Đừng cứ hở tí là xách ba lô lên và đi - Chúng ta đã hiểu sai The Hobbit
Đừng cứ hở tí là xách ba lô lên và đi - Chúng ta đã hiểu sai The Hobbit
Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất, quan trọng nhất của cuộc đời có thể được bắt đầu từ chính nơi bạn đang ngồi. Thậm chí không cần đóng gói hành lý, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá bản thân ngay lúc này, một hành trình cũng hào hùng và mang tính sử thi hệt như Bilbo. Bạn sẽ sớm “nói và làm những điều bạn không bao giờ ngờ tới.”
Văn hóa đại chúng sùng bái việc đi du lịch. Nó trở thành một nhân tố của hạnh phúc, một triết lý sống để hướng tới cuộc đời trọn vẹn. Dù bạn đang đối mặt với ngã rẽ nào trong đời, dù tình thế có tiến thoái lưỡng nan đến đâu, bạn sẽ bắt gặp lời khuyên hãy đi du lịch như một liều thuốc chữa.

Không biết làm gì sau khi tốt nghiệp đại học? Dành một năm để xách ba lô lên và đi xem nào.

Tình cảm đang dần nguội lạnh? Sao không thử đi thăm quan vài nơi với bạn đời.

Cảm thấy không thỏa mãn với cuộc sống? Hãy chuẩn bị cho chuyến hành trình vĩ đại vòng quanh thế giới.

Du lịch không chỉ được xem là phương thuốc chữa trị cho những gì khiến ta phiền não mà còn được ca tụng là mục đích cuối cùng của cuộc đời, là xương sống để bồi đắp thêm những yếu tố khác. Đừng có con, vì chúng sẽ cản trở việc đi lại của bạn. Làm việc vì bản thân và tạo ra một nguồn thu nhập thụ động, rồi bạn sẽ có thể đi thăm thú bất kỳ địa phương lạ kỳ nào mà bạn muốn.

Trong một thời đại tương đối an toàn và thịnh vượng, trong một xã hội thiếu thử thách và gian khổ, du lịch trở thành cách đơn giản nhất để thực hiện một cuộc phiêu lưu, để thể hiện bản lĩnh – sự dũng cảm khi dám đặt chân đến miền đất lạ - là chiếc vé để trở thành công dân toàn cầu.

Du lịch vừa giúp phát triển cá nhân lại vừa giúp trui rèn đạo đức. Khi bản sắc văn hóa và tôn giáo đang dần hòa tan vào nhau, một niềm tin “sùng bái du lịch” đã xuất hiện để thế vào chỗ trống.

Nhưng liệu niềm tin của ta vào du lịch có là một niềm tin chính đáng hay không? Hay chúng ta đang ép nó gánh quá nhiều sức nặng của sự kỳ vọng?

Tại một đồng quê vùng Oxford nơi khai sinh “The Hobbit”

Nếu du lịch đã phát triển thành một giáo phái, vậy thì một trong những văn bản thiêng liêng nhất của nó hẳn là The Hobbit của J.R.R. Tolkien. Câu chuyện đã được trích dẫn trong hàng ngàn bài viết để bàn luận về cách người đương thời nên cố gắng thoát khỏi quỹ đạo nhàm chán của một cuộc sống tầm thường và hãy ra ngoài để ngắm nhìn thế giới. Bilbo sống một cuộc sống an toàn và thoải mái, không cần lo lắng về của ăn của mặt trong một cái hang của người Hobbit. Nhà của anh được ốp gỗ, được sưởi ấm bằng lò sưởi, chất đầy đồ đạc, rồi đột nhiên anh bị một đám người lùn kéo vào một cuộc phiêu lưu. Bilbo phát hiện ra bên trong mình có tiếng nói khát khao sự vĩ đại và anh thực hiện chuyến hành trình đòi hỏi tài lãnh đạo và rất nhiều sự quả cảm. Thế giới quan của anh thay đổi. Khi quay lại ngôi nhà nhỏ của mình, Bilbo không còn là người như trước nữa. Đây giống như một câu chuyện về những người thích đi du lịch ở thế kỷ chúng ta, chỉ khác nó diễn ra trong một thế giới giả tưởng.

 

Hình ảnh từ bộ phim The Hobbit chuyển thể từ cuốn sách cùng tên

 

Với nhiều người cuốn sách là nguồn cảm hứng để xách ba lô lên và đi. Nhưng có một ngoại lệ đặc biệt không bao giờ bị xoay chuyển bởi cuốn sách này: chính tác giả.

Tolkien sống một cuộc đời an tĩnh, bình thường và không ồn ào. Ông sống trong một ngôi nhà khiêm tốn ở vùng ngoại ô, mỗi ngày làm tròn trách nhiệm của một giáo sư, một người cha và một người chồng. Một ngày điển hình của Tolkien bắt đầu bằng việc chở con bằng xe đạp đến dự Thánh lễ (Tolkien gần như không dùng xe hơi), đến dạy học tại Đại học Pembroke thuộc Oxford, về nhà ăn trưa, dạy kèm học sinh, uống trà chiều với gia đình và chăm sóc khu vườn. Vào buổi tối ông ấy sẽ viết một chút, chấm điểm cho bài kiểm tra của những trường đại học khác để kiếm thêm tiền, hoặc tham gia Inklings, một câu lạc bộ văn học. Ông ấy hiếm khi đi du lịch và hầu như không bao giờ ra nước ngoài. Vào những ngày nghỉ ông đưa gia đình đến những khu du lịch thông phổ thông dọc theo bờ biển nước Anh.

Trong giai đoạn từ lúc ông 20 tuổi (phục vụ trong Thế chiến thứ nhất) cho đến khi ông vào tuổi tứ tuần, khi The HobbitChúa tể những chiếc nhẫn hoàn thành, không có gì lớn lao hoặc thú vị xảy ra với cuộc đời của Tolkien. Ngay khi cuốn sách của ông trở thành một hiện tượng toàn cầu, lối sống của ông gần như chẳng hề thay đổi.

Thật ra thì tôi giống người Hobbit đấy,” ông thừa nhận, “chỉ khác kích cỡ thôi.

“Tôi thích những khu vườn, cây cối và những vùng nông nghiệp chưa bị cơ giới hóa. Tôi hút thuốc bằng tẩu, thích những món giản dị (không đông lạnh), và ghét nấu ăn kiểu Pháp. Tôi thích, và dám mặc, những chiếc áo khoác được trang trí màu mè trong những ngày buồn chán. Tôi thích nấm (khi chúng ở trên đồng), có khiếu hài hước đơn giản (ngay cả những nhà phê bình đánh giá cao tôi cũng cảm thấy mệt mỏi). Tôi đi ngủ trễ và tôi dậy trễ (những khi có thể). Tôi không đi du lịch nhiều.”

Sự giao thoa giữa tác phẩm giàu trí tưởng tượng của Tolkien và nếp sống giản dị của ông được thể hiện rõ ràng trong một bức thư ông gửi cho con trai vào năm 1944 khi đang viết dở dang Chúa tể của những chiếc nhẫn: “Cha đã viết được 1-2 giờ và đã đưa được Frodo đến gần Cổng Mordor. Buổi chiều cha sẽ cắt cỏ. Học kỳ mới bắt đầu vào tuần sau và cha nhận giấy tờ từ Wales rồi. Cha sẽ tiếp tục viết “Những chiếc nhẫn” mỗi khi cha có thể.”

Vậy chúng ta rút ra được bài học gì từ người đàn ông sống một cuộc sống hạn hẹp và gò bó như vậy nhưng lại viết nên tác phẩm của những cuộc phiêu lưu hoành tráng, những nhân vật dám bỏ lại cuộc sống tiện nghi bình thường của họ để thực hiện những nhiệm vụ lớn, đầy thách thức và đầy gian nan?

Tolkien có phải là một kẻ đạo đức giả? Cuốn sách của ông có phải một phương tiện để thỏa mãn mong muốn cả nhân, một cách để sống trong thế giới tưởng tượng để thực hiện những chuyện mà ông ấy không dám làm với cuộc đời mình?

Không hề. Bạn cần hiểu Tolkien đang thực sự cố gắng làm gì với câu chuyện của mình và thứ mà ông xem là cuộc phiêu lưu quan trọng nhất.

Những chiều kích ẩn sâu trong cái hang của The Hobbit

Một trong những nguồn cảm hứng giúp Tolkien xây dựng nên tích cách của người Hobbit, ngoài cuộc sống cá nhân của ông, là tính cách điển hình của bạn bè đồng hương. Ông đã trả lời một cuộc phỏng vấn như sau: “Người Hobbit chỉ là những người Anh mộc mạc, họ có hình thể thấp bé để phản ánh khả năng tưởng tượng hạn chế của họ - chứ không phải họ thiếu sự dũng cảm hay không có sức mạnh tiềm ẩn.

 

Tolkien tin rằng những người hàng xóm của mình là những người dũng cảm. Trong chiến hào ở Thế chiến thứ nhất, ông đã tận mắt chứng kiến sự kiên định của những người lính chỉ mới vừa nhập ngũ. Khi được giao những nhiệm vụ khó khăn, họ không hề chùn bước.

 

Thực tế Tolkien xem sự dũng cảm là một trong những đặc điểm nổi trội của người Hobbit. Khi con trai ông, Christopher, tham gia Lực lượng Không quân Hoàng gia trong Thế chiến thứ hai và lo lắng sẽ bỏ mạng khi đối đầu với kẻ thù đáng sợ, ông đã cổ vũ anh hãy, “Giữ vững trái tim người Hobbit!”

Điều mà Tolkien cho rằng một người Hobbit - hay một người Anh bình thường - thiếu sót không phải là lòng dũng cảm mà là khả năng tưởng tượng: khao khát khám phá những ý tưởng và góc nhìn mới, bỏ lại những gì có sẵn và thực hiện một hành trình của niềm tin, sự trưởng thành cá nhân và thách thức giá trị đạo đức.

Đối với Tolkien, không có gì trên đời - dù là văn hóa, kiến thức, giả định hay kỳ vọng, dù là đá sỏi, cỏ cây hay con người – chỉ có vẻ bề ngoài. Ẩn sâu trong những gì mà nhà thơ P. B. Shelly đã gọi là “tấm màn của sự quen thuộc” là những chiều không gian khác. Dù những chiều kích ấy tuy không thể nhìn thấy bằng mắt thường, ta có thể cảm nhận chúng thông qua cảm giác nhói đau vì khao khát một điều to lớn – cảm giác thi thoảng thoáng qua khi ta đứng trước ngưỡng cửa của một điều gì vĩ đại hơn.

Tolkien cảm thấy số người có đủ khả năng tưởng tượng để xem xét điều này là không đủ, cũng như không đủ người có đủ dũng cảm để đi theo tiếng gọi của những tầng ẩn sâu ấy. Những người bình thường giống như nhân vật Baggin của The Hobbit, bạn sẽ đoán được trước câu trả lời của anh ta cho mọi câu hỏi và cũng không muốn hỏi làm gì. Hầu hết mọi người không cố gắng vén “tấm màn của sự quen thuộc” – không bận tâm khám phá ý nghĩa tưởng là bình thường nhưng đáng kính về cách mọi thứ diễn ra để thấu hiểu một sự thật ở tầng sâu hơn.

Nhân vật baggin trong The Hobbit

Với Tolkien, sự thật đấy bao gồm ý tưởng cho rằng mọi sự sống – dù tồn tại ở vùng ngoại ô hay trên chiến trường – đều có thể hợp thành một bản hùng ca giữa đấu tranh thiện ác, đấu tranh giữa bóng tối và ánh sáng. Lựa chọn của mọi người, bất kể họ “nhỏ” đến đâu, đều quan trọng. Cuộc đời của mỗi người đều là một mảnh ghép của vũ trụ bao la. Ai cũng có vai trò và một cuộc hành hương cần thực hiện. Đó không nhất thiết phải là một hành trình thể chất, mà là một hành trình về mặt đạo đức và tinh thần.

Tolkien còn tin rằng đọc truyện thần thoại là một trong những cách chắc chắn nhất để bắt đầu hành trình như vậy. Trong những câu chuyện thần thoại người đọc có thể tìm thấy lời giải thích cho câu hỏi chúng ta là ai, làm sao chúng ta lại ở đây và chúng ta có thể làm được những gì. Tolkien cho rằng những câu chuyện như vậy chứa đầy âm vang của Sự Thật – “một cái nhìn thoáng qua hiện thực được ẩn sâu” chân thực hơn bất cứ điều gì có thật. Một câu chuyện thần thoại hay, ngoài những diễn biến tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng, lại bất ngờ thay giúp ta khám phá lại sự thật – nhắc nhở chúng ta rằng bên dưới sự không màu và bận rộn của cuộc sống hằng ngày chứa đựng những tiềm năng có thể trở thành anh hùng và huyền thoại.

Vì lý do này mà Tolkien mong muốn viết nên câu chuyện thần thoại của riêng mình và ông đã thành công trong The Hobbit và những tác phẩm khác. Bilbo có một chuyến phiêu lưu sâu sắc hơn nhiều so với khám phá thế giới và chống lại kẻ thù. Chuyến phiêu lưu của anh ấy là một cuộc hành hương xuyên qua thế giới thần thoại ngập tràn tính sử thi, và ở nơi đó anh chiến đấu với các thế lực bóng tối, khám phá ra số phận của mình, như chính anh miêu tả, là “một nghi thức đi từ sự khôn ngoan đến nhận ra rằng mình không biết gì cả, từ một tên có của trở thành một anh hùng đức hạnh.”

Bằng cách dõi theo hành trình của Bilbo, người đọc đã thực hiện hành trình của chính mình. C. S. Lewis, tác giả của series Narnia, một người bạn của Tolkien, đã bình luận như sau về The Hobbit: “…trở nên không thể thiếu đối với anh ta… Bạn không thể đoán trước được gì trước khi đến đó, vì bạn không thể quên được những gì diễn ra sau khi bạn bắt đầu.”

Cả Lewis và Tolkien đều tin tưởng một cách nhiệt thành vào sức mạnh của “những câu chuyện cổ tích”. Tolkien bảo rằng nó mang lại “cảm giác mà chúng ta chưa từng trải qua trước đây, mở rộng niềm tin của chúng ta về phạm vi trải nghiệm có thể có.” Còn Lewis thì giải thích ảnh hưởng của những câu chuyện giàu trí tưởng tượng đối với người đọc như sau:

“Vùng đất thần tiên khơi dậy xúc cảm mà anh không biết tên. Nó khuấy động và làm anh (và một đời theo đuổi vật chất của anh) phiền não bởi một cảm giác mơ hồ về một thứ ngoài tầm với và khác xa sự nhàm chán và trống rỗng của thế giới thật – một không gian mới có chiều sâu. Anh ta không khinh thường những cánh rừng bởi vì anh đã bị khu rừng kỳ ảo mê hoặc: việc đọc sách khiến mọi cánh rừng trở nên nhiệm màu.”

Nói cách khác, những cuốn sách như The Hobbit không nhất thiết truyền cảm hứng để đặt chân đến những vùng đất xa xôi mà để khôi phục lại sự tươi mới của môi trường quen thuộc ngay trước mặt chúng ta. Khi bạn khám phá ra cánh cửa dẫn đến thế giới bên kia, bạn có thể nhìn thế giới qua lăng kính thần thoại và nhận ra những chiều kích khác bên trong căn nhà nhỏ của người Hobbit. Khi bạn làm được điều đó, quan điểm của bạn sẽ vĩnh viễn thay đổi; bạn bắt đầu nhìn sự vật và thấy được bản chất của chúng. Mọi thứ, từ quan cảnh bên ngoài căn hộ của bạn đến con đường bạn đi làm đều có thể trở nên ý nghĩa hơn, thậm chí kỳ diệu hơn.

Tolkien có thể bước qua ngưỡng cửa này bất cứ khi nào ông muốn. Tuy nhiên lối sống tiểu tư sản của ông là điều khiến ông khác biệt với những “hobbit” khác, là thứ khiến ông cảm thấy du lịch thể chất là một chuyện không thú vị. Một trong những người viết tiểu sử về ông đã miêu tả rằng, “trí tưởng tượng của ông không cần phải bị kích thích bởi những phong cảnh hay nền văn hóa xa lạ”. Ông chỉ cần ngồi xuống bàn làm việc và khám phá địa hình Địa Trung Hải, giải thích vì sao ông “hoàn toàn không quan tâm lắm đến việc ông đang ở đâu.” Đối với Tolkien, lối sống trong nhà của ông, dù thân thuộc đến đâu, vẫn luôn luôn tươi mới.

Việc Tolkien đắm chìm trong trí tưởng tượng của mình không có nghĩa rằng ông đang trốn tránh thực tại, mà là ông đang tái ngộ với nó. Ông thấy rõ hơn bất cứ ai cách mà một cuộc sống bình thường mang trong mình những nhiệm vụ lớn lao, những xung đột gay go, và những lựa chọn mang tính anh hùng giữa sự dũng cảm và lòng tham, giữa sự vị kỷ và lòng trắc ẩn. Vì thế, dù phạm vi cuộc sống của ông rất “hẹp”, ta không thể không cảm thấy nó rộng hơn nhiều so với những người lấp đầy trang Instagram của họ bằng hình ảnh những chuyến đi phượt khắp nơi trên thế giới.

Tolkien hiểu rằng đối với hành trình quan trọng nhất của cuộc đời – hành trình tâm linh, khám phá bản thân và làm chủ chính mình – thì địa điểm là không quan trọng.

Những cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất không cần đến hộ chiếu.

Thậm chí những cuộc phiêu lưu bên ngoài có thể gây cản trở cho hành trình nội tại của chúng ta.

 Những người lang thang đang lạc lối

“Tôi đo khoảng cách bên trong chứ không phải bên ngoài. Trong xương sườn của một người đàn ông là chiếc la bàn có thể chứa đựng mọi không gian và khung cảnh cho bất kỳ câu chuyện nào.” - Henry David Thoreau

Chắc chắc du lịch không có gì là sai khi nó không được gán với ý nghĩa đạo đức quá mức, khả năng phóng đại hay kỳ vọng lớn lao nào.

Để hiệu chuẩn lại những kỳ vọng đó cần bắt đầu bằng việc thừa nhận đi du lịch chưa chắc đem lại hiệu quả gì. Một số lợi ích - ví dụ như cơ hội mở rộng tầm nhìn, trưởng thành và học cách xử lý tình huống đột xuất – là có thật, nhưng không phải chỉ cần đi từ điểm A đến điểm B là sẽ làm được điều đó. Nếu đơn giản như vậy, tác giả của Eat, Pray, Love (Ăn, cầu nguyện, yêu), người bắt đầu cuộc hành trình khắp thế giới trong tâm thế ích kỷ, sẽ trở thành một người tốt hơn vào cuối cuộc hành trình. Tuy nhiên khi cuộc hành trình kết thúc cô ấy vẫn xem mình là trung tâm của vũ trụ.

Giá trị có thể gặt hái được từ du lịch chỉ có thể đến với những người tham gia du lịch với tư duy đúng đắn và khả năng tự lập sẵn có – những phẩm chất có thể phát triển ở bất cứ đâu và cần phải thành hình trước khi chuyến đi của bạn bắt đầu.

Nhiều người hy vọng rằng du lịch sẽ giúp họ thay đổi hoặc tìm ra chính mình, nhưng nếu bạn không thể trở thành người mà bạn muốn ở nơi bạn đang đứng, thì bạn cũng không làm được điều đó ở một địa điểm cách 5000 dặm đâu. Bởi vì, tất nhiên, dù bạn đi đến đâu bạn đều mang theo bản ngã của mình. Ralph Waldo Emerson gọi đó là những người không hài lòng với cuộc sống của mình và tìm kiếm sự thỏa mãn ở một vùng đất xa lạ và cổ xưa, chỉ đang mang “một đống đổ nát đến một đống đổ nát”:

“Văn hóa xem trọng cái tôi đã tạo nên tín ngưỡng Du lịch và những người Mỹ trở nên sùng bái Ý, Anh và Ai Cập. Họ làm cho Anh, Ý và Hy Lạp trở nên đáng kính trong trí tưởng tượng bằng cách đề cao vị trí của những nơi đó. Trong phút giây giác ngộ chúng ta nhận ra chỗ mình đang đứng mới chính là bổn phận. Linh hồn không phải một kẻ du hành; người thông thái thì ở nhà. Khi cần thiết, nhiệm vụ của anh ta, dù gọi anh ta rời làng hay gọi anh ta đến vùng đất khác, anh ấy vẫn ở nhà. Anh khiến người khác cảm nhận điều đó bằng nét mặt của anh. Anh thực hiện nhiệm vụ truyền giáo sự với sự khôn ngoan và đức hạnh, anh đến thăm từng thành phố như một vị vua, chứ không phải như một người giao thư hay một kẻ hầu.”

Tôi không phải đối việc chu du vòng quanh thế giới với mình đích nghệ thuật, học hỏi, hoặc vì lòng trắc ẩn để con người có thể thấu hiểu lẫn nhau, chứ không phải đi khắp nơi để tìm ra điều gì vĩ đại hơn điều đã biết. Người đi du lịch chỉ để truy cầu niềm vui hoặc để có được thứ anh không mang trong mình đang đi xa khỏi bản thân và già đi ngay cả khi còn trẻ. Tại Thebes, hay tại Palmyra, ý chí và tâm trí anh ta trở nên cũ kĩ và mục nát như chính phế tích tại những nơi này. Anh ta đem một đống đổ nát đến một đống đổ nát.

Du lịch là thiên đường của những kẻ ngốc. Cuộc hành trình đầu tiên dạy ta rằng địa điểm không khác gì nhau. Ở nhà tôi mơ về Naples và Rome, nơi tôi có thể say sưa trong cái đẹp rồi quên đi nỗi buồn. Tôi đóng hành lý, ôm lấy bạn bè, lên đường ra biển và cuối cùng tỉnh dậy ở Naples. Nằm nên cạnh tôi là một sự thật rõ ràng, là cái tôi buồn bã mà tôi đang trốn tránh. Tôi hướng về Vatican và những cung điện. Tôi say sưa với những cảnh quan và những điều kỳ thú, nhưng cái tôi của tôi thì không say. Cái tôi khổng lồ theo tôi bất kỳ nơi nào tôi đặt chân đến.”

Nhà khắc kỷ Seneca quan sát thấy từ hai ngàn năm trước:

“Những kẻ du hành thực hiện hết hành trình này đến hành trình khác và ngắm nhìn hết cảnh quan này đến cảnh quan khác. Lucretius từng nói” “Người đó đang chạy trốn khỏi chính mình.” Nhưng kết cục là gì nếu ta không bao giờ thoát được? Anh ta theo đuổi và nuông chiều bản thân thành một người bạn đường tẻ nhạt. Chúng ta phải hiểu rằng khó khăn không nằm ở nơi chốn mà là ở trong chính chúng ta.”

Với những người đi du lịch để tìm kiếm thứ mà họ còn thiếu, thứ cản trở họ để đạt được điều họ muốn ở nhà đang chờ họ ở sân bay nơi họ khắp hạ cánh.

Nếu một người người cảm thấy rằng họ cần phải đi để tìm thấy bản thân hoặc tìm kiếm sự trọn vẹn, thì chắc chắn rằng họ đang có ý niệm sai lầm – ý niệm bảo rằng: “Nếu tôi có/làm được X, mọi thứ sẽ thay đổi.” Đó là kiểu tư duy khiến bạn nghĩ rằng nếu bạn tìm ra chế độ ăn kiêng phù hợp, bạn sẽ giảm được cân; nếu bạn tải đúng ứng dụng sắp xếp công việc, bạn sẽ làm được nhiều việc hơn; nếu bạn có một công việc có mức lương cao hơn, bạn sẽ vui vẻ. Trong những trường hợp đó, không phải bạn đang tìm một công cụ để hỗ trợ cho mục đích của mình, bạn đang tìm cớ để không tập trung vào mục đích đó.

Nếu khám phá sân sau nhà không khiến bạn thỏa mãn, bạn sẽ không làm được chuyện đó khi ghé thăm những lâu đài ở châu Âu. Nếu bạn không thể xây dựng một đời sống nội tâm phong phú ở một vùng ngoại ô, bạn cũng sẽ không thể làm được điều đó tại một đạo tràng ở Ấn Độ. Nếu bạn không thể tìm thấy điều tươi mới trong những thứ quen thuộc và cảm nhận được sự thỏa mãn đến từ việc làm chủ được cái tôi, tâm linh và đức hạnh của mình, thì một chuyến đi vòng quanh thế giới vào mùa hè cũng không giúp bạn thoát khỏi cảm giác tẻ nhạt và buồn chán.

Hạnh phúc và viên mãn có thể tìm thấy được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hoặc bạn sẽ chẳng bao giờ tìm ra chúng.

Những vòng khứ hồi không hồi kết

Du lịch thường được dán nhãn là cách rèn luyện lòng can đảm, nhưng nó cũng có thể được dùng làm cớ cho những gì hoàn toàn trái ngược. Việc cần đến một chuyến đi để tìm kiếm sự kích thích cho thấy sự thiếu hụt về trí tưởng tượng. Nếu một người chọn du lịch để chạy trốn những thất vọng trong cuộc sống, những hỗn độn và thiếu sót, thay vì đối mặt với nó, thì không có gì hèn nhát và giả tạo hơn.

Du lịch mang cảm giác y hệt xúc cảm đứng trước ngưỡng cửa của một điều gì đó tuyệt vời – một sự tồn tại lưng chừng ngay trước mắt mà Tolkien rất thích tìm kiếm, nhưng tác dụng của nó là tạm thời và ít khi dẫn ta đến một điều gì thật sự lớn lao hơn. Người lữ hành bắt đầu chuyến đi mà không có hiểu biết vững chắc về bản thân từ trước mà có ý định tìm thấy nó trên đường đi thì giống như một cái sàng. Những gì anh ấy tìm thấy trong chuyến đi sẽ rơi qua người anh và chẳng bao nhiêu đọng lại. Trong suốt chuyến đi, anh sẽ cảm thấy được tiếp thêm sinh lực, cảm thấy có mục đích và động lực để chạm tay tới những gì vĩ đại.

Nhưng đó chỉ là nhầm lẫn giữa chuyển động mà sự tiến bộ mà thôi.

Khi anh trở về nhà, những cảm giác này sẽ cạn kiệt và chỉ có thể được hồi sinh bằng cách thực hiện một chuyến đi khác, nhận thêm một cú hích nữa từ cơn sốt du lịch. Trải nghiệm tại ngưỡng cửa, thay vì dẫn đến những điều lớn lao hơn, chỉ đơn thuần biến thành một chu kỳ lặp đi lặp lại, những con tem trên hộ chiếu tăng lên nhưng ý nghĩa thì trống rỗng.

Du lịch nên được tiếp cận như cách chúng ta đối xử với một mối quan hệ tình cảm lành mạnh. Thay vì tìm kiếm một đối tác có thể đáp ứng những mong muốn của bạn, hãy đến với họ khi đã thấu hiểu cái tôi của mình. Thay vì tìm kiếm bạn đời để cuộc sống trở nên hoàn thiện, hãy xem họ như người giúp bạn mở rộng và nâng cao nền tảng vững chắc mà bạn sẵn có.

Tương tự, du lịch không nên được xem như một liều thuốc thần kỳ, một phương thức chữa bệnh bí truyền, một thứ cần thiết cho sự phát triển cá nhân của bạn, mà là một sự thêm vào đối với một cuốn sống đã có mục đích và trọn vẹn – một thú tiêu khiển hấp dẫn, một sở thích như mọi sở thích khác, có người thích, có người không.

Du lịch không phải là cách để thoát khỏi cuộc sống. Du lịch giúp nâng cao giá trị cuộc sống.

Kết luận

“Tay chân ta còn chỗ nhưng linh hồn đã rỉ sét trong góc. Hãy tìm về bên trong mình, đừng để bị gián đoạn, và mỗi ngày dựng lều ở gần chân trời phía tây hơn.” - Henry David Thoreau

Ngày nay du lịch được xem như một phép thử: bạn đi du lịch càng nhiều thì bạn càng sống một cuộc đời dũng cảm, thấu hiểu văn hóa và biết làm đa dạng đời sống của mình. Bạn du lịch càng ít thì cuộc sống của bạn càng tù túng và hạn hẹp.

Nhưng mọi chuyện không rõ ràng trắng đen như thế. Một người đàn ông đã đặt chân đến mọi lục địa có thể có một tâm hồn nông cạn chưa xước được bề mặt, một người đàn ông chưa từng rời khỏi quê nhà có thể có tâm hồn sâu hơn cả đại dương. Người đàn ông có trang Instagram đầy hình ảnh những khu di tích và hoàng hôn trên biển có thể có cái nhìn cực kỳ hạn chế về tiềm năng của cuộc sống, trong khi người không có con dấu hộ chiếu nào đã trau dồi được tâm trí sâu rộng và bao la. Người đàn ông dũng cảm phiêu lưu khắp thế giới có thể sợ hãi khi đối mặt với chính mình như bao người, trong khi người đàn ông ở yên trong ngôi nhà ấm cúng biết chính xác anh là ai và cuộc đời anh sẽ ra sao.

Hoặc ngược lại.

Những loại người này không hẳn loại trừ lẫn nhau.

Nhưng nếu bạn muốn trở thành một người có những chuyến phiêu lưu phong phú như đời sống nội tâm, hãy bắt đầu từ nội tâm, chứ đừng xách ba lô lên và đi ngay lập tức.

Tìm chiều sâu trước, rồi mới đến chiều rộng.

Và hiểu rằng cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất, quan trọng nhất của cuộc đời có thể được bắt đầu từ chính nơi bạn đang ngồi. Thậm chí không cần đóng gói hành lý, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá bản thân ngay lúc này, một hành trình cũng hào hùng và mang tính sử thi hệt như Bilbo. Bạn sẽ sớm “nói và làm những điều bạn không bao giờ ngờ tới.”

Vũ | The Art of Manliness

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Anomie: Thế hệ không biết mình muốn gì vùng vẫy trong một thế giới vô chuẩn mực

Vì sao theo đuổi đam mê là một lời khuyên nhảm nhí?

Bận lắm, bận à: Muốn không bận rộn! Hãy tập trung

Tags: