Hàm nghĩa 'Giấc mơ Mỹ' đã thay đổi như thế nào trong gần 90 năm qua?
Hàm nghĩa 'Giấc mơ Mỹ' đã thay đổi như thế nào trong gần 90 năm qua?
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng, thuật ngữ “Giấc mơ Mỹ” mới chỉ được nhắc đến từ năm 1931. James Truslow Adams lần đầu sử dụng cụm từ này trong cuốn" The Epic of America" với ngụ ý rằng, đó là “giấc mơ về một vùng đất tràn đầy hứa hẹn, nơi người dân sẽ được tận hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn, giàu có hơn, sung túc hơn… "
Đó không chỉ là giấc mơ sở hữu siêu xe, mức lương cao mà còn là giấc mơ về một trật tự xã hội công bằng cho cả đàn ông và phụ nữ. Và họ cùng có cơ hội vươn tới những đỉnh cao, phát huy hết năng lực của bản thân và được mọi người công nhận.

 

Theo nhà sử học người Pháp Alexis de Tocqueville, một người chuyên nghiên cứu xã hội Mỹ vào thế kỷ 19, từng viết trong cuốn sách “Dân chủ ở Mỹ”, giấc mơ Mỹ là “sự quyến rũ khi đạt đến thành công như mong đợi”. Thành thực mà nói, đó cũng là viễn cảnh mà rất nhiều quốc gia khác hướng đến.

Nhà xã hội học Emily Rosenberg cho rằng, giấc mơ Mỹ được tạo nên bởi 5 thành phần sau:

  • Niềm tin rằng, các quốc gia khác nên học hỏi theo mô hình phát triển của Mỹ
  • Đức tin vào một nền kinh tế thị trường tự do
  • Sự ủng hộ các hiệp định thương mại tự do và đầu tư trực tiếp nước ngoài
  • Khuyến khích tự do thông tin và văn hoá
  • Chấp nhận sự bảo hộ của chính phủ đối với các doanh nghiệp tư nhân

 

 

3 yếu tố đưa Giấc mơ Mỹ trở thành hiện thực

 

 

Có thể thấy, giấc mơ Mỹ được người ta nhắc đến nhiều bởi nó đã thúc đẩy sự thịnh vượng, hoà bình và cơ hội cho người dân nước này. Dưới đây là ba yếu tố về mặt địa lý, kinh tế và chính trị góp phần đưa Giấc mơ Mỹ trở thành hiện thực:

Đầu tiên, Mỹ có diện tích đất đai rộng lớn.

Thứ hai, Mỹ có những người hàng xóm ôn hoà. Điều này một phần là nhờ yếu tố địa lý. Khí hậu Canada quá lạnh trong khi khí hậu ở Mexico lại quá nóng vì thế cả hai nước này đều không trở thành những đối thủ đáng gườm về sức mạnh kinh tế đối với Mỹ.

Thứ ba, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng góp phần hỗ trợ cho thương mại Mỹ. Những nguồn tài nguyên quý giá Mỹ nắm trong tay có thể kể đến như dầu mỏ, lượng mưa, các dòng sông, bờ biển dài và địa hình bằng phẳng giúp vận chuyển hàng hoá dễ dàng. Có thể nói, Mỹ là ví dụ điển hình về cách tận dụng tài nguyên thiên nhiên trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển và đưa nước Mỹ lên vị trí hàng đầu thế giới.

 

 

Kể từ năm 1931, khái niệm “Giấc mơ Mỹ” đã thay đổi thế nào?

 

 

Trong lịch sử, khái niệm về “giấc mơ Mỹ” đã thay đổi nhiều lần. Mỗi lần thay đổi lại phản ánh những kỳ vọng và nỗi bận tâm mà thế hệ tại thời điểm đó đang đối mặt.

 

Ở thời kỳ Đại suy thoái, thuật ngữ “Giấc mơ Mỹ” xuất hiện nhiều nhất trên các quảng cáo kịch, sách, báo và nhiều loại hàng hoá khác. Nó không ám chỉ thành công về vật chất mà nói đến những ý tưởng mà Adams đã kiến tạo nên.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, ý tưởng này vẫn còn tồn tại nhưng chỉ mang tính lý tưởng mà thôi. Vào những năm 1950, ở thời điểm, người ta cảm thấy, các khái niệm lý tưởng đã quá dư thừa. Ấy vậy, ý tưởng “Giấc mơ Mỹ” vẫn được sử dụng khá phổ biến. Dự luật GI, được thông qua vào năm 1944, đã giúp hàng triệu cựu chiến binh được sở hữu nhà ở, được tiếp tục học tập. Truyền hình cũng bắt đầu thúc đẩy những ý tưởng về cuộc sống vùng ngoại ô, nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân. Chủ nghĩa vật chất được sùng bái đến mức nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith còn lo ngại rằng, các giá trị Mỹ có vẻ như bắt đầu bị lung lay.

“Giấc mơ Mỹ” lại một lần nữa được mọi người chú ý đến khi Luther King sử dụng khái niệm này trong bài phát biểu nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” vào năm 1963. Ông cho rằng, giấc mơ về quyền bình đẳng của ông có nguồn gốc từ “Giấc mơ Mỹ”.

Cho đến những năm 1970 và 1980, các quảng cáo lại bắt đầu cắt xén và sử dụng thuật ngữ “Giấc mơ Mỹ” như một cách để cuốn hút khách hàng. Quảng cáo bất động sản luôn nhấn mạnh luận điểm cho rằng, Giấc mơ Mỹ chỉ tồn tại khi bạn sở hữu của cải vật chất, một không gian để sinh sống. Cho đến nay, ý tưởng này càng trở nên phổ biến khi cựu tổng thống George W. Bush ký Sắc lệnh trợ giá Giấc mơ Mỹ nhằm thúc đẩy người dân mua nhà.

Gần đây, vào năm 2017, tạp chí Forbes bắt đầu đưa ra cái gọi là “Chỉ số Giấc mơ Mỹ”, dựa trên 7 thông số: số vụ phá sản, số giấy phép xây dựng, số doanh nghiệp, công việc sản xuất hàng hoá, tỷ lệ lao động, số lượng nhân viên bị sa thải hoặc thất nghiệp. Những tiêu chí này hiện đang rất phổ biến và rất khác so với tinh thần ban đầu của Giấc mơ Mỹ.

Ở một góc độ nào đó, khái niệm “Giấc mơ Mỹ” cùng với nhiều ý tưởng khác đều cổ suý cho suy nghĩ rằng, bạn có thể ước mơ nhiều hơn và vươn tới những đỉnh cao hơn so với thế hệ trước.

Ý tưởng về Giấc mơ Mỹ cũng được nhiều nước trên thế giới sao chép. Ở Australia, Giấc mơ Australia về sở hữu nhà ở đã mang đến sự bình yên cho quốc gia này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng quảng bá khái niệm Giấc mộng Trung Hoa, một thuật ngữ có nhiều điểm tương đồng với Giấc mơ Mỹ.

Ngay cả khi chẳng ai chắc chắn về ý nghĩa của khái niệm Giấc mơ Mỹ nhưng ý tưởng này vẫn ngày càng phổ biến trên khắp thế giới. Những lần thay đổi trong cách định nghĩa về Giấc mơ Mỹ đã phản ánh bao biến động tại chính quốc gia đề xướng ra khái niệm này. Giấc mơ Mỹ sẽ thay đổi theo hướng nào khi các thế hệ mới tiếp nhận khái niệm này? Liệu khái niệm này có đại diện cho những ý tưởng được chia sẻ khi chúng ta tiến lên hoặc liệu dân số ngày càng tăng có làm thay đổi bản chất của khái niệm Giấc mơ Mỹ hay không? Chúng ta chỉ có thể chắc chắn rằng, dù sớm hay muộn, chúng ta lại có một giấc mới.

Minh Phương

Tags: