áp lực từ một biên tập viên nóng tính. Như triết gia Michael Pakaluk nhận xét: “Mật độ và sự cô đọng trong tư duy của Aristotle khó mà được một người mới đọc đánh giá cao, bởi lẽ hầu như không ai khác viết theo cách này; gần như mọi câu đều đóng vai trò trong một lập luận nào đó, và từng từ ngữ đều có một vai trò cụ thể trong câu, giống như trong một bài thơ được chế tác tỉ mỉ.”
Vậy, cuốn sách của Aristotle nói về điều gì? “Đạo đức” trong cuốn sách của ông là một phiên bản cổ xưa. Ngày nay, nó mang ý nghĩa đúng và sai — đồng nghĩa với đạo đức (morality). Nhưng ở Hy Lạp cổ đại, đạo đức là về một cách sống. Nó liên quan đến cách bạn hành xử và toàn bộ tính cách của bạn. Vì vậy, cuốn sách của Aristotle thực sự là một cuốn cẩm nang hoặc một lập luận về cách làm người.
Nó hướng dẫn cách sống tốt, cách trở nên đức hạnh, và quan trọng nhất, cách đạt được hạnh phúc. Cuốn sách bắt đầu bằng câu hỏi: “Mục đích cuối cùng của cuộc sống là gì?” Aristotle cho rằng đó là eudaimonia, hay một trạng thái hạnh phúc sâu sắc và mang tính tồn tại. Và vì vậy, toàn bộ cuốn sách là một cẩm nang về cách để hạnh phúc. Đây là kết quả của hàng thập kỷ nghiên cứu triết học và tranh luận từ một trong những trí tuệ vĩ đại nhất lịch sử.
Nó đặt ra câu hỏi: “Được rồi, nếu hạnh phúc là đích đến, làm thế nào để chúng ta đến được đó?” Và con đường mà Aristotle dẫn chúng ta đi là một sự kỳ diệu. Bạn có thể nghĩ rằng mình đã từng nghe điều này trước đây, nhưng nó sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận cuộc sống.
2/ “Les Essais” (tạm dịch: Những bài luận) của Michel de Montaigne
Chỉ có một số ít người trong lịch sử mà bạn có thể nói rằng họ thực sự tiên phong cho một thể loại hoàn toàn mới. Bạn có thể nói Mary Shelley đã khởi xướng thể loại khoa học viễn tưởng, Jane Austen mở đường cho tiểu thuyết lãng mạn, và J.R.R. Tolkien với thể loại giả tưởng hiện đại. Còn Michel de Montaigne, triết gia người Pháp thế kỷ 16, được xem rộng rãi là cha đẻ của thể loại tiểu luận. Ngày nay, tiểu luận có mặt ở khắp nơi. Hầu hết các bài viết phi hư cấu dài mà bạn đọc trực tuyến đều mang hình thức của một bài tiểu luận.
Không có cách nào dễ dàng để định nghĩa một bài tiểu luận văn học, nhưng nói chung, đó là khi bạn khám phá một chủ đề theo phong cách triết lý và suy tư, đồng thời lồng ghép các chi tiết tự truyện và những câu chuyện thú vị bên lề. Montaigne chính là người đầu tiên thực hiện điều này.
Từ “Essai” trong tiếng Pháp thế kỷ 16 có nghĩa là “thử nghiệm,” và ý tưởng với các bài luận của Montaigne là ông sẽ thực hiện một “thử nghiệm” — một câu hỏi, một vấn đề, hoặc một tình huống — và viết ra những suy ngẫm của mình về chủ đề đó. Tất nhiên, nghệ thuật của một bài tiểu luận nằm ở mức độ suy ngẫm và phong cách mà nó được viết. Một bài tiểu luận hay cần sự dí dỏm, học thức, và khả năng kết nối với người đọc.
Có hai lý do khiến các bài luận của Montaigne là ví dụ tuyệt vời về “phát triển bản thân.
Thứ nhất, Montaigne thực sự đang dẫn dắt chúng ta qua những giải pháp của ông đối với các vấn đề phổ biến. Ở đây, chúng ta thấy một con người có trí tuệ sâu rộng đang thảo luận về những chủ đề vẫn còn liên quan đến ngày nay như chúng đã từng cách đây bốn trăm năm. Ông nói về cảm giác lười biếng, cách đối phó với những kẻ nói dối, và cách tốt nhất để xin lỗi. Ông giải thích niềm vui của sự cô tịch nhưng cũng cảnh báo về nguy cơ của cô đơn. Thậm chí, ông còn đưa ra lời khuyên về cách để có một giấc ngủ ngon. Montaigne khám phá hơn một trăm chủ đề, trong đó chỉ có một số ít bị giới hạn bởi thời đại và bối cảnh của ông.
Thứ hai, sự đồng cảm trong các bài luận của ông chính là điều khiến chúng trở nên hữu ích. Đọc những suy ngẫm của Montaigne giống như quay ngược thời gian để gặp một người cũng có nhiều tính cách kỳ lạ và trăn trở như chúng ta. Montaigne không cố gắng thể hiện mình là một người cao quý hay không có khuyết điểm. Ông sẵn sàng bộc lộ tất cả. Khi chúng ta đọc các bài luận của ông, chúng ta thấy một nhân vật phức tạp, toàn diện, và không hoàn hảo — nhưng luôn thân thiện, dí dỏm, và đáng mến.
Montaigne có thể đang nói về điều gì đó tầm thường, như khi ông viết: “Khi tôi chơi với con mèo của mình, ai biết được rằng liệu nó đang tự giải trí với tôi, hay tôi đang giải trí với nó?” Hoặc ông có thể nói về điều gì đó sâu sắc và cảm động, như trong bài luận về cái chết của người bạn thân nhất của mình. Nhưng ông luôn toát lên vẻ rất con người — một con người giống như bạn và tôi. James Baldwin đã nói điều đó một cách hoàn hảo:
“Bạn nghĩ rằng nỗi đau và sự tan vỡ của bạn là chưa từng có trong lịch sử thế giới, nhưng rồi bạn đọc. Chính những cuốn sách đã dạy tôi rằng những điều làm tôi đau đớn nhất chính là những điều kết nối tôi với tất cả những người còn sống, những người đã từng sống.”
Đó là cảm nhận của tôi khi đọc Montaigne.
3/ “Đạo đức kinh” của Lão Tử
Có một số người không muốn gọi những cuốn sách như Đạo Đức Kinh là "triết học". Họ lập luận rằng triết học là một ngành học được xác định rõ ràng, bao gồm tiền đề, kết luận và có nền tảng trong các cuộc thảo luận lý tính. Nếu định nghĩa triết học theo cách đó, thì Đạo Đức Kinh chắc chắn không phải là triết học. Đạo Đức Kinh rất khác biệt so với cả Aristotle và Montaigne — khác biệt với gần như tất cả các công trình học thuật trong truyền thống phương Tây. Đây là một tập hợp các câu châm ngôn và những mẩu tri thức ngắn gọn đến mức khó hiểu, đôi khi khiến người đọc khó mà làm rõ được ý nghĩa. Không chỉ không có câu trả lời rõ ràng, mà còn khiến bạn phải tự hỏi liệu có thật sự tồn tại những câu trả lời rõ ràng để tìm ra hay không.
Tuy nhiên, lý do mà Đạo Đức Kinh quan trọng đối với sự phát triển bản thân là vì những cuốn sách như Đạo Đức Kinh hướng đến một yếu tố mà những văn bản lý tính hơn không thể làm được. Tôi không quá nghiêm khắc đến mức nói rằng Đạo Đức Kinh không phải là triết học, nhưng nó chắc chắn là một “kiểu” rất khác biệt so với hầu hết các triết lý. Về nhiều phương diện, Đạo Đức Kinh gần gũi hơn với thơ ca hơn là triết học, nhưng theo cách mà thơ ca cũng có thể mang đậm tính triết lý. Những người học Đạo trong khi đọc Đạo Đức Kinh đôi khi sẽ dành nhiều tháng để suy ngẫm về một câu trong tác phẩm của Lão Tử. Họ sẽ thiền định về những gì mà những từ ngữ tiết lộ, thường chia sẻ những giải thích của họ — nhiều bản sao của Đạo Đức Kinh mà chúng ta tìm thấy trong suốt các thế kỷ đều được chú thích đầy những ghi chú ở lề.
Đạo Đức Kinh mang đến cho chúng ta hai hiểu biết chính. Điều đầu tiên là chấp nhận rằng có những thứ nằm ngoài khả năng hiểu biết của chúng ta và có thể sẽ luôn như vậy. Có những lực lượng huyền bí và những câu trả lời không thể được gán nhãn, nhưng không vì thế mà chúng kém quan trọng. Dù bạn muốn gọi nó là Đạo, là số phận, là tiềm thức, là lực lượng xã hội-kinh tế, là ý chí hay bất cứ gì, ý tưởng trung tâm vẫn là như nhau: Có những thứ tồn tại nhưng không thể được đặt tên.
Điều thứ hai là Đạo Đức Kinh nói về điều gì. Nó nói về việc lắng nghe những lực lượng không thể đặt tên ấy. Nó nói về việc theo đuổi dòng chảy của cuộc đời bạn — kể cả thác nước và ghềnh đá, nếu cần thiết. Blaise Pascal từng viết, “Trái tim có lý do mà lý trí không hề biết đến.” (Tôi trích dẫn Pascal vì "lắng nghe trái tim" là điều quá ngọt ngào và sáo rỗng, ngay cả với tôi.)
Tôi không hoàn toàn biết Đạo Đức Kinh nói về điều gì. Một số phần trong đó có vẻ như là những điều mâu thuẫn vô lý. Tôi không nghĩ ai có thể hoàn toàn hiểu "lý" được những phần lớn trong đó. Nhưng trải nghiệm đọc Đạo Đức Kinh — đọc bất kỳ cuốn sách nào trong danh sách này, nếu suy nghĩ kỹ — đã tự nó là một hành động thiền định và chánh niệm. Đôi khi, điều tuyệt vời nhất về triết học không phải là những ý tưởng, mà là quá trình suy nghĩ về chúng.
- Trạm Đọc
- Theo Big Think