Gửi những trái tim khởi nghiệp: Ý tưởng của các bạn chẳng đáng giá một xu!
Gửi những trái tim khởi nghiệp: Ý tưởng của các bạn chẳng đáng giá một xu!
Có thể bạn sẽ giãy nảy lên rằng: “Vớ vẩn, không có ý tưởng thì làm gì!”. Vâng, đúng vậy, ý tưởng của bạn quan trọng lắm, nhưng vậy tại sao bạn không thể trở thành một nhà sáng lập xuất hiện trên ảnh bìa tạp chí? Nếu nó đáng giá đến vậy, sao không có ai kinh doanh ý tưởng?
 
Những nhà sáng lập vĩ đại không chỉ có những ý tưởng vĩ đại. Họ bắt đầu với một ý niệm, và thành công bằng hành động. Người ta có thể ăn cắp được ý tưởng, nhưng không ai ăn cắp được khả năng thực hiện hay đam mê.

Cuốn sách “Cơ hội khởi nghiệp” của tác giả Sean Wise – Brad Feld,

do Chris Sacca giới thiệu sẽ giống như một “cú tát” vào những nhà khởi nghiệp với trái tim mơ mộng. Khi mọi người còn đang choáng ngợp và sung sướng khi khám phá ra một ý tưởng có vẻ như tuyệt vời thì họ sẽ tạm thời bị che mắt đi khỏi khối lượng công việc khổng lồ đằng sau đó. “Cơ hội khởi nghiệp” vạch trần những khó khăn và vấn đề tiềm ẩn trong quá trình khởi nghiệp với những trình bày cụ thể và khái quát nhất.

Kết quả hình ảnh cho startup illustration

Tác giả nhấn mạnh rằng, các nhà khởi nghiệp không bao giờ nên nâng niu và bao bọc ý tưởng, dự án của mình quá nhiều. Điều cần làm là ném chúng ra khỏi vòng an toàn, để xã hội xâu xé, vùi dập, chỉnh đốn và hoàn thiện nó. Một ý tưởng cất trong tháp ngà không bao giờ là một ý tưởng hái ra tiền.

Trong một xã hội mở, chi phí khởi nghiệp thì giảm xuống còn cơ hội tiếp cận vốn lại tăng lên, tạo điều kiện tối ưu cho cả nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Tuy vậy, mặt trái của xu thế phát triển này là làm nảy sinh quá nhiều các ý tưởng và dự án, việc lựa chọn cơ hội chính là một trong những yếu tố tối quan trọng. Đánh giá cơ hội là một quá trình mang nhiều tính chủ quan, mang cả yếu tố quá khứ, trải nghiệm, kiến thức và quan điểm cá nhân mà cuốn sách gọi là thiên kiến. Mặc dù thiên kiến có thể hữu dụng nhưng nó cũng hết sức nguy hiểm vì có thể tác động rất lớn đến sự đánh giá cũng như tạo ra các điểm mù khó vượt qua.

Hình ảnh có liên quan

Yếu tố con người, đặc biệt là nhân sự cũng được đề cập đến như một trong những yếu tố then chốt kiến tạo nên tương lai của một dự án. Trong khi hầu hết các yếu tố xoay quanh một công ty liên tục thay đổi, con người lại là yếu tố khó thay đổi nhất và thường tiến triển chậm nhất, con người rất phức tạp. Thêm nữa, nhân sự cần dành thời gian cho toàn bộ dự án và chấp nhận đương đầu với những khó khăn như khả năng không nhận lương trong vòng sau tháng. Con người ở đây còn là khách hàng, đối thủ cạnh tranh… những yếu tố mà chủ dự án cần quan tâm chặt chẽ.

Kết quả hình ảnh cho startup illustration

Về mặt sản phẩm, doanh nghiệp cần chắc chắn rằng mình đang đưa ra các sản phẩm để giải quyết nhu cầu chứ không phải ham muốn. Nếu giải pháp được đưa ra không giải quyết được một nhu cầu đang cần đáp ứng, sẽ cực kì khó khăn để tạo dựng lực kéo cho sản phẩm của mình. Thị trường cần những giải pháp “thuốc giảm đau” phải có chứ không phải “vitamin” có hay không cũng được. Hơn thế nữa, giải pháp đưa ra cần tốt gấp 10 lần những cái đang có sẵn, nếu không sớm muộn cũng sẽ bị đè bẹp bởi những ông lớn khác trên thị trường.

Cuốn sách cũng đưa ra các góc nhìn từ người trong cuộc, các case – study điển hình trong giới kinh doanh nhằm minh họa cho luận điểm được đề cập.

Kết quả hình ảnh cho startup illustration

Tuy vậy, đây không phải một cuốn sách cẩm nang về khởi nghiệp hay có những kiến thức quá chuyên sâu nhằm thay đổi các phương pháp luận hiện có. Thay vào đó, tác giả tập trung cung cấp một bối cảnh và bộ công cụ để người đọc đánh giá ý tưởng của mình trước khi dốc lòng cho nó, một cuốn sách phù hợp dành cho những người đang khởi nghiệp, các nhà đầu tư và những người có hứng thú tìm hiểu với lĩnh vực này.

Minh Thùy

Trạm Đọc.

Tags: