Flash Boys: Những anh hùng phố Wall
Flash Boys: Những anh hùng phố Wall
Không phải câu chuyện có thật nào về phố Wall cũng nhạt nhẽo như bản tin tài chính buổi trưa.

“Nếu bạn chỉ đọc duy nhất một cuốn sách kinh doanh trong năm nay, đó hẳn phải là Cuộc nổi dậy ở phố Wall là lời đảm bảo chắc nịch của New York Times trên bìa sách. Vốn nghi ngại sách kinh doanh, tôi có nhiều ngờ vực đối với lời nhận xét ấy. Nhưng khi cầm cuốn sách lên đọc, tôi mới nhận ra New York Times quả đã đúng: Cuộc nổi dậy ở phố Wall là một cuốn sách kinh doanh hấp dẫn ngay cả với những người chẳng quá quan tâm đến kinh doanh. Vì thực chất, đây là một câu chuyện của chủ nghĩa anh hùng Hollywood.

 

Nhân vật trung tâm của câu chuyện là Brad Katsuyama, một nhân viên môi giới chứng khoán tại Ngân hàng Hoàng gia Canada đóng tại phố Wall. Không như tưởng tượng của mọi người về người của phố Wall, Brad không phải một kẻ lươn lẹo luồn lách hay gian trá để có được thành công ở đây, anh chỉ là chính mình, tức là một người tử tế.

 

Brad, cũng như những anh hùng mà phim Hollywood yêu thích, thực ra là một kẻ lập dị.

 

 

Và trong một câu chuyện kinh điển về cuộc chiến giữa kẻ lập dị và hệ thống áp chế, Brad phải đứng lên chống lại cả một hệ thống làm tiền của phố Wall. Cuộc sống của Brad đảo lộn khi một ngày nọ hình ảnh hiển thị của thị trường chứng khoán trên màn hình máy tính của anh không còn phản ánh thị trường thực: Mỗi khi anh đặt lệnh mua, cổ phiếu đang chào bán biến mất và giá tăng vọt, nên anh không thể mua được cổ phiếu ở mức giá mong muốn. Brad bắt đầu một cuộc điều tra, để phát hiện ra rằng thiệt hại của anh là do những nhà giao dịch cao tần (HFT) xen vào giao dịch và do hệ thống hiện thời tạo điều kiện tối đa cho sự ăn chặn đó. Với tốc độ nhanh hơn bất kỳ ai do đặt máy chủ ở trong chính sàn giao dịch, các hãng HFT nẫng tay trên cổ phiếu của Brad, và sau đó bán lại cho anh với giá cao hơn. Chỉ vài mili giây chênh lệch giữa thời gian lệnh mua của anh đến sàn chứng khoán đầu tiên và thời gian nó đến sàn tiếp sau là đủ để các hãng HFT kịp hiểu ý định của anh và tiến hành gian lận.

 

Brad tập hợp được một đội toàn những nhân vật cũng phần nào lập dị như anh. Họ đều là những nhân viên xuất sắc ở phố Wall, nhưng họ không có những đặc điểm nhận dạng của người phố Wall. Điểm khác biệt lớn nhất: Họ sẵn sàng bỏ những công việc cả triệu đô một năm để tham gia mở một sàn chứng khoán mới cùng Brad, chỉ nhận 2.000 đô mỗi tháng và quá nhiều rủi ro. Đây không ngờ lại là một khó khăn, vì khi họ cần sự ủng hộ của các ngân hàng lớn, thì những con người phố Wall điển hình ở các tổ chức này không thể nào hiểu được động cơ của họ là gì, nếu không phải tiền. Chỉ trong một câu chuyện giả tưởng thì người ta mới điên rồ như thế thôi chứ?

Hình mẫu những kẻ lập dị trở thành anh hùng đang được ưa chuộng tại Hollywood. Ảnh từ phim Chiến binh dải ngân hà.

 

Nhưng sự điên rồ của những cá nhân này chưa là gì so với hãng Goldman Sachs và những hành động có thể ví như một sự chuộc tội của kẻ ác thường thấy trong phim. Một tay chơi lớn, cũng nhúng tay không ít vào giao dịch cao tần, và từng đòi FBI bắt giữ nhân viên cũ ngay khi phát hiện ra anh ta đã lấy đi một số đoạn mã mà Goldman Sachs cho là “nước xốt bí mật” của mình, “có thể sử dụng để ‘thao túng thị trường bằng các chiêu trò gian lận’,” bây giờ lại muốn ủng hộ những người đang tạo ra một môi trường không thể gian lận?


Tất nhiên câu chuyện về giao dịch cao tần là một câu chuyện hết sức rối rắm, đòi hỏi nhiều trường đoạn giải thích, nhưng bằng cách tô đậm các nhân vật và câu chuyện như những hình mẫu cổ điển trong phim Hollywood, cuốn sách ít nhất đã thu hút được rất nhiều sự chú ý. Sau khi sách được phát hành và tạo tiếng vang, Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã phải xem xét điều chỉnh các quy định và tiến tới rà soát các sàn chứng khoán lớn.

 

Cái gì cũng có hai mặt. Khả năng kể chuyện đại tài của Michael Lewis, biến những con người nhà kinh doanh bình thường thành những anh hùng chống lại sự bất công trong một câu chuyện đấu đá trên thị trường tài chính được gọt giũa tỉ mỉ thành một bộ phim hấp dẫn, cũng có thể là con dao hai lưỡi. Một câu chuyện với phe tốt phe xấu rõ ràng, anh hùng kẻ ác rõ ràng thì khó lòng phản ánh được toàn bộ bức tranh phức tạp của cuộc sống thực. Và dù cuốn sách có giải thích chi tiết về giao dịch cao tần và các vấn đề kỹ thuật có liên quan, không thể phủ nhận rằng Lewis chỉ dựa vào kiến thức của những người anh hùng mà ông tôn vinh chứ không tham khảo ý kiến của những nhà giao dịch cao tần thật sự. Vậy thì đằng sau câu chuyện trong sách lẽ nào lại không có một câu chuyện khác?

 

Dù sao Cuộc nổi dậy ở phố Wall vẫn là một khởi đầu đủ tốt và thú vị để tìm hiểu về những vấn đề của thị trường chứng khoán. Những nhà giao dịch cao tần, có vẻ được giao cho vai phản diện trong câu chuyện này, cũng chỉ là những người cố làm tốt việc của mình, dù đôi khi việc đó đòi hỏi phải tận dụng kẽ hở của một hệ thống thiếu hiệu quả. Ngay cả người anh hùng Brad Katsuyama cũng nhận ra điều đó:

 

“Họ không phải những hung đồ như tôi nghĩ trước đây. Hệ thống này mới là thứ làm nhà đầu tư thất vọng.”

 

 

Thanh Huệ - Trạm Đọc