1/ “Nếp cũ” của tác giả Toan Ánh
Bộ sách cung cấp cho người đọc những hiểu biết cần thiết về cội nguồn của dân tộc, về những phong tục, tập quán, lễ nghĩa phong hóa xưa nay của ông cha ta.
Bộ sách “Nếp cũ” gồm của tác giả Toan Ánh gồm:
Với làm thơ gồm vịnh, ngâm, họa, câu đối, chơi chữ, thi ca biến thể cũng được tác giả trình bày công phu, đầy đủ giúp chúng ta có cái nhìn bao quát một thể loại văn chương mang giá trị giải trí, gửi gắm nỗi lòng của nhân dân ta.
Riêng với họa gồm: Tranh thủy mặc, tranh màu, tranh bình dân, tranh tết, trang trang trí, nghệ thuật in tranh, bồi tranh từ thời xa xưa với các làng nghề cũng được tác giả trình bày cặn kẽ, giúp độc giả có cái nhìn rộng rãi hơn về một loại hình nghệ thuật tương đối ít phổ biến ở nước ta thời xưa.
2/ “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính
"Việt Nam phong tục” là một nghiên cứu khá kĩ lưỡng, bức tranh toàn diện về phong tục, tập quán của người Việt, từ phong tục trong gia đình, làng xã đến phong tục quốc gia, xã hội được viết với văn phong hiện đại dù vẫn chịu ảnh hưởng của lối viết biền ngẫu đăng đối trong văn học cổ. Mỗi chương, mục đều được tác giả trình bày và diễn giải khúc chiết, ngắn gọn, rõ ràng với quan điểm khá tân tiến so với những người cùng thời.
3/ “Văn minh Việt Nam” và “Hội Hè Lễ Tết của người Việt” của tác giả Nguyễn Văn Huyên
“Văn minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên là một trong số ít nghiên cứu đặt vấn đề tiếp cận văn hóa Việt Nam một cách tổng thể. Với kết cấu bao gồm 12 chương, tác phẩm sẽ cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, những gì thuộc về bản sắc Việt Nam, được gọi là "tật xấu" hoặc "nét đẹp" trong văn hóa người Việt.
Phần mở đầu, Nguyễn Văn Huyên trình bày về đất nước và lịch sử Việt Nam. Chương I với những thông tin nhân trắc học. Ba chương sau tác giả nghiên cứu tổ chức xã hội của người Việt từ gia đình đến làng xã và nhà nước. Ba chương tiếp là kiến trúc nhà ở của người Việt, các phương thức tập trung dân chúng ở nông thôn và thành thị, cũng như các hành vi ứng xử của người Việt đối với cơ thể, từ cách ăn cách mặc đến cách chăm sóc khi ốm đau hoặc làm đẹp. Bốn chương cuối, đề cập đến đời sống kinh tế, đời sống tôn giáo, cũng như đời sống tư tưởng, văn học và nghệ thuật.
“Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt” tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận này, trước hết, là cách trò chuyện thú vị và hấp dẫn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người cũng đang mong muốn và thậm chí, tham vọng tìm hiểu Việt Nam một cách kỹ càng. Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, Nguyễn Văn Huyên còn tiến đến những vỡ lẽ nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.
Cuốn sách đưa người đọc đắm mình trong không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu…, cho ta hình dung rõ ràng và như được tham dự Lễ hội Phù Đổng. Những điều đặc biệt khác, như tục thờ cúng thần tiên, sự có mặt khắp chốn của thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử, sự phong nhiêu của thần tiên gốc Việt…, cũng sẽ được tác giả mô tả, phân tích hết sức sinh động, tinh tế và khoa học.
4/ “Việt Nam văn hóa sử cương” của học giả Đào Duy Anh
“Việt Nam văn hoá sử cương” là một nỗ lực của học giả Đào Duy Anh nhằm giải quyết cuộc va chạm giữa văn hóa Việt Nam truyền thừa từ bao đời và văn hóa Âu tây mới lan tràn. Đào Duy Anh nhìn nhận cuộc va chạm ấy chính là “bi kịch hiện thời” của dân tộc, một bi kịch đến từ “sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương”. Và để giải quyết sự xung đột này, Đào Duy Anh đề nghị “một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”. Tác phẩm Việt-nam văn-hóa sử-cương chính là lời giải cho nan đề đầu tiên của tác giả: văn hóa xưa là thế nào?
5/ “Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam” của tác giả Vũ Ngọc Phan
“Tục Ngữ - Ca Dao - Dân Ca Việt Nam” là một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong sự nghiệp trước tác của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, người được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (1996) cho chính tác phẩm này. Cuốn sách được ông dày công sưu tầm, khảo cứu trong suốt những năm tham gia kháng chiến chống Pháp, đặc biệt từ khi chuyển sang làm công tác nghiên cứu văn sử địa, và hoàn thành công trình của mình vào năm 1956.
Có thể nói, đây là công trình để đời của nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan. Bên cạnh phần tuyển chọn công phu về tục ngữ, ca dao, dân ca vô cùng đa dạng và phong phú của dân tộc Việt Nam ta (trong đó có cả của một số dân tộc ít người), cuốn sách còn có phần nghiên cứu đầy tâm huyết của tác giả về loại hình văn học dân gian này. Đặc biệt, phần biên khảo về dân ca với các loại hình như hát trống quân, hát xẩm, quan họ, hát ghẹo Phú Thọ, hát ví, giặm Nghệ Tĩnh, hò Huế, dân ca Nam Bộ... rất có giá trị.
6/ “Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hạnh
Tác phẩm “Văn Hóa Tín Ngưỡng Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hạnh là tác phẩm biên khảo về tín ngưỡng của người Việt khởi từ thời dựng nước với khái niệm thờ: Trời, đất, tổ tiên. Những niềm tin dân gian của ông bà ta xưa vẫn còn lưu truyền đến ngày nay thông qua kho tàng ca dao. Tiếp đến là sự giao thoa văn hóa với 4 tôn giáo lớn ở Việt Nam là Nho, Phật, Lão, Công Giáo. Chính sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian Việt Nam và 4 tôn giáo lớn này đã hình thành nên nhiều tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo, Hòa Đồng Tôn Giáo.
Sự giao thoa, tiếp thu và chọn lọc đó đã làm nên một đặc sắc trong chiều kích tâm linh đó là các tôn giáo du nhập phải được điều chỉnh và chứa đựng được yếu tố tín ngưỡng của người Việt. Chính những ảnh hưởng giao thoa này góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, tín ngưỡng của người Việt xuyên suốt từ thuở dựng nước đến nay.
7/ “Một thức nhận về văn hóa Việt Nam” của tác giả Phan Ngọc
Trong cuốn sách, tác giả giới thiệu một cách hiểu về văn hóa Việt Nam, phân tích các vấn đề văn hóa ở mặt quan hệ, lý giải tại sao có những cách giải quyết khác nhau trong các nền văn hóa khác nhau ở các vấn đề có tính toàn nhân loại. Một tác phẩm vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa, giúp người đọc có cái nhìn bao quát, thấu hiểu đường lối của Đảng, tư tưởng Bác Hồ trong lịch sử-hiện tại, từ đó đổi mới, nâng cao văn hóa ở từng cá nhân phù hợp với hoàn cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
8/ Bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của tác giả Hữu Ngọc
Bộ sách “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của học giả Hữu Ngọc vừa là một cuộc lãng du chữ nghĩa, vừa giống cẩm nang văn hóa Việt, một “bách khoa toàn thư” thu nhỏ về văn hóa xứ sở tiên rồng.
Bộ sách được chia làm 3 tập: Đất Việt (103 bài), Lịch sử - Truyền thống (150 bài) và Văn hóa – Bản sắc dân tộc – Văn học – Nghệ thuật (122 bài).
Bạn đọc sẽ tìm được “cái thú” khi là người Việt tìm hiểu về văn hóa Việt qua một cuốn sách khởi nguyên dành làm cầu nối giới thiệu đất nước, con người Việt tới bạn bè quốc tế và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của quê hương, của văn hóa - những điều chưa trải, những điều trải chưa sâu, những vẻ đẹp không nhiều khi rực rỡ mà lắm lúc vì quá bình dị và quen thuộc nên chưa được lưu tâm.
Qua bộ sách, bạn đọc sẽ hiểu thêm về cội nguồn, truyền thống và tương lai văn hóa dân tộc, để bước vào thời kỳ hội nhập “hòa nhập nhưng không hòa tan”, hiểu văn hóa xứ sở mình song hành cùng tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
9/ “Cơ sở văn hóa Việt Nam” của tác giả Trần Ngọc Thêm
Giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” này được biên soạn theo sát chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 1995. Theo đó, hệ thống văn hóa Việt Nam được xem xét một cách đồng đại theo ba thành tố “nhận thức - tổ chức - ứng xử”, nhưng trong mỗi thành tố lại chú trọng tới tính lịch đại của nó.
Khởi đầu từ hệ tọa độ mà văn hóa Việt Nam được định vị, ta thu được cái tinh thần là văn hóa nhận thức và văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng, để rồi cái tinh thần đó tác động vào đời sống vật chất (Chương V) và cách thức ứng xử với môi trường xã hội. Từ quá khứ, chúng ta đã đi dần đến hiện tại, để rồi cuối cùng kết thúc bằng việc xem xét cuộc xung đột hệ giá trị giữa văn hóa cổ truyền với những yêu cầu của văn hóa hiện đại và sự chuyển đổi hệ giá trị đang diễn ra trước mắt.
- Trạm Đọc tổng hợp
- Ảnh đầu bài: Dự án “Sợi Mắc Sợi Mành” của tác giả Todd Huynh - Huỳnh Minh Thống