Tuy nhiên, triển lãm ô tô năm nay ghi nhận một sự thay đổi. Một số hãng xe đã không sử dụng người mẫu nữ để tô điểm thêm cho các mẫu xe của họ. Tại gian hàng của Rolls Royce không có một người mẫu nữ nào. Ở gian hàng của Toyota, vẫn có những người phụ nữ đứng đó nhưng họ chỉ làm nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng về các mẫu xe mới của hãng.
Không chỉ tại triễn lãm xe ô tô, ngay cả trong thể thao, từ năm 2018, giải đua công thức 1 sẽ không sử dụng các cô gái xinh đẹp đứng trước dàn xe, cầm cờ, cầm ô che cho các tay đua trước giờ xuất phát. Ban tổ chức giải đua công thức 1 cho rằng, việc sử dụng người mẫu nữ tại các đường đua nay đã không còn phù hợp và cách làm này đã trở nên lỗi thời so với các chuẩn mực xã hội hiện đại.
Vậy thì, bao giờ VTV mới ngừng sử dụng các “hot girl” trên sóng truyền hình để bình luận World Cup (và bóng đá nói chung)?
Từ những hot girl ngồi nhầm chỗ…
Bản thân là một người phụ nữ và quan tâm đến bóng đá, tôi hiểu rằng bóng đá là môn thể thao với tỷ lệ người quan tâm là nam giới chiếm phần lớn, nên người ta xem việc sử dụng những cô gái “chân dài” như một điều tất lẽ dĩ ngẫu, như một sự tô điểm không thể thiếu, và rõ ràng là phương pháp này đã đạt được những hiệu quả nhất định nên mới được ứng dụng trên nhiều quốc gia và nhiều chương trình. Việc nhìn ngắm những cô gái xinh đẹp trên sóng truyền hình cũng khá bắt mắt, nhưng mọi chuyện có lẽ sẽ ít gây thị phi và ít gây tranh luận nếu những chân dài này chỉ dừng lại ở sân khấu giao lưu chứ không ngồi trên sân khấu bình luận.
Trước, trong và sau một trận bóng đá, điều một người hâm mộ hi vọng là được nghe những bình luận, phân tích, đánh giá của những người có chuyên môn. Nhưng suốt 4 ngày diễn ra World Cup vừa qua, cứ hễ đến phần bình luận là tôi… tắt tiếng. Vì các em hot girl thật sự nhạt nhẽo, ngờ nghệch và vô quyên quá.
Ngay sau trận thắng 1 – 0 đầy kịch tính của đội tuyển Uruguay trước đối thủ Ai Cập, cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong đêm không phải là bất kì cầu thủ nào của một trong hai đội tuyển trên mà lại là một cô gái với phát ngôn để đời: “Em thích Salah, mong anh ra sân và em mong Uruguay… vì đội hình Uruguay đỉnh hơn”. Thêm nữa, cô là đại diện đội tuyển Pháp (?!?)
Ảnh chế của fanpage Trollbongda
Tương tự như vậy, hầu hết phát ngôn của các hot girl này đều khá “ngắn gọn và súc tích”, xoay quanh các nội dung như: “Em thấy đó là một tình huống rất đáng tiếc”, “Em thấy đây là một trận đấu rất kịch tính/hấp dẫn/thú vị… ạ”, “Em thấy rất ok ạ”,... Toàn là những câu bình luận hết sức vô thưởng vô phạt mà thà chẳng nói còn hơn. Có những phát ngôn dài hơn, sâu hơn thì người nói lại như đọc thuộc sẵn và đôi khi Bình luận viên còn phải nhắc bài. Tuy hơi xấu tính, nhưng tôi đã ngồi đếm thử, hiếm khi nào các em ấy nói quá 30s, và phần lớn là ậm ừ, nói rất chậm và hầu như không có thông tin gì đáng giá, thậm chí là sai lệch hoàn toàn.
Một bình luận khác cho rằng Ronaldo, Ronaldinho và Pele... cùng thời với nhau?!?
Thẳng thắn mà nói, sự xuất hiện của các hot girl này không mang giá trị nào khác hơn sự phụ họa như một bình hoa trang trí. Người xem thì vẫn tiếp tục khó chịu, tiếp tục “chửi” sự “Đẹp nhưng mù bóng đá” của các em. Vừa đáng thương, vừa đáng giận. Được trả tiền, lại được lên sóng Đài truyền hình Quốc gia, phỏng ai mà không thích?
Cái sai ở đây là VTV sai. Họ sai khi đánh giá quá thấp người xem truyền hình và mang tư tưởng ấu trĩ, kệch cỡm ấy lên sóng hết lần này đến lần khác. Tại sao không sử dụng những bình luận viên nữ có chuyên môn? Nếu nói Việt Nam không có nữ giới giỏi bóng đá, tôi nghĩ họ nên xem lại kiến thức của mình. Đội tuyển nữ vinh quang của Việt Nam ở đâu khi họ nói ra câu ấy? Họ thậm chí còn vừa xinh đẹp vừa tài năng nữa kìa!
Hoa khôi bóng đá Ngọc Châm
Hoa khôi bóng đá Tuyết Dung
Đến giá trị thật sự của người phụ nữ...
Một các cá nhân, tôi phản đối việc sử dụng các cô gái xinh đẹp như một cách thu hút sự chú ý về mặt thị giác. World Cup đã đủ nóng và hấp dẫn rồi, thực tế không cần thêm những “phụ gia” như thế nữa. Một chương trình tầm cỡ thế giới, được hàng tỉ con người háo hức mong chờ bỗng dưng trở thành một show tạp kĩ giải trí không hơn không kém.
Nhìn lại một chút, khi đội tuyển U23 trở về từ Thường Châu, người ta háo hức, tự hào vì thành công của các em và sự tinh tế của Vietjet khi đầu tư hẳn một chuyên cơ riêng trang hoàng đẹp mắt đi đón các em bao nhiêu, thì lại phản cảm với đội ngũ người mẫu trình diễn trên máy bay bấy nhiêu. Một sự phô trương thừa thãi và xúc phạm đến cả người xem lẫn danh tiếng của các người mẫu, gây ra một làn sóng phẫn nộ từ phía người hâm mộ. Dù cho đây có phải là một sự sắp xếp có chủ ý hay không, có phải là một chiêu bài PR hay không, thì việc sử dụng thân thể phụ nữ làm công cụ mua vui rõ ràng không thể là một ý kiến hay.
Phụ nữ sinh ra với những đường cong và vẻ đẹp đáng được trân trọng và tôn vinh chứ không phải để trở thành vật trang trí. Tại sao người ta ngày càng ít quan tâm đến các cuộc thi nhan sắc? (Trừ Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia khác). Tại châu Âu và Bắc Mỹ, người ta cho rằng các cuộc thi sắc đẹp là sự xem thường giá trị của người phụ nữ với thông điệp ngầm mà cuộc thi gửi đi là sự đánh giá phụ nữ qua ngoại hình. Điều này càng khiến khắc sâu thêm định kiến, tạo áp lực cho nữ giới thực hiện các chuẩn mực vô hình được đặt ra cho họ để đạt đến “tiêu chuẩn của cái đẹp”, khiến thời gian, công sức và tiền bạc của họ bị đổ vào quần áo, đầu tóc, mỹ phẩm và thậm chí là phẫu thuật thẩm mĩ. Cuộc thi Hoa hậu Thế giới 1970 tổ chức ở Luân Đôn, Anh bị gián đoạn khi những người biểu tình tấn công sân khấu.
Các em hot girl lên sóng truyền hình không phải là những người vô dụng, có chăng là tác dụng của các em sẽ được phát huy ở một lĩnh vực khác ngoài bóng đá. Và thiết nghĩ, các em nên tìm một chỗ phù hợp hơn với mình, và nhường chiếc ghế bình luận kia lại cho những người “đúng” hơn các em. Hoặc giả như nếu các em vẫn nuôi một niềm đam mê với trái bóng tròn như cách các em vẫn nói, hãy quay lại VTV vào một thời điểm khác, khi các em có thể tự tin vào kiến thức, hiểu biết của mình. Chứ hiện tại, các em ngồi đó, thật sự sai quá sai!
Phương Anh
Trạm Đọc.
Trạm Đọc đăng tải quan điểm của tác giả bài viết về vấn đề này nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm đó. Hi vọng các bạn đọc bài với tinh thần khai phóng.