Tác phẩm kinh điển "Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống" của triết gia Jiddu Krishnamurti là một cuốn sách dành cho những người thích tìm hiểu ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời và tầm quan trọng của giáo dục.
Theo ông, giáo dục không chỉ là quá trình tích lũy thông tin và kiến thức từ sách vở, mà là sự hiểu biết về bản thân, vì nó nằm trong mỗi chúng ta. Hòa bình và hạnh phúc chỉ có thể đến với sự thấu hiểu bản thân, từ đó mang lại sự thay đổi của trái tim, tâm thiện và sự chuyển hóa nội tâm.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tình yêu là nền tảng cho việc học và truyền cảm hứng cho mọi thứ khác. Học sinh phải được lớn lên trong một môi trường yêu thương dưới sự chăm sóc dịu dàng của thầy cô. Đổi lại, giáo viên cũng phải có đam mê với công việc nuôi dưỡng tình yêu tri thức cho các thế hệ học trò. Chủ đề này đã xuất hiện trong suốt các tác phẩm của ông dưới nhiều hình thức khác nhau, và trong những gì ông cảm thấy một nền giáo dục tử tế nên có.
Tất cả các trường học ông mở là một kiểu mẫu cho một mô hình giáo dục mới, nhằm thúc đẩy một thế hệ mới, với lối tư duy mới. Ông tin chắc rằng hy vọng duy nhất cho thế giới đầy biến động này nằm ở việc giáo dục trẻ em đúng đắn và nền giáo dục này phải bắt đầu từ khi còn rất nhỏ.
Ông muốn trẻ em được nuôi dưỡng mà không có bất kỳ cảm giác phân biệt chủng tộc, truyền thống văn hóa và thậm chí không có chủ nghĩa dân tộc. Ông cũng chống lại bất kỳ sự cạnh tranh hay chia rẽ nào giữa những đứa trẻ. Việc xếp hạng, thi đua, chấm điểm chỉ làm chúng trở nên ganh tỵ nhau, thay vì chấp nhận sự khác biệt của mình.
Krishnamurti quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của tâm hồn và khối óc trong giáo dục, hơn là nội dung giảng dạy. Ông xem trí sự lanh lợi là một năng lực phổ quát của trẻ, miễn là chúng không bị đè nặng bởi lý tưởng của người lớn. Chỉ có trí thông minh mới thể hiện một cách tự nhiên khi nó thoát khỏi mọi xiềng xích, để từ đó quan sát, hành động và học hỏi.
Phương pháp giáo dục của ông là đánh thức trí thông minh bẩm sinh như vậy ở trẻ trước khi chúng bị bóp méo bởi phong tục, truyền thống và xã hội. Theo nghĩa đó, vai trò của giáo viên là trở thành một người tạo ra môi trường đồng cảm và yêu thương, thay vì áp đặt uy quyền đối với các môn học mà họ dạy.
Ông bàn rất sâu về hai công cụ có sẵn cho con người. Một là kiến thức và cái còn lại là trí khôn. Kiến thức cho phép một người có thể thành thạo các kỹ năng, kỹ thuật trong khi trí thông minh được sinh ra từ sự quan sát và tự hiểu mình. Mặc dù đề cao sự trau dồi thông tin, ông nhấn mạnh hơn vào một trí tuệ minh mẫn và khả năng nhận thức có tính phê phán cao, cả thế giới nội tâm lẫn thế giới khách quan.
Một trong những nhiệm vụ cơ bản của giáo dục, ông cảm thấy, là khám phá những lĩnh vực mà kiến thức và kỹ năng đóng vai trò cần thiết và cả những nơi không cần sử dụng chúng. Ví dụ, trẻ con không cần được dạy cách chơi đùa với nhau, chỉ có người lớn mới bắt chúng làm thế. Bên trong chúng có một khả năng kết nối bẩm sinh mà không cần phải can thiệp bởi giáo dục.
Sự khơi gợi trí khôn tự nhiên này chỉ xảy ra khi giáo dục được cung cấp cho trẻ em như một môi trường tự do, nơi chúng học cách phát triển sự tự do tâm lý, và hoàn toàn thoát khỏi những gì giáo viên cưỡng ép. Vì vậy, những đứa trẻ "học" hơn là "được dạy".
Tóm lại, giá trị thực sự của giáo dục nằm ở sự khai phóng. Bạn học không chỉ biết thế giới này như thế nào, mà quan trọng hơn hết là biết mình thực sự là ai. Khi bạn hiểu chính mình, bạn sẽ cảm thấy sự tự do thực sự.
Cuốn sách "Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống" chính là một nền giáo dục mà chúng ta đều xứng đáng được hưởng. "Giáo dục không chỉ học từ sách, ghi nhớ một số sự kiện, mà còn học cách nhìn, học cách lắng nghe những gì sách đang nói, dù chúng nói đúng hay sai. Tất cả điều đó là một phần của giáo dục. Giáo dục không chỉ là để vượt qua các kỳ thi, lấy bằng, kiếm việc, kết hôn và ổn định, mà còn để lắng nghe tiếng chim hót, nhìn ngắm bầu trời, cảm thấy vẻ đẹp phi thường của một cái cây và hình dạng của những ngọn đồi, để cảm nhận với chúng, để thực sự kết nối trực tiếp với chúng."
Trạm Đọc tổng hợp | Nguồn ảnh: Sưu tầm
>> Đọc thêm Trích đoạn: Ý nghĩa thực sự của giáo dục: Học để khai phóng bản thân