Đọc ‘Miền đất hứa’ để biết Obama đã nghĩ gì, làm ra sao khi quyết trở thành tổng thống
Đọc ‘Miền đất hứa’ để biết Obama đã nghĩ gì, làm ra sao khi quyết trở thành tổng thống
TTO - Liệu khi đã ngồi trong Nhà Trắng với quyền lực trong tay, thì Obama có thể khiến cho thế giới tốt đẹp hơn, ít người lâm vào cảnh bần cùng hơn, hay chiến tranh cũng ít diễn ra hơn như ông từng ước mơ?

Năm 1989, chàng sinh viên luật Barack Obama  đang ở Harvard, ngồi một mình trong tầng hầm của một căn hộ, mắt dán vào chiếc tivi cũ để theo dõi một cuộc biểu tình.

Ảnh: Báo Tuổi trẻ online

 "Tôi nhớ mình đã bị những người biểu tình đó hút hồn và truyền cảm hứng mãnh liệt", ông kể lại.

Cụ thể hơn, cựu tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ đã bị hút hồn bởi "những con người trẻ tuổi dám mạo hiểm tất cả chỉ để có quyền tự quyết với cuộc sống của chính mình, để cởi bỏ thế giới của những bạo tàn, của phân chia đẳng cấp, của chia rẽ, lừa dối và bất công cũ".

Đêm đó, thay vì đọc sách tình huống pháp lý chuẩn bị cho ngày học hôm sau, Obama đã thức rất khuya để viết nhật ký, đầu óc bùng lên những suy nghĩ cấp bách, dù chưa hoàn thiện hay rõ ràng, về việc thay đổi thế giới.

Tôi gia nhập chính trường để giúp trẻ em được học hành tốt hơn, giúp các gia đình tiếp cận y tế, giúp nước nghèo sản xuất thêm lương thực - đó là loại quyền lực mà tôi dùng làm thước đo cho bản thân.

- Cựu tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, Barack Obama, chia sẻ trong cuốn tự truyện "Miền đất hứa" - 

Lý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn là một trong những điểm nổi bật nhất mà mọi độc giả đều sẽ cảm nhận được qua hơn 1.000 trang sách của cuốn tự truyện Miền đất hứa (tựa gốc A Promised Land).

Ít nhất, thông qua cuốn sách, Barack Obama cũng khiến ta tin lý tưởng đó chính là kim chỉ nam và là nguồn sức mạnh cho hành trình tranh cử vào Nhà Trắng lẫn 8 năm giữ cương vị tổng thống Mỹ của mình.

Trải qua tuổi thơ ở Indonesia, Obama đã nhìn thấy những đứa trẻ Đông Nam Á thiếu sách và trường học, bằng chứng cho "hố sâu cách biệt trong cuộc sống giữa tầng lớp tinh hoa giàu có và quần chúng bần hàn".

Khi đi học luật ở Harvard, chứng kiến các phong trào đấu tranh, ông dần mường tượng rằng "hành nghề luật chỉ là một chỗ dừng chân tạm thời", rằng ý chí thay đổi xã hội rồi đây sẽ đưa ông đến một nơi khác.

Sau khi tốt nghiệp và nhảy cóc qua nhiều công ty, Barack Obama dừng chân ở một công việc xã hội tại Chicago với trách nhiệm ổn định cuộc sống cho các cộng đồng bị tác động sau khi nhà máy thép đóng cửa.

"Có vẻ như trong mỗi một vấn đề chúng tôi đều đụng phải một ai đó - một chính trị gia, một quan chức, một giám đốc ở nơi xa xôi nào đấy - những người có quyền lực để làm mọi thứ tốt đẹp lên nhưng họ đã không làm", ông kể về thách thức khi ấy.

 Cũng từ đó, Obama đã ấp ủ mơ ước sẽ đặt chân vào chính trị để tạo nên những thay đổi nhanh chóng và thiết thực hơn.

Trong Miền đất hứa, Obama hiện lên như nhân vật chính trong một câu chuyện phiêu lưu đầy kịch tính, trong đó người hùng hướng thiện phải vượt qua những kẻ phản diện mang nhiều gương mặt: thói chuyên quyền, tư tưởng phân biệt, bảo thủ, sự chia rẽ, nỗi sợ, hay đôi khi đơn giản chỉ là thói tư lợi cá nhân của ai đó.

Nhân vật chính diện không ngừng đặt câu hỏi về phần mơ mộng trong lý tưởng của mình. Càng về sau, khi bước chân sâu vào chính trường và đối mặt với các vấn đề phức tạp hơn, các quyết sách mang tính quyết định hơn, thì sự tự vấn của Obama lại càng chất chồng.

Thế nhưng, thực tế không phải lúc nào cũng thuận theo điều ta mong cầu. Chẳng hạn như ông đã thú thực "Có lẽ sự rối loạn ở Trung Đông sẽ tiếp diễn rồi kết thúc bất chấp tôi có làm gì".

Qua từng trang sách, Obama cho chúng ta thấy bản thân đã đắn đo ra sao về cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, về chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, hay về đạo luật chăm sóc sức khỏe Obamacare…

Cựu tổng thống Mỹ cũng nhắc lại những điều ông đã hứa trong các bài diễn văn tranh cử của mình, nhưng sau đó lại chưa thể làm được, hay thẳng thắn trước những chỉ trích rằng ông giỏi xây dựng hình ảnh hơn là có khả năng thay đổi thực sự.

Liệu khi đã ngồi trong Nhà Trắng với quyền lực trong tay, thì Obama có thể khiến cho thế giới tốt đẹp hơn, ít người lâm vào cảnh bần cùng hơn, hay chiến tranh cũng ít diễn ra hơn như ông từng ước mơ?

Phải chăng "bất kể chúng ta nói hay làm gì, lịch sử chắc chắn sẽ vẫn chạy theo lộ trình đã định trước của nó, một chu kỳ vô tận của sợ hãi, đói khát và xung đột, của sự thống trị và sự yếu đuối"?

Đứng trước vị thế của bản thân và áp lực của các mối quan hệ, con người sẽ thỏa hiệp đến đâu? Và có khi nào, sâu thẳm trong ta cũng là ham muốn quyền lực và cái tôi muốn chứng minh? 

Đó là những câu hỏi mà cựu tổng thống Mỹ đã không ngừng đặt ra cho chính mình, và qua cuốn tự truyện, ông cũng thôi thúc độc giả tự vấn chính họ để trở nên tốt hơn.

Khi gấp sách lại, ta biết được một ý niệm mơ hồ sẽ phải được tôi luyện ra sao để trở thành một lý tưởng để phấn đấu. Ta biết rằng những người "sa lầy trong đói kém và vô vọng" vẫn đâu đó đang tồn tại ở khắp nơi, khiến ta có thể một lần muốn giống như Obama: quyết tâm làm một việc gì đấy để tạo nên sự thay đổi cho thế giới.

Thông qua cuốn tự truyện của cựu tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, ta ít nhất học được cách chọn niềm tin để giữ mình vẫn luôn tiến bước về phía trước.

Cuối cùng, ông viết trong sự lạc quan "Lịch sử của chúng ta luôn là tổng số của những lựa chọn và những hành động mà mỗi một cá nhân thực hiện", rằng "tất cả đều phụ thuộc vào chính chúng ta".

 Theo Báo Tuổi trẻ online

 

Tags: