Lướt qua tiệm sách, tôi chọn đọc “Mùa hè năm ấy" bởi vì bìa sách giản dị dịu dàng, cùng với lời giới thiệu hơi sáo nhưng cũng đủ gây tò mò “Cuốn sách này không phải bí kíp du lịch, du học hay… du hí gì cả, cũng không phải cẩm nang sống đẹp truyền cảm hứng.” Và hóa ra … đúng thế thật. Bởi với những gì tôi đã trải qua cùng nước Mỹ, cuốn sách này khó mà giúp bạn tìm hiểu về việc du học tại Mỹ khi những trải nghiệm trong cuốn sách đa số đều nhè nhẹ và đơn sơ như bìa của nó vậy.
Chuyến bay về trường của tôi sau kỳ nghỉ đông đã bị huỷ không lý do, nên hãng bay đã đền bù tôi bằng một phiếu giảm giá khách sạn qua đêm. Mệt mỏi sau chuyến bay từ Chicago, tôi gọi điện đặt phòng và được báo giá … 70 đô sau khi giảm. Gọi điện mãi mới nhờ được thẻ tín dụng của bạn vì thẻ của tôi không đủ tiền, tôi kéo lê chiếc vali nặng trịch ra ngoài cửa sân bay đợi xe trong trời tuyết âm 15 độ. Nhọc nỗi, đây là khách sạn rẻ nhất nên phải đợi tới gần một tiếng mới có xe đến đón về.
Ký túc xá, nơi cuộc sống diễn ra hàng ngày, cũng chẳng vui vẻ và thân mật như Mai Anh hào hứng nhớ lại ở nửa cuối sách. Điển hình nhất là vụ giặt quần áo. Thông thường, vì muốn tiết kiệm tiền nên tôi thường hai tuần mới đem đồ đi giặt và sấy, vì tổng mỗi lần mất tới 3 đô. Ngoài ra, không hề có hàng dài máy giặt và máy sấy; mỗi nhà chỉ có một cặp, nên nội dung tin nhắn thường xuyên nhất trong nhóm của nhà là “Đồ trong máy giặt của ai lấy giùm đi để tôi còn dùng!” 12 giờ đêm máy trống mới dám ì ạch bò xuống tầng hầm để giặt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà “laundry” (giặt là) lại là chủ đề quan trọng khi bạn học IELTS trước khi du học.
Tôi coi việc có host family nhiệt tình và xởi lởi là một may mắn, và tôi là một kẻ vận xui. Host family của tôi chỉ đưa tôi đi ăn đúng một lần và từ đó không bao giờ trả lời email nào của tôi dù chỉ là lời chúc Giáng sinh vui vẻ. Nói ra không phải để bôi xấu nước Mỹ, vì ở đâu thì cũng có người này người nọ; tôi kể câu chuyện của mình để thấy rằng nước Mỹ không lung linh và tôi thầm ghen tị với câu chuyện của “Mùa hè năm ấy”.
Đọc xong “Mùa hè năm ấy,” tôi bất giác nhớ lại truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu học hồi lớp 12. Chiếc thuyền nhìn từ xa là một cảnh đắt trời cho đối với người nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhưng ẩn sau nó là một câu chuyện đau lòng về bạo lực gia đình và nhọc nhằn mưu sinh của một người đàn bà vùng biển.
Nước Mỹ nhìn qua hẳn cũng là một miền đất hứa hoa lệ của nhân loại, nhưng “nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm.”
Trang Sâu
Trạm Đọc