Bạn có đam mê không? Công việc thì sao? Thế còn sở thích của bạn? Bạn đam mê điều gì? Làm thế nào để gắn kết những đam mê đó vào cuộc sống của bạn?
Đây là những câu hỏi rất quan trọng – những câu hỏi liên quan chặt chẽ đến phát triển cá nhân và hạnh phúc của chính bạn. Tôi cực kỳ ủng hộ tư tưởng hãy làm những gì bạn đam mê, điều hay thường được hô hào rằng “hãy theo đuổi đam mê của bạn.” Tiếc thay, dạo gần đây có những kẻ kẹt xỉn với đam mê nhưng lại chạy khắp Internet và đưa ra quan điểm vô trách nhiệm về việc theo đuổi đam mê của bạn. Dù những người này có dụng ý tốt, kết quả cho những lời khuyên của họ - từ bỏ mọi thứ để chạy theo tiếng gọi của đam mê - là một thảm họa.
Mùa hè vừa rồi tôi và Ryan đã may mắn được tham gia một lớp học nhỏ với Cal Newport. Chúng tôi thảo luận về cuộc sống, thói quen, sự kỷ luật và tại sao “theo đuổi đam mê” là một lời khuyên nhảm nhí.
Tiến sĩ Cal Newport, 30 tuổi, là một giáo sư dự khuyết môn khoa học máy tính tại Đại học Georgetown. Anh quan tâm đến việc vì sao nhiều người sống một cuộc sống thành công, thú vị và có ý nghĩa trong khi nhiều người khác lại không. Tự nhận bản thân là kẻ lập dị, Cal không hài lòng với những khẩu hiệu sáo rỗng (Ví dụ như: Hãy theo đuổi đam mê của bạn!) hay những lời khuyên thường gặp (Muốn thành công thì phải chịu được stress). Thay vào đó, anh ấy đào sâu hơn và tìm cách giải mã những khuôn mẫu rực rỡ về thành công.
Tôi luôn tôn trọng Cal vì những quan điểm trái chiều của anh ấy. Trang web của anh ấy, Study Hacks, là một trong số ít những trang blog tôi theo dõi. Trong 2 năm trở lại đây Cal đã giúp tôi thay đổi nhận thức của mình về một số khía cạnh quan trọng trong cuộc sống, bao gồm quan điểm về những khẩu hiệu như “theo đuổi đam mê của bạn.” Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa tôi và Cal.
Tôi: Tôi thường thấy trên mạng lời khuyên “Hãy theo đuổi đam mê của mình.” Vì sao lời khuyên này lại hấp dẫn? Vì sao nó là một lời khuyên tồi?
Cal: Nó hấp dẫn vì nó vừa đơn giản lại vừa táo bạo. Nó nói rằng bên trong bạn có một kim chỉ nam, và nếu bạn có thể khám phá ra và có đủ dũng khí để theo đuổi nó, đời sống công việc của bạn sẽ thăng hoa. Một bước ngoặt lớn có thể làm thay đổi mọi thứ, một câu chuyện tuyệt vời.
Vấn đề là chúng ta không có nhiều bằng chứng đảm bảo rằng có đam mê sẽ làm được như vậy. “Hãy theo đuổi đam mê của bạn.” Thử giả định rằng: một, bạn có sẵn niềm đam mê, và hai, nếu niềm đam mê này phù hợp với công việc của bạn, bạn sẽ thích công việc đó.
Khi tôi nghiên cứu về vấn đề này, nó phức tạp hơn nhiều. Hầu hết mọi người không có sẵn đam mê. Các nghiên cứu tại nơi làm việc cho thấy mọi người thích công việc của họ vì nhiều lý do khác nhau hơn là vì nó phù hợp với một sở thích có sẵn.
Tôi: Anh chủ trương nuôi dưỡng đam mê thay vì theo đuổi nó. Vậy sự khác biệt chính là gì?
Cal: “Theo đuổi” ngụ ý rằng trước tiên bạn phải khám phá ra đam mê đó là gì sau đó đi tìm một công việc phù hợp với nó. Tìm xong là xong chuyện.
“Nuôi dưỡng” ngụ ý rằng bạn cần nỗ lực để xây dựng đam mê đối với công việc của mình. Đây là một quá trình dài hơi nhưng chắc chắn sẽ giúp bạn gặt hái được nhiều hơn. Nó buộc bạn tiếp cận với những gì bạn đang làm với sự khéo léo. Bạn cần trau dồi năng lực rồi thúc đẩy các giá trị đến mức tối đa rồi mới có thể định hình đời sống công việc theo lối sống phù hợp với bạn.
Tôi: Trong nghiên cứu của ông, một số quan điểm sai lầm phổ biến về theo đuổi đam mê mà ông phát hiện ra là gì?
Cal: Vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải là câu chữ. Khi tôi nói “Đừng theo đuổi đam mê của bạn”, một số người cảm thấy khó chịu vì họ cho rằng tôi đang nói “Đừng theo đuổi việc trở nên đam mê với công việc của mình.” Nhưng ý của tôi không phải như thế. Có đam mê rất tuyệt. Tuy nhiên tôi không thấy nhiều bằng chứng chứng minh rằng đam mê là một sự tồn tại hiển nhiên đang chờ đợi được khám phá. Chúng ta cần làm việc chăm chỉ và có kế hoạch để phát triển đam mê.
Tôi: Trong một bài phát biểu gần đây, anh nói rằng: “Hãy làm theo những gì Steve Jobs làm, đừng làm theo những gì ông ấy nói.” Tôi nghĩ đây là một lời khuyên tuyệt vời. Ông có thể giải thích thêm không?
Cal: Trong bài phát biểu mừng tốt nghiệp nổi tiếng tại Đại học Stanford, Steve Jobs đã nói (tôi xin được thuật lại ý thay vì trích dẫn nguyên câu): Bạn phải tìm ra thứ bạn yêu, đừng an phận.
Nếu anh đọc những gì cánh báo chí và mạng xã hội nói về bài phát biểu đấy, khá rõ là có nhiều người giải thích lời của ông ấy thành “hãy theo đuổi đam mê”. Tuy nhiên nếu bạn xem lại tiểu sử của Steve Jobs thì đó không phải điều mà ông ấy đã làm. Ông ấy tình cờ tạo ra máy tính Apple. Đó là một phi vụ nhằm kiếm chác 1000 đô la nhanh nhất có thể. Khi đó ông ấy đang “đam mê” với chủ nghĩa thần bí của phương Đông.
Nhưng Jobs luôn chào đón những cơ hội. Khi ông cảm thấy kế hoạch của mình có tiềm năng vượt xa dự định ban đầu, ông thay đổi ý định và dành rất nhiều công sức để xây dựng một công ty phát triển máy vi tính. Ông ấy nuôi dưỡng đam mê. Ông ấy không theo đuổi nó.
Tôi: Thông thường mọi người rất dễ hào hứng (tức đam mê) với một ý tưởng mới nhưng họ nhanh chóng mất đi nhiệt huyết và khả năng biến ý tưởng ấy thành hiện thực. Vì sao điều này lại xảy ra? Làm sao để khắc phục vấn đề này?
Cal: Một vấn đề mà chúng ta ít khi bàn luận tới là đam mê thật sự là như thế nào. Cảm giác phấn khích với một ý tưởng thường là xúc cảm khác với một đam mê đủ sâu sắc để thúc đẩy ta phấn đấu vì một sự nghiệp viên mãn. Sự phấn khích đến rồi đi. Đam mê thật sự xuất hiện sau khi bạn đã bỏ ra nhiều giờ để trở thành người thợ tài hoa trong lĩnh vực của mình, rồi sau đó bạn có thể tận dụng những giá trị bạn tạo ra để có được quyền tự chủ và sự tôn trọng và kiểm soát được con đường sự nghiệp.
Tôi: Nếu một người đang lạc lối và không biết đam mê của mình là gì, ông sẽ khuyên cô ấy làm gì bắt đầu nuôi dưỡng đam mê?
Cal: Đây là điểm đáng lưu ý: Không có đam mê đặc biệt nào đang chờ bạn khám phá. Đam mê là thứ cần được nuôi dưỡng. Nó có thể phát triển ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cho nên nói rằng “Tôi không biết đam mê của mình là gì” là điều vô lý. Điều nên nói là: “Tôi vẫn chưa nuôi dưỡng đam mê của mình”, tôi nên tập trung vào một số ít điểm quan trọng và bắt đầu quá trình này.
Vũ | The Minimalist